Mô hình nến tam giác bao gồm các đường nối đỉnh bên trên và các đường nối đáy bên dưới tụ lại ở phần đỉnh giống như tam giác. Để thành công trong giao dịch, nhà đầu tư cần nhận biết chính xác các mô hình tam giác và có cách giao dịch tương ứng với từng mô hình.
1. Mô hình tam giác là gì?
Mô hình tam giác (Triangle Pattern) là mô hình giá thường xuất hiện sau xu hướng tăng hoặc giảm, báo hiệu sự tạm dừng của xu hướng hiện tại. Đường giá sẽ hội tụ tại một điểm trước khi phá vỡ mô hình tam giác theo một hướng cụ thể.
Trên biểu đồ chứng khoán, mô hình tam giác được hình thành từ 2 đường xu hướng: Một đường bắt buộc phải dốc xuống hoặc hướng lên, còn đường kia sẽ đi theo hướng ngược lại hoặc đi ngang. Đường xu hướng đi qua các đỉnh phía trên đóng vai trò là một đường kháng cự còn đường đi qua các đáy phía dưới là đường hỗ trợ. Hai đường này thường hội tụ tại một điểm ở phía bên phải của mô hình.
Mô hình tam giác trong chứng khoán - Triangle Pattern
Trong thị trường forex, Triangle Pattern thường xuất hiện trong giai đoạn sideway - thị trường đang đi ngang. Tức là sau những đợt tăng giá hoặc giảm giá, thị trường sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh, biên độ di chuyển của giá ngày càng hẹp dần. Đây là tín hiệu cho thấy mô hình tam giác đang được hình thành.
2. Ý nghĩa của mô hình tam giác
Việc dự đoán xu hướng thị trường là vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư chứng khoán, quyết định trực tiếp đến lợi nhuận và khả năng lãi/lỗ.
Mô hình nến tam giác xuất hiện báo hiệu sự tạm dừng của xu hướng hiện tại, tuy nhiên, mô hình này không cho biết xu hướng tiếp theo thế nào mà chỉ là tín hiệu dừng xu hướng hiện tại. Để biết tiếp theo thị trường sẽ đảo chiều hay đi ngang cần phải đợi giá breakout khỏi mô hình và đưa ra những tín hiệu mới.
Theo nhiều chuyên gia phân tích thị trường, mô hình tam giác có thể dự đoán khá chính xác xu hướng của thị trường, giúp nhà đầu tư vào lệnh thuận chiều. Bởi vậy, mọi nhà đầu tư, trader đều cần phải học hỏi và nắm bắt cách nhận biết các mô hình giá, trong đó có mô hình nến tam giác.
3. Đặc điểm và cách nhận biết mô hình tam giác
Để nhận biết mô hình tam giác trong chứng khoán cần căn cứ vào các yếu tố sau:
Mô hình Triangle Pattern cần phải có ít nhất 4 điểm (tối thiểu 2 đỉnh trên và tối thiểu 2 đáy dưới) mới được coi là hình thành.
Đỉnh sau phải thấp hơn đỉnh trước và đáy sau phải thấp hơn đáy trước để hình thành độ dốc đường hỗ trợ lớn hơn độ dốc đường kháng cự.
Điểm rất quan trọng là hai cạnh của tam giác phải hội tụ về 1 điểm để hình thành nên tam giác.
Các mô hình nến tam giác có chung 3 đặc điểm lớn về đỉnh và 2 cạnh
Chú ý rằng, khi giá break out ra khỏi một trong hai cạnh của tam giác thì Triangle Pattern mới được xác nhận hoàn thành. Nếu nắm bắt được thời cơ, các nhà đầu tư có thể giao dịch thuận xu hướng và thu được khá nhiều lợi nhuận.
Mô hình nến tam giác trên biểu đồ có hình dạng khá giống với mô hình cái nêm và mô hình cờ đuôi nheo. Cho nên, để tránh nhầm lẫn với mô hình khác, các nhà đầu tư cần phải nắm chắc đặc điểm nhận dạng của các mô hình.
4. Các loại mô hình tam giác trong giao dịch chứng khoán
Mô hình nến tam giác có 3 loại phổ biến đó là: mô hình tam giác tăng, mô hình tam giác giảm và mô hình tam giác cân. Mỗi mô hình sẽ có ý nghĩa, đặc điểm riêng để nhận biết.
Mô hình tam giác tăng
Đặc điểm nhận dạng: Mô hình tam giác tăng có hình dáng khá giống hình tam giác vuông với đường kháng cự nằm ngang ở trên (đi qua ít nhất 2 đỉnh), cạnh còn lại là một thường thẳng hướng lên trên (đi qua ít nhất 2 đáy) có vai trò như đường hỗ trợ.
Ý nghĩa: Mô hình nến tam giác tăng xuất hiện ở giữa của một xu hướng tăng, dự báo phe bán đang dần trở nên yếu thế trong khi phe mua đang áp đảo và ngày càng tăng mạnh.
Các đáy ngày càng được đẩy lên cao cho thấy bên mua đang dồn sức gây áp lực nhằm phá vỡ vùng kháng cự, đây cũng là lúc nhiều trader đặt lệnh buy stop. Đến khi sức mua đủ mạnh làm giá vượt ra khỏi đường kháng cự tiếp tục tăng thì các lệnh chờ trên cũng đồng loạt được kích hoạt.
Thế nhưng trong thực tế, đôi khi lực mua không đủ sức đẩy giá vọt lên trên do ngưỡng kháng cự quá mạnh, vì thế bạn nên kết hợp thêm nhiều chỉ báo khác để phân tích, không nên quá lạm dụng mô hình lý thuyết.
Mô hình tam giác giảm
Đặc điểm nhận dạng: Mô hình này gồm một cạnh phía dưới đi qua các đáy là đường hỗ trợ nằm ngang và một cạnh phía trên là đường kháng cự nối các đỉnh và có hướng dốc xuống. Hai cạnh này gặp nhau tại một điểm phía bên phải của mô hình.
Ý nghĩa: Trước khi hình thành tam giác giảm, thị trường thường dao động trong một xu hướng giảm, phe bán đang chiếm ưu thế và phe mua yếu dần. Đỉnh sau dần thấp hơn đỉnh trước thể hiện lực bán đang ngày càng tăng và áp đảo. Đến khi lực bán đủ lớn, giá sẽ phá vỡ đường hỗ trợ và giảm mạnh.
Lúc này nhà đầu tư có thể cân nhắc lên lệnh chờ sell stop, khi giá xuống đến điểm đặt sẵn, lệnh sẽ tự động khớp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đợi tam giác hình thành hoàn chỉnh mới nên thực hiện giao dịch nhằm hạn chế rủi ro thua lỗ.
Mô hình tam giác cân
Đặc điểm nhận dạng: Khác hoàn toàn với 2 mô hình trên, mô hình nến tam giác cân sẽ có một đường kháng cự dốc xuống và đường hỗ trợ dốc lên, hai đường này hội tụ tại 1 điểm phía bên phải của mô hình. Do 2 cạnh này tạo với cạnh đáy 2 góc bằng nhau nên được gọi là mô hình tam giác cân.
Điều kiện hình thành mô hình tam giác cân là mỗi cạnh phải tiếp xúc tối thiểu với 2 đỉnh hoặc 2 đáy.
Ý nghĩa: Trong mô hình này, cả 2 phe mua và bán đều đang chờ đợi và sẵn sàng phản công nếu một trong hai bên đẩy giá đi lên hoặc đi xuống. Vì thế đây là giai đoạn giá di chuyển trong vùng tích lũy. Khối lượng giao dịch ngày càng giảm làm biên độ giao động của giá ngày càng hẹp lại.
Mô hình này rất khó áp dụng để dự đoán hướng phá vỡ của giá. Theo kinh nghiệm từ các nhà đầu tư kỳ cựu, giá sẽ thường breakout và tiếp tục di chuyển theo xu hướng cũ trước đó, tỷ lệ giá đảo chiều tăng lên hoặc giảm xuống thường thấp hơn.
5. Cách giao dịch với mô hình tam giác
Mỗi mô hình tam giác sẽ cung cấp tín hiệu khác nhau, cần phải nhận dạng sớm, chuẩn và phân loại tín hiệu để lên chiến lược giao dịch phù hợp. Các bước chung khi giao dịch với Triangle Pattern như sau:
Bước 1: Xác định xu hướng
Mọi mô hình tam giác đều xuất hiện sau một xu hướng rõ ràng, bởi vậy nhà đầu tư cần phải kết hợp các công cụ và phân tích đa khung thời gian để xác định xu hướng.
Bước 2: Nhận diện mẫu hình tam giác
Sử dụng công cụ vẽ, nối các đỉnh và đáy của mô hình lại với nhau, mỗi đường trendline phải đi qua ít nhất 2 đỉnh hoặc 2 đáy, ở giữa đường giá và đường trendline không được có quá nhiều khoảng trống.
Bước 3: Tìm điểm vào lệnh
Cách giao dịch, đặt lệnh, đặt điểm chốt lời, cắt lỗ khác nhau. Hãy tham khảo cách giao dịch với từng mẫu hình cụ thể sau:
Cách giao dịch với mô hình tam giác tăng
Sau khi vẽ hai đường xu hướng kháng cự và hỗ trợ trên đồ thị, nhận diện đúng mô hình tam giác tăng, bạn có thể thực hiện xác định các điểm vào lệnh, chốt lời và cắt lỗ.
Vào lệnh: Vào lệnh Buy nếu giá xác nhận phá vỡ ngưỡng kháng cự, vào lệnh Sell nếu giá breakout khỏi đường hỗ trợ.
Cắt lỗ: Bạn đặt tại đáy gần nhất đối với lệnh buy hoặc tại đỉnh gần nhất đối với lệnh sell.
Chốt lời: tại điểm mà khoảng cách từ vị trí đó đến điểm breakout bằng với độ cao của tam giác và cùng chiều với xu hướng vào lệnh.
Cách giao dịch với mô hình tam giác giảm
Phương pháp giao dịch với mô hình tam giác giảm cũng tương tự tam giác tăng. Khi giá breakout ngưỡng hỗ trợ là cơ hội thích hợp để vào lệnh Buy. Ngược lại, khi khu vực kháng cự bị phá vỡ thì nên đặt lệnh Sell.
Vào lệnh: Đặt lệnh bán bên dưới mức hỗ trợ và mở lệnh mua phía trên đường kháng cự.
Cắt lỗ: Đối với lệnh bán thì stoploss sẽ đặt tại đáy gần nhất, đối với lệnh mua, điểm cắt lỗ tại đỉnh gần nhất.
Chốt lời: Tương tự mô hình tam giác tăng, tức là đặt take profit tại điểm cách điểm đặt lệnh bằng chiều cao của tam giác. Điểm đặt chốt lời luôn cùng chiều với xu hướng đặt lệnh.
Cách giao dịch với mô hình tam giác cân
Khi tam giác cân hình thành, có 2 trường hợp xảy ra:
- Nếu tam giác cân hình thành ở cuối của xu hướng tăng thì khi giá breakout khỏi vùng kháng cự, xu hướng cũ sẽ tiếp diễn >>> Thích hợp mở lệnh mua.
- Nếu mô hình tam giác cân được tạo thành trong một xu hướng giảm thì khi giá vượt khỏi ngưỡng hỗ trợ thì sẽ tiếp tục giảm >>> Nhà đầu tư nên bán.
Lưu ý thời điểm vào lệnh an toàn nhất là khi mô hình tam giác hoàn chỉnh. Khi đó đặt lệnh như sau:
Vào lệnh: Đặt lệnh Buy tại điểm phía trên đường kháng cự một chút hoặc mở lệnh bán ở phía dưới đường hỗ trợ.
Cắt lỗ: Đối với lệnh Buy, đặt stoploss ở đáy gần nhất, đối với lệnh bán, điểm cắt lỗ đặt ở đỉnh gần nhất.
Chốt lời: Ta đặt tại điểm mà độ dài từ điểm đó đến điểm breakout bằng độ dài cạnh đáy của tam giác và cùng hướng với vị trí vào lệnh.
6. Những lưu ý khi sử dụng mô hình tam giác
Theo kinh nghiệm của các trader chuyên nghiệp, khi giao dịch với mô hình tam giác, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý 5 vấn đề quan trọng sau:
- Cần nghiên cứu kỹ biểu đồ để nhận biết chính xác mô hình tam giác, một số nhà đầu tư dễ nhầm với mô hình cái nêm hoặc cờ đuôi nheo dẫn đến dự đoán sai xu hướng.
- Mô hình nến tam giác chỉ thực sự hình thành nếu thỏa mãn điều kiện là phải hình thành tối thiểu 2 đỉnh và 2 đáy, lúc này mới nên áp dụng cách giao dịch theo mô hình nến tam giác.
- Để đảm bảo khả năng phán đoán xu hướng chính xác, nên kết hợp với các công cụ phân tích, các chỉ báo kỹ thuật, mô hình nến đảo chiều để dự báo chính xác xu hướng.
- Đừng quên theo dõi volume giao dịch - đây là tín hiệu dự báo giá sẽ biến động theo xu hướng cụ thể nào đó.
- Luôn đặt ra giới hạn (điểm chốt lời, cắt lỗ) trước khi mở lệnh mua hoặc bán, tuyệt đối không giao dịch với số tiền vượt quá khả năng chịu lỗ của bản thân.
Trên đây TOPI đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin cơ bản về mô hình tam giác. Mong rằng những thông tin này có thể giúp các nhà đầu tư có thêm tín hiệu khi giao dịch chứng khoán.