Facebook Topi

17/04/2023

Hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính nhanh và hiệu quả nhất

Đọc báo cáo tài chính là phần kiến thức cơ bản mà các nhà đầu tư cần phải nắm được khi lựa chọn cũng như đưa ra các quyết định đầu tư của mình một cách tối ưu nhất

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Đọc báo cáo tài chính là một trong những kỹ năng cơ bản cho những nhà đầu tư, đựa vào việc đọc và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể xem được tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đưa ra dự đoán cho kết quả kinh doanh trong tương lai. Từ đó lựa chọn được doanh nghiệp tốt và có tiềm năng trên thị trường.

I. Nội dung quan trọng cần đọc trong báo cáo tài chính 

Một báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin tài chính có tính liên kết chặt chẽ, để ra quyết định tài chính phù hợp, nhà đầu tư cần kết hợp và phân tích tổng hợp nhiều thông tin/chỉ số tài chính. Một báo cáo tài chính (đối với các doanh nghiệp niêm yết) thường sẽ gồm 4 cấu phần:

1. Bảng cân đối kế toán

- Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là phần đầu tiên được trình bày trong báo cáo tài chính, phản ánh toàn bộ giá trị tài sản đến thời điểm chốt sổ sách tài chính và nguồn hình thành tài sản tương ứng. 

Khái niệm bảng cân đối kế toán

Tìm hiểu về bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp

Các số liệu này được trình bày gồm: Số liệu đầu kỳ (là số liệu năm tài chính liền kề) và số liệu cuối kỳ (là số liệu năm tài chính hiện tại)

Các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán được thiết lập và trình bày dựa theo mẫu công bố bởi Bộ tài chính. Một bảng cân đối kế toán phải thể hiện rõ ràng:

Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp: Thường được hiểu là các tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt trong khoảng thời gian là 1 năm, bao gồm điển hình như Tiền và tương đương tiền, phải thu, hàng tồn kho, tài sản ngắn hạn khác

Tài sản dài hạn: Thường được hiểu là các tài sản  của doanh nghiệp có thời gian sử dụng/nghĩa vụ thu hồi dài hơn 1 năm, đối với tài sản hữu hình sẽ có giá trị lớn (từ 10 triệu đồng trở lên). Cụ thể, các tài sản dài hạn điển hình bao gồm: nhà xưởng, máy móc…

Nợ ngắn hạn: Thường được hiểu là các nghĩa vụ trong ngắn hạn của doanh nghiệp phải đáp ứng trong vòng 1 năm, bao gồm điển hình như Phải trả người bán ngắn hạn, phải trả khác ngắn hạn (các khoản này thường liên quan nhiều đến vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp trong một chu kỳ kinh doanh). Hoặc là các khoản vay và nợ ngân hàng/các đơn vị khác có thời gian đáo hạn cần phải thanh toán dưới 1 năm

Nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu: Thường được hiểu là các nghĩa vụ trong dài hạn (cụ thể là trên 12 tháng), bao gồm điển hình là Phải thu dài hạn, Vay và nợ dài hạn ngân hàng/các đơn vị khác có thời gian đáo hạn cần phải thanh toán dưới 1 năm 

- Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán:

Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán được phản ánh một phần thông qua tên của cấu phần này thông qua cụm từ “cân đối”. Cụ thể, cấu phần này sẽ cung cấp thông tin về cân đối tài chính của doanh nghiệp, liệu các tài sản có đang được tài trợ bởi một nguồn lực phù hợp. Bất cân đối tài chính luôn tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến khả năng quay vòng vốn, khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp

2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là gì?

Báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh tình hình kinh doanh của công ty trong một năm tài chính, được thiết lập tuân thủ theo các chuẩn mực lập báo cáo tài chính của Bộ Tài Chính. Báo cáo này tập trung phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh thông qua cung cấp thông tin liên quan tới doanh thu, chi phí, lãi/lỗ.

Các thông tin mà báo cáo này đem lại các nhìn tổng quát về hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các đối tượng đọc báo cáo khác nhận diện được một phần tài chính của doanh nghiệp.  bản báo cáo tình hình kinh doanh của công ty trong một kỳ kế toán. Nội dung báo cáo bao gồm hoạt động kinh doanh chính và các hoạt động khác của doanh nghiệp. 

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hương lớn tới quyết định đầu tư

Báo cáo kết quả kinh doanh cung cấp thông tin về: Doanh thu, Chi phí và Lợi nhuận (theo đơn vị năm)

Quy ước rằng:  

Doanh thu là số tiền doanh nghiệp thu lại từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ

Chi phí là số tiền doanh nghiệp chi ra để đáp ứng tất cả các yêu cầu phát sinh trong năm tài chính, đối với chi phí của doanh nghiệp, thường sẽ được chia ra làm nămnăm loại:

- Một là, giá vốn hàng bán

- Hai là, chi phí bán hàng & chi phí quản lý doanh nghiệp

- Ba là, Chi phí tài chính (bao gồm phản ánh chi phí lãi vay)

- Bốn là, chi phí khác 

- Năm là, chi phí thuế 

- Và Lợi nhuận được hiểu là số tiền doanh nghiệp nhận về sau khi lấy doanh thu trừ đi chi phí 

Ngoài ra trên thực tế, ngoài báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ được kế toán viên của đơn vị lập theo yêu cầu báo cáo cụ thể (theo tháng, quý, giữa niên độ) để cập nhật kết quả kinh doanh cho mục tiêu quản trị. Mục tiêu lợi nhuận và kiểm soát chi phí là các mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp, cần tới các tổng hợp và phân tích thông tin trên báo cáo kết quả kinh doanh. 

- Ý nghĩa của báo kết quả kinh doanh

Đối với doanh nghiệp: Mục tiêu đạt được kết quả kinh doanh có lời, kiểm soát chi phí ở mức phù hợp là các mục tiêu quan trọng trong quá trình doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh.

Thông qua báo cáo kết quả kinh doanh, chủ doanh nghiệp có thể nắm được tình hình sản xuất kinh doanh chung cũng như có được góc nhìn phân tích về xu hướng cải thiện/không cải thiện của các chính sách hiện tại lên kết quả kinh doanh cuối cùng.

Báo cáo kết quả kinh doanh còn là thông tin đầu vào quan trọng trong quy trình hoạch định kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới, định giá doanh nghiệp, gọi vốn & sáp nhập doanh nghiệp. Nhìn chung, báo cáo kết quả kinh doanh mang tới thông tin về khả năng tạo tiền đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp

Báo cáo kết quả kinh doanh phục vụ cho mục tiêu quản trị được thể hiện nhiều ở khía cạnh quản trị chi phí và cải thiện biên lợi nhuận hoạt động. Các phân tích phải được đưa ra xác đáng rằng một đồng doanh thu tăng lên/giảm đi, liệu có kéo theo sự điều chỉnh trong quy trình hoạt động và công cuộc quản trị chi phí của doanh nghiệp hay không?

3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì?

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình thu/chi của doanh nghiệp thông qua phản ánh 3 dòng tiền được phân loại theo ba hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong một năm tài chính. Số dư tiền thuần cộng với số dư tiền đầu kỳ sẽ đúng bằng số dư tiền cuối kỳ. 

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp các thông tin cần thiết về dòng tiền

Thông thường, báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ được thiết lập bằng một trong hai phương pháp: Trực tiếp và gián tiếp

Thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chủ doanh nghiệp có thể nhìn thấy bức tranh tổng quan về tình hình thu/chi của dòng tiền thực trong một giai đoạn, phản ánh hoạt động nào đang đem lại nguồn tiền vào, hoạt động nào đang đem lại nguồn tiền ra.

Các phân tích liên quan đến báo cáo lưu chuyển tiền tệ thường phát huy tác dụng xác định hiệu quả của doanh nghiệp, trong trường hợp hoạt động kinh doanh đem lại dòng tiền âm liên tục trong nhiều năm, đây sẽ là một tín hiệu xấu cảnh báo mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đem lại hiệu quả kém. Báo cáo dòng tiền còn phản ánh thông tin về khả năng bổ sung tiền mặt của doanh nghiệp.

- Ý nghĩa của báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Đối với chủ doanh nghiệp: Cũng giống như 2 báo cáo đã trình bày, báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thiết lập ra với mục tiêu quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Đặc biệt việc kiểm soát cũng như điều tiết dòng tiền và vị thế nắm giữ tiền có vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt vòng đời doanh nghiệp, phản ánh sức khỏe tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp thông qua cung cấp thông tin về dòng tiền kinh doanh, dòng tiền đầu tư, dòng tiền tài chính. 

Trong đó,

Dòng tiền kinh doanh thường tập trung phản ánh các hoạt động thu chi phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh, thông thường phản ánh các động thái luân chuyển của vốn lưu động (phải thu, phải trả, hàng tồn kho…)

Không phải trong mọi trường hợp thì dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh âm ngụ ý tín hiệu xấu, tuy nhiên tình trạng âm dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh diễn ra liên tiếp cảnh báo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang đem lại hiệu quả kém, cũng không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp mới được thành lập, hiệu quả kinh doanh những năm đầu bị ảnh hưởng bởi tính can thiệp thị trường và cạnh tranh không cao trong ngành.

Dòng tiền đầu tư: Phản ánh các dòng thu/chi liên quan đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là các khoản đầu tư dài hạn về tài sản cố định của doanh nghiệp. Trong suốt dòng đời của doanh nghiệp, dòng tiền đầu tư đặc biệt quan trọng trong quá trình xem xét tiến độ các dự án lớn của doanh nghiệp với mục tiêu cải thiện cơ sở vật chất, gia tăng hiệu quả hoạt động trong tương lai, từ đó có thể đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Cấu phần của dòng tiền đầu tư còn bao gồm các khoản góp vốn vào đơn vị khác, cho biết thông tin về hệ sinh thái doanh nghiệp dự định mở rộng/đánh giá khả năng mở rộng năng lực của doanh nghiệp thông qua hợp tác.

Dòng tiền tài chính: Phản ảnh các dòng thu/chi liên quan đến hoạt động tài chính, đặc biệt là các hoạt động vay/trả nợ của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, dòng tiền tài chính dương ngụ ý doanh nghiệp đang huy động gia tăng nợ để tài trợ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên đối với dòng tiền tài chính, các phân tích nên đặc biệt quan sát chỉ tiêu dòng tiền thu/chi cho vay để đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong kỳ

Thông thường, báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thiết lập thông qua hai phương pháp: Trực tiếp, gián tiếp. Về bản chất, hai phương pháp này đều đem lại kết quả mong muốn cuối cùng là dòng tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp, để có cơ sở tính số dư tiền cuối kỳ.

Tuy nhiên về ý nghĩa kinh tế, báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp gián tiếp có thể thể hiện nhiều thông tin hơn cho người đọc báo cáo.

Các hoạt động kinh tế được gọi tên cụ thể khiến quá trình phân tích tình trạng tài chính doanh nghiệp có ý nghĩa hơn nhiều.Trên thực tế, các báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đều được thiết lập theo phương pháp gián tiếp

4.Thuyết minh báo cáo tài chính

- Thuyết minh báo cáo tài chính là gì?

Thuyết minh báo cáo tài chính như tên gọi của nó, tường thuật lại một cách chi tiết hơn các số liệu đã được trình bày trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Thuyết minh báo cáo tài chính không giải trình tất cả các khoản mục ở hai báo cáo nói trên mà sẽ tuân thủ các quy định liên quan đến tường thuật chi tiết trong thông tư của Bộ Tài chính, thuyết minh phần lớn đi diễn giải thông tin trọng yếu trong báo cáo tài chính.

Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh về báo cáo tài chính

- Ý nghĩa của thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến các con số trình bày trên báo cáo tài chính. Trong nhiều trường hợp, thuyết minh báo cáo tài chính có ý nghĩa quan trọng ngang với ba báo cáo trên do các thông tin được trình bày nhằm mô tả rõ các chi tiết để người đọc đánh giá mức độ trung thực của số liệu

II. Mục đích của việc đọc báo cáo tài chính 

Báo cáo tài chính là tài liệu tổng quát nhất cung cấp thông tin về tình hình tài chính của một doanh nghiệp tới người đọc. 

- Thông qua phân tích báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể sớm xác định các khoản đầu tư tiềm năng của mình và đưa ra quyết định đúng đắn. Các khoản đầu tư ấy nên được đưa ra khi doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, có thói quen sử dụng vốn phù hợp và tạo ra được kết quả kinh doanh tích cực

- Thông qua phân tích báo cáo tài chính, ngân hàng/chủ nợ có thể đánh giá được khả năng tạo tiền, tiềm năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hỗ trợ tài chính, vốn, để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài trợ cho các dự án đầu tư mới

- Đối với cơ quan quản lý, đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp cho phép xác định các sai phạm kịp thời để trấn chỉnh theo quy định pháp luật

- Đối với bạn hàng, đối tác, đọc báo cáo tài chính có thể đánh giá được khả năng hợp tác, khả năng thanh toán và tạo ra chuỗi giá trị bền vững

- Đối với chủ doanh nghiệp, đọc báo cáo tài chính hỗ trợ nâng cao tầm nhìn quản trị và kịp thời cải thiện các chính sách đang áp dụng.

Mục đích của việc đọc báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính rất quan trọng trong các quyết định đầu tư và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

III. Hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính nhanh chóng 

1. Ý kiến của kiểm toán viên

Kiểm toán độc lập là các đơn vị đưa ra ý kiến dựa trên chuyên môn hành nghề về việc doanh nghiệp đã trình bày các thông tin trên báo cáo tài chính một cách trung thực và phù hợp với các chuẩn mực kế toán khi ghi nhận các sự kiện kinh tế trong một năm tài chính. 

Ý kiến của kiểm toán viên được trình bày ở ngay phần đầu tiên, cung cấp cho người đọc sự đảm bảo tương đối rằng những thông tin bạn sắp đọc phía dưới có ý nghĩa kinh tế và được đơn vị phản ánh đúng đắn. 

Có 4 ý kiến kiểm toán sẽ được đưa ra dựa trên quy trình kiểm toán báo cáo tài chính, bao gồm:

- Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần: Nêu lên kết luận về báo cáo tài chính của đơn vị đã được lập dựa trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp, phản ánh đúng đắn tương đối bản chất kinh tế của các giao dịch phát sinh trong năm tài chính

- Ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần: Nêu lên kết luận dựa trên các bằng chứng kiểm toán thu được sau quy trình kiểm toán rằng các sai sót, xét trên phạm vi riêng lẻ hay tổng hợp, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa trong báo cáo tài chính. Hoặc công việc soát xét của kiểm toán viên bị giới hạn do đó, không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để đưa ra ý kiến cuối cùng nhưng kiểm toán viên có thể nêu ý kiến rằng những ảnh hưởng của việc này không có ảnh hưởng lan tỏa đối với tổng thể báo cáo tài chính

- Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược): Trong điều kiện các bằng chứng kiểm toán đã được thu thập đầy đủ, kiểm toán viên kết luận báo cáo tài chính có các sai sót, xét phạm vi riêng lẻ hay tổng hợp, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính của đơn vị.

Đặc biệt, ý kiến này được đưa ra trong trường hợp phạm vi làm việc của kiểm toán viên bị giới hạn nghiêm trọng, các cơ sở để đưa ý kiến kiểm toán 1,2 bị giới hạn, các tài liệu/thông tin tài chính được doanh nghiệp cung cấp trong quá trình soát xét quá mập mờ.

- Ý kiến từ chối (hoặc không thể đưa ra ý kiến): Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán phù hợp để đưa ra ý kiến và kết luận rằng điều này có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính

Thông thường, khi người đọc báo cáo tài chính nhận thấy ý kiến kiểm toán rơi vào các trường hợp 3,4, điều này ngụ ý các số liệu được trình bày phía dưới sẽ không còn có giá trị đọc hiểu, phân tích do không đáp ứng được yêu cầu về cung cấp & trình bày thông tin trung thực, phù hợp của đơn vị kiểm toán

2. Đọc hiểu báo cáo tài chính

Bảng cân đối kế toán

Thông qua quá trình tổng hợp và phân tích các chỉ số tài chính dựa trên dữ liệu trên bảng cân đối kế toán, một vài thông tin liên quan đến khả năng thanh toán, các chỉ số liên quan đến vòng quay vốn lưu động, cân đối tài chính được thể hiện rõ

a.  Chỉ số thanh toán hiện hành 

- Công thức tính:

Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Chỉ số thanh toán hiện hành 

Công thức tính chỉ số thanh toán hiện hành nhanh chóng và chính xác

- Ý nghĩa của chỉ số: 

Phản ánh khả năng doanh nghiệp có thể dùng các tài sản ngắn hạn (tiền, tương đương tiền, phải thu ngắn hạn…) để đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của mình. 

Chỉ số thanh toán hiện hành càng cao thì khả năng hoàn thành các nghĩa vụ nợ ngắn hạn sẽ càng tốt.   

Chỉ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1 phản ánh khả năng hoàn thành các nghĩa cụ nợ ngắn hạn thấp nhưng không ngụ ý công ty đang ở trong trạng thái tài chính tiêu cực, có nguy cơ phá sản do công ty có thể huy động thêm vốn lưu động từ nhiều nguồn khác nhau. 

Chỉ số thanh toán hiện hành lớn hơn 1 nhiều phản ánh khả năng hoàn thành các nghĩa vụ nợ ngắn hạn cao, tuy nhiên cần kết hợp phân tích thêm các chỉ số liên quan tới hiệu quả sử dụng tài sản để đưa ra kết luận về liệu doanh nghiệp có đang dư thừa nguồn lực và không sử dụng tài sản hiệu quả không

b. Chỉ số thanh toán nhanh

- Công thức tính:

Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền và các khoản tương đương tiền+các khoản phải thu+các khoản đầu tư ngắn hạn)/(Nợ ngắn hạn)

Chỉ số thanh toán nhanh

Công thức tính chỉ số thanh toán nhanh

- Ý nghĩa của chỉ số: Phản ánh khả năng doanh nghiệp có thể sử dụng các tài sản có tính thanh khoản cao nhất trong tài sản ngắn hạn mà không phải thanh lý hàng tồn kho hay không. 

Chỉ số thanh toán nhanh nếu nhỏ hơn 1 sẽ thể hiện khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn ở mức thấp, ngoài ra nếu kết quả nhỏ hơn nhiều chỉ số thanh toán hiện hành thì có hàm ý là doanh nghiệp đang trữ quá nhiều hàng tồn kho. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh doanh và tiến độ quay vòng vốn của doanh nghiệp

c. Chỉ số thanh toán tiền mặt

- Công thức tính:

Chỉ số thanh toán tiền mặt = (Các khoản tiền và tương đương tiền)/(Nợ ngắn hạn)

Chỉ số thanh toán tiền mặt

Công thức tính chỉ số thanh toán tiền mặt trong báo cáo tài chính

- Ý nghĩa của chỉ số: Phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng tiền & tương đương tiền. 

Thông thường, chỉ số thanh toán tiền mặt nên được duy trì ở mức vừa phải (tùy thuộc vào đặc điểm tốc độ quay vòng vốn của doanh nghiệp), để tránh tình trạng lãng phí tiền mặt 

d. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu

- Công thức tính:

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh số thuần hàng năm/((Các khoản phải thu còn lại trong báo cáo của năm trước và các khoản phải thu năm nay))/2

- Ý nghĩa của chỉ số:  Phản ánh chính sách thu hiệu quả của doanh nghiệp đối với khách hàng/bạn hàng. 

Chỉ số vòng quay càng cao ngụ ý thời gian doanh nghiệp thu hồi được vốn càng nhanh. Khi so sánh chỉ số này giữa các doanh nghiệp cùng ngành, dễ dàng nhận thấy có nên điều chỉnh chính sách cho mua nợ để duy trì/gia tăng mức độ cạnh tranh giữa các đối thủ bằng cách điều chỉnh chính sách tín dụng, kéo dài thời gian người mua thanh toán tiền hàng. 

Tuy nhiên đồng thời khi xem xét xu hướng thay đổi của chỉ số này, doanh nghiệp có thể kịp thời điều chỉnh chính sách thu hồi hiệu quả hơn, đẩy nhanh vòng quay vốn nhằm thu hồi vốn kịp thời

e. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu

- Công thức tính:

Số ngày trung bình = 365 / Vòng quay các khoản phải thu

- Ý nghĩa của chỉ số: Quy đổi dữ kiện về vòng quay khoản phải thu thành số ngày trung bình mà doanh nghiệp thu được tiền của khách hàng, điều này góp phần điều chỉnh chính sách tín dụng của bộ phận kinh doanh và thu hồi công nợ, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

f. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

- Công thức tính:

Vòng quay hàng tồn kho = giá vốn hàng bán/ (Hàng tồn kho trong báo cáo năm trước + hàng tồn kho năm nay)/2

- Ý nghĩa của chỉ số: Phản ánh hiệu quả của chính sách kiểm soát hàng tồn kho mà doanh nghiệp áp dụng

Chỉ số này càng cao thì ngụ ý chính sách quản lý hàng tồn kho đang phát huy hiệu quả tốt, điều này sẽ thúc đẩy vòng quay thu hồi vốn nhanh hơn và sẽ giảm thiểu rủi ro suy giảm giá trị hàng tồn kho. 

g. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho

- Công thức tính:

Số ngày bình quân vòng quay hàng tồn kho = 365/ Vòng quay hàng tồn kho

- Ý nghĩa của chỉ số: Quy đổi dữ kiện về vòng quay khoản phải thu thành số ngày trung bình mà doanh nghiệp thu được tiền của khách hàng, điều này góp phần điều chỉnh chính sách tín dụng của bộ phận kinh doanh và thu hồi công nợ, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

 h. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả

- Công thức tính:

Vòng quay các khoản phải trả = Giá vốn hàng bán+hàng tồn kho cuối kỳ - Hàng tồn kho đầu kỳ/ (Phải trả trong báo cáo năm trước + phải trả năm nay)/2

 - Ý nghĩa của chỉ số: Phản ánh hiệu quả của chính sách tín dụng, thu hồi công nợ của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp. 

Chỉ số này nên được doanh nghiệp duy trì ở mức phù hợp với đặc tính kinh doanh của doanh nghiệp, liên quan đến tốc độ quay vòng vốn và khả năng đàm phán Chỉ số này cho biết doanh nghiệp đã sử dụng chính sách tín dụng của nhà cung cấp như thế nào. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả quá thấp có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.

i. Chỉ số số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả

- Công thức tính:

Số ngày bình quân vòng quay các khoản phải trả = 365/ Vòng quay các khoản phải trả

- Ý nghĩa của chỉ số: Quy đổi dữ kiện về vòng quay khoản phải trả thành số ngày trung bình mà doanh nghiệp thu được tiền của khách hàng, điều này góp phần điều chỉnh chính sách tín dụng của bộ phận kinh doanh và thu hồi công nợ, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Người đọc báo cáo tài chính nên tổng hợp và phân tích các chỉ số sau để có được tầm nhìn bao quát về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính xác

a. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu quý/năm (%)

- Công thức tính: 

((Doanh thu kỳ N – Doanh thu kỳ N-1) / Doanh thu kỳ N-1)*100

- Ý nghĩa công thức: Các phân tích về tăng trưởng doanh thu có thể được thực hiện định kỳ hàng quý/năm thậm chí hàng tháng để phục vụ mục tiêu quản trị của chủ doanh nghiệp. Nhìn nhận về tỷ lệ này đem lại tầm nhìn phát triển cho doanh nghiệp đồng, tỷ lệ này càng cao ngụ ý về kết quả kinh doanh có cải thiện càng tốt.

Đặc biệt, chỉ số này tăng trưởng dương trong một thời gian dài (3-5 năm liên tiếp) có ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp, chứng tỏ một phần doanh nghiệp có mô hình kinh doanh cạnh tranh và vượt trội

Trong nhiều trường hợp, tăng trưởng tổng doanh thu nên được phân tích song hành cùng tăng trưởng tổng tài sản để có nhận định xác đáng đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

b. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh quý/năm (%)

- Công thức tính: 

((Lợi nhuận thuần hoạt động sản xuất kinh doanh kỳ N – Lợi nhuận thuần hoạt động sản xuất kinh doanh kỳ N-11) / Lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh kỳ N-1)X100%

- Ý nghĩa của chỉ số: Song hành cùng với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu quý/năm (%) ở trên, chỉ số này giúp chủ doanh nghiệp định hình tăng trưởng cấu phần kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Trong nhiều trường hợp, có nhiều doanh nghiệp thường dễ bị hấp dẫn bởi các hoạt động kinh tế khác ngoài cấu phần sản xuất kinh doanh chính đề ra ban đầu của chủ doanh nghiệp mà bỏ qua củng cố doanh thu cốt lõi.

Điều này khi được phân tích trong một xu hướng 1-3 năm sẽ giúp doanh nghiệp định hình lại chiến lược kinh doanh và kịp thời ngăn chặn các rủi ro kinh doanh thua lỗ trái ngành không đáng có. Đối với nhà đầu tư, việc theo dõi chỉ số này giúp nhà đầu tư nhận định các doanh nghiệp phát triển bền bỉ để có được quyết định đầu tư đúng đắn

c. Vòng quay tổng tài sản (lần)

- Công thức tính:

Doanh thu thuần / Tổng tài sản bình quân 

Trong đó: 

Tổng tài sản bình quân bằng = (Tổng Tài sản kỳ này + Tổng Tài sản kỳ trước)/2

- Ý nghĩa của chỉ số: Đánh giá khả năng sinh lời của tổng tài sản hiện có, cụ thể, cần bao nhiêu đồng tài sản mới tạo ra được một đồng doanh thu. So với trung bình ngành, nếu doanh nghiệp có chỉ số này ở mức cao hơn thì ngụ ý doanh nghiệp cần cải thiện cách thức sử dụng tài sản đề sinh lời tốt hơn.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn có thể phân tích theo chuỗi thời gian, quý này so với quý trước, năm nay so với năm trước để nhận định sự cải thiện trong sản xuất kinh doanh. Thông thường quy trình quản trị vốn, đặc biệt là vốn lưu động sẽ có ảnh hưởng tức thì cải thiện chỉ số này. 

Đặc biệt, chỉ số này có sự khác biệt về ngành nghề và yêu cầu về vốn/tài sản, do đó, nhà đầu tư có thể so sánh tương đối giữa các doanh nghiệp với nhau và kết quả của chỉ số quý trước/quý này để đưa ra quyết định đầu tư

d. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)

- Công thức tính:

Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản bình quân 

Trong đó, tổng tài sản bình quân bằng= (Tổng tài sản kỳ trước + Tổng tài sản kỳ này)/2

- Ý nghĩa của chỉ số: Hỗ trợ đánh giá mức độ sinh lời của tổng tài sản/tổng nguồn vốn, cụ thể phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản/nguồn vốn tạo ra được lợi nhuận như thế nào. Chỉ số này càng thấp càng ngụ ý doanh nghiệp đang sử dụng tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kém, hỗ trợ chủ doanh nghiệp thiết lập các điều chỉnh trong chính sách để cải thiện hiệu quả hoạt động

e. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS)

- Công thức tính:

Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần

- Ý nghĩa của chỉ số: Phản ánh tính cạnh tranh thông qua cung cấp thông tin về mỗi đồng doanh thu doanh nghiệp thu lại thì có bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng.

f. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

- Công thức tính:

Lợi nhuận sau thuế/(Vốn chủ sở hữu kỳ trước + Vốn chủ sở hữu kỳ này)/2

- Ý nghĩa của chỉ số: Đánh giá tương đối hiệu quả sử dụng nguồn vốn, cung cấp thông tin để doanh nghiệp có cơ sở điều chỉnh tỷ trọng vốn vay & vốn chủ để dần đạt mức cơ cấu vốn tối ưu. 

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ  

Người đọc báo cáo tài chính nên tổng hợp và phân tích các chỉ số sau để có được tầm nhìn bao quát về dòng tiền thu/chi của doanh nghiệp

a. Dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh (%)

- Công thức tính:

Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh/Tổng lưu chuyển tiền từ cả ba hoạt động *100%

- Ý nghĩa của chỉ số: Trong nhiều trường hợp, chỉ tiêu này ngụ ý nhiều về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang suôn sẻ hay đình trệ. Dòng tiền kinh doanh chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, là thước đo cuối cùng cho mọi động thái chuyển mình của doanh nghiệp. Dòng tiền kinh doanh dương liên tục trong nhiều năm phần lớn phản ánh khả năng tạo ra dòng tiền thực tốt của doanh nghiệp

– Và cuối cùng là tính dòng tiền chi từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tỷ số này sẽ giúp bạn so sánh được tình hình sử dụng tiền trong hoạt động kinh doanh với tổng số tiền mà công ty sử dụng vào các hoạt động.

b. Dòng tiền chi từ hoạt động kinh doanh (%)

- Công thức tính:

Dòng tiền chi từ hoạt động kinh doanh/Tổng dòng tiền chi từ các hoạt động *100%

- Ý nghĩa của chỉ số: Trong nhiều trường hợp, chỉ số này càng lớn không ngụ ý doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt, tuy nhiên phản ánh hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp

Người đọc có thể áp dụng hai chỉ số này tương tự đối với dòng tiền từ hai hoạt động còn lại và đưa ra bảng tổng hợp điểm mạnh/điểm yếu, điểm tập trung của dòng tiền doanh nghiệp.

IV. Những lưu ý khi đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp

Người đọc báo cáo tài chính, đặc biệt là nhà đầu tư có thể lưu ý các điểm sau đây khi đọc và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp:

Những lưu ý khi đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp

Những lưu ý giúp bạn đọc báo cáo tài chính hiệu quả

1. Đặc thù doanh nghiệp

Doanh nghiệp trong lĩnh vực khác nhau sẽ dẫn tới các điểm mấu chốt cần lưu ý khác nhau: Lĩnh vực thông thường bao gồm: Sản xuất, dịch vụ, thương mại
Ngành nghề sản xuất kinh doanh hiện tại cũng là yếu tố quan trọng: Xây dựng, Bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, dệt may…

2. Hàng tồn kho & Phải thu

Đối với doanh nghiệp sản xuất, khoản mục hàng tồn kho & phải thu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đọc báo cáo tài chính. Hai khoản mục này khi kết hợp với phân tích xu hướng, phân tích kết hợp các chỉ số tài chính (nêu ở phần trước) sẽ cung cấp các một số thông tin liên quan đến vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp.

Hàng tồn kho và khoản phải thu quay càng nhanh thì doanh nghiệp càng có khả năng thu hồi vốn nhanh. So sánh theo thời gian nếu chỉ số này được cải thiện ở mức tương đối sẽ đem lại sức cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp

3. Tài sản cố định

Một lần nữa, chỉ tiêu này có ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp sở hữu hệ thống công xưởng, máy móc tốt, chưa khấu hao lớn sẽ có ưu thế công suất cao hơn, từ đó sản lượng sản xuất có tiền đề cải thiện tốt.

Động thái gia tăng tài sản cố định ở các giai đoạn thích hợp trong vòng đời doanh nghiệp thường ngụ ý sự cải tiến lớn. Điều này sẽ tạo động lực cho sản xuất kinh doanh và ngụ ý doanh nghiệp đầu tư để phát triển nhanh hơn

4. Vốn lưu động

Vốn lưu động được xác định bằng Nợ ngắn hạn - Tài sản ngắn hạn, chỉ số này chỉ ra khả năng thanh toán nợ ngắn của doanh nghiệp sử dụng tài sản ngắn hạn. Trong nhiều trường hợp chỉ ra rằng, vốn lưu động âm liên tục trong nhiều năm sẽ thể hiện sự bất cân xứng tài chính, gia tăng thêm rủi ro cho doanh nghiệp khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đến hạn. 

5. Các vòng quay tài sản/vốn lưu động

Để hiểu rõ liệu doanh nghiệp có đang xoay vòng vốn trơn chu hay không, thông thường một số chỉ tiêu về vòng quay tài sản/vốn lưu động sẽ được tính toán và phân tích theo xu hướng thời gian hoặc so sánh với doanh nghiệp cùng ngành có tính chất mô hình kinh doanh tương tự. Việc kiểm soát và quản trị vốn lưu động/tài sản đem lại hiệu quả tức thì, giải tỏa áp lực thanh toán các nghĩa vụ đến hạn và gia tăng nguồn lực cho doanh nghiệp

6. Chỉ số nợ

Người đọc báo cáo tài chính cần xác định tình trạng nợ hiện tại của doanh nghiệp để xác định cơ cấu nguồn vốn mà doanh nghiệp đang sở hữu. Tình trạng nợ tỷ trọng cao trong nguồn vốn kết hợp với một cú sốc nhẹ khiến kết quả kinh doanh sụt giảm sẽ là tín hiệu xấu cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dễ dàng rơi vào tình trạng đứt gãy vòng quay vốn nếu không có các biện pháp tài trợ kịp thời. Ngoài ra, một thói quen vay nợ gia tăng theo từng năm sẽ khiến doanh nghiệp dễ dàng phụ thuộc vào nguồn tài chính vay nợ.

7. Biên lợi nhuận/biên lợi nhuận ròng

Để xác định tính cạnh tranh trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, người đọc báo cáo tài chính có thể tính biên lợi nhuận. Điều này cũng gián tiếp xác định khả năng quản trị chi phí của doanh nghiệp. Dễ nhận thấy rằng trong một giai đoạn doanh nghiệp liên tục gia tăng được biên lợi nhuận/biên lợi nhuận ròng, doanh nghiệp đang thực sự làm tốt trong sản xuất kinh doanh

8. Các chỉ tiêu tài chính đánh giá hiệu quả

- ROA: Đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản

- ROS: Đánh giá hiệu quả của chính sách bán hàng, tồn kho, công nợ

- ROE: Đánh giá hiệu quả của cơ cấu vốn

Trên đây là những chỉ số và cách đọc báo cáo tài chính một cách đầy đủ và chính xác nhất. TOPI mong rằng thông qua bài viết này các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới có thể đọc được báo cáo tài chính doanh nghiệp và lựa chọn cho mình hướng đầu tư tốt nhất cho mình.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI