Facebook Topi

12/10/2023

WACC là gì? Công thức tính và cách sử dụng WACC tối ưu

Chi phí vốn bình quân gia quyền - Weighted Average Cost of Capital viết tắt là WACC là một công cụ quan trọng để đánh giá tổng chi phí vốn của công ty để đưa ra quyết định đầu tư. 

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Chi phí vốn bình quân gia quyền WACC của một công ty thể hiện chi phí vốn pha trộn của nó trên tất cả các nguồn, từ các loại cổ phiếu cho đến nợ. Nó có tính đến trọng số tương đối của các thành phần khác nhau trong cấu trúc vốn như vốn vay, VCSH để tính chi phí trung bình cho toàn bộ công ty.

WACC được sử dụng làm tỷ lệ chiết khấu để xác định giá trị hiện tại của dòng tiền NPV trong tương lai trong phân tích dòng tiền chiết khấu DCF và nó thường được coi là lợi nhuận yêu cầu tối thiểu mà các nhà đầu tư mong muốn nhận được khi cung cấp vốn cho công ty. Chi tiết về WACC sẽ được phân tích trong bài viết này, kèm theo công thức và cách sử dụng WACC sao cho hiệu quả. Cùng TOPI tìm hiểu ngay!

1. WACC là gì? 

Chi phí vốn bình quân gia quyền WACC là từ viết tắt của Weighted Average Cost of Capital - thể hiện chi phí vốn trung bình sau thuế của một công ty từ tất cả các nguồn, bao gồm cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu và các hình thức nợ khác. Hay hiểu WACC là tỷ lệ trung bình mà một công ty dự kiến sẽ trả để tài trợ cho các hoạt động của mình.

WACC là gì? 

Tìm hiểu về WACC và tầm quan trọng của nó

WACC là một cách phổ biến để xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu (RRR), tức là tiền lãi mà trái chủ và cổ đông yêu cầu để có thể cung cấp vốn cho công ty.

Khi một công ty sử dụng cả nợ và vốn chủ sở hữu (VCSH) để tài trợ cho hoạt động của mình thì hỗn hợp tài trợ này cần được tính trọng số trong WACC vì nợ và VCSH có tỷ lệ hoàn vốn khác nhau hoặc chi phí vốn khác nhau.

Chi phí vốn bình quân gia quyền sẽ xem xét cơ cấu vốn của công ty, đồng thời so sánh VCSH và nợ với tỷ lệ tương ứng của chúng trong cơ cấu vốn. Phần nợ thường liên quan đến lãi suất của công ty và thanh toán các khoản vay, trong khi VCSH liên quan đến việc thanh toán cổ tức cho các nhà đầu tư.

2. Ý nghĩa của WACC

WACC là thước đo cốt lõi được các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, giới phân tích và cả thành viên của nhóm tài chính doanh nghiệp như kế toán sử dụng. Ví dụ, trong thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) của một ngân hàng đầu tư, các nhà phân tích sử dụng WACC như một phần của thực tiễn định giá doanh nghiệp (tương tự như phân tích dòng tiền chiết khấu DCF).

Với chủ doanh nghiệp, họ sử dụng WACC để đánh giá mức cân bằng tối ưu của tỷ lệ VCSH trên nợ của công ty. Chi phí sử dụng VCSH của một doanh nghiệp thường cao hơn lãi suất của khoản nợ họ phải trả. Điều này là do các doanh nhân thường tìm kiếm tỷ lệ lợi nhuận cao hơn so với những gì các nhà đầu tư góp vốn tính phí đầu tư. 

Các nhà phân tích chứng khoán dùng WACC để đánh giá giá trị của các cơ hội đầu tư. Ví dụ, trong phân tích dòng tiền chiết khấu, người ta có thể áp dụng WACC làm tỷ lệ chiết khấu cho các dòng tiền trong tương lai để xác định giá trị hiện tại ròng (NPV) của doanh nghiệp.

Bạn cũng có thể tự đánh giá xem khoản đầu tư có xứng đáng hay không khi tính WACC, nếu khoản đầu tư đó có tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn chi phí vốn bình quân gia quyền của công ty thì không nên thực hiện.

3. Vai trò của WACC

Vai trò của WACC

Tầm quan trọng của WACC đối với doanh nghiệp hiện nay

WACC đóng vai trò là tỷ lệ chiết khấu để tính NPV của doanh nghiệp, vì nó được coi là đại diện cho chi phí cơ hội của công ty, nói dễ hiểu thì bạn có thể biết được một công ty phải bỏ ra bao nhiêu chi phí để có được nguồn tài trợ hay tiền huy động vốn.

WACC giúp người cho vay ở đây là các cổ đông, các nhà đầu tư nắm được số lợi nhuận mà họ sẽ nhận được khi họ bỏ tiền tài trợ cho công ty. 

Các công ty sử dụng WACC như tỷ lệ ngưỡng để đánh giá các thương vụ M&A cũng như để lập mô hình tài chính cho các khoản đầu tư nội bộ. Nếu khoản đầu tư/dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ thấp hơn WACC thì doanh nghiệp nên mua lại cổ phiếu của chính mình hoặc trả cổ tức thay vì đầu từ vào dự án đó.

4. Cách tính WACC

Công thức tính WACC

Trong đó:

- E là giá trị vốn chủ sở hữu

- D là giá trị vốn vay

- S là giá trị vốn cổ đông

- V = E + D + S

- Re là chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu

- Rd là chi phí sử dụng vốn vay

- Rr là chi phí sử dụng vốn cổ đông hay tỷ suất lợi nhuận yêu cầu

- Tc là thuế suất doanh nghiệp

Ví dụ:

Một CTCP có tổng số vốn là 5 tỷ đồng được hình thành từ các nguồn như sau:

- VCSH: 2 tỷ 750 triệu chiếm, 55% tỷ trọng

- Cổ phiếu ưu đãi: 200 triệu, chiếm 4% tỷ trọng

- Vốn vay: 2 tỷ 50 triệu chiếm, 41% tỷ trọng

- Kết cấu nguồn vốn của công ty coi như tối ưu. Theo tính toán, chi phí sử dụng vốn vay trước thuế là 10%/năm, chi phí sử dụng VCSH là 12.1%, chi phí sử dụng vốn của cổ đông là 10.3%, thuế suất thuế doanh nghiệp là 25%.

Vậy ta có thể tính ra được

WACC = 55% x 12.1% + 4% x 10.3% + 41% x 10% x (1 - 25%) = 10.14%

5. Ưu và nhược điểm của WACC

Ưu và nhược điểm của WACC

Những ưu và nhược điểm của hệ số WACC

Ưu điểm:

Có thể sử dụng để so sánh giữa các công ty có rủi ro kinh doanh tương tự, sử dụng cho doanh nghiệp khác ngành khác lĩnh vực. Việc này giúp bạn biết công ty nào đang sử dụng vốn với chi phí thấp hơn;

Đo lường chi phí vốn trung bình: WACC là một công cụ hữu ích để đo lường mức độ chi phí vốn trung bình của một doanh nghiệp. Nó tính toán trọng số của mỗi nguồn vốn và áp dụng tỷ lệ chi phí tương ứng để tính toán chi phí vốn trung bình

Định giá dự án và đánh giá đầu tư: WACC cung cấp một cơ sở để định giá dự án và đánh giá đầu tư của doanh nghiệp. Nếu một dự án có lợi nhuận dự kiến cao hơn WACC, nó có thể được xem là hấp dẫn và có khả năng sinh lợi. Ngược lại, nếu lợi nhuận dự kiến thấp hơn WACC, có thể đánh giá rằng dự án không hợp lý hoặc không sinh lợi.

Phản ánh chi phí thực tế của việc cấp vốn cho doanh nghiệp bằng sự kết hợp giữa vốn vay và VCSH, điều này rất có lợi cho nhà đầu tư cũng như nhà quản lý doanh nghiệp. WACC cũng tính đến lợi ích về thuế của giá trị vốn vay, giúp giảm chi phí vốn và tăng giá trị của doanh nghiệp.

Quyết định về cấu trúc vốn: WACC giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định về cấu trúc vốn tối ưu. Khi tính toán WACC cho các cấu trúc vốn khác nhau, doanh nghiệp có thể xác định cấu trúc vốn tối ưu để đạt được chi phí vốn thấp nhất.

Đánh giá hiệu suất tài chính: WACC cũng được sử dụng để đánh giá hiệu suất tài chính của một doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận vượt qua mức WACC, doanh nghiệp có thể coi đó là một hiệu suất tài chính tích cực và ngược lại.

Hỗ trợ quyết định về định giá cổ phiếu: WACC cũng có thể được sử dụng trong phương pháp định giá cổ phiếu. Khi tính toán giá trị cổ phiếu bằng phương pháp định giá DCF (Discounted Cash Flow), WACC được sử dụng làm tỷ lệ chiết khấu để tính toán giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai.

Nhược điểm:

Thực tế thì một số yếu tố trong công thức tính WACC không có giá trị nhất quán, vì những lý do khác nhau nên các bên khác nhau có thể báo cáo ra kết quả không giống nhau. Bởi vậy, dù WACC cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về một công ty nhưng người ta luôn sử dụng chúng cùng với các số liệu khác nữa thì mới xác định được khoản đầu tư đó đáng hay không.

Có thể WACC đơn giản về mặt lý thuyết nhưng ngoài đời thực, các doanh nghiệp lớn thường có rất nhiều nguồn vốn vay, mỗi nguồn sẽ có lãi suất riêng, vị trí hoạt động của các công ty cũng ảnh hưởng rất nhiều vì mỗi nơi sẽ có một mức thuế suất khác nhau.

Nếu không quen thuộc với các yếu tố đầu vào của WACC thì cũng sẽ khó tính toán. Mức nợ cao hơn có nghĩa là nhà đầu tư hoặc công ty yêu cầu WACC phải cao hơn. Bảng cân đối kế toán phức tạp với các loại nợ khác nhau, lãi suất khác nhau cũng khiến cho việc tính toán WACC trở nên khó khăn hơn. Một số yếu tố như lãi suất, thuế suất bị ảnh hưởng lớn bởi các điều kiện kinh tế và thị trường.

Ngoài ra, WACC không phù hợp với các dự án rủi ro vì để phản ánh rủi ro cao hơn thì chi phí vốn sẽ cao hơn. Thay vào đó, các nhà đầu tư nên chọn sử dụng giá trị hiện tại điều chỉnh (APV).

6. Cách sử dụng WACC hiệu quả

WACC chỉ phù hợp để định giá các doanh nghiệp có dòng tiền ổn định và có thể dự đoán được, đồng thời phải hoạt động trong các thị trường trưởng thành và cạnh tranh.

Cách sử dụng WACC hiệu quả

Chiến lược sử dụng WACC hiệu quả

WACC phụ thuộc nhiều vào ngành nghề, lĩnh vực và bản chất kinh doanh của công ty. Ví dụ, các công ty bất động sản thường có thể cung cấp tài sản thế chấp lớn hơn với chi phí tài chính thấp hơn. Các công ty công nghệ nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư tư nhân nên chi phí trả trước thường cao hơn. Các công ty tài chính mang nợ như một phần trong hoạt động của họ nên WACC thấp sẽ có lợi hơn. Vì vậy, cần đảm bảo chỉ so sánh WACC giữa các công ty tương tự nhau để có kết quả chính xác nhất.

Thuế là một thành phần của công thức WACC, một trong những lợi thế chính của vốn vay là các khoản thanh toán lãi thường được khấu trừ vào thuế công ty, trong khi lợi nhuận cho các cổ đông, nhà đầu tư không được lợi ích nhau. Do đó, hai công ty khác nhau có cùng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu có thể cho ra kết quả WACC khác nhau nếu chúng có mức lợi nhuận khác nhau.

7. WACC bao nhiêu là tốt?

WACC bao nhiêu là tốt?

WACC bao nhiêu là phù hợp đối với doanh nghiệp?

Các ngân hàng và đơn vị cho vay sẽ nhìn vào chỉ số WACC để cân nhắc định giá doanh nghiệp trong các đơn xin vay vốn, đồng thời đánh giá hoạt động của họ. Nhiều công ty tìm cách giảm WACC thông qua các nguồn tài chính rẻ hơn, chẳng hạn như nếu lãi suất thấp hơn tỷ suất lợi nhuận yêu cầu với cổ phiếu thì phát hành trái phiếu sẽ có lợi hơn phát hành cổ phiếu. 

Không có một giá trị cố định nào được coi là giá trị WACC tốt của một công ty, vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến WACC như ngành nghề hoạt động, cấu trúc vốn của công ty và mức độ rủi ro liên quan đến hoạt động và đầu tư của nó, cho nên giữa các ngành và lĩnh vực thì WACC sẽ khác nhau. Với những công ty trẻ thì WACC cao hơn vì rủi ro cao hơn, họ đang phải lôi kéo nguồn đầu tư hoặc có thể là gánh nợ với chi phí cao hơn. 

Nếu WACC của một công ty cao hơn lợi nhuận thực tế của nó thì đây là dấu hiệu cho thấy công ty đang mất giá trị và có thể thu lại lợi nhuận hiệu quả hơn ở những khoản đầu tư khác trên thị trường.

Nhìn chung, WACC nhỏ thì an toàn hơn, nó cho thấy công ty có thể huy động vốn với chi phí thấp, tiềm năng sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, với một số công ty có WACC cũng có thể coi là kém tín nhiệm hơn hoặc rủi ro hơn, điều đó có thể khiến công ty khó huy động vốn trong tương lai. Như vậy, WACC thấp có hai nguyên do, 1 là công ty gia tăng nợ, 2 là lãi suất đầu tư thấp.

Nên xem xét cẩn thận WACC theo hoàn cảnh cụ thể của công ty và mục tiêu đầu tư của họ để có quyết định đầu tư thật đúng đắn.

Tóm lại, chi phí vốn bình quân gia quyền WACC là một phần không thể thiếu trong định giá dòng tiền chiết khấu và là thước đo cực kỳ quan trọng cần nắm vững đối với các chuyên gia tài chính. WACC cũng được sử dụng nhiều trong vai trò tài chính doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư, để đặt ra mức lợi nhuận chuẩn mà một công ty phải phấn đấu để đạt được.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/RTWJfyGQsWGsBp1fpuxhnWb0Ektp1zdNAX8jLLXL.png?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger