OPEC được biết đến là tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, thế nhưng, có thể bạn chưa biết, ba quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới như Nga, Trung Quốc và Mỹ đều không thuộc tổ chức OPEC. Vậy cụ thể OPEC gồm những thành viên nào và mục đích hoạt động là gì?
1. OPEC là gì?
OPEC là viết tắt tiếng Anh của Organization of Petroleum Exporting Countries chỉ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ gồm 13 Quốc gia thành viên chiếm khoảng 30% sản lượng dầu toàn cầu.
Tổ chức này được thành lập vào năm 1960 và bao gồm 13 thành viên khác nhau (tính đến 2023). Trụ sở chính của OPEC đặt tại Vienna, Áo, bao gồm cơ quan điều hành, thực hiện các hoạt động kinh doanh hằng ngày.
Thông tin về Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ
OPEC hoạt động giống như một tập đoàn quản lý nguồn cung dầu và nỗ lực kiểm soát giá dầu trên thị trường thế giới, tránh những biến động xấu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước sản xuất và các nước tiêu thụ dầu.
Trước khi OPEC thành lập, thị trường dầu mỏ quốc tế bị chi phối bởi tổ chức “seven sisters” gồm các công ty năng lượng đa quốc gia của Anh - Mỹ. Nhưng kể từ những năm 1980, OPEC đã có tác động đến nguồn cung dầu thế giới và sự ổn định giá dầu.
OPEC có thể điều chỉnh được giá dầu thế giới nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức về căng thẳng địa chính trị, tình trạng dư cung và sụt giảm nhu cầu cũng như việc áp dụng các công nghệ xanh và công nghệ mới khác.
Tìm hiểu thêm: FAO là gì? Vai trò của tổ chức FAO tại Việt Nam
2. Lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức OPEC
Những giai đoạn hình thành và phát triển của OPEC
OPEC được thành lập vào ngày 14/09/1960 tại Baghdad bởi 5 nước thành viên: Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Saudi và Venezuela, với mục đích là điều phối các chính sách đầu mỏ của các nước thành viên và cung cấp viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho các quốc gia thành viên.
Tổ chức này đã thành lập Ban Thư ký tại Geneva trước khi quyết định đặt trụ sở chính tại Vienna vào năm 1965. Người đứng đầu tổ chức sẽ là Tổng Thư ký.
Đến năm 1969, thành viên của OPEC đã lên đến 10 quốc gia và hoạt động như một tổ chức bí mật cho đến khi các nước thành viên Ả Rập cắt giảm sản lượng và cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Hà Lan. Đây là động thái phản ứng trước sự hỗ trợ của phương Tây cho Israel trong Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10/1973.
Một năm sau đó, giá dầu đã tăng vọt, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu tại Mỹ. Tới năm 1974 thì lệnh cấm vận này mới được dỡ bỏ.
Đến năm 1975 thì OPEC có 13 quốc gia thành viên, và con số này vẫn giữ nguyên cho đến năm 2023, dù có một số quốc gia khác gia nhập sau đó rút lui không còn trong tổ chức nữa.
Năm 1976, OPEC thành lập Quỹ Phát triển Quốc tế OPEC, cung cấp tài chính và trợ cấp cho khu vực thương mại và tư nhân của các quốc gia đang phát triển và cộng đồng quốc tế khác dù họ không phải là thành viên của tổ chức này.
Năm 2016, OPEC thành lập liên minh với các quốc gia sản xuất dầu khác để thành lập OPEC+. 10 quốc gia hiện thuộc OPEC+ bao gồm Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Mexico và Oman. Động thái thành lập OPEC+ là phản ứng trước việc giá dầu thô giảm một phần do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh kể từ năm 2011.
Những diễn biến địa chính trị có ảnh hưởng đến giá dầu gồm: chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980, Chiến tranh vùng Vịnh 1990 - 1991, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008. Gần đây nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm giá dầu thô lao dốc giữa năm 2020 khi nhiều quốc gia tiến hành phong tỏa. Sau đó, các thành viên OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng mỗi ngày – khoảng 10% sản lượng toàn cầu – để cố gắng đẩy giá tăng trở lại.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ của OPEC
Mục tiêu và nhiệm vụ khi hình thành tổ chức OPEC
OPEC tự mô tả mình là một tổ chức liên chính phủ thường trực, thành lập với mục tiêu và nhiệm vụ “điều phối và thống nhất các chính sách dầu khí của các nước thành viên và đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu mỏ thế giới”. Luôn đảm bảo có nguồn cung ổn định cho nền kinh tế và người tiêu dùng trên toàn cầu, tạo thu nhập thường xuyên cho các nhà sản xuất xăng dầu, những nhà đầu tư vào ngành dầu khí.
Tổ chức OPEC cam kết tìm mọi cách đảm bảo giá dầu được ổn định trên thị trường quốc tế mà không có bất kỳ biến động lớn nào. Điều này giúp duy trì lợi ích của các quốc gia thành viên, đồng thời đảm bảo họ có một nguồn doanh thu thường xuyên từ việc cung cấp dầu thô không bị gián đoạn cho các quốc gia khác.
OPEC công nhận các quốc gia sáng lập là thành viên đầy đủ. Bất kỳ quốc gia nào mong muốn tham gia và được tổ chức chấp nhận đơn đăng ký thì cũng được coi là thành viên đầy đủ. Điều kiện đủ để là thành viên OPEC đó là phải có lượng xuất khẩu dầu thô đáng kể. Sau khi nhận được phiếu bầu của 3/4 thành viên đầy đủ trong tổ chức thì quốc gia tham gia sẽ được cấp tư cách thành viên OPEC.
4. Các thành viên trong tổ chức OPEC
Thành viên của OPEC bao gồm:
5 quốc gia sáng lập từ 1960 đến nay: Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Saudi, Venezuela.
Và 8 quốc gia thành viên khác: Algeria (từ 1969), Angola (từ 2007), Cộng Hoà Công-gô (Từ 2018), Guinea Xích Đạo (từ 2017), Gabon (1975 - 1995, từ 2016 đến nay), Libya (từ 1962), Nigeria (từ 1971), các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (từ 1967).
Có 3 quốc gia từng là thành viên, nhưng hiện tại đã không còn là thành viên nữa.
Ecuador là thành viên từ 1973 - 1992 và giai đoạn 2007 - 2020;
Indonesia là thành viên từ 1962 - 2008 và từ tháng 1 - tháng 11/2016;
Qatar là thành viên từ 1961 - 2019.
Việc không trở thành thành viên của OPEC có thể giúp các quốc gia khác tự do theo đuổi mục tiêu của mình, chẳng hạn như có thể sản xuất nhiều/ít dầu hơn hạn ngạch cho phép của OPEC, không cần phải đóng phí thường niên của tổ chức (2 triệu USD), có thể đầu tư vào sản xuất các loại khí đốt khác…
Danh sách các thành viên của OPEC
5. Cách thức hoạt động của tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)
Trụ sở chính đặt tại Vienna, Áo gồm ba cơ quan chính: Hội nghị, Hội đồng Thống đốc và Ban Thư ký.
Hội nghị là cơ quan có thẩm quyền tối cao của OPEC. Được tạo thành từ các đại biểu từ các quốc gia thành viên, mỗi người có một phiếu bầu, Hội nghị quyết định các chính sách, tư cách thành viên và lãnh đạo của tổ chức.
Hội đồng Thống đốc chịu trách nhiệm lập ngân sách của OPEC. Các nước thành viên đề cử các thống đốc, những người này được Hội nghị xác nhận sẽ phục vụ nhiệm kỳ hai năm.
Ban Thư ký thực hiện các chính sách do Hội nghị và Hội đồng Thống đốc đặt ra, tiến hành nghiên cứu và giám sát hoạt động của tổ chức bên ngoài trụ sở chính ở Vienna. Hiện Tổng thư ký của tổ chức OPEC là Haitham al-Ghais của Kuwait sẽ giữ chức vụ với nhiệm kỳ ba năm.
Mỗi thành viên trong OPEC sẽ được phân bổ hạn ngạch riêng để điều chỉnh lượng khai thác dầu, tạo ra hiện tượng thiếu hoặc thừa cung dầu giả, thông qua đó tổ chức sẽ điều chỉnh giá dầu tăng giảm cho hợp lý, hoặc giữa giá dầu ổn định.
Mô hình hoạt động của OPEC
Sức ảnh hưởng của từng thành viên OPEC đối với tổ chức phụ thuộc vào mức dự trữ và sản xuất dầu của họ. Chẳng hạn như Kuwait, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có trữ lượng dầu bình quân đầu người lớn nhất của tổ chức, các quốc gia này cũng tương đối mạnh về tài chính và do đó có sự linh hoạt đáng kể trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất dầu trong tổ chức OPEC.
6. Những tác động của OPEC đối với thị trường chung
Có thể nói, OPEC là nguồn sản xuất và xuất khẩu dầu thô với những sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới. Khoảng 40% sản lượng dầu thế giới và 60% thị trường xăng dầu thế giới đến từ các quốc gia thành viên của OPEC và chiếm hơn 80% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới vào năm 2021.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bất cứ động thái nào của OPEC cũng đều có tác động to lớn đến giá năng lượng toàn cầu. Giá dầu có thể giảm đáng kể nếu tổ chức OPEC quyết định cung cấp thêm dầu cho thị trường. Mặt khác, nếu các nước thành viên OPEC quyết định cắt giảm sản lượng và hạn chế nguồn cung thì giá rất có thể sẽ tăng vọt.
Đáng chú ý nhất là Ả Rập Saudi, đóng vai trò chủ đạo trong việc xác định tổng sản lượng và giá cả, vì nước này sản xuất dầu chiếm gần 1/3 tổng sản lượng dầu mỗi ngày của OPEC, cho nên, Ả Rập Saudi có sức ảnh hưởng to lớn đến các chính sách của OPEC, bằng chứng là các quyết định thực sự về chính sách dầu mỏ được đưa ra ở Riyadh - thủ đô của Ả Rập Saudi, thay vì ở Vienna - trụ sở chính của OPEC. Tiếp theo sau đó có thể là Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với sức mạnh tương tự.
Theo như nhiều nhà nghiên cứu tài chính thì quy định của OPEC lỏng lẻo dẫn đến việc các nước thành viên “gian lận” hoặc sản xuất dầu nhiều hơn hạn ngạch OPEC cho phép để tăng doanh thu cho Chính phủ của mình, chẳng hạn như Iraq, Venezuela hoặc Nigeria - họ luôn muốn sản xuất nhiều nhất có thể nên hay lách luật để thực hiện.
Tóm lại, OPEC là tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ với mục tiêu chung là điều chỉnh cung và cầu dầu lửa để có thể cân bằng thị trường năng lượng trên toàn thế giới. OPEC cũng thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên, giúp họ giảm bớt mức độ thù địch chính trị, tuy nhiên vẫn có sự phân chia quyền lực trong tổ chức đối với thành viên có trữ lượng dầu thô lớn. Trên đây là các thông tin về tổ chức OPEC, hy vọng TOPI đã mang lại kiến thức bổ ích đến cho bạn đọc.