Facebook Topi

13/10/2023

Chỉ số ROE là gì? Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt?

Chỉ số ROE trong chứng khoán là gì? ROE bao nhiêu là tốt? ROA và ROE có mối quan hệ ra sao?Tìm hiểu cách tính ROE và sử dụng ROE để đầu tư chứng khoán hiệu quả.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

ROE là chỉ số quan trọng, thường được các nhà đầu tư chứng khoán dùng để đánh giá hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, từ đó quyết định xem có nên đầu tư, mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó hay không.

I. ROE là gì?

Thuật ngữ ROE (Return On Equity) dịch nghĩa là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số ROE là đo lường khả năng sử dụng vốn hiệu quả, khả năng sinh lời của một công ty. Các nhà đầu tư thường rất coi trọng đến chỉ số này bởi họ quan tâm xem sẽ thu được bao nhiêu lợi nhuận từ đồng vốn mà họ bỏ ra.

Hiểu một cách nôm na là khi một nhà đầu tư bỏ tiền thành lập cơ sở kinh doanh, sau một thời gian hoạt động thu được lợi nhuận. Tỷ lệ phần trăm giữa tiền lời trên tiền vốn bỏ ra chính là ROE. 

ROE là gì?

ROE là phần trăm lợi nhuận thu được tính trên tiền vốn bỏ ra

Đối với các nhà đầu tư, ROE là một chỉ số quan trọng, quyết định xem cổ phiếu của công ty có tiềm năng không. Để biết công ty sẽ sử dụng tiền đầu tư của mình hiệu quả thế nào, tạo ra bao nhiêu lợi nhuận thì trước tiên cần tính ROE và so sánh nó với các doanh nghiệp khác.

II. Ý nghĩa và cách tính chỉ số ROE

Chỉ số ROE rất quan trọng, nó thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp. Nhìn vào ROE, nhà đầu tư có thể hiểu được khi bỏ ra một đồng vốn chủ sở hữu sẽ tạo ra bao nhiêu lợi nhuận.

Nếu chỉ số này dương có nghĩa là doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Ngược lại, nếu ROE mang giá trị âm, có nghĩa là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Khi tính toán được ROE của một doanh nghiệp ở mức cao, có thể thấy công ty có tiềm năng phát triển, nhà đầu tư có thể cân nhắc đưa cổ phiếu vào danh mục đầu tư của mình.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, thời vụ kinh doanh cũng như mức độ rủi ro.

Đối với doanh nghiệp, chỉ tiêu Return On Equity cũng được quan tâm. ROE cao cho thấy công ty kinh doanh tốt, ban lãnh đạo có thể tiếp tục duy trì chiến lược kinh doanh hiện tại. Ngược lại, nếu ROE thấp, ban lãnh đạo công ty cần nghiên cứu thay đổi chiến lược kinh doanh sao cho hợp lý, đạt hiệu quả tốt hơn.

Ý nghĩa và cách tính chỉ số ROE

Chỉ số ROE quan trọng đối với cả nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp

III. Cách xác định ROE nhanh chóng

Công thức tính chỉ số ROE như sau:

ROE = ( Lợi nhuận ròng sau thuế / Vốn chủ sở hữu ) x 100%

Trong đó:

Lợi nhuận ròng sau thuế, còn gọi là lãi ròng, được tính bằng cách lấy tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất  

Vốn chủ sở hữu: Là vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đó..

Bạn có thể tìm thông tin về doanh thu và chi phí trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố định kỳ theo quý và năm.

Thông tin về lợi nhuận sau thuế được đặt ở bảng kết quả hoạt động kinh doanh, thông tin vốn chủ sở hữu nằm ở bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Ngoài cách tự tính chỉ số ROE qua báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể tham khảo chỉ số ROE được tính sẵn tại nguồn dữ liệu của các công ty môi giới chứng khoán hoặc các website về chứng khoán.

Cách xác định ROE nhanh chóng

Có thể tự tính ROE hoặc tham khảo tại các công ty chứng khoán

IV. Cách sử dụng chỉ số ROE trong đầu tư

1. Lựa chọn doanh nghiệp tăng trưởng tốt

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thể hiện tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, thể hiện khả năng sinh lợi của công ty. Tốc độ tăng trưởng (g) của doanh nghiệp được tính theo công thức sau:

g = ROE x Tỷ lệ tái đầu tư

Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp sẽ trích ra một phần lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông. Phần lợi nhuận còn lại sẽ được tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỷ lệ tái đầu tư (%) = (1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức)

Bằng cách lấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhân với tỷ lệ tái đầu tư, nhà đầu tư có thể tính được tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. 

