Để có đủ nguồn tài trợ để phát triển các dự án tiền điện tử mới thì các công ty phát hành có một cách để huy động vốn gọi là ICO, tương tự như IPO đó là hình thức phát hành tiền điện tử lần đầu ra công chúng. TOPI sẽ giúp bạn tìm hiểu kiến thức về ICO mà nhà đầu tư tiền số nào cũng nên biết.
I. ICO là gì?
ICO là viết tắt của "Initial Coin Offering" - đợt phát hành tiền điện tử lần đầu, tức là một hình thức gọi vốn ban đầu trong lĩnh vực tiền điện tử và blockchain.
ICO cũng tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán, nhưng đối tượng ở đây là tiền điện tử.
1 đồng Coin phát hành lần đầu được gọi là ICO
Trong một ICO, một công ty hoặc dự án phát hành một loại tiền điện tử mới thông qua việc bán một phần của nó cho công chúng. Những người mua được phần này thường nhận được các token hoặc đồng tiền điện tử mới mà dự án phát hành. ICO thường được sử dụng như một cách để tài trợ cho việc phát triển một dự án blockchain mới hoặc một ứng dụng dựa trên blockchain. Tuy nhiên, nó cũng gây ra nhiều tranh cãi và rủi ro liên quan đến tính bảo mật và sự đầu tư thiếu nhiều quy định.
Để quá trình gọi vốn thông qua ICO được thành công thì bạn cần phải có:
- Sách trắng (white paper) phác thảo dự án;
- Lộ trình với các mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn;
- Nghiên cứu thị trường về các ICO khác;
- Một trang web chính thức;
- Sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội;
- Một chiến dịch tiếp thị với đội ngũ tận tâm.
Trên thế giới, một số quốc gia có lập trường nghiêm ngặt và cấm hoàn toàn hoạt động ICO chẳng hạn như Trung Quốc, Nepal, Bangladesh, Macedonia, Bolivia và Ecuador.
Hầu hết các ICO đều yêu cầu nhà đầu tư thanh toán bằng một loại tiền điển từ khác, chẳng hạn như Bitcoin (BTC 0.51%) và Ethereum (ETH 0.1%) là hai đồng tiền thanh toán được ưa chuộng nhất. Ngoài ra, trong các phi vụ ICO khác cũng chấp nhận đồng Fiat - tiền định danh.
II. Bản chất và cách ICO hoạt động
Bản chất của ICO chính là một hình thức huy động vốn cho công ty phát hành một loại tiền điện tử mới. Thông qua các sàn giao dịch ICO, nhà đầu tư sẽ nhận được một mã token độc nhất đổi bằng một khoản đầu tư bằng tiền vào doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được tài trợ cho việc phát triển dự án tiền điện tử mới mà công ty phát hành.
Ví dụ, vào tháng 07/2014, đợt ICO của đồng Ethereum được phát hành, công ty đã huy động được 18.4 triệu USD và sau đó nó trở thành loại tiền điện tử thứ hai thế giới.
Khi một công ty quyết định thực hiện ICO, họ sẽ đưa ra thông báo về ngày, quy tắc và quy trình mua. Vào ngày thực hiện ICO, các nhà đầu tư có thể mua tiền điện tử mới. Thông qua mô hình gây quỹ ICO, các công ty khởi nghiệp có thể huy động vốn bằng cách phát hành token trên blockchain và sau đó phân phối token để đổi lấy tiền vốn góp.
Các token này, có thể được chuyển qua mạng và giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử, có thể phục vụ một loạt các chức năng khác nhau, từ cấp cho chủ sở hữu quyền truy cập vào một dịch vụ cụ thể, cho đến cho phép họ nhận cổ tức của công ty. Tùy thuộc vào chức năng của nó, mã token có thể được phân loại là mã token tiện ích (utility token) hoặc mã token bảo mật (security token).
Số lượng token được bán trong ICO và giá token có thể cố định hoặc thay đổi.
Dưới đây là cách thức hoạt động của ICO:
Đầu tiên, người đứng đầu tổ chức phải xác định được cách họ sẽ cấu trúc đồng tiền theo một số trường hợp như sau:
- Trường hợp số lượng mã token và giá cố định: Công ty định trước số lượng mã token và giá cả không thay đổi, ví dụ, cung cấp 1 triệu mã token với mức giá 1 USD cho mỗi mã.
- Trường hợp số lượng token cố định nhưng giá thay đổi: Công ty sẽ chỉ định bán một số lượng token cố định và sẽ định giá chúng theo số tiền nhận được. Nếu thu về càng nhiều thì giá token sẽ càng cao. Ví dụ, bán 1 triệu token và huy động được 2 triệu USD thì mỗi token sẽ có giá là 2 USD.
- Trường hợp số lượng token thay đổi và giá cố định: Công ty đặt giá cố định cho mỗi token nhưng không giới hạn về số token bán ra cho đến khi ICO kết thúc.
III. Tầm quan trọng của ICO
Nhờ công nghệ blockchain mà ICO trở nên ưu việt hơn so với những hình thức huy động vốn truyền thống vì tính phi tập trung và xuyên biên giới, không giới hạn thời gian và không gian.
Đối với các công ty khởi nghiệp - những chủ thể tiến hành ICO, họ có thể hạn chế việc chia sẻ quyền sở hữu dựa trên việc tạo ra các mã token. Bên cạnh đó, ICO cũng giúp họ huy động được nguồn vốn lớn, đủ tiềm lực để phát triển ý tưởng sáng tạo công nghệ của họ. Ngoài ra, ICO cũng được tổ chức trên các nền tảng nổi tiếng như Coinmarketcap hay Binance… đây cũng xem như một cách truyền thông hữu hiệu đối với công ty phát hành.
Với các nhà đầu tư, họ có cơ hội mở rộng thêm danh mục đầu tư, tham gia vào dự án ICO xuyên biên giới, và có cơ hội nhận về lợi nhuận hấp dẫn dựa trên giá trị của các tài sản kỹ thuật số. Bên cạnh đó, sở hữu mã token từ một đợt ICO cũng có thể mang lại nhiều đặc quyền khác nhau liên quan đến dự án công nghệ, chẳng hạn như quyền sử dụng các nền tảng mà nhà phát hành cung cấp, dịch vụ tiện ích trong phạm vi của dự án, sử dụng token như phương thức thanh toán…
Đối với nền kinh tế toàn cầu, việc luân chuyển nguồn vốn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia bất kỳ. ICO hướng tới việc thu hút dòng tiền từ các tài sản kỹ thuật số, các mã token có thể trở thành một trong những phương tiện thanh toán và cung cấp quyền truy cập vào ứng dụng… từ đó tạo ra một hệ sinh thái công nghệ đa dạng hơn. Khi doanh nghiệp phát hành thành công hơn với dự án của họ thì có khả năng sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế phát triển hơn.
IV. So sánh ICO và IPO
ICO thường hay được so sánh với IPO do cả hai đều cho phép các công ty huy động vốn.
Sự khác biệt chính giữa ICO và IPO là đối tượng liên quan.
Với IPO, đối tượng là cổ phiếu, chứng khoán, các đợt phát hành tuân thủ theo các quy định chặt chẽ. Để có thể tiến hành được IPO, công ty phải nộp đơn đăng ký lên Uỷ ban Chứng khoán của quốc gia nơi thực hiện đợt phát hành và được sự chấp thuận của họ. Trong hồ sơ đăng ký phải bao gồm bản cáo bạch, cung cấp báo cáo tài chính và các yếu tố rủi ro tiềm ẩn.
Với ICO, đối tượng là tiền điện tử, không có bất cứ yêu cầu chính thức nào để thực hiện, cũng không cần phải xin phép bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào cả. Việc thẩm định ICO chất lượng đối với nhà đầu tư sẽ khó khăn hơn.
Mặc dù thực hiện ICO và IPO đều có rủi ro thế nhưng IPO sẽ an toàn hơn vì chúng được kiểm soát và quản lý. Còn ICO không có bất kỳ quy định nào cụ thể áp dụng cho nó. Tuy nhiên, nếu một ICO phù hợp với phân loại chào bán chứng khoán thì nó sẽ thuộc thẩm quyền của Uỷ ban chứng khoán và được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán.
V. Các ứng dụng của ICO
Những năm gần đây, tại những quốc gia có thể mạnh về công nghệ thì hoạt động ICO diễn ra một cách mạnh mẽ. Tính đến năm 2017, 952 phi vụ ICO đã được tiến hành và số vốn huy động được là hơn 7 tỷ USD. Chỉ sau đó một năm, con số vốn đã chạm mốc 19.7 tỷ USD.
Ban đầu, thị phần ICO chiếm chủ yếu tại các quốc gia như Mỹ, Anh, Nga, Thuỵ Sỹ, Singapore, Hong Kong và Estonia, có đến 60% tổng số ICO trên toàn cầu vào năm 2017. Nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm khoảng 20%, có sự dịch chuyển thị phần sang một vài quốc gia khác, chủ yếu là do Mỹ và Singapore đã thặt chặt hoạt động ICO.
Đã có rất nhiều phi vụ ICO được tổ chức thành công, thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ. Ta có thể kể đến dự án tự xây dựng các ứng dụng phi tập trung - EOS, chỉ trong vòng 1 năm dự án này đã huy động được 4.1 tỷ USD. Các dự án khác như Cardano huy động được 62.2 triệu USD vào năm 2017, đồng tiền này lọt top 5 loại tiền điện tử hàng đầu theo vốn hoá thị trường. Hay dự án Filecoin, thời đỉnh giá, token của nó bán giá cao gấp 14 lần trung bình trong đợt ICO…
Theo thống kê của trang ICObench.com thì hoạt động ICO đã nằm trong 28 lĩnh vực kinh tế, với số dự án tính đến tháng 01/2021 là 3,149 dự án ICO tạo ra nền tảng người dùng và 2,349 dự án liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Vì sự phát triển mạnh mẽ của ICO nên nhiều quốc gia đã phải vào cuộc để đưa ra điều chỉnh pháp lý đối với các hoạt động này. Đến quý II năm 2018 thì có đến 64 quốc gia có quy định cụ thể về hoạt động ICO, tiên phong là Ecuador và Guernsey & Jersey. Nhìn chung, thế giới chia thành 3 trạng thái: Thứ nhất là cấm - có Trung Quốc, Nepal, Bangladesh, Macedonia, Bolivia và Ecuador. Thứ hai là chưa có động thái cụ thể trong đó có Việt Nam nước ta. Thứ ba là điều chỉnh pháp luật với ICO, phân chia mã token thành token chứng khoán và token phi chứng khoán Như Hoa Kỳ hay Thuỵ Sĩ.
Tại Việt Nam hiện nay, cũng có không ít dự án ICO thành công như Coin98, Kyber Network, TomoChain… tuy nhiên các công ty chủ yếu có trụ sở chính tại nước ngoài, nước ta cũng chưa có hành động pháp lý chính thức với ICO, nên vẫn nhiều tình trạng lừa đảo xảy ra, khó kiểm soát.
VI. Vì sao ICO hấp dẫn nhà đầu tư?
1. Nhờ tiềm năng của dự án tiền số
Những người đầu tư vào một ICO thường hy vọng rằng giá của token hoặc đồng tiền điện tử sẽ tăng sau khi dự án được triển khai và nhận được sự chú ý từ cộng đồng hoặc từ việc tích hợp vào hệ sinh thái blockchain. Tiềm năng của dự án càng tốt thì những lợi ích mà nhà đầu tư nhận về càng nhiều.
2. Mang lại cơ hội thu về lợi nhuận cao
Phi vụ ICO có thể mang lại cơ hội thu về lợi nhuận cao khi bạn xác định được loại tiền điện tử bạn sắp mua là khoản đầu tư tốt. Nếu bạn mua tiền điện tử trong đợt phát hành ICO thì giá thường sẽ thấp hơn, một số ICO cung cấp mã token với mức giá chiết khấu. Đến khi giá của token, tiền điện tử tăng giá thì chắc chắn bạn sẽ lãi lớn.
3. Khả năng trở thành người dẫn dắt
Thị trường tiền điện tử và blockchain hiện tại vẫn còn rất nhiều dư địa có thể khai thác. ICO cho phép nhà đầu tư tham gia vào các dự án mới, có tiềm năng phát triển và tăng trưởng giá trị trong tương lai. Bạn hoàn toàn có thể trở thành một người tiên phong, người dẫn đầu xu thế một khi đồng tiền mã hoá và token bạn mua ngày càng trở nên có giá trị.
4. Tiếp cận môi trường đầu tư mới mẻ
ICO thường liên quan đến các dự án mới và sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và tiền điện tử. Nếu đầu tư thì bạn có thể tiếp cận được với một môi trường đầu tư mới, khá phong phú. Ngoài các thị trường truyền thống như chứng khoán, bất động sản hay hàng hoá.
5. Linh hoạt và tiện lợi
Không giống như IPO, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể truy cập ICO mà không có bất kỳ hạn chế nào. ICO thường cho phép nhà đầu tư mọi lứa tuổi và từ mọi nơi trên thế giới tham gia, không giống như một số hình thức đầu tư truyền thống có thể yêu cầu nhà đầu tư phải có một mức tài sản nhất định hoặc cần phải thỏa mãn các yêu cầu pháp lý khắt khe.
VII. Rủi ro của ICO với nhà đầu tư tiền số
1. Rủi ro về sự thất bại của dự án
Bởi vì các dự án tiền điện tử không ổn định nên có nguy cơ đáng kể là token sẽ bị mất giá trị hoặc thất bại hoàn toàn.
Không phải bất cứ dự án nào cũng thành công. Chẳng hạn như Tezos đã huy động được 232 triệu USD thông qua đợt ICO vào tháng 07/2017, nhưng phi vụ đã không thành công hoàn toàn. Có nhiều sự chậm trễ trong việc phân phối các token được bán qua đợt ICO cho nên một vụ kiện tập thể đã nổ ra. Sau đó, các bên đạt được thoả thuận với trị giá 25 triệu USD vào năm 2020.
Một ví dụ khác là đồng Dragon Coins, vào tháng 03/2018, đồng điện tử này đã huy động được 320 triệu USD khi thực hiện ICO. Một loạt tranh cãi đã khiến giá của nó gần như đã giảm ngay lập tức gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư. Vào năm 2021, vốn hoá thị trường của nó giảm xuống dưới 1 triệu.
2. Dự án bị thổi phồng
Một số dự án ICO có thể bị thổi phồng hoặc phản ánh không chính xác về khả năng tiềm năng của dự án để thu hút sự quan tâm và đầu tư từ cộng đồng. Họ đưa ra các giải pháp hoặc sản phẩm không có bằng chứng hay kế hoạch cụ thể, với những lời hứa lợi nhuận không thực tế, hoặc sử dụng các thông tin giả mạo về đội ngũ phát triển, đối tác hoặc tiến độ dự án. Việc xác minh của nhà đầu tư cũng rất khó khăn nếu họ đã có những chủ đích từ trước.
3. Rủi ro về pháp lý
Tính hợp pháp của tiền điện tử hoặc tài sản kỹ thuật số không được đảm bảo. Như đã nói ở trên, một số nước trên thế giới cũng đã cấm hoạt động ICO trong đó có cường quốc Trung Quốc, cấm ICO vào năm 2017, họ coi ICO là phản tác dụng đối với sự ổn định kinh tế và tài chính của họ. Năm 2021, Chính phủ Trung Quốc cũng nghiêm cấm việc khai thác tiền điện tử, tuyên bố chính thức các giao dịch tiền điện tử đều là giao dịch bất hợp pháp.
4. Rủi ro lừa đảo
Việc thiếu quy định dẫn đến nhiều vụ lừa đảo và các dự án tầm thường hơn. Việc tìm ra các ICO chất lượng quả thật như mò kim đáy bể.
Một số dự án ICO có thể không cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch về đội ngũ phát triển, sản phẩm hoặc kế hoạch kinh doanh của họ do không có yêu cầu bắt buộc nào. Một số ICO khác có thể sử dụng thông tin giả mạo, tạo trang web giả hoặc các token không có giá trị, khi đầu tư sẽ khiến nhà đầu tư mất trắng.
5. Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản của ICO đề cập đến khả năng thanh khoản thấp, hoặc thiếu thanh khoản trên thị trường, có thể mất giá trị hoặc bị hack ví điện tử. Một số đồng tiền điện tử và token khó chuyển đổi thành tiền mặt hoặc các tài sản khác, vì lý do không được niêm yết trên sàn giao dịch lớn, không nhận được sự quan tâm của cộng đồng và thị trường. Từ đó giá trị của nó cũng giảm theo.
Tóm lại, các nhà đầu tư bị thu hút bởi ICO vì ước mơ sớm mua được một loại điện tử có giá trị tăng trưởng tốt trong tương lai. Điều này có thể xảy ra nhưng cần phải nghiên cứu và dành thời gian đáng kể để phân loại một số lượng lớn các phi vụ ICO được ra mắt. Tốt nhất là bạn nên tiếp cận một cách thận trọng để không bị rơi vào những cạm bẫy mà kẻ gian giăng cho những ICO không chất lượng.