Cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm mục đích giúp khách hàng có thêm thời gian và nguồn lực để trang trải nghĩa vụ nợ của mình, giảm thiểu nguy cơ nợ xấu
Giải thích khái niệm: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Cơ cấu nợ hay “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ” là việc tổ chức tín dụng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn thêm thời gian nợ đối với các khoản nợ vay của khách hàng. Điều này có thể bao gồm việc kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi vay, phí, hoặc thay đổi số tiền trả nợ để cải thiện tình hình tài chính của khách hàng.
Nội dung của hoạt động cơ cấu lại khoản nợ được quy định theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tại Khoản 10, Điều 2, áp dụng đối với hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Hai nội dung về cơ cấu nợ như sau:
Cơ cấu nợ bao gồm điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ
- Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: Tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi vay của khoản nợ đã thỏa thuận, thời hạn cho vay không thay đổi;
Trường hợp rút ngắn kỳ hạn trả nợ hoặc thay đổi ngày trả nợ theo hướng rút ngắn hơn (VD như từ ngày 10 hằng tháng sang ngày 05 hàng tháng) và giữ nguyên số kỳ trả nợ, thì không phải là điều chỉnh kỳ hạn trả nợ;
Nếu thay đổi số tiền trả nợ của từng kỳ hạn theo hướng số tiền trả đầu kỳ ít hơn và chuyển số tiền trả nợ nhiều hơn sang kỳ tiếp theo hoặc kéo dài thời gian trả nợ so với hợp đồng cũng được xem là cơ cấu lại thời hạn trả nợ;
- Gia hạn nợ: Là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi vay, vượt quá thời hạn cho vay được ghi trong hợp đồng..
Cơ cấu lại nợ giúp người vay giảm nguy cơ nợ xấu
Gia hạn nợ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được ngân hàng hay tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nếu được gia hạn thêm thời gian.
Mặc dù mỗi khoản nợ có thể được gia hạn nhiều lần, không hạn chế thời hạn thế nhưng khi đó, khoản nợ sẽ bị đánh giá là rủi ro cao và phải phân loại vào nhóm nợ thích hợp để trích lập dự phòng. Bởi vậy chỉ nên đề nghị cơ cấu lại nợ khi thật cần thiết.
Điều kiện để được xem xét cơ cấu khoản nợ
Nếu khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn và có đề nghị được cơ cấu lại nợ thì ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sẽ xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định hoặc chuyển nợ quá hạn.
Theo Điều 4 Thông tư 02/2023/TT-NHNN: Tổ chức tài chính sẽ xem xét đề nghị và quyết định cơ cấu lại khoản nợ của khách hàng tùy theo khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và khả năng đáp ứng các điều kiện của bên vay. Cụ thể như sau:
- Khoản nợ phát sinh trước ngày 24/04/2023 (ngày Thông tư có hiệu lực) và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 24/04/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá người vay không có khả năng trả nợ đúng hạn theo thỏa thuận do thu nhập sụt giảm so với phương án trả nợ đã thỏa thuận ban đầu.
- Khách hàng được đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc, lãi nếu khoản nợ được cơ cấu lại.
- Khoản nợ không vi phạm pháp luật sẽ không được cơ cấu lại.
Người vay cần đáp ứng đủ điều kiện để được cơ cấu nợ
- Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn tối đa 10 ngày so với hạn trả nợ theo thỏa thuận.
- Thời gian cơ cấu nợ, gia hạn nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ còn lại.
- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện theo quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 24/04/2023 đến hết 30/6/2024.
Thông tư 02/2023/TT-NHNN ban hành đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, doanh thu sụt giảm do hậu quả dịch bệnh để lại... giảm bớt áp lực trả nợ.
Doanh nghiệp được gia hạn nợ, giãn nợ, mà không bị chuyển nhóm nợ, giúp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh để phát triển.
Quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Căn cứ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, tổ chức tín dụng sẽ xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng trong khi thời hạn cho vay không thay đổi.
Trường hợp tổ chức tín dụng đánh giá là khách hàng có khả năng trả đầy đủ cả gốc và lãi của khoản vay thì xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải được thực hiện trong thời hạn hoặc trước khi 10 ngày kể từ ngày đến hạn trả nợ như thỏa thuận trong hợp đồng.
Dễ nhận thấy nhất là sau khoảng thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà Nước đã ra Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Người vay cần tuân thủ kế hoạch trả nợ mới
Theo đó, những khách hàng có khoản vay phát sinh trước ngày 10/6/2020 và có nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ 21/1/2020 đến 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Điều này giúp doanh nghiệp không bị rơi vào nợ xấu, có thời gian tổ chức lại hoạt động kinh doanh và phục hồi tài chính.
Quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể khác nhau tùy theo từng tổ chức tín dụng. Thông thường, quy trình cơ cấu nợ sẽ bao gồm các bước sau:
- Khách hàng nộp hồ sơ đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ
- Tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ và đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng
- Hai bên thỏa thuận về thời hạn trả nợ mới
- Ký hợp đồng bổ sung hoặc sửa đổi hợp đồng vay vốn
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể dẫn đến một số chi phí, phí gia hạn, lãi suất cao hơn… do vậy khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đề nghị cơ cấu lại nợ.
Trên đây là những thông tin giải thích về cơ cấu nợ cũng như những điều kiện để được chấp thuận cơ cấu lại khoản nợ mà TOPI chia sẻ đến bạn. Hãy nhớ rằng khi được chấp thuận gia hạn, giãn nợ, khách hàng cần tuân thủ nghiêm túc lịch trả nợ mới được thỏa thuận với tổ chức tín dụng để tránh ảnh hưởng đến uy tín tín dụng của bản thân.