Trái phiếu chuyển đổi là một loại trái phiếu đặc biệt, người sở hữu loại trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, tạo cơ hội thu lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư. Một số công ty đã phát hành trái phiếu chuyển đổi: REE, CII, PGB, FCN, VNT, SSI...Hãy cùng TOPI tìm hiểu các đặc điểm, cách định giá và điều kiện phát hành của loại hình trái phiếu này.
I. Trái phiếu chuyển đổi là gì?
Trái phiếu chuyển đổi (Convertible Bond) là loại trái phiếu được phát hành bởi công ty cổ phần (CTCP), trong đó, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu này, có thể chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu tại một thời điểm trong tương lai hoặc thu về lãi suất khi đáo hạn giống trái phiếu thường.
Trái phiếu chuyển đổi có thể chuyển thành cổ phiếu vào một thời điểm xác định
Khi nhà đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
- Nhà đầu tư lĩnh tiền với lãi suất đã thỏa thuận khi trái phiếu đáo hạn.
- Nếu giá cổ phiếu của công ty phát hành tăng lên, nhà đầu tư có thể quy đổi trái phiếu thành cổ phiếu theo tỉ lệ chuyển đổi được thỏa thuận từ trước để thu về lợi nhuận lớn hơn.
Giá trị của trái phiếu chuyển đổi là giá trị hiện tại của các dòng tiền thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong suốt kỳ hạn của trái phiếu. Trái phiếu chuyển đổi có sức hấp dẫn hơn so với trái phiếu thường bởi nó vừa mang sự an toàn của trái phiếu, vừa có khả năng thu về lợi nhuận cao khi thị giá cổ phiếu tăng.
Ví dụ: Công ty A (có giá cổ phần là 1.000đ/cổ phiếu) phát hành 100.000 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 10.000đ/trái phiếu với lãi suất là 5%/năm, tỉ lệ 10:1 (1 trái phiếu đổi thành 10 cổ phiếu), thời gian chuyển đổi là 1 năm. Nếu nhà đầu tư sở hữu 1.000 trái phiếu sẽ được hưởng lợi nhuận 500.000đ/năm và giữ nguyên giá trái phiếu.
Nếu tại thời điểm chuyển đổi, giá cổ phiếu tăng lên 5.000đ/cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ đổi 1.000 trái phiếu thành 10.000 cổ phiếu, tương đương giá trị 50.000.000đ.
Tìm hiểu thêm: Trái phiếu chính phủ là gì? Đặc điểm và cách mua trái phiếu chính phủ
II. Điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi
Việc phát hành trái phiếu phải tuân thủ các điều kiện và quy định của luật doanh nghiệp và luật chứng khoán. Doanh nghiệp phát hành phải là công ty cổ phần và đáp ứng các yêu cầu sau:
- Thời gian hoạt động: công ty phát hành phải có thời gian hoạt động từ 01 năm trở lên.
- Báo cáo tài chính:công ty phải có báo cáo tài chính ngay trước năm phát hành được kiểm toán, có lợi ích công chúng theo quy định của Luật kiểm toán độc lập.
- Tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu (dưới 100 nhà đầu tư).
- Có phương án phát hành trái phiếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thanh toán đầy đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi.
- Đáp ứng các tỉ lệ an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi cách nhau ít nhất 6 tháng.
- Trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, nhà đầu tư không thể chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi.
Phát hành trái phiếu chuyển đổi phải tuân theo quy định của pháp luật
III. Đặc điểm của loại trái phiếu chuyển đổi
1. Lãi suất khá thấp
Người sở hữu trái phiếu chuyển đổi cũng được hưởng lãi suất định kỳ như trái phiếu thường nhưng mức lãi suất thấp hơn.
2. Doanh nghiệp có thể thu hồi trái phiếu chuyển đổi
Doanh nghiệp phát hành được quyền thu hồi lại trái phiếu chuyển đổi đã phát hành với một mức giá xác định nhằm hạn chế cổ phiếu tăng giá đột ngột.
3. Tỉ lệ chuyển đổi sang cổ phiếu
Tỉ lệ chuyển đổi cho biết 1 trái phiếu có thể chuyển đổi thành bao nhiêu cổ phiếu. Tỉ lệ này được thể hiện dưới dạng tỉ số hoặc mức giá chuyển đổi..
4. Thời gian chuyển đổi
Là thời gian tối thiểu mà sau đó nhà đầu tư có thể thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Lãi suất của trái phiếu chuyển đổi thường khá thấp
IV. Ưu và nhược điểm của trái phiếu chuyển đổi
Ưu điểm:
Đối với công ty phát hành:
- Chi phí phát hành và lãi suất trả cho nhà đầu tư thấp hơn so với trái phiếu thường.
- Phát hành trái phiếu chuyển đổi giúp tăng vốn cổ phần trong tương lai khi chuyển từ trái phiếu nợ thành vốn cổ phần, giúp giá cổ phiếu thường không bị sụt giảm do tránh được tình trạng tăng số lượng cổ phiếu nhanh chóng trên thị trường.
- Trước khi trái phiếu được chuyển đổi không làm giảm thu nhập của các cổ đông hiện hữu so với phát hành cổ phiếu và dễ dàng huy động vốn do tính hấp dẫn có thể chuyển sang cổ phiếu.
Đối với nhà đầu tư:
- Khi sở hữu trái phiếu chuyển đổi, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể thì cũng được ưu tiên thanh toán trước những người sở hữu cổ phiếu.
- Nếu doanh nghiệp phát triển tốt, giá cổ phiếu tăng thì có thể chuyển thành cổ phiếu để thu về lợi nhuận cao hơn. Vì thế, nhà đầu tư cần tính toán cẩn thận xem khi nào nên mua vào trái phiếu chuyển đổi và khi nào nên chuyển đổi thành cổ phiếu.
Nhược điểm:
Do cổ đông có thể tham gia vào việc quản lý công ty nên khi chuyển đổi có thể tăng số lượng cổ đông, gây ra thay đổi trong việc kiểm soát công ti. Vốn chủ sở hữu bị pha loãng do tăng số lượng cổ phiếu lưu hành nên mỗi cổ phần khi đó đại diện cho một tỉ lệ thấp hơn của quyền sở hữu trong công ty.
Do đó, kết quả chuyển đổi làm giảm chi phí trả lãi, tức là làm tăng thu nhập chịu thuế của công ty, có nghĩa là công ty phải trả thuế nhiều hơn.
Đối với nhà đầu tư, lãi suất từ trái phiếu chuyển đổi thấp hơn so với trái phiếu thường và lãi suất ngân hàng. Vì vậy, nếu công ty phát hành có hoạt động kinh doanh không tốt thì mức lợi nhuận thu về khi đáo hạn ít hơn. Muốn chuyển trái phiếu thành cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải đợi hết thời gian quy định.
Đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi an toàn và hấp dẫn
V. Cách định giá trái phiếu chuyển đổi nhanh chóng
Để định giá chính xác trái phiếu chuyển đổi, nhà đầu tư có thể áp dụng công thức sau:
Giá trị của trái phiếu chuyển đổi = Giá trị của trái phiếu + Giá trị quyền chuyển đổi
Trong đó:
- Giá trị của trái phiếu: Là giá trị hiện tại của dòng tiền khi thanh toán bao gồm cả gốc và lãi trái phiếu trong suốt kỳ hạn.
- Giá trị quyền chuyển đổi: Là quyền mua cổ phiếu, giá trị này sẽ phụ thuộc vào giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu giảm thì quyền mua cũng ít giá trị hơn và lợi nhuận thấp hơn. Ngoài ra, giá trị quyền mua cổ phiếu còn phụ thuộc vào mức độ biến động của giá cổ phiếu trên thị trường và thời hạn được thực hiện quyền, mức lãi suất trên thị trường.
Trái phiếu chuyển đổi được định giá theo công thức cụ thể
VI. Phân biệt trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu không chuyển đổi
Giống nhau:
Đều là loại chứng khoán nợ, nhằm mục đích kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, trái chủ sẽ nhận được một khoản lãi suất cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của đơn vị phát hành trái phiếu. Trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán trước khi công ty phát hành sắp giải thể hoặc phá sản.
Khác nhau:
Điều kiện phát hành
Với trái phiếu không chuyển đổi:
- Đơn vị phát hành có thể là CTCP, công ty TNHH được thành lập và hoạt động tuân thủ đúng pháp luật;
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (theo quy định của Luật Chứng khoán).
Với trái phiếu chuyển đổi:
- Đơn vị phát hành bắt buộc phải là CTCP;
- Đối tượng tham gia: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược, trong đó, phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư chiến lược.
Sự khác biệt lớn của trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu không chuyển đổi
Khả năng chuyển đổi và lãi suất
Trái phiếu không chuyển đổi không thể chuyển đổi thành cổ phiếu được. Được hưởng lãi suất cao hơn trái phiếu chuyển đổi.
Trái phiếu chuyển đổi có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, miễn là đáp ứng đủ quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật, và được thể hiện dưới dạng tỷ số hoặc mức giá chuyển đổi. Được thực hiện chuyển đổi trong thời gian quy định. Khi chuyển đổi thành cổ phiếu thì lãi suất định kỳ sẽ thấp hơn. Những người sở hữu có khả năng tăng vốn cổ phần.
Trách nhiệm pháp lý người sở hữu
Với trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào trong việc sử dụng vốn vay của công ty phát hành trái phiếu. Đơn vị phát hành sẽ phải thanh toán đầy đủ theo hợp đồng vay đã ký kết.
Với trái phiếu chuyển đổi, khi chuyển đổi thành cổ phiếu thì trái chủ sẽ trở thành cổ đông của đơn vị phát hành, khi đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc sử dụng vốn của đơn vị phát hành và thực hiện các nghĩa vụ như là một trong những chủ sở hữu công ty. Ngoài ra, tiềm ẩn rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, giải thể thì trái chủ sẽ mất đi đặc quyền chuyển đổi.
VII. Ví dụ về trái phiếu chuyển đổi phổ biến hiện nay
Một số đơn vị có phát hành trái phiếu chuyển đổi trên thị trường chứng khoán hiện nay, đó là:
- CTCP Cơ Điện Lạnh (REE)
- CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII)
- Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGB)
- CTCP FECON (FCN)
- CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại Thương (VNT)
- CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Hy vọng những thông tin từ TOPI cung cấp sẽ giúp bạn hiểu và phân biệt được trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu thường và có kế hoạch đầu tư hiệu quả. Chúc các bạn thành công!
Bài viết liên quan: Trái phiếu ngân hàng là gì? Top 7 trái phiếu ngân hàng uy tín nhất thị trường