Facebook Topi

09/10/2023

Lạm phát là gì? Ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế chung

Lạm phát là hiện tượng khiến giá cả hàng hoá dịch vụ trở nên quá đắt đỏ khiến sức mua bị suy giảm theo thời gian. Lạm phát là một “căn bệnh mãn tính” của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, không phải lúc nào lạm phát cũng có hại.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Nguyên nhân của lạm phát có thể là do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy, lạm phát tích hợp, lạm phát do cơ cấu, lạm phát do cầu thay đổi, lạm phát do xuất nhập khẩu. Một mức lạm phát đẹp là từ 2% - 5%, nếu như tăng quá nhiều và quá nhanh thì các tài sản sẽ bị xói mòn giá trị, nhất là tiền mặt.

Chính phủ và NHTW cần tìm ra cách kiểm soát hữu hiệu thông qua chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và nhiều chính sách kinh tế vĩ mô khác.  Nếu biết cách kiểm soát và duy trì thì lạm phát còn giúp thúc đẩy và phát triển nền kinh tế.

I. Lạm phát là gì? Ví dụ về lạm phát

Lạm phát (Inflation) là sự tăng giá liên tục của hàng hóa dịch vụ dẫn đến tình trạng mất giá trị đồng tiền. Có thể hiểu là sự suy giảm sức mua theo thời gian, tốc độ giảm sức mua được phản ánh trong mức tăng giá trung bình của một đơn vị hàng hóa và dịch vụ được chọn trong một khoảng thời gian.

Thông tin về lạm phát

Lạm phát ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế chung

Sự tăng giá thường được biểu thị bằng phần trăm, nghĩa là một đơn vị tiền tệ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn các giai đoạn trước. Việc mất sức mua này ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, cuối cùng dẫn đến sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát trái ngược với giảm phát, khi đó giá giảm nhưng sức mua lại tăng.

Mục đích chính của lạm phát là đo lường tác động tổng thể của những thay đổi về giá đối với một nhóm sản phẩm và dịch vụ đa dạng, cho phép biểu thị một giá trị duy nhất về sự gia tăng mức giá của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế và vào một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ: Năm 2011, một ổ bánh mỳ trứng là 10,000 VND, vẫn với những nguyên liệu như vậy nhưng tới năm 2019, ổ mỳ trứng đã lên 15,000 VND. Đây chính là do sự mất giá của đồng tiền hay lạm phát.

Lạm phát có thể gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế và người dân như giảm sức mua, giảm giá trị tiền tiết kiệm, ảnh hưởng đến đầu tư và thúc đẩy không bình đẳng kinh tế. Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế thường tập trung vào việc kiểm soát lạm phát thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và quản lý tín dụng.

II. Nguyên nhân dẫn tới lạm phát

Những nguyên nhân chính gây lạm phát

3 mức độ phổ biến của lạm phát

Các nhà kinh tế học đồng thuận rằng, gốc rễ của lạm phát kéo dài là do tăng trưởng cung tiền của một quốc gia vượt xa tăng trưởng kinh tế. Cung tiền của một quốc gia có thể tăng lên bằng cách: NHTW in thêm  tiền, phá giá đồng tiền hợp pháp, cho vay tiền mới dưới dạng tín dụng tài khoản dự trữ bằng cách mua trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng trên thị trường thứ cấp.

Những trường hợp này đều khiến tiền bị mất giá, mất đi sức mua của nó, và cơ chế thúc đẩy lạm phát được chia thành ba loại chính: lạm phát do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy và lạm phát tích hợp.

Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi cung tiền và tín dụng tăng, kích thích tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh hơn năng lực sản xuất của nền kinh tế. Điều này khiến nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng và dẫn đến tăng giá. Một mặt hàng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo.

Khi người dân no đủ, có nhiều tiền để tiêu hơn thì tâm lý tiêu dùng sẽ tích cực và thoải mái hơn rất nhiều. Họ sẵn sàng chi cao hơn, khiến giá bị kéo lên cao, điều này tạo ra khoảng cách giữa cung và cầu: cầu thì nhiều nhưng cung kém, thiếu linh hoạt. Ở Việt Nam, tình trạng này rất dễ nhận thấy, chẳng hạn khi xăng lên giá thì rất nhiều mặt hàng khác tăng theo như vận tải, vận chuyển hành khách, giá đồ ăn thức uống... sau đó mặc dù xăng xuống giá nhưng các mặt hàng và dịch vụ khác không xuống theo.

Lạm phát do chi phí đẩy là kết quả của việc tăng giá tác động thông qua các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, chẳng hạn như nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị, tiền lương công nhân viên... Khi việc bổ sung nguồn cung tiền và tín dụng được chuyển vào thị trường hàng hóa hoặc tài sản khác thì chi phí cho tất cả các hàng hóa trung gian sẽ tăng lên. Sau đó, chi phí cho thành phẩm và dịch vụ sẽ cao hơn để doanh nghiệp có thể bảo toàn lợi nhuận, khiến giá tiêu dùng tăng cao.

Lạm phát tích hợp có liên quan đến kỳ vọng thích ứng hoặc ý tưởng mà mọi người kỳ vọng tỷ lệ lạm phát hiện tại sẽ tiếp tục trong tương lai. Khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng, mọi người có thể mong đợi sự gia tăng liên tục trong tương lai với tốc độ tương tự như vậy. Lúc đó, người lao động sẽ đòi hỏi nhiều chi phí và tiền lương hơn để duy trì mức sống của họ. Tiền lương của họ tăng dẫn đến chi phí và dịch vụ cao hơn và cứ tiếp tục mối quan hệ tiền lương và giá cả như vậy, khi một yếu tố xảy ra sẽ tác động đến yếu tố còn lại.

Những nguyên nhân chính gây nên lạm phát

Tình hình lạm phát do nhiều nguyên nhân gây ra

Ngoài ra thì còn có:

Lạm phát do cơ cấu xảy ra khi một số ngành nghề hoạt động có hiệu quả, tăng tiền công danh nghĩa cho người lao động, buộc các ngành nghề khác phải tăng theo dù hoạt động không có hiệu quả. Lúc đó, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả phải tăng giá thành phẩm lên để bù đắp vào phần thiếu hụt của tiền lương và đảm bảo mức lợi nhuận. 

Lạm phát do cầu thay đổi xảy ra khi một mặt hàng nào đó do lượng tiêu thụ tăng hoặc mặt hàng cung cấp độc quyền nhưng nguồn cung kém linh hoạt, kéo theo các mặt hàng khác tăng theo mặc dù cầu của chúng không thay đổi.

Lạm phát do xuất nhập khẩu cũng liên quan đến việc cung cầu mất cân bằng. Khi xuất khẩu tăng, người ta sẽ thu gom hàng hóa nhiều phục vụ cho việc xuất khẩu khiến nguồn cung trong nước khan hiếm, làm giá bị đẩy lên cao. Tương tự, khi nhập khẩu tăng, thì giá bán hàng nhập khẩu trong nước cũng tăng theo, mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên dần dần dẫn đến lạm phát.

Tìm hiểu thêm:  Khi lạm phát nên đầu tư gì? 5 kênh đầu tư hiệu quả khi lạm phát tăng cao

III. Các mức độ của lạm phát

Có 3 mức độ của lạm phát:

Lạm phát điều hoà (Creeping inflation): Đây là mức độ lạm phát thấp và ổn định, khi tỷ lệ tăng giá hàng hóa và dịch vụ từ 1 đến 3% mỗi năm. Lạm phát điều hoà thường được coi là mức độ bình thường và có thể hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế. Nếu lạm phát điều hoà được kiểm soát và ổn định, người dân và doanh nghiệp có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu và đầu tư một cách hiệu quả. Lạm phát tự nhiên với tỷ lệ từ 0 đến 10%. Thực tế thì các quốc gia luôn kỳ vọng, tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 5%;

Lạm phát nặng nề (Galloping inflation): Đây là mức độ lạm phát cao, khi tỷ lệ tăng giá hàng hóa và dịch vụ dao động từ hàng chục đến hàng trăm phần trăm trong một năm. Lạm phát phi mã có tỷ lệ từ 10% đến 1000%. Lạm phát nặng nề gây ra không bình đẳng kinh tế và có thể ảnh hưởng đến đầu tư, tiết kiệm và sự ổn định của nền kinh tế. Chính phủ thường phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ và chính sách kinh tế để cố gắng giảm tốc độ tăng giá.

Lạm phát trầm trọng (Hyperinflation): Đây là mức độ lạm phát cực kỳ cao và không kiểm soát được, khi tỷ lệ tăng giá hàng hóa và dịch vụ có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn phần trăm trong một năm. Lạm phát trầm trọng thường xảy ra trong tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thất bại của chính sách tiền tệ và tài khóa, hoặc những tình huống khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Hậu quả của lạm phát trầm trọng là tiền mất giá nhanh chóng, gây ra hỗn loạn, sụp đổ hệ thống tài chính và gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Siêu lạm phát có tỷ lệ từ 1000% trở lên;

IV. Các chỉ tiêu đo lường lạm phát

Các chỉ tiêu đo lường lạm phát

Các chỉ tiêu giúp đo lường mức độ lạm phát hiệu quả

Mặc dù chúng ta có thể dễ dàng đo lường được sự thay đổi giá của các sản phẩm riêng lẻ theo thời gian, nhưng nhu cầu của con người vượt ra ngoài chỉ một hoặc hai sản phẩm. Trong đời sống, để có thể có cuộc sống tiện nghi, con người ta buộc phải sử dụng nhiều sản phẩm và đa dạng dịch vụ.

Có rất nhiều chỉ tiêu đo lường lạm phát nhưng hai chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất là CPI - chỉ số giá tiêu dùng và WPI - chỉ số giá bán buôn.

CPI - Chỉ số giá tiêu dùng là thước đo kiểm tra mức giá bình quân gia quyền của một đơn vị hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu chính của người tiêu dùng, bao gồm vận chuyển, thực phẩm và chăm sóc y tế.

CPI được tính bằng cách thay đổi giá của từng mặt hàng trong nhóm hàng hóa được xác định trước và tính trung bình dựa trên tỷ lệ tương đối của chúng so với nhóm hàng hóa đó. Giá được xem xét là giá bán lẻ của từng mặt hàng, có sẵn để người dân có thể mua.

Những thay đổi trong CPI được sử dụng để đánh giá những thay đổi về giá liên quan đến chi phí sinh hoạt, khiến nó trở thành một trong những số liệu thống kế được sử dụng thường xuyên nhất để xác định các giai đoạn lạm phát hoặc giảm phát.

WPI đo lường và theo dõi sự thay đổi của giá cả hàng hóa trong các giai đoạn trước khi có mức bán lẻ. Mặc dù, mỗi quốc gia thì sẽ có các mặt hàng WPI khác nhau nhưng tựu chung thì chúng đều là các sản phẩm được sản xuất ở cấp độ nhà sản xuất hoặc bán buôn. Chẳng hạn như giá bông cho bông thô, sợi bông, quần áo bông.

Ngoài ra còn có chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước và chỉ số PPI cũng đo lường được lạm phát. Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước biểu thị sự biến động về mặt bằng giá chung của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia bất kỳ.

Và chỉ số giá sản xuất PPI sẽ đo lường mức giá chung của sản phẩm trung gian và sản phẩm được bán buôn, nó phản ánh trước xu hướng chỉ số CPI và mô tả thay đổi trung bình về giá bán mà các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ trung gian trong nước nhận được theo thời gian và đo lường sự lạm phát trong khu vực sản xuất của một quốc gia. PPI đứng trên góc độ người bán còn CPI đứng trên góc độ người mua.

V. Ảnh hưởng của lạm phát tới kinh tế đời sống

Lạm phát ảnh hưởng tới kinh tế đời sống theo hai hướng cả tiêu cực và tích cực.

1. Ảnh hưởng tích cực:

Với những cá nhân, tổ chức có tài sản hữu hình như bất động sản hoặc tài sản dự trữ khác, được định giá bằng đồng nội tệ thì lạm phát có thể làm tăng giá tài sản của họ lên, họ có thể bán chúng với giá cao hơn.

Một mức độ lạm phát vừa phải (dưới 5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển) thường được thúc đẩy để khuyến khích chi tiêu ở một mức độ nhất định thay vì tiết kiệm. Nếu sức mua của đồng tiền giảm dần theo thời gian thì có thể sẽ có động cơ lớn hơn để chi tiêu thay vì tiết kiệm rồi chi tiêu trong tương lai.

Chi tiêu tăng thì thúc đẩy và kích thích tăng trưởng các hoạt động kinh tế khác, hoạt động đầu tư vay nợ cũng sôi động hơn, các doanh nghiệp phát triển tốt thì người lao động cũng có việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống.

Về phía Nhà nước và Chính phủ, có thêm khả năng để lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư ở những mảng kém ưu tiên bằng cách mở rộng tín dụng, phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định.

Ảnh hưởng của lạm phát đổi với nền kinh tế

Những ảnh hưởng của lạm phát lên nền kinh tế chung

2. Ảnh hưởng tiêu cực:

Thứ nhất, ảnh hưởng tới lãi suất

Tác động đầu tiên của lạm phát đó là lãi suất, khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, nếu muốn lãi suất ở mức ổn định và thực dương thì lãi suất danh nghĩa phải tăng lên theo tỷ lệ lạm phát, do lãi suất thực bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát. Việc tăng lãi suất danh nghĩa có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. 

Thứ hai, ảnh hưởng đến thu nhập thực tế 

Khi lạm phát tăng lên nhưng thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì thu nhập thực tế của người lao động sẽ bị giảm xuống. Lạm phát không chỉ làm mất đi giá trị thật của những tài sản không có lãi mà còn làm hao mòn cả giá trị của các tài sản có lãi. Do chính sách thuế của Nhà nước dựa trên cơ sở của thu nhập danh nghĩa, nên các khoản lãi và lợi nhuận cũng giảm sút, từ đó thu nhập giảm. 

Thứ ba, ảnh hưởng đến sự phân phối thu nhập

Lạm phát càng tăng thì giá trị của đồng tiền càng giảm, người đi vay sẽ có lợi hơn, do vậy, nhu cầu vay vốn càng tăng thêm đẩy lãi suất lên cao. Giai cấp tư bản hoặc những người giàu có sẽ có xu hướng dùng tiền để vơ vét tài sản và hàng hóa nhằm mục đích đầu cơ, tình trạng này sẽ làm mất cân đối nghiêm trọng quan hệ cung-cầu hàng hóa trên thị trường khiến giá cả ngày một “sốt” hơn.

Cuối cùng, người nghèo càng nghèo hơn, họ không mua nổi các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống, trong khi người giàu lại ngày càng giàu hơn. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây ra bất ổn trong xã hội, căng thẳng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư bản, xung đột leo thang giữa người giàu và người nghèo. 

Thứ tư, ảnh hưởng đến nợ quốc gia

Chính phủ sẽ được lợi do đánh thuế thu nhập của người dân khi lạm phát gia tăng, nhưng những khoản nợ nước ngoài sẽ trở nên “khổng lồ” hơn. Nguyên nhân là do lạm phát khiến tỷ giá hối đoái tăng và đồng nội tệ đã bị mất giá nhanh hơn đồng ngoại tệ.

Ảnh hưởng của lạm phát tới kinh tế đời sống

Những ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát tới tình hình chung

VI. Lạm phát Việt Nam 2022

Lạm phát năm 2022 tại Việt Nam tăng 3.15% so với bình quân năm 2021, cao hơn mức bình quân 5 năm giai đoạn từ 2017 - 2021  (2.98%), tuy nhiên tỷ lệ này vẫn đang trong tầm kiểm soát và đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra (4%). Đến năm 2022, Việt Nam đã 9 năm kiểm soát được thành công tỷ lệ lạm phát theo mục tiêu.

Những nhóm mặt hàng có mức lạm phát cao phải kể đến như giao thông (chiếm 34.61% trong chỉ số CPI), thiết bị đồ gia dụng (chiếm 4.35% trong chỉ số CPI), đồ uống, văn hóa giải trí... Nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá mạnh gồm y tế, giáo dục, chủ yếu là thuộc sự quản lý của Nhà nước.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát đó là: chi phí đầu vào gia tăng gây ra lạm phát chi phí đẩy, lạm phát nhập khẩu, giá các mặt hàng thiết yếu như giá năng lượng, lương thực thực phẩm đều gia tăng so với các năm trước, tín dụng cũng tăng trưởng quá nhanh, mặt bằng lãi suất và tỷ giá cũng tăng, ngoài ra, tình trạng chung tại các quốc gia là áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt do kinh tế toàn cầu đối mặt với sức ép lớn từ lạm phát và rủi ro suy thoái, căng thẳng địa chính trị cũng là một lý do khiến nguồn cung hàng khan hiếm...

Lạm phát đã khiến nguồn thu Ngân sách năm 2022 bị giảm xuống, nợ công tăng, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển và việc triển khai các dự án đầu tư công, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống, người dân phải chi tiêu tiền hơn cho hàng hóa dịch vụ, khiến tâm lý họ buộc phải thắt lưng buộc bụng lại, chi ít để tiết kiệm cho tương lai, đề phòng rủi ro lạm phát.

Xem chi tiết:  Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam qua các năm, tìm hiểu ngay!

VII. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 của Việt Nam

Chính phủ kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu. Quốc hội đã giao chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân trong năm 2023 là khoảng 4.5% (tham khảo Nghị quyết 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022).

Theo Cục quản lý giá, 6 tháng đầu năm 2023, CPI bình quân tăng 3.29%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 4.74% svck năm 2022, nên dự báo cả năm 2023 sẽ tăng trong khoảng từ 3.8 - 4.8%. Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân của năm 2023 sẽ ở mức 3.9 - 4.8% (tức là tăng 0.75 - 1.65% so với mức 3.15% của năm 2022). NHNN dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4.3 ± 0.5%. 

VIII. Các phương pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả hiện nay

Các phương pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả hiện nay

Các phương pháp giúp kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, tối ưu

Thực tế cần nhiều những giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì mới có thể có hiệu quả, cụ thể là:

Đầu tiên, theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế và tình hình lạm phát trên toàn thế giới, xem tác động đến Việt Nam như thế nào, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp, luôn giữ cho cung-cầu trong nước ở mức cân đối.

Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp linh hoạt, nhịp nhàng với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để nền kinh tế vĩ mô được ổn định.

Thứ ba, các bộ, các ngành và địa phương cần chủ động trong việc tính toán các phương án giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công  đang triển khai lộ trình thị trường, chẳng hạn như giáo dục, khám chữa bệnh, điện đường, trường trạm… để có thể điều chỉnh kịp thời và phù hợp với quy định của Nhà nước và bối cảnh thực tế.

Thứ tư, các cơ quan quản lý giá có trách nhiệm tổ chức, theo dõi biến động cung-cầu, giá cả các hàng hoá trên thị trường để điều chỉnh và tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh, bình ổn giá thị trường cũng như luôn có nguồn hàng dự trữ đầy đủ. Nên đa dạng hoá nguồn cung nguyên vật liệu, để không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt với những mặt hàng như xăng dầu, giá than hay điện.

Thứ năm, các quy định không hợp lý cần được gỡ bỏ dần dần, nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng suất và chất lượng, hiệu quả cho nền kinh tế.

Cuối cùng, các công cụ, biện pháp điều tiết giá, kiểm soát thị trường phải được sử dụng linh hoạt để thị trường không diễn tiến theo chiều hướng xấu. Cả cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như người tiêu dùng cần phối hợp chặt chẽ để giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành đúng luật về giá và có biện pháp xử phạt đích đáng.

Tóm lại, nền kinh tế thị trường nào cũng sẽ phát sinh ra lạm phát. Lạm phát tăng cao gây ra suy thoái kinh tế, người dân trở nên nghèo đói khốn khổ. Nhưng lạm phát không thực sự là xấu hoàn toàn, nếu có biện pháp kiểm soát tốt thì lạm phát sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.  TOPI mong rằng, những thông tin mà chúng tôi mang đến sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!

Tích lũy cùng TOPI

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/MCo8WKspUmbxAq3LGGasq33gzQVv0lR3isf7Irc2.png?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon