S&P 500 là chỉ số chứng khoán Mỹ được dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ. Chỉ số S&P 500 được coi là đại diện cho thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và phần nào phản ánh sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
1. Chỉ số S&P 500 là gì?
S&P 500 index là viết tắt của Standard & Poor’s 500 Stock Index - Đây là chỉ số chứng khoán được tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu của 500 công ty sở hữu mức vốn hóa lớn nhất nước Mỹ.
Vốn hóa của những công ty, tập đoàn này chiếm tới 70% thị trường chứng khoán, bởi vậy S&P 500 index cso thể cung cấp thông tin tổng quan về chuyển động chung của thị trường chứng khoán Mỹ, từ đó các nhà đầu tư có thể đưa ra nhận định về tình hình thị trường chung qua các giai đoạn.
Tại Việt Nam, có một loại chỉ số cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là VN30 index - chỉ số đại diện cho 30 mã cổ phiếu có vốn hóa và mức thanh khoản cao nhất đang niêm yết trên sàn HoSE.
S&P 500 index đại diện cho 500 công ty vốn hóa lớn nhất nước Mỹ
Theo mức độ quan tâm của các nhà đầu tư thì S&P 500 chỉ xếp sau Dow Jones Index (chỉ số bình quân công nghiệp). Tuy nhiên, S&P 500 lại sở hữu những điểm nổi trội hơn đồng thời giải quyết được một vài điểm hạn chế của Dow Jones nên đang dần thu hút sự quan tâm chú ý nhiều hơn.
Nhắc đến S&P 500 companies - 500 công ty nằm trong nhóm S&P - có thể kể đến những tập đoàn quen thuộc và nổi trội như Microsoft, Google, Amazon, Facebook, Apple, AT&T, General Electric, Johnson & Johnson…
Năm 1923, Công ty Standard Statistics (tiền thân là Cục Thống kê Tiêu chuẩn ra đời năm 1906) bắt đầu xếp hạng trái phiếu thế chấp và phát triển chỉ số thị trường chứng khoán, bao gồm cổ phiếu của 233 công ty tại Hoa Kỳ, số liệu được tính và cập nhật hàng tuần. Đến năm 1926, công ty này tiếp tục phát triển một chỉ số gồm 90 cổ phiếu được tính theo ngày.
Năm 1941, Standard & Poor's được thành lập (Poor's Publishing và Standard Statistics Company sáp nhập). Ngày 4/3/1957, chỉ số này được mở rộng cho 500 công ty và được đổi tên thành Chỉ số tổng hợp chứng khoán S&P 500.
Việc quyết định công ty đại chúng nào sẽ nằm trong nhóm Standard & Poor’s 500 Stock Index sẽ do một hội đồng chịu trách nhiệm xem công ty đại chúng nào đáp ứng đủ điều kiện dựa trên các thang đo với các tiêu chí cụ thể chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.
2. Ý nghĩa của chỉ số S&P 500
Chỉ số S&P 500 được cấu thành bởi 500 công ty lớn nhất nước Mỹ ở các ngành nghề khác nhau, do đó số liệu từ nhóm công ty trong Standard & Poor’s 500 Stock Index xem như là đã đại diện được cho toàn bộ thị trường.
Chỉ số S&P 500 giúp nhà đầu tư nhận định tình hình thị trường
Nhìn vào sự biến động của chỉ số tổng hợp chứng khoán S&P 500, các nhà đầu tư có thể nhận định được tình hình kinh tế, chính trị của Mỹ bởi chỉ số này khá nhạy cảm, phản ứng với chính sách kinh tế cũng như tình hình chính trị.
Khi có điều chỉnh về chính sách kinh tế liên quan đến vấn đề lạm phát hay lãi suất thì giá trị của chỉ số sẽ biến động mạnh. Sự thay đổi của các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn cũng tác động nhiều hơn đến giá trị của chỉ số S&P.
3. Ưu và nhược điểm của chỉ số S&P 500
Lợi ích
Dựa vào S&P 500 index, các nhà đầu tư chứng khoán có thể nhận diện được biến động thị trường thuộc nhiều lĩnh vực.
Giúp nhà đầu tư nhanh chóng cập nhật tin tức chính trị thế giới, nắm bắt những thông tin và chính sách mới nhất từ chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế như: tăng giảm lãi suất, điều chỉnh lạm phát, chính sách tiền tệ…
Chỉ số S&P 500 cầu tạo từ 500 công ty hàng đầu nên sự thay đổi nào từ các công ty này cũng khiến chỉ số chung thay đổi. Nhà đầu tư sẽ nhận định được xu hướng vận động của thế giới thông qua hoạt động của các công ty.
Mặt hạn chế
Chỉ số sẽ bị ảnh hưởng bởi những công ty lớn, trong khi những công ty nhỏ trong nhóm S&P 500 sẽ khó tạo ra ảnh hưởng đến chỉ số chung nên nhà đầu tư có thể bỏ qua hoặc nắm bắt không chính xác về nhóm này.
Tại Mỹ, mỗi bang sẽ có chính sách riêng nên cũng khiến công ty thuộc bang đó ảnh hưởng bên cạnh sự tác động của chính sách quốc gia,
4. Biểu đồ chỉ số S&P 500 năm 2023 (6 tháng đầu năm)
Để xem biểu đồ chỉ số s&p 500 online, nhà đầu tư có thể truy cập các website cung cấp thông tin chứng khoán như: tradingview, investing hay ifcmarkets hay những ứng dụng cập nhật tình hình chứng khoán.
Tại đây, bạn có thể xem đồ thị với các thông tin như: Giá mở cửa - đóng cửa, giá cao nhất - thấp nhất, khối lượng giao dịch trung bình (tính theo ngày, giờ) cùng nhiều thông tin khác.
Có thể điều chỉnh timeline xem theo tuần, tháng, năm để có cái nhìn tổng quát, tiện cho phân tích thị trường.
Biểu đồ S&P 500 index từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2023
Biểu đồ cho thấy trong nửa đầu năm 2023, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh, đây là tín hiệu tốt cho nửa cuối năm 2023. Diễn biến thị trường chứng khoán đã vượt quá kỳ vọng của Phố Wall bởi đầu năm, các chuyên gia nhận định chỉ số này sẽ chỉ đi ngang so với năm 2022.
Chứng khoán Mỹ năm 2023 khởi sắc đáng kể
Một trong những bằng chứng lạc quan là đà tăng của các cổ phiếu dẫn dắt thị trường (không tính nhóm công nghệ). Các cổ phiếu S&P 500 bị vùi dập nặng nề trong năm 2022 đều đi lên hơn 10% trong năm 2023.
Chỉ số Nasdaq 100 cũng tiến triển trong nửa đầu năm 2023
Các chuyên gia dự báo, nửa cuối năm 2023, chứng khoán Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, có thể giảm khoản 6% so với giai đoạn nửa đầu năm.
Tỷ suất sinh lời của S&P 500 nửa đầu năm 2023
5. Điều kiện để vào nhóm S&P 500
Các cổ phiếu thuộc nhóm S&P 500 không cố định mà sẽ thay đổi dựa theo đánh giá định kỳ của Ủy ban đánh giá nhằm loại bỏ những cổ phiếu không đủ tiêu chí và thêm vào những cổ phiếu mới.
Để được xếp vào nhóm S&P 500 companies, các công ty phải thỏa mãn 8 tiêu chí chính gồm: Vốn hóa thị trường, cổ phiếu công khai, tiêu chuẩn phân loại ngành trên toàn cầu và đại diện các ngành trong nền kinh tế Hoa Kỳ, tính thanh khoản, trụ sở, khả năng tài chính của doanh nghiệp, khoảng thời gian giao dịch công khai, trao đổi chứng khoán.
- Công ty đó phải có trụ sở đặt ở Hoa Kỳ.
- Số lượng cổ phiếu phát hành ra đại chúng chiếm từ 50%.
- Vốn hóa thị trường tối thiểu là 14,6 tỷ đô la Mỹ (mức này thay đổi hàng năm). Tiêu chí vốn hóa thị trường chỉ nhằm bổ sung vào một chỉ mục, không phải để có thể tiếp tục là thành viên. Giá trị đồng đô la hàng năm được giao dịch để vốn hóa thị trường được điều chỉnh thả nổi lớn hơn 10% số cổ phiếu đang lưu hành
Công ty phù hợp vào nhóm S&P 500 được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn
- Khối lượng giao dịch hàng tháng tối thiểu là 250.000 cổ phiếu (tính trong sáu tháng trước ngày đánh giá)
- Hiệu quả tài chính gần đây phải phù hợp với tiêu chí do Ủy ban đánh giá đưa ra.
- Cổ phiếu được niêm yết công khai trên NYSE Arca hoặc NYSE American (Sàn giao dịch chứng khoán New York) hoặc NASDAQ Global Select Market, NASDAQ Select Market hoặc NASDAQ Capital Market.
Các công ty hợp danh, trách nhiệm hữu hạn và các đơn vị ủy thác đầu tư, các loại cổ phiếu kép… không đủ điều kiện đưa vào chỉ mục.
Do việc đánh giá và xếp hạng chặt chẽ khiến cho chỉ số này có tính tin cậy cao, mang lại nhiều giá trị về mặt thông tin cho các nhà đầu tư chứng khoán.
6. Cách tính chỉ số S&P 500
Chỉ số S&P 500 được tính toán từ những công ty đại chúng vốn hóa lớn nhất, để tính chỉ số này chỉ cần lấy tổng vốn hóa thị trường của 500 công ty S&P chia cho 1 ước số xác định (Divisor). Công thức tính S&P 500 index như sau:
S&P 500 Index = (Tổng vốn hóa thị trường của 500 công ty)/Ước số.
Công thức tính chỉ số S&P 500 theo ước số
Ước số là 1 con số độc quyền và đặc biệt được Standard & Poor quy định nhằm đảm bảo các yếu tố phi kinh tế không tác động đến chỉ số. Ước số này sẽ được điều chỉnh khi có sự phân chia cổ phiếu hoặc cổ tức ảnh hưởng đến giá trị của các chỉ số.
Tổng giá trị vốn hóa của chỉ số S&P 500 được công khai trên web của Standard & Poor's nhưng giá trị của ước số luôn được giữ bí mật. Giá trị này được ước tính là xấp xỉ ở mức 8.9 tỷ.
Các công ty vốn hóa lớn khi biến động sẽ tác động mạnh đến S&P 500 Index vì thế trọng số nghiêng về những công ty có vốn hóa lớn hơn. Công thức tính trọng số như sau:
Công thức tính trọng số các công ty trong S&P 500
Hay có thể dùng công thức sau đây để tính toán chỉ số S&P 500:
Index level = Σ(Pi x Qi)/Divisor
Trong đó:
P là giá của cổ phiếu của các công ty thành viên
Q là số lượng cổ phiếu công chúng của các công ty thành viên.
Divisor: Ước số
Ví dụ: Giả sử tổng giá trị vốn hóa của 500 cổ phiếu thành phần là 14 nghìn tỷ USD và ước số là 8.93 tỷ, thì S&P 500 index sẽ có giá trị là 1,567.75.
7. Có nên đầu tư chỉ số S&P 500 không?
Cổ phiếu S&P 500 có tính thanh khoản cao
S&P 500 thường có khối lượng giao dịch cao bởi bao gồm các công ty lớn nhất, do vậy khi đầu tư vào các cổ phiếu này, nhà đầu tư sẽ luôn có thể vào hay thoát vị thế với mức giá mong muốn.
Cổ phiếu S&P 500 luôn có tính thanh khoản cao
Có thể dự đoán sự biến động theo tình hình kinh tế, chính trị
Giá của S&P 500 có thể biến động, tăng giảm nhanh chóng để đáp ứng được các quyết định về lãi suất do FED đưa ra, phát hành kinh tế vĩ mô, trong đó có số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.
Nhờ đó các nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận bằng cách theo dõi kinh tế vĩ mô, chính sách của Chính phủ và tình hình thị trường để quyết định đầu tư các cổ phiếu theo ngắn hạn hay dài hạn.
Biểu hiện “sức khỏe” của nền kinh tế Hoa Kỳ
Chỉ số S&P 500 được tạo thành bởi các doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bởi vậy chỉ số này được coi là biểu hiện sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
8. Cách đầu tư theo chỉ số S&P 500 hiệu quả
Nhà đầu tư Việt Nam không thể đầu tư trực tiếp vào các cổ phiếu S&P 500 mà chỉ có thể coi nó như một danh mục cổ phiếu để xem xét.
Nhà đầu tư có thể giao dịch thông qua quỹ chỉ số - đây là các quỹ tương hỗ hoặc giao dịch trao đổi (ETF) theo dõi chỉ số cổ phiếu hoặc trái phiếu trên thị trường.
Giao dịch ETF giống như giao dịch cổ phiếu nên nhà đầu tư cần có tài khoản môi giới chứng khoán.
Một nhà môi giới hợp đồng chênh lệch cung cấp cơ hội để các nhà đầu tư suy đoán xu hướng tăng giảm của S&P 500 hoặc ETF mà không cần sở hữu khoản đầu tư cơ bản, thông qua đòn bẩy có thể nhận được lợi nhuận lớn hơn với số vốn nhỏ ban đầu.
Hợp đồng S&P Future được cung cấp bởi công ty môi giới chứng khoán phái sinh
Tại Việt Nam, nhà đầu tư không thể đầu tư chỉ số này trên sàn chứng khoán mà phải giao dịch ký quỹ thông qua các sàn môi giới phái sinh, chọn sản phẩm S&P 500 Future và mở vị thế giao dịch.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế với số vốn từ 20$, sử dụng đòn bẩy tài chính để tăng lợi nhuận, đóng vị thế và rút tiền về tài khoản cá nhân khi có lãi.
9. Các yếu tố ảnh hưởng tới chỉ số S&P 500
Do chỉ số tổng hợp chứng khoán S&P 500 phụ thuộc vào giá trị của các công ty thành phần tạo nên chỉ số bởi vậy những yếu tố ảnh hưởng đến công ty thành phần cũng ảnh hưởng đến giá trị của chỉ số S&P 500.
Những yếu tố ảnh hưởng đến các công ty thành phần bao gồm:
- Chính sách tiền tệ do Cục Dự trữ Liên bang (FED) ban hành: Mức lãi suất ảnh hưởng đến chi phí vay, từ đó tác động trực tiếp đến lợi nhuận và các khoản đầu tư của công ty cũng như mức chi tiêu của người tiêu dùng.
Mọi yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội đều khiến S&P 500 biến động
- Định giá tiền tệ: Tỷ giá USD thay đổi sẽ tác động tới giá cả hàng hóa nội địa và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Khi đồng USD mạnh, có giá trị cao sẽ giúp các công ty mua hàng nhập khẩu rẻ hơn, ngược lại khi đồng USD yếu thì sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh cao hơn trên quốc tế.
- Hiệu quả kinh tế: Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ khiến công việc dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp thấp, người lao động được tăng nguồn thu do đó sẽ tăng chi tiêu để hưởng thụ cuộc sống. Nhờ vậy các công ty làm ăn hiệu quả hơn, phát triển tốt hơn dẫn đến cổ phiếu tăng giá.
- Giá cả hàng hóa: Giá trị của cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí của hàng hóa của công ty đang sản xuất, kinh doanh. Chi phí hàng hóa tăng hoặc giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận thu về cũng như cổ tức chia cho cổ đông.
- Các yếu tố khách quan khác như thiên tai, khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chiến dịch bầu cử và các chính sách vĩ mô khác của chính phủ Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến chỉ số
Có thể thấy rằng các yếu tố vĩ mô sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của chỉ số S&P 500. Các nhà đầu tư nên thường xuyên cập nhật các tin tức tổng hợp về kinh tế vĩ mô, chính trị… để có cái nhìn khách quan về xu hướng biến động của chỉ số S&P 500. Hãy theo dõi TOPI để biết thêm những thông tin về thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.
Xem thêm: Các chỉ số chứng khoán thế giới quan trọng mà nhà đầu tư nên biết