Chỉ số Return On Equity nên được kết hợp với những chỉ số khác như ROA, EPS, P/E... để nhà đầu tư có nhận định chính xác và đưa ra quyết định đầu tư một cách khách quan.

Ví dụ:

Nếu hai công ty đều có chỉ số ROE = 10%. Trong đó, công ty A có tỷ lệ chi trả cổ tức chỉ là 20% trong khi tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm của công ty B là 40%. Vậy:

Tốc độ tăng trưởng của công ty A = 10% x (1- 20%) = 8%

Tốc độ tăng trưởng của công ty B = 10% x (1- 40%) = 6%

Theo kết quả trên, mặc dù mức trả cổ tức của công ty A thấp hơn nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn, do đó có thể kỳ vọng khả năng phát triển tốt trong tương lai. Nếu bạn có ý định đầu tư dài hạn thì cổ phiếu A sẽ hấp dẫn hơn cổ phiếu B. Tuy nhiên, cũng cần phân tích thêm các tiêu chí khác để có nhận định chính xác.

Lựa chọn doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng tốt để đầu tư

Nguồn: Simplize

2. Đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận

Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến lợi tức mà cổ đông nhận được. Để đánh giá khả năng tạo lợi nhuận, trả cổ tức cho cổ đông, nhà đầu tư thường so sánh tỷ suất sinh lợi kỳ vọng khi mua cổ phần công ty (chi phí sử dụng vốn cổ phần). Cách đánh giá như sau:

Đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cho thấy khả năng sinh lời kỳ vọng

- ROE < chi phí sử dụng vốn cổ phần >>> Doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận giảm sút so với kỳ vọng ban đầu. Nếu doanh nghiệp không có sự cải thiện nào thì tương lai nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro khi cổ phiếu bị mất giá.

- ROE > chi phí sử dụng vốn cổ phần >>> Công ty đang hoạt động tốt, biết cách tái đầu tư thu nhập và tạo ra lợi nhuận và trả cổ tức thường xuyên cho cổ đông vượt quá sự kỳ vọng ban đầu.

3. Nhận diện doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao

Những doanh nghiệp đầu ngành, thương hiệu nổi tiếng, áp dụng công nghệ mới,... luôn có ưu thế vượt trội so với các đối thủ, do đó, họ có thể đạt được các khoản lợi nhuận cao, chỉ số ROE vì vậy cũng cao hơn so với trung bình ngành. 

Hơn nữa, một doanh nghiệp đầu ngành, có thương hiệu mạnh sẽ có ưu thế khi thiết lập giá cao hơn đối thủ, nhờ đó thu về lợi nhuận cao, duy trì ROE ở mức cao. Do đó, nên đầu tư vào các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao và bền vững. 

V. Các yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số ROE

Để đánh giá tổng thể những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số ROE có thể sử dụng mô hình Dupont. Trước tiên cần bóc tách chỉ số ROE thành các yếu tố thành phần (được gọi là mô hình Dupont).

Công thức cụ thể như sau:

ROE = ( Lợi nhuận sau thuế / vốn chủ sở hữu bình quân ) x 100%

hoặc

ROE = ( Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu ) x ( Doanh thu / Tổng tài sản ) x (Tổng tài sản x Vốn chủ sở hữu bình quân) = Tỷ suất lợi nhuận ròng x Vòng quay tài sản x Đòn bẩy tài chính

Để thay đổi chỉ số ROE, doanh nghiệp cần tác động tới 1 trong 3 yếu tố: tỷ suất lợi nhuận ròng, vòng quay tài sản, đòn bẩy tài chính. Bằng mô hình Dupont, nhà đầu tư có thể hiểu rõ bản chất sự biến động của chỉ số ROE cũng như dự đoán chính xác tỷ suất lợi nhuận trong các năm tiếp theo.

1. Tỷ suất lợi nhuận ròng

Biên lợi nhuận ròng hay tỷ suất lợi nhuận ròng được tính theo công thức sau:

Tỷ suất lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế x Doanh thu

Tỷ suất lợi nhuận ròng cho thấy mức lợi được tạo ra từ một đồng doanh thu. Khi chỉ số này tăng, chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh, do vậy có thể tăng giá bán hoặc tìm cách giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm.

