Robert Kiyosaki là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong giới tư vấn tài chính toàn cầu. Ông đã xây dựng nên một sự nghiệp bền vững và thành công nhờ việc giáo dục hàng triệu người về chìa khoá để xây dựng sự giàu có và sống như một người cha “giàu”. Hãy cùng TOPI “phác họa” chân dung của tác giả, nhà đầu tư Robert Kiyosaki và 7 cấp độ đầu tư của chuyên gia này nhé!
I. Chân dung Robert Kiyosaki
Robert Kiyosaki là một tác giả, doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ gốc Nhật Bản, nổi tiếng với cuốn sách "Rich Dad Poor Dad" (Cha Giàu Cha Nghèo). Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm 1947 tại Hilo, Hawaii, Hoa Kỳ. Kiyosaki được biết đến với những quan điểm độc đáo về tài chính cá nhân và giáo dục tài chính.
Ông từng có thời gian gia nhập Thuỷ quân lục chiến với tư cách là phi công trực thăng, có tham gia vào Chiến tranh Việt Nam. Phục vụ quân ngũ xong, Robert Kiyosaki đến làm việc cho Tập đoàn Xerox, tại đây, ông gặp được người cha nuôi, trao cho ông “chìa khoá của sự thành công”. Sau đó, anh cùng anh trai của mình thành lập nên công ty Rippers - đây là công ty đầu tiên cho ra mắt chiếc ví làm bằng chất liệu nylon và velcro.
Thời gian này, Robert gặp gỡ và học hỏi từ R. Buckminster Fuller - một người theo chủ nghĩa tương lai và rất có tầm nhìn chiến lược. Tới năm 1996, ông và vợ đã sáng tạo và ra mắt trò chơi cashflow để dạy mọi người về tiền bạc và đầu tư theo cách vui vẻ và thú vị. Đến năm 1997, ông viết Rich Dad Poor Dad, ngay lập tức cuốn sách gây tiếng vang trên toàn thế giới.
Trong sự nghiệp viết sách của ông với 27 cuốn sách, 3 tác phẩm nổi bật nhất về đầu tư là Rich Dad Poor Dad, Cashflow Quadrant và Rich Dad's Guide to Investing. Trong đó, Rich Dad Poor Dad có đề cập đến hai người cha của Robert Kiyosaki, cha ruột (cha nghèo) và cha của bạn thân (cha giàu). Qua đó, ông chia sẻ những bài học tài chính mà ông học được từ hai người cha này. "Rich Dad Poor Dad" nhấn mạnh sự khác biệt trong tư duy về tiền bạc và đầu tư giữa người giàu và người nghèo, đồng thời khuyến khích người đọc nên tự mình học hỏi và quản lý tài chính.
Với Cashflow Quadrant, ông giới thiệu cho bạn đọc mô hình bốn nhóm người trong xã hội dựa trên cách họ kiếm tiền: nhân viên (E), tự doanh (S), chủ doanh nghiệp (B), và nhà đầu tư (I). Kiyosaki khuyến khích mọi người nên chuyển từ nhóm E và S sang nhóm B và I để đạt được tự do tài chính.
Phần tiếp theo của Rich Dad, Poor Dad là Rich Dad's Guide to Investing tập trung vào các chiến lược đầu tư và cách thức để trở thành một nhà đầu tư thông minh.
II. Triết lý làm giàu của Robert Kiyosaki
Triết lý về tiền bạc của Robert Kiyosaki rất đơn giản: “Bạn không cần phải có thu nhập cao mới trở nên giàu có”. Thay vào đó, ông nói, chìa khoá để xây dựng nên sự giàu có nằm ở hai điều, đó là, xây dựng danh mục tài sản tạo thu nhập thu động và giảm thiểu nợ. Robert Kiyosaki nhấn mạnh việc tích lũy tài sản khác với việc để dành thông thường để có được nhiều thứ. Ông cũng ủng hộ việc phát triển kiến thức tài chính, không chỉ thông qua sách vở, khóa học mà còn thông qua trải nghiệm thực tế. Theo lối tư duy của Robert Kiyosaki, bằng cách tìm hiểu về tiền và cách thức hoạt động của nó, tạo thu nhập thụ động và tránh các khoản nợ không cần thiết, bạn có thể đạt được sự độc lập về tài chính.
Kiyosaki cũng rất ủng hộ việc kinh doanh và tìm cách tạo thu nhập ngoài công việc thường ngày, thông qua đầu tư hoặc kinh doanh.
Ta có thể tóm tắt triết lý làm giàu của Robert Kiyosaki như sau:
- Về tư duy tài chính: Khuyến khích mọi người tự học về tài chính, đầu tư và phát triển kỹ năng kinh doanh, ngoài cả hệ thống giáo dục truyền thống;
- Về đầu tư và tài sản: Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào tài sản tạo ra thu nhập thụ động, chẳng hạn như bất động sản, doanh nghiệp và chứng khoán;
- Tự do tài chính: Mục tiêu cuối cùng mà Robert Kiyosaki hướng tới là đạt được tự do tài chính, nghĩa là không phải làm việc để kiếm sống mà để tiền làm việc cho mình.
III. 7 Cấp độ đầu tư theo Robert Kiyosaki
Cấp độ 0: Người không có gì để đầu tư (The zero-financial-intelligence level)
Những người ở cấp độ này không có tiền tiết kiệm hoặc đầu tư, thậm chí có thể đang mắc nợ do chi tiêu vượt quá thu nhập. Họ không có bất kỳ kiến thức nào về tài chính và không quan tâm đến việc học hỏi.
Theo ước tính sơ bộ thì khoảng một nửa dân số trưởng thành sẽ rơi vào trường hợp này, không nhất thiết họ đều là những người có thu nhập thấp, vẫn có những người giàu trong nhóm này, họ giàu nhưng chi tiêu quá đà cũng rất dễ trở thành những “người không có gì”.
Cấp độ 1: Người đi vay mượn (The borrower level)
Những người ở cấp độ 1 sử dụng thẻ tín dụng và các khoản vay để đầu tư hoặc mua sắm và trang trải chi phí. Họ thường gặp khó khăn trong việc trả nợ và không có chiến lược tiết kiệm hoặc đầu tư.
Người đi vay mượn trông có vẻ giàu có do sở hữu những món hàng đắt tiền, đi nghỉ dưỡng xa hoa, nhưng thực tế tài sản ròng của họ rất thấp. Họ có tài sản nhưng mức nợ lại quá cao và cũng quá phụ thuộc vào chỉ một nguồn thu nhập chủ động duy nhất để trang trải cuộc sống.
Cấp độ 2: Người tiết kiệm (The saver level)
Những người ở cấp độ 2 bắt đầu tiết kiệm tiền và có một tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, họ không đầu tư tiền và thường sợ rủi ro. Lãi suất từ việc tiết kiệm thường rất thấp và không đủ để đánh bại lạm phát.
Những người tiết kiệm trái ngược với người đi vay, họ thuộc tuýp người không thích mắc nợ, không sẵn sàng cho những giao dịch mạo hiểm cho nên họ cố gắng tiết kiệm thay vì đầu tư. Về lâu về dài, nếu lạm phát xảy ra thì họ còn “thua cuộc” hơn cả người ở cấp độ 1.
Cấp độ 3: Nhà đầu tư khôn ngoan (The smart investor level)
Những người ở cấp độ 3 bắt đầu tìm hiểu và học hỏi về đầu tư. Họ đầu tư vào các sản phẩm tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, và quỹ tương hỗ. Họ hiểu rằng đầu tư có thể giúp gia tăng tài sản nhưng vẫn có thể thiếu kinh nghiệm và chiến lược rõ ràng.
Robert Kiyosaki có đề cập đến 3 kiểu nhà đầu tư khôn ngoan, trong đó:
Kiểu thứ nhất - Bàng quan: Nhà đầu tư này tự thuyết phục bản thân họ là người không hiểu biết về tiền bạc cả bây giờ và tương lai. Họ không thích làm bất cứ điều gì với số tiền mà mình có, cứ giữ tiền nằm yên một chỗ. Họ chỉ biết làm việc, hướng tới mục tiêu nghỉ hưu với một số tiền là được.
Kiểu thứ hai - Quá đa nghi: Kiểu nhà đầu tư này trông thì có vẻ thông minh, lập luận chặt chẽ, họ có thành công nhất định trong công việc chuyên môn, nhưng lo lắng về quá nhiều thứ, họ lo lắng về rủi ro trong đầu tư, họ lo lắng bị lừa đảo, lo lắng thị trường sụp đổ… quá đa nghi và lo lắng khiến những người khác cũng chán nản theo. Những người quá cẩn trọng thường sợ mắc sai lầm nên họ dành nhiều thời gian để nghiên cứu các khoản đầu tư, vô tình bỏ lỡ các cơ hội vàng để thực hiện.
Kiểu thứ ba - Chờ ăn may: Kiểu nhà đầu tư này quá cẩu thả, họ không có kế hoạch quản lý rủi ro, với họ, đầu tư cũng giống như đánh bạc, chủ yếu là do may mắn.
Cấp độ 4: Nhà đầu tư dài hạn (The long-term investor level)
Những người ở cấp độ 4 có kiến thức tốt hơn về đầu tư và tập trung vào việc đầu tư dài hạn. Họ có chiến lược rõ ràng và thường đầu tư vào các tài sản có tiềm năng tăng trưởng lâu dài như bất động sản, cổ phiếu và doanh nghiệp. Họ cũng hiểu được tầm quan trọng của việc giảm nợ, chi tiêu trong khả năng và gia tăng tài sản lên từng ngày. Họ không muốn đầu tư vào những thứ quá phức tạp.
Ở đây, tuy họ giàu nhưng là giàu cho bản thân và gia đình họ, họ không mang lại nhiều của cải cho cộng đồng, những người xung quanh họ.
Cấp độ 5: Nhà đầu tư chuyên nghiệp (The sophisticated investor level)
Những nhà đầu tư ở cấp độ 5 có kiến thức sâu rộng và kỹ năng cao. Họ có khả năng phân tích thị trường và tài sản, thường tạo ra các chiến lược đầu tư phức tạp. Họ cũng có thể đầu tư vào các lĩnh vực ít phổ biến hơn như khởi nghiệp, nghệ thuật và tài sản vô hình.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, tiền kiếm được cũng lớn hơn tiền chi tiêu, cho phép họ có thể đầu tư nhiều hơn. Họ thận trọng nhưng không hoài nghi, họ không sợ thất bại, tập trung vào việc liên tục phát triển nền tảng kiến thức và tài sản, hiểu tầm quan trọng của thời gian với giao dịch tiền bạc.
Cấp độ 6: Nhà đầu tư tâm huyết (The capitalist level)
Đây là cấp độ cao nhất, nơi các nhà đầu tư không chỉ có nhiều tài sản mà còn có khả năng tạo ra và quản lý các doanh nghiệp và tài sản lớn. Họ thường là những người sáng lập và điều hành các doanh nghiệp lớn, có khả năng tạo ra thu nhập thụ động lớn từ nhiều nguồn. Cũng là những người thúc đẩy và có tầm ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế thế giới thông qua việc tạo ra việc làm và sản xuất hàng hoá sản phẩm. Mỗi một khoản đầu tư mà họ thực hiện, lợi nhuận kỳ vọng sẽ lớn hơn 100%.
IV. Hiểu cấp độ đầu tư của mình có vai trò gì?
Việc hiểu về những cấp độ đầu tư giúp bạn xác định được mình đang ở đâu trên hành trình tài chính cá nhân và trang bị cho bạn những công cụ và chiến lược để đạt được sự thành công và tự do tài chính.
Bạn sẽ tự đánh giá được vị trí hiện tại của bản thân, nhận diện điểm mạnh điểm yếu cần cải thiện và phát huy, từ đó, có kế hoạch cụ thể để tiến lên các cấp độ đầu tư cao hơn. Mỗi một kế hoạch tài chính phải phù hợp với mục tiêu dài hạn là phát triển theo các cấp độ, song song với đó là mở rộng kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Các cấp độ đầu tư của Robert Kiyosaki cũng giúp bạn hiểu về quản lý rủi ro và cách để đầu tư an toàn, hướng dẫn phương pháp gia tăng tài sản từ các mô hình đầu tư khác nhau. Đồng thời, học cách đa dạng hóa danh mục đầu tư để bảo vệ tài sản và tối ưu hoá lợi nhuận, hướng tới tự do tài chính, nơi bạn có thể sống bằng thu nhập thu động từ các khoản đầu tư.
Mục tiêu của Robert Kiyosaki khi đưa ra những cấp độ đầu tư là khuyến khích mọi người tiến lên qua các cấp độ này, từ việc không có hiểu biết về tài chính đến trở thành nhà đầu tư giàu có và tự do tài chính. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tài chính và sự cam kết trong việc học hỏi và phát triển kỹ năng đầu tư.
V. Cách nâng cấp cấp độ đầu tư
Để có thể nâng cấp cấp độ đầu tư thì bạn buộc phải phát triển kỹ năng và kiến thức tài chính, đầu tư và thay đổi lối tư duy của mình. Chẳng hạn:
Từ cấp độ 0 lên cấp độ 1 - Từ người không có gì lên người vay mượn: Bạn cần phải theo dõi và kiểm soát chi tiêu của mình, lập kế hoạch ngân sách, tập trung trả trước các khoản nợ có lãi suất cao rồi đến các khoản nợ có lãi suất thấp. Có thể vay mượn 1 chút để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và chi tiêu trong cuộc sống.
Từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 - Từ vay mượn lên tiết kiệm: Cần tạo quỹ khẩn cấp, quỹ dự phòng bằng cách tiết kiệm một phần thu nhập hàng tháng. Bắt đầu hình thành thói quen tiết kiệm thường xuyên dủ chỉ là số tiền nhỏ.
Từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 - Từ tiết kiệm lên đầu tư khôn ngoan: Bạn nên đọc nhiều sách về đầu tư hơn, tham gia các hội nhóm, các khóa học, nghiên cứu về những loại hình đầu tư cơ bản như chứng khoán, quỹ tương hỗ. Bắt đầu từ các khoản đầu tư nhỏ để tích lũy kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về thị trường.
Từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 - Từ đầu tư khôn khoan lên đầu tư dài hạn: Cần phải xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng với mục tiêu là đầu tư dài hạn. Đầu tư dài hạn thì có những sản phẩm đầu tư nào, bạn cần tìm hiểu rõ ràng để phát triển một kế hoạch đầu tư chi tiết và chiến lược, mục tiêu cụ thể.
Từ cấp độ 4 lên cấp độ 5 - Từ đầu tư dài hạn lên đầu tư chuyên nghiệp: Học cách phân tích và đánh giá thị trường tài chính, sử dụng các công cụ và phương pháp phân tích kỹ thuật và cơ bản. Nghiên cứu sâu hơn về các lĩnh vực đầu tư phức tạp hơn như khởi nghiệp, tài sản vô hình, và các công cụ tài chính phái sinh.
Từ cấp độ 5 lên cấp độ 6 - Từ đầu tư chuyên nghiệp lên đầu tư tâm huyết: Xem xét việc thành lập hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp lớn. Tập trung vào việc xây dựng các nguồn thu nhập thụ động. Làm việc với các chuyên gia tài chính và cố vấn đầu tư để tối ưu hóa chiến lược đầu tư của bạn.
Nguyên tắc cơ bản để nâng cấp cấp độ đầu tư đó là học hỏi liên tục, tham gia thực hành đầu tư, xây dựng và mở rộng mạng lưới kết nối, thay đổi tư duy và luôn có kế hoạch quản lý rủi ro cho việc đầu tư.
Robert Kiyosaki, với tầm nhìn sâu rộng và cách tiếp cận độc đáo, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới thông qua những cuốn sách của mình. 7 Cấp độ đầu tư mà ông mô tả không chỉ là một hệ thống phân loại nhà đầu tư, mà còn là một lộ trình phát triển tài chính toàn diện, giúp mọi người từ những người mới bắt đầu đến các nhà đầu tư giàu có có thể tiến bộ một cách có hệ thống và có mục tiêu.