Nửa cuối năm 2022 có thể coi là một thời gian kinh hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi giá cổ phiếu liên tục lao dốc, nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề trở về trắng tay. Vậy nếu ở trong trường hợp chứng khoán lao dốc thì nhà đầu tư nên làm gì?
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khi thị trường chứng khoán chạm đáy rất nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt bán tháo cổ phiếu đang nắm giữ nhằm bảo toàn nguồn vốn của mình. Thế nhưng chỉ đến tháng 03/2019, thị trường đã lấy lại phong độ, tăng trưởng vượt xa hơn cả giai đoạn trước khủng hoảng.
Những nhà đầu tư dài hạn chọn đứng yên trước đà lao dốc của thị trường đã thu về một nguồn lợi nhuận khổng lồ và giàu lên nhanh chóng. Bởi thế cho nên, một số lời khuyên dành cho các bạn khi rơi vào tình huống chứng khoán downtrend đó là:
1. Ổn định tâm lý, tránh hoảng loạn, tránh bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá
Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư cần ổn định và giữ vững tâm lý của mình đầu tiên
Đừng quá hoảng loạn, nếu đã có chiến lược đầu tư riêng thì bạn cứ nên tuần thủ nó. Trong ngắn hạn, nên chủ động quan tâm đến vấn đề an toàn của nguồn vốn, dù thị trường lúc đó được định giá rẻ nhưng chưa hoàn toàn là rẻ hẳn. Cũng đừng đoán đáy của thị trường vì đây là điều không thực tế, hãy tự trả lời câu hỏi việc đầu tư của bạn nên dừng hay tiếp tục, khi nhìn nhận lại tất cả các vấn đề hiện nay của mình gồm sức khỏe tài chính, sức khỏe tinh thần, nguồn tiền cần phục vụ cho các mục đích nào… để cân nhắc các quyết định giao dịch mua và bán.
Thị trường về lâu dài vẫn sẽ có sự hồi phục sau khi đã chạm đáy, vì vậy, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi nhịp hồi của thị trường rồi cơ cấu lại các danh mục đầu tư. Đối với mã đầu cơ, thị giá cao ngất ngưởng, vượt xa giá trị thực, ta nên canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng. Với những mã cổ phiếu có tiềm năng tốt trong tương lai, nên mua vào ở những vùng hỗ trợ để hạ giá vốn của nó. Nên mua cổ phiếu tốt ở mức giá trung bình chứ đừng mua cổ phiếu trung bình ở mức giá tốt.
Ngay cả đến những tỷ phú hàng đầu thế giới vẫn có không ít lần “thua đau”, tuy vậy, họ càng ngày càng rút ra được kinh nghiệm và đầu tư một cách thông minh hơn. Chẳng hạn như tỷ phú Paul Tudor Jones, ông cũng thừa nhận mình nhiều lần thua lỗ nhưng ông rút ra được bài học, đó là những lúc đầu tư kém thì giảm quy mô giao dịch lại, như thế thì quy mô vị thế trong những giai đoạn giao dịch tệ nhất luôn đạt giá trị nhỏ nhất.
2. Phải biết cách bảo vệ danh mục đầu tư của mình
Kiểm tra và theo dõi danh mục đầu tư của mình một cách sát nhất
Biến động là tất yếu của thị trường, cách thức bảo vệ danh mục đầu tư của bạn sẽ quyết định mức độ rủi ro có thể xảy ra. Kể cả trong giai đoạn đỏ lửa của chứng khoán thì vẫn có những mã cổ phiếu “xanh”, đặc biệt là nhóm những cổ phiếu phòng thủ, dù thị trường có sụt giảm thì nó vẫn sẽ tăng điểm.
Tìm cách bảo vệ danh mục đầu tư của mình bằng cách cân nhắc điều chỉnh danh mục đầu tư của mình, cần tuân thủ đúng theo chiến lược đầu tư riêng của mình, không nên nương theo hiệu ứng đám đông, có khẩu vị rủi ro riêng theo đúng khả năng tài chính của bản thân.
Bên cạnh đó, khi chứng khoán gặp vấn đề thì phái sinh sẽ là một công cụ quan trọng để kiếm lời và bù đắp vào thiệt hại của bạn.
Chính vì vậy, nhà đầu tư phải cân nhắc điều chỉnh danh mục của mình sao cho thật hợp lý, sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro, lựa chọn các cổ phiếu phát huy tác dụng tốt trong dài hạn, giúp hoạt động đầu tư của bạn hiệu quả, hiệu suất tốt.
3. Xây dựng khẩu vị rủi ro và chiến lược đầu tư riêng
Xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp trong tương lai, ứng với khẩu vị rủi ro của mình
Việc xây dựng chiến lược đầu tư và khẩu vị rủi ro riêng biệt là yếu tố then chốt trong việc giữ tâm lý bất biến giữa những biến động của thị trường. Khẩu vị rủi ro của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thời gian đầu tư, nhu cầu về tiền mặt, giới hạn mức độ thua lỗ là bao nhiêu. Để đánh giá mức độ chịu rủi ro của bản thân, bạn có thể tham khảo một vài câu hỏi trên các web đầu tư hoặc thử nghiệm luôn đầu tư chứng khoán ảo bằng cách tham gia cài đặt các ứng dụng/app đầu tư có bản beta dùng thử.
Việc dùng thử, trải nghiệm thử này giúp nhà đầu tư không bị bỡ ngỡ khi đầu tư thật, được trang bị các kiến thức về thị trường, cách đặt lệnh, lên kế hoạch, điều chỉnh cảm xúc khi có biến động thị trường xảy ra để có thể đưa ra các quyết định giao dịch đúng đắn. Chúng ta cần phải xây dựng trước khẩu vị và mức độ chịu đựng rủi ro, trước cả việc lên kế hoạch chiến lược đầu tư, để vững tinh thần mỗi khi biến động xảy ra, chứ không phải đến khi thị trường xuống dốc thì liên tục bán tháo.
Chiến lược đầu tư ở đây là chiến lược đầu tư trong dài hạn. Lợi nhuận của cổ phiếu có thể lên xuống trong ngắn hạn nhưng đây lại là loại tài sản tốt nhất “để dành” cho dài hạn hơn các loại tài sản khác. Nhìn xa hơn, về tương lai, cho phép chúng ta coi sự sụt giảm lớn hay thị trường xuống dốc là cơ hội để tích lũy thêm tài sản thay vì là mối đe dọa với tài khoản của mình. Thời gian đủ dài, những đợt giảm mạnh cũng tựa như những “cú hích” trong xu hướng dài hạn.
Rủi ro là thứ khó đoán định nên lúc nào chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và dự phòng sẵn phương án để giảm thiểu tổn thất một cách tối đa.
4. Ngừng theo dõi diễn biến của thị trường một cách liên tục
Tránh nhìn bảng điện liên tục, diều này sẽ khiến tâm lý đầu tư hoang mang
Ngừng theo dõi diễn biến lên xuống của thị trường một cách liên tục để kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Có hai chiều cảm xúc đó là hưng phấn và bi quan khiến các nhà đầu tư rơi vào vòng xoáy của giao dịch mua/bán liên tục. Việc nhìn bảng điện tử quá nhiều khiến bạn dễ rơi vào tâm lý đám đông như hiệu ứng
FOMO và bán hết cổ phiếu đỏ đi, phần lớn những quyết định này dẫn đến tình trạng bán đáy hoặc đu đỉnh. Chính tỷ phú Warren Buffett cũng chia sẻ rằng, không nên theo dõi thị trường quá chặt chẽ, ông khuyên các nhà đầu tư không nên lo lắng quá nhiều, vì cảm xúc chính là thứ có thể đánh bại bạn nếu cứ tiếp tục nhìn tình hình xấu và chăm chăm bán cổ phiếu để tránh thiệt hại thì bạn đã bị “thua”.
Ông Warren Buffett cũng nói thêm rằng, mua các cổ phiếu của những công ty tốt thì nên đặt tầm nhìn từ 10 - 30 năm, hoặc tham gia các quỹ chỉ số do các quỹ này đã đa dạng hoá và nắm giữ nhiều cổ phiếu tốt trong đó. Việc cứ cố gắng phản ứng với các xu hướng của thị trường sẽ phản tác dụng, các cố vấn tài chính khuyên chúng ta nên chờ những thăng trầm của thị trường qua đi, bạn sẽ không bỏ lỡ những đợt phục hồi của cổ phiếu.
Mỗi khi chứng khoán đi xuống (downtrend), nhìn giá trị khoản đầu tư giảm dần khó có ai mà giữ được bình tĩnh, không lo lắng cho tiền bạc của mình. Họ băn khoăn không biết nên rút hay nên giữ, nên bán hay cố cầm cự chờ tăng trở lại. Hàng loạt các hành động né tránh như xóa app, đổ lỗi cho các chính sách mới, đóng bảng giao dịch chỉ khiến tâm lý nhà đầu tư càng thêm nặng nề.
Đã đầu tư thì ai cũng từng trải qua giai đoạn thua lỗ liên miên, kể cả với những người giỏi nhất. Những điểm khác biệt giữa người thành công và người thất bại là phong thái hành động khi bất lợi xảy ra. Cần đầu tư trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, tạo lập thói quen đầu tư kỷ luật với các phương pháp rõ ràng để luôn làm chủ tình thế và chiến thắng thị trường.
Tìm hiểu thêm: Khủng hoảng kinh tế 2008 và những tác động của nó tới thị trường Việt Nam