2. Vòng quay tài sản

Yếu tố thứ hai, vòng quay tài sản, công thức tính như sau:

Vòng tay tài sản = (Doanh thu / Tổng tài sản)

Vòng quay tài sản là thước đo hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Khi chỉ số này tăng, doanh nghiệp đang tạo ra được nhiều doanh thu hơn từ tài sản sẵn có.

3. Đòn bẩy tài chính

Đòn bẩy tài chính thể hiện mối quan hệ giữa tổng tài sản và nguồn vốn sẵn có của doanh nghiệp, công thức tính như sau:

Đòn bẩy tài chính = (Tổng tài sản / Vốn chủ sở hữu)

Chỉ số đòn bẩy tài chính tăng cho thấy doanh nghiệp đang vay vốn bên ngoài nhiều hơn để sản xuất, kinh doanh.

VI. ROE trong đầu tư chứng khoán

Chỉ số Return On Equity phản ánh hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và được nhiều nhà đầu tư coi là một trong những tiêu chí đánh giá công ty tiềm năng, lựa chọn cổ phiếu tốt.

Trong đầu tư cổ phiếu, nếu sử dụng ROE để tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng cần lưu ý”

- Nên lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có ROE cao. Theo các chuyên gia thì nhà đầu tư, công ty có ROE từ 15% trở lên được đánh giá là tốt.

- ROE của từng ngành nghề là khác nhau vì thế chỉ nên so sánh ROE của các doanh nghiệp trong cùng ngành. Đặc biệt, nhà đầu tư nên xem xét Return On Equity trung bình toàn ngành để có quyết định đầu tư hiệu quả nhất,  ưu tiên những cổ phiếu có ROE cao hơn trung bình toàn ngành. 

- Cần xem xét các yếu tố tác động tới ROE theo mô hình Dupont bởi vì không phải lúc nào ROE cao cũng là tốt. Nhà đầu tư cần nhận định rõ ROE tăng, giảm do yếu tố nào và sự ảnh hưởng đó là tích cực hay tiêu cực, dài hạn hay ngắn hạn.

1. Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt?

Thông thường, chỉ số ROE cao hơn mức lãi suất ngân hàng ở thời điểm hiện tại được coi là tốt. Tuy nhiên, một công ty có đủ năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn quốc tế cần đảm bảo chỉ số Return On Equity tối thiểu là 15%.

Để đánh giá ROE tốt hay xấu còn phụ thuộc vào chỉ số trung bình toàn ngành. Một số ngành đặc thù có xu hướng ROE thấp hơn do chi phí vốn bỏ ra từ đầu rất lớn.

Khi dùng ROE để đánh giá doanh nghiệp, nhà đầu tư nên xem xét chỉ số này trong thời gian tối thiểu 3 năm. 

Chỉ số ROE trong đầu tư chứng khoán hiện nay

Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt? ROE cao có thực sự tốt không?

2. Mối quan hệ giữa ROE và ROA

ROA cũng là một trong những chỉ số quan trọng được dùng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nhưng nếu ROE tính tỷ lệ % lợi nhuận trên vốn của chủ sở hữu thì ROA lại được tính lợi nhuận trên tổng tài sản. 

Mối quan hệ giữa ROE và ROA được xem xét thông qua hệ số vay nợ, nợ càng ít càng tốt, lý tưởng nhất là tỷ lệ giữa nợ trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 1.

Theo quy chuẩn quốc tế, nếu một doanh nghiệp có chỉ số ROE cao hơn 15%, và chỉ số ROA lớn hơn 7.5% thể hiện công ty có đủ năng lực tài chính. 

3. Chỉ số ROE quá cao cần lưu ý gì?

Nếu chưa tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư có thể cho rằng chỉ số ROE càng cao càng tốt, thế nhưng thực sự không phải lúc nào cũng thế. Nếu doanh nghiệp có thu nhập ròng cực kỳ lớn so với vốn chủ sở hữu thường có nghĩa là hoạt động của công ty rất tốt.
thế nhưng nó cũng có thể mang ý nghĩa là vốn chủ sở hữu nhỏ so với thu nhập ròng, đây là lại là một yếu tố rủi ro.

Một số lý do khiến chỉ số ROE tăng quá cao:

- Lợi nhuận thiếu nhất quán: Giả sử công ty kinh doanh không có lãi trong vài năm, những khoản lỗ này được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán dưới dạng “lỗ giữ lại” ở phần vốn chủ sở hữu. Như vậy, lỗ là giá trị âm và làm giảm vốn của cổ đông. Nếu trong năm gần nhất, công ty làm ăn thuận lợi và có lãi trở lại thì vốn chủ sở hữu hiện tại sẽ nhỏ hơn vốn chủ sở hữu của các năm trước, điều này cũng làm ROE tăng nhưng không tốt.

- Tồn tại dư nợ: Nợ có thể dẫn tới chỉ số ROE quá cao. Nếu công ty vay nặng lãi, vốn chủ sở hữu sẽ bằng tài sản trừ đi nợ do đó nó có thể tăng ROE. Nợ nhiều khiến cho vốn chủ sở hữu bị giảm. Do đó nếu doanh nghiệp nợ nhiều thì ROE cao cũng chưa hẳn là tốt.

- Thu nhập ròng âm: Chỉ số ROE cao giả tạo có thể đến từ thu nhập ròng âm. Nếu doanh nghiệp lỗ ròng hoặc âm vốn chủ sở hữu thì không nên tính ROE bởi lúc này ROE cao cũng không có ý nghĩa.

Như vậy bất cứ khi nào ROE âm hoặc ROE cao quá mức, nhà đầu tư cần cảnh giác và tính toán kỹ để biết nguyên nhân.

Cách điều chỉnh đầu tư khi ROE cao

Chỉ số ROE quá cao chưa hẳn đã thực sự tốt

4. Lợi ích của việc dùng chỉ số ROE tìm doanh nghiệp tiềm năng

Tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất đơn giản, do đó có thể thấy được tốc độ tăng trưởng của công ty khi lấy ROE x tỷ lệ tái đầu tư, từ đó tìm được công ty có dự báo tăng trưởng tốt.

Dùng ROE có thể đánh giá khả năng tạo ra giá trị cho cổ đông, do đó nên đầu tư vào cổ phiếu của những công ty này sẽ có cơ hội thu lợi nhuận tốt.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tốt cũng cho thấy lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp

5. Hạn chế của chỉ số ROE

Return On Equity thường bị điều chỉnh bởi chính sách kế toán: 

Nếu doanh nghiệp tăng hoặc giảm nguồn vốn vào quỹ dự phòng sẽ làm ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng khiến ROE thay đổi. Trong trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của mình đang lưu hành trên thị trường cũng sẽ khiến lượng cổ phiếu giảm xuống làm tỷ số ROE tăng lên, phục vụ cho mục đích của chủ doanh nghiệp.

ROE không ổn định, không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác: 

Trong mỗi giai đoạn, chính sách của công ty thay đổi dẫn đến lợi nhuận hàng quý, lợi nhuận theo năm thay đổi, do đó nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn nếu chỉ dùng ROE để xác định doanh nghiệp tiềm năng. Giả sử khi doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cần đầu tư nhiều vốn hoặc có chiến lược mở rộng thị trường, cần nhiều vốn thì ROE thấp nhưng không có nghĩa là công ty không có tiềm năng.

ROE không tính đến yếu tố tài sản vô hình: 

ROE chỉ tính đến 2 yếu tố là lợi nhuận sau thuế và vốn của chủ sở hữu, không tính đến tài sản vô hình như bản quyền, phát minh, nhãn hiệu… vì vậy không phản ánh đúng lợi thế của từng công ty.

Trong đầu tư chứng khoán, mỗi chỉ số có một lợi thế phản ánh một mặt nào đó của doanh nghiệp như sức khỏe tài chính, khả năng kinh doanh tạo ra lợi nhuận... Vì vậy, không nên dùng duy nhất một chỉ số để đánh giá mà nhà đầu tư nên tham khảo các chỉ số cơ bản để có thể nhận định toàn diện và chính xác, từ đó tìm ra công ty phù hợp với khẩu vị đầu tư của mình từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Tìm hiểu các chỉ số phân tích chứng khoán khác: Chỉ số EPS; Chỉ số PEG; Chỉ số P/B; Chỉ số P/E … để có thể đánh giá doanh nghiệp chuẩn nhất. TOPI - Chúc bạn đầu tư thành công!

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI