Ngày 10 - 11/09/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Vậy đối tác chiến lược toàn diện là gì? Có những lợi ích nào từ mối quan hệ này?
1. Đối tác chiến lược là gì?
Đối tác chiến lược (Strategic Partnership) thể hiện mối quan hệ giữa hai nước mang tính chất toàn cục, then chốt, có định hướng mục tiêu cụ thể và mong muốn gìn giữ quan hệ lâu dài theo thời gian.
Thông tin về đối tác chiến lược và đặc điểm của đối tác chiến lược của một quốc gia
Các quốc gia trên thế giới với thể chế chính trị và kinh tế khác nhau luôn tìm ra những phương thức để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Một trong các hình thức đó có thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược đó là không hạn chế về đối tượng áp dụng, cũng không giới hạn thời gian hay không gian, và không nhất thiết phải trong lĩnh vực an ninh - quân sự.
Đối tác chiến lược là thuật ngữ được sử dụng vào khoảng năm 1990 - 1991, dùng để chỉ quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đến nay thì thuật ngữ này được sử dụng khá rộng rãi.
Đối tác chiến lược là một dạng quan hệ hợp tác phong phú, tuỳ thuộc vào sáng kiến hợp tác của các bên cả về thành phần, nội dung, hình thức hay mức độ hợp tác. Hạn chế duy nhất trong quan hệ đối tác chiến lược theo các nhà nghiên cứu quốc tế chính là sức tưởng tượng của các quốc gia hợp tác.
Những đối tác chiến lược của Việt Nam có: Đức, Singapore, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Italia, Úc, Thái Lan, Indonesia, New Zealand, Philippines…
2. Đối tác chiến lược toàn diện là gì?
Đối tác chiến lược toàn diện mang lại nhiều cơ hội cho quốc gia
Đối tác chiến lược toàn diện hay đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là một dạng quan hệ có tầm quan trọng rất lớn, có tính chiến lược và dài hạn giữa hai hay nhiều quốc gia, trong đó họ xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi (quan hệ win-win), đồng thời, trong quá trình hợp tác, các bên có sẽ dần xây dựng nên sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Tại Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy sự tin cậy lẫn nhau và cam kết với nhau một cách sâu rộng, mạnh mẽ và lâu dài nhất.
3. Mô hình đối tác chiến lược toàn diện
Mỗi một đối tác sẽ có khuôn khổ quan hệ khác nhau.
Chẳng hạn như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ bao gồm 9 nội dung là:
Chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - y tế, văn hoá - thể thao, giao lưu nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh và quyền con người.
4. Lợi ích khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện
Những lợi ích mà đối tác chiến lược toàn diện mang lại
Trở thành đối tác chiến lược toàn diện không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn đóng góp quan trọng vào sự hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và xa hơn là thế giới.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đồng nghĩa với việc hai quốc gia sẽ tăng cường hợp tác, mở rộng toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, cho đến khoa học công nghệ, giáo dục…
Lợi ích lớn nhất của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là về kinh tế, hàng hoá của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu đi những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ hay Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu hơn vào những chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu của các doanh nghiệp thuộc những quốc gia hợp tác với Việt Nam. Từ đó, mở rộng và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Lợi ích thứ hai là về an ninh - quốc phòng. Việt Nam có thể nhập vũ khí từ những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó phải kể đến Mỹ là quốc gia được đánh giá có độ mạnh về quân đội và vũ khí thuộc hàng top của thế giới. Đồng thời, Việt Nam và các đối tác chiến lược toàn diện cũng có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện, thông tin tình báo hoặc tuần tra chung trong khu vực, đối thoại nhiều hơn về lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Ngoài ra thì các lĩnh vực triển vọng như khoa học công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi công nghệ số, sản xuất xanh, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí… Việt Nam cũng sẽ được các đối tác hỗ trợ, tư vấn chính sách để tiếp cận được công nghệ và làm chủ nó.
5. Những đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam
Tính đến tháng 09/2023 thì Việt Nam có quan hệ với 6 đối tác chiến lược toàn diện quan trọng bao gồm: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Nhận Bản (2014, Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và cuối cùng, gần đây nhất là Hoa Kỳ (2023).
Những đối tác chiến lược toàn diện tiêu biểu của Việt Nam
+ Trung Quốc là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 18/01/1950, cũng là quốc gia đầu tiên trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vào tháng 06/2008, trên cơ sở phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định dài lâu, hướng tới tương lai” và trên tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ chuyến thăm hữu nghị chính thức của Cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng ông Hồ Cẩm Đào - Cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.
Từ 2004 đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 07/2023, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 89 tỷ Đô la Mỹ.
+ Trong chuyến thăm đến Nga vào tháng 07/2012, Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định nâng cấp mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam lên mức đối tác chiến lược toàn diện.
Sau Trung Quốc, vào ngày 30/01/1950, Liên Xô công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tiền đề của việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược là vào năm 1994, Việt Nam và Liên Bang Nga ký Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị. Lần thứ hai vào tháng 11/2006, Tổng thống Nga Putin sang thăm Việt Nam lần thứ hai và hai bên đã tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược và sự hợp tác toàn diện.
Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2016 - 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã tăng gấp đôi về trị giá. Vào năm 2021, kim ngạch XNK dạt 5.5 tỷ Đô la Mỹ, năm 2022, con số này là 3.55 tỷ Đô la Mỹ, một phần đến từ việc Nga bị cấm vận nhiều thứ sau khi xảy ra chiến tranh với Ukraine.
+ Nhật Bản cũng là một trong những đối tác thương mại cũng là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa Việt Nam và Nhật Bản là kết quả của cuộc hội đàm cấp cao nhân chuyến thăm đến Nhật Bản của Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt nam vào ngày 21/09/1973. Nhật Bản là quốc gia viện trợ nguồn vốn ODA hàng đầu của Việt Nam với số tiền hơn 2,700 tỷ Yên, với gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại, khoảng 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
+ Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo lời mới của Cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 09/2016, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện.
Năm 1978, hai quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại song phương. Đến năm 1997, hai bên tiếp tục ký Hiệp định Bảo vệ và Xúc tiến Đầu tư Song phương (BIPPA). Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN và lớn thứ 23 thế giới đối với Ấn Độ.
Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 15 tỷ Đô la Mỹ, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Tính hết tháng 06/2023, kim ngạch XNK giữa hai nước đạt 7.05 tỷ Đô la Mỹ. Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển hơn nữa nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, dệt may và giày da.
+ Hàn Quốc và Việt Nam nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia lên đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 12/2022, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục duy trì được vị trí số một trong đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với luỹ kế vốn đăng ký đầu tư đạt 81.3 tỷ Đô la Mỹ, đứng số hai về hợp tác phát triển, du lịch và lao động và đứng số ba về hợp tác thương mại.
+ Hoa Kỳ hiện tại là quốc gia thứ sáu có thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Tháng 09/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai quốc gia nhất trí nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu bình thường hoá quan hệ từ năm 1995, đến nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN của Hoa Kỳ, cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của quốc gia này.
Tính từ năm 1995 đến 2022, tăng trưởng thương mại giữa hai quốc gia từ 450 triệu Đô la Mỹ lên hơn 123 tỷ Đô la Mỹ. Đến hết tháng 08/2023, kim ngạch XNK của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt gần 62.3 tỷ Đô la Mỹ.
Như vậy, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa phục vụ lợi ích của song phương, vừa góp phần thúc đẩy xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng.