Facebook Topi

01/08/2024

Lợi ích của việc tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm

Kiến thức tài chính không chỉ đơn thuần là việc biết cách sử dụng tiền một cách hiệu quả, mà còn bao gồm việc hiểu biết về các sản phẩm tài chính, cách thức hoạt động của thị trường tài chính, và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tài chính. 

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến (2017) về mức độ hiểu biết tài chính của sinh viên Việt Nam thì các sinh viên đa phần có kiến thức tài chính ở mức thấp, rất cơ bản, có khoảng 47% sinh viên các trường đại học TP. Hồ Chí Minh không có kiến thức tài chính. Nghiên cứu của Trần Thanh Thu và Đào Hồng Nhung (2020) cho thấy 9% số sinh viên tiêu hết toàn bộ tiền của mình, chỉ có khoảng 17% số sinh viên biết tiết kiệm và tiêu một phần tiền. Vậy kiến thức tài chính là gì, tầm quan trọng như thế nào và lợi ích của việc tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm ra sao, cùng TOPI tìm hiểu ngay nhé.

I. Kiến thức tài chính là gì?

Kiến thức tài chính có thể hiểu là hệ thống những thông tin, kiến thức và kỹ năng gồm các khái niệm về tiết kiệm, đầu tư, quản lý nợ, cách lập kế hoạch tài chính, các thuật ngữ tài chính, tổ chức hoạt động các tổ chức tài chính, sản phẩm tài chính như lãi suất, lạm phát, chứng khoán, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác… liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền bạc và tài sản một cách hiệu quả.

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Kiến thức tài chính sẽ giúp ta hiểu biết về cách thức hoạt động của thị trường tài chính, từ đó đánh giá rủi ro và lợi ích trong các quyết định của mình, học được cách quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính doanh nghiệp có trách nhiệm và hiệu quả. Nếu bạn muốn xây dựng kế hoạch tài chính thành công, trang bị kiến thức tài chính là điều kiện tiên quyết. Kiến thức tài chính giúp bạn hiểu rõ tình hình tài chính hiện tại, xác định mục tiêu tài chính cụ thể và lựa chọn phương pháp phù hợp để đạt được mục tiêu.

Đa phần người dân Việt Nam có lượng kiến thức tài chính còn rất thấp. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ:

  • Chương trình giáo dục tài chính cá nhân chưa phổ biến, chỉ tự phát, đào tạo theo nhu cầu cho từng nhóm đối tượng riêng lẻ;
  • Trong quá trình giáo dục tài chính mới chỉ chú trọng đến các khái niệm tài chính cơ bản chủ yếu là tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, cách đầu tư… chưa có sự quan tâm đúng mức tới các hành vi và thái độ tài chính;
  • Tư tưởng và thói quen của người Việt không cho trẻ tiếp xúc sớm với tiền, sẽ dễ bị hư hỏng;
  • Tỷ lệ nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều, những nhóm người thu nhập thấp không đủ điều kiện để tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính nên kiến thức tài chính cũng hạn hẹp theo;
  • Chưa có đơn vị nào nghiên cứu về hiểu biết tài chính của người Việt một cách toàn diện và đầy đủ, đưa ra các khung đánh giá mức độ lĩnh hội kiến thức tài chính của mỗi người để có cái nhìn chính xác nhất.

>> Xem thêm: Tài chính là gì?

II. Kiến thức tài chính bao gồm những gì?

1. Kiếm tiền 

Kiếm tiền là một nội dung trong kiến thức tài chính, chúng ta kiếm tiền nhằm thoả mãn những nhu cầu của bản thân và đích đến chính là “làm giàu”. Không phải ai cũng giỏi kiếm tiền, còn phụ thuộc vào kỹ năng và cách vận dụng kiến thức tài chính của họ.

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Kiến thức về kiếm tiền là sự hiểu biết về các phương pháp và kỹ năng cần thiết để có thể tạo ra thu nhập, bao gồm kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng đầu tư, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng cá nhân, óc tư duy sáng tạo và cách quản lý tài chính. Trong đó:

  • Kỹ năng nghề nghiệp thể hiện mức độ hiểu biết về lĩnh vực, nghề nghiệp bạn đang làm, cần phải có kỹ năng và kiến thức gì để đạt được thành công trong nghề;
  • Kỹ năng đầu tư gồm các hiểu biết về cơ hội đầu tư khác nhau, các công cụ tài chính khác nhau sao cho tạo ra được lợi nhuận càng nhiều càng tốt;
  • Kỹ năng kinh doanh gồm các kiến thức xoay quanh vấn đề khởi nghiệp, quản lý doanh nghiệp;
  • Kỹ năng cá nhân thể hiện ở khả năng giao tiếp, quản lý thời gian, sự kiên nhẫn và sẵn lòng học hỏi;
  • Óc tư duy sáng tạo giúp ra tạo ra những giá trị độc nhất vô nhị, tăng số tiền kiếm được;
  • Và cuối cùng là kỹ năng quản lý tài chính với sự hiểu biết về cách quả lý thu nhập, tiết kiệm, quản lý nợ, đầu tư để tối ưu hoá tài chính cho bản thân.

2. Tiết kiệm

Kiến thức tài chính về tiết kiệm sẽ bao gồm sự hiểu biết về các phương pháp và nguyên tắc để tích luỹ và bảo toàn tiền bạc - tài sản một cách hiệu quả.

Khi nắm bắt được kiến thức tài chính về tiết kiệm, ta có thể lập được kế hoạch tài chính phù hợp với mục tiêu của bản thân, từ đó, xây dựng nguồn tiết kiệm thông qua việc thiết lập ngân sách, kiểm soát chi tiêu và tìm cách tiết kiệm mỗi ngày. Chúng ta có thể chọn lựa được sản phẩm tiết kiệm tốt khi tìm hiểu về các loại sản phẩm tiết kiệm như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua trái phiếu…

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Tiết kiệm mang lại nhiều lợi ích quan trọng, chẳng hạn như việc tiết kiệm tạo ra một quỹ dự trữ tiền bạc, giúp bạn và gia đình cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong việc đối mặt với các tình huống khẩn cấp hoặc chi phí bất ngờ, như mất việc làm, chi phí y tế hoặc sửa chữa nhà cửa. Có thể đạt được các mục tiêu tài chính từ khoản tiết kiệm được, bạn sẽ trở nên độc lập tài chính và không phụ thuộc vào ai.

3. Đầu tư

Kiến thức tài chính về đầu tư gồm cách đánh giá, lựa chọn và quản lý các cơ hội đầu tư để tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng tài sản.

Khi có hiểu biết về kiến thức đầu tư, bạn sẽ nắm vững được các loại hình đầu tư phổ biến từ cổ phiếu, bất động sản, quỹ đầu tư hay hàng hoá. Có cái nhìn sâu sắc về tính chất, rủi ro và tiềm năng sinh lợi của từng loại hình đầu tư.

Qua đó, bạn cũng biết được cách đánh giá và quản lý rủi ro đầu tư, cùng với việc hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận như lãi suất, biến động thị trường và tình hình kinh tế.

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Từ đây, bạn có thể xác định rõ mục tiêu đầu tư, phân bổ tài sản một cách cân đối vào từng kênh đầu tư sao cho giảm thiểu được rủi ro tối đa và tối ưu hoá lợi nhuận. Cuối cùng là theo dõi, đánh giá hiệu suất đầu tư để điều chỉnh chiến lược đầu tư khi cần thiết.

Sự hiểu biết về thuế và pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư cũng là một phần kiến thức tài chính về đầu tư. Việc này giúp bạn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tìm ra các cách giải quyết khi vướng phải các vấn đề pháp lý.

4. Bảo vệ tài sản

Kiến thức tài chính về bảo vệ tài sản sẽ bao gồm các phương pháp và chiến lược để bảo vệ và tối ưu hoá giá trị của tài sản cá nhân hoặc doanh nghiệp. 

Chẳng hạn việc mua bảo hiểm cho các tài sản của bạn, bảo vệ chúng trước các rủi ro tài chính có thể xảy ra, các loại hình bảo hiểm sẽ có bảo hiểm nhà cửa, xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khoẻ, con người…

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Cách lập ngân sách, xây dựng quỹ dự phòng để bảo vệ cho các nguồn tài sản khác nhau, cách quản lý nợ để việc nợ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản, các hiểu biết về pháp lý liên quan để đảm bảo quyền sở hữu tài sản luôn được xác định rõ ràng và được pháp luật bảo vệ…

5. Chi tiêu

Kiến thức tài chính về chi tiêu sẽ bao gồm sự hiểu biết về cách quản lý chi tiêu và kiểm soát việc sử dụng tiền bạc một cách hiệu quả và thông minh nhất. Với những khía cạnh như:

  • Cách thiết lập ngân sách, phân bổ tiền cho các mục đích khác nhau từ chi tiêu hằng ngày, tiết kiệm, đầu tư và trả nợ (nếu có).
  • Chúng ta có thể hiểu được sự ưu tiên trong chi tiêu thông qua việc phân chia mức độ quan trọng của mỗi sự việc, giúp bạn tập trung vào mục tiêu và nhu cầu quan trọng nhất.
  • Bạn cũng có thể theo dõi và phân tích chi tiêu hằng ngày để nhận biết các khoản không cần thiết, có thể tiết kiệm hoặc cắt giảm đi để tránh nợ gia tăng.

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Bên cạnh đó, kiến thức tài chính về chi tiêu cũng sẽ giúp bạn nhận biết được sức ảnh hưởng của lạm phát lên chi tiêu, để tìm kiếm cách bảo vệ tài sản khỏi tác động tiêu cực của nó. Không chỉ dừng ở đó, bạn cũng có thể đầu tư vào việc học hỏi và phát triển bản thân để cải thiện thu nhập và khả năng quản lý tài chính trong tương lai.

6. Vay mượn và trả nợ

Các kiến thức tài chính về vấn đề vay mượn giúp bạn cân nhắc về các loại hình vay tiền, cũng như cách quản lý và trả nợ như thế nào thì hiệu quả.

Bạn có thể nắm rõ hơn về các lựa chọn vay mượn như vay tín dụng, vay ngân hàng, vay thế chấp… biết cách thực hiện việc so sánh lãi suất và điều kiện vay từ những nguồn vay trên để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Việc có kiến thức tài chính về vay mượn cũng dẫn dắt bạn tìm hiểu kỹ hơn về cách thức hoạt động của hệ thống tài chính, cách hình thành lãi suất và ảnh hưởng của lãi suất lên chi phí vay. Điều này vô cùng hữu dụng khi bạn có nhu cầu vay, hoặc cần các biện pháp để bảo vệ và cải thiện điểm tín dụng của bạn, cũng như thực hiện kế hoạch trả nợ một cách đúng đắn, tránh tình trạng nợ kéo dài, gây tổn hại tài chính.

III. Lợi ích của việc học kiến thức tài chính

1. Xây dựng thói quen tài chính lành mạnh

Kiến thức tài chính giúp cá nhân hiểu rõ về cách quản lý tiền bạc cá nhân một cách hiệu quả, từ việc lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư cho đến quản lý nợ và bảo vệ tài sản. Hỗ trợ việc xây dựng nên thói quen tài chính lành mạnh, đảm bảo sự ổn định và tiến bộ trong cuộc sống.

Trạng thái tài chính lành mạnh nghĩa là tình hình tài chính của bạn luôn ổn định, có khả năng đối phó được với nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến tiền bạc, kiểm soát thu - chi tốt, và bạn không cảm thấy có bất cứ căng thẳng nào về nguồn lực tài chính của mình. Việc sở hữu tài chính lành mạnh sẽ là công cụ để bạn đạt được một cuộc sống hạnh phúc, khoẻ mạnh và tốt đẹp.

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

2. Tránh bẫy nợ

Nên nhớ rằng, mỗi khoản vay nợ đều là một con dao hai lưỡi, nó có thể giúp bạn giải toả ngay khó khăn tài chính nhưng cũng là tác nhân đẩy bạn vào vòng xoáy nợ nần. Kiến thức tài chính giúp bạn hiểu biết hơn về rủi ro và hậu quả của việc nợ và cách quản lý nó một cách hiệu quả giúp bạn tránh căng thẳng tài chính và xây dựng một cơ sở tài chính vững chắc. Bên cạnh đó, khi có nguồn kiến thức dồi dào, bạn cũng sẽ tìm thấy nhiều cơ hội kiếm tiền tốt, tăng thu nhập và giảm thiểu nợ nần.

3. Sức khoẻ tài chính tốt hơn

Kiến thức tài chính giúp cá nhân và doanh nghiệp nhận biết và giảm thiểu rủi ro tài chính từ các nguồn khác nhau như biến động thị trường, lạm phát, hoặc thất thoát tài sản.

Các kiến thức tài chính hữu ích khiến bạn hiểu rõ hơn cách quản lý chi tiêu của mình, hiểu biết về tiết kiệm và đầu tư giúp bạn xây dựng nguồn tiền dự phòng và tăng cường khả năng tài chính trong tương lai, định hình được mục tiêu tài chính rõ ràng và có kế hoạch chi tiết để đạt được chúng.

IV. Các cách giáo dục tài chính cho trẻ nhỏ

Việc giáo dục về kiến thức tài chính cho trẻ nhỏ sẽ giúp chúng hiểu đúng hơn về giá trị của tiền, giá trị sức lao động, phát triển khả năng tự lập, có trách nhiệm với bản thân hơn, giúp trẻ phân biệt được nhu cầu cần thiết và mong muốn của ban thân để đưa ra các quyết định dùng tiền bạc một cách đúng đắn cả ở hiện tại và tương lai.

tiếp cận các kiến thức tài chính từ sớm có lợi ích gì

Với trẻ em ở độ tuổi mầm non (từ 4 - 6 tuổi), phụ huynh có thể giáo dục tài chính cho các bé thông qua việc chơi các trò chơi quan sát và ghi nhớ các mệnh tiền khác nhau.

Với trẻ ở độ tuổi tiểu học, lúc này, trẻ đã bắt đầu biết đọc, biết viết, phụ huynh giúp các con phân biệt các mệnh giá tiền, giải thích về giá trị của từng đồng tiền. Trong giai đoạn này, phụ huynh nên hạn chế mua cho trẻ những món đồ chúng ưa thích, từ đó, khuyến khích trẻ học cách tiết kiệm dần dần chẳng hạn mua cho bé con heo đất rồi tích luỹ tiền dần dần đến khi đủ để có thể mua được món đồ chơi mình thích. Việc này giúp con có trách nhiệm với tiền bạc hơn.

Với trẻ ở độ tuổi trung học, phụ huynh hãy hướng dẫn con học cách mua sắm từ việc lên danh sách các đồ cần mua, đi cùng con và hướng dẫn trẻ cách chọn món đồ phù hợp với mình nhất. Trong quá trình mua sắm, nếu con bị “lung lay” bởi một món hàng nào đó thì phụ huynh hãy giúp con phân tích xem món hàng đó có thực sự cần thiết không, đây chính là lúc con phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn của bản thân. Đây là cách dạy con kiến thức tài chính sớm, để có thể trở thành người tiêu dùng thông minh trong tương lai.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể giới thiệu cho con về hình thức tiết kiệm có lãi, phụ huynh tham gia luôn vào quá trình này với vai trò là một “ngân hàng” chẳng hạn. Tới cuối tuần, cuối tháng, cả gia đình có thể họp mặt lại để con hiểu hơn về cách tính toán, chi tiêu phù hợp với ngân sách chung. Các phương pháp quản lý tài chính có thể dạy cho trẻ trong giai đoạn này là phương pháp 50 20 30, phương pháp 6 chiếc lọ…

Ngoài ra, ba mẹ còn có thể mua thêm cách bộ sách về kiến thức tài chính để cho trẻ đọc và học chẳng hạn như bộ sách Giúp trẻ quản lý tài chính thông minh, bộ sách Muốn và Cần, sách Tiết kiệm tiền thật không đơn giản… Hoặc cho con tiếp cận với các phần mềm tài chính sớm như phần mềm Dragonbox numbers, Financial football, Saving spree, BusyKid, Stock market game…

Như vậy, kiến thức tài chính không chỉ giúp bạn quản lý tiền bạc một cách thông minh và còn giúp cải thiện sức khoẻ tài chính của bạn, tạo ra sự ổn định và an yên cho cuộc sống. Hi vọng với những thông tin TOPI vừa cung cấp, bạn có thể ngay lập tức đi tìm hiểu về những kiến thức liên quan đến tài chính, phục vụ cho cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/YxrKlDuu2uOQNtm78GeLH3jn2QYW8p7ZqWpWb3lN.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/VvUsgRKPmOmXWi1dQ1ti9RrFRj2PQ28Nxfu0e5fv.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger