Facebook Topi

18/09/2023

Chính sách tài khoá là gì? Đặc điểm và vai trò đối với nền kinh tế

Chính sách tài khoá là một trong những công cụ mà Chính phủ sử dụng nhằm điều chỉnh nền kinh tế theo hướng có lợi, thông qua chế độ thuế và đầu tư công. 

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Để nền kinh tế có thể phát triển một cách bền vững thì Chính phủ mỗi nước đều phải có các chính sách can thiệp kịp thời. Một trong số đó là chính sách tài khoá sử dụng chi tiêu công, vay nợ công và công cụ thuế.

Khi kinh tế suy thoái thì dùng chính sách tài khóa thâm hụt để thúc đẩy kinh tế phát triển trở lại, còn khi kinh tế phát triển quá mức gây mất cân bằng thì dùng chính sách thắt chặt để kéo về lại trạng thái cân bằng.  Vậy chính xác thì chính sách tài khoá là gì? Đặc điểm ra sao và cách thực hiện như thế nào?

I. Chính sách tài khoá là gì?

Chính sách tài khoá (tiếng Anh: Fiscal policy) là một công cụ của chính sách kinh tế được Chính phủ thực hiện thông qua các biện pháp thay đổi chi tiêu và/hoặc thuế, nhằm tác động vào quy mô của hoạt đông kinh tế đất nước, hoặc thúc đẩy tăng trưởng trong tình trạng bình thường hoặc là đưa kinh tế trở lại cân bằng nếu rơi vào suy thoái hoặc phát triển quá mức.

Thông tin về chính sách tài khoá

Chính sách tài khóa trong nền kinh tế hiện nay

Về mặt lý thuyết, khi tăng chi, cắt giảm thuế thì tổng cầu sẽ tăng thông qua hiệu ứng “nhân tử” (economic multiplier), qua đó, tỷ lệ việc làm tăng cao để đáp ứng đủ mức tăng tổng cầu, khiến thu nhập quốc dân tăng theo. Tương tự, nếu mức hoạt động kinh tế quá cao, Chính phủ có thể giảm chi, tăng thuế để tổng cầu giảm xuống.

Mục tiêu chính của chính sách tài khoá là giảm quy mô biến động của sản lượng trong chu kỳ kinh doanh, dẫn tới việc cần có sự can thiệp của Chính phủ vào điều chỉnh hoạt động nền kinh tế.

Lưu ý, chỉ Chính phủ mới có quyền hạn thực hiện chính sách tài khoá, các cấp chính quyền địa phương không có quyền hạn này.

II. Tác động của chính sách tài khoá

Chính sách tài khoá có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, chúng tác động đến nền kinh tế thông qua 4 yếu tố đó là:

Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa giúp kinh tế tăng trưởng vượt trội bằng việc điều chỉnh tổng cầu tăng, khi kinh tế suy thoái hoặc phát triển quá mức thì điều chỉnh tổng cầu giảm xuống đưa nền kinh tế về lại trạng thái cân bằng.

Hỗ trợ Chính phủ trong việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế thông qua hai công cụ: chi tiêu Chính phủ và thuế. Từ đó, Nhà nước có thể tập trung vào phát triển các lĩnh vực trọng tâm khác của đất nước.

Thực hiện chức năng phân phối và tái phân phối GNP (tổng sản phẩm quốc dân), điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, các rủi ro thị trường… tạo lập nên xã hội ổn định, môi trường an toàn cho tăng trưởng đầu tư và phát triển.

Thực hiện mục tiêu chính là đưa nền kinh tế tăng trưởng và phát triển, đất nước ngày càng thịnh vượng và vươn tầm hơn nữa.

Tác động của chính sách tài khoá

Những tác động chính của chính sách tài khoá đối với toàn bộ nền kinh tế chung

Tuy vậy, chính sách tài khoá vẫn tồn tại các mặt hạn chế như:

Thời gian để đưa ra chính sách tài khóa hoàn chỉnh diễn ra rất lâu, Chính phủ cần phải nghiên cứu thống kê và phân tích các số liệu về sự thay đổi về tổng cầu, sau đó cần thêm thời gian nữa để hoàn thành chính sách đó, và đợi thêm thời gian nữa xem hiệu quả của chính sách mang lại như thế nào.

Có thể không mang lại hiệu quả, do Chính phủ không thể biết được chính xác quy mô tác động của những điều chỉnh chi tiêu lên nền kinh tế, họ chỉ có thể dựa trên những số liệu cũ để đưa ra quyết định.

Có nguy cơ khiến lạm phát gia tăng, vì khi nền kinh tế suy thoái, sản lượng thực tế thấp, tỷ lệ sa thải và nhiều người thất nghiệp sẽ tăng cao khiến ngân sách thâm hụt, chi tiêu của Chính phủ gia tăng dễ dẫn đến lạm phát, thậm chí còn tăng thêm nợ.

III. Các loại chính sách tài khoá

Các loại chính sách tài khoá

Những loại chính sách tài khoá thương xuyên được sử dụng nhất

Có hai loại chính sách tài khoá đó là chính sách tài khóa thâm hụt và chính sách tài khoá thắt chặt.

Chính sách tài khóa thâm hụt hay chính sách tài khoá mở rộng sẽ giúp tổng cầu tăng, sản lượng nền kinh tế cũng cải thiện, từ đó, nền kinh tế cũng phát triển. Chính sách này được thực hiện khi suy thoái kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng chậm hoặc dậm chân tại chỗ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khi ấy, Chính phủ sẽ tăng chi tiêu Chính phủ hoặc/và giảm thuế.

Chính sách tài khoá thắt chặt sẽ giúp tổng cầu giảm, sản lượng nền kinh tế cũng giảm xuống. Chính sách này được thực hiện khi nền kinh tế mất cân bằng, hoặc phát triển quá nhanh, hoặc lạm phát quá cao. Khi đó, Chính phủ sẽ giảm chi tiêu và/hoặc tăng thuế.

Thường, chính sách tài khoá sẽ kết hợp với chính sách tiền tệ để phát huy được hiệu quả tối đa.

IV. Công cụ triển khai chính sách tài khoá

Có hai công cụ chủ yếu để triển khai chính sách tài khoá:

1. Chi tiêu Chính phủ:

Trong hoạt động chi tiêu Chính phủ sẽ có hai loại: chi mua sắm hàng hoá dịch vụ và chi chuyển nhượng.

Chi mua hàng hoá dịch vụ là hoạt động Chính phủ sử dụng Ngân sách Nhà nước để mua vũ khí đạn dược, xây dựng cầu cống, đường xá và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho cán bộ công nhân viên Nhà nước…

Hoạt động chi mua này có tác động đến tổng cầu theo tính chất số nhân, nếu chi mua tăng một đồng thì tổng cầu sẽ tăng hơn một đồng và ngược lại. Tóm lại, chi mua hàng hoá dịch vụ của Chính phủ được coi như là một công cụ điều tiết tổng cầu.

Chi chuyển nhượng là khoản trợ cấp của Chính phủ cho những đối tượng chính sách chẳng hạn như người nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa và nhóm người dễ bị tổn thương khác trong xã hội… Chi chuyển nhượng tác động đến tổng cầu bằng việc tác động đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Khi chi chuyển nhượng tăng thì tiêu dùng cá nhân cũng tăng và từ đó gia tăng tổng cầu.

Công cụ triển khai chính sách tài khoá

Những công cụ giúp triển khai chính sách tài khoá tối ưu nhất

2. Thuế:

Có nhiều loại thuế khác nhau nhưng cơ bản thì gồm thuế trực thu (direct taxes) và thuế gián thu (indirect taxes).

Thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp lên tài sản hoặc/và thu nhập của người chịu thuế chẳng hạn như thuế TNCN, TNDN, thuế tài sản, thế đất…

Thuế gián thu là loại thuế đánh gián tiếp thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế bằng việc áp dụng cho giá trị của hàng hoá, dịch vụ, chẳng hạn như thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu…

Khi thuế tăng thì thu nhập của người dân sẽ giảm, từ đó giảm tiêu dùng và tổng cầu giảm theo, và ngược lại, nghĩa là, thuế và chi mua hàng hoá dịch vụ tác động lên tổng cầu theo chiều trái ngược nhau.  

V. Mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ

Mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ

Mối quan hệ chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ

Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ sẽ bị chính sách tài khóa tác động theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các yếu tố thuộc cơ chế truyền dẫn.

Như đã biết, chính sách tài khóa tác động đến tổng cầu của nền kinh tế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua tác động lên lãi suất hoặc các quyết định về thu, chi. Từ đó, ảnh hưởng đến tiền lương, giá cả, qua đó tác động lên lạm phát và kỳ vọng lạm phát.

Trong dài hạn, chính sách tài khoá ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của chính sách tiền tệ.

Khi một chính sách tài khoá kém bền vững được áp dụng lâu dài, kỳ vọng thâm hụt ngân sách lớn và liên tục, Chính phủ nợ lớn có thể giảm lòng tin của người dân vào nền kinh tế và tạo ra rủi ro đối với sự bền vững của thị trường tài chính. Khi niềm tin bị lung lay thì nó có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu, ngoại hối, thậm chí có thể làm cơ chế tiền tệ sụp đổ.

Ngoài ra, khả năng kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào của NHNN bị ảnh hưởng bởi chính sách tài khoá do liên quan đến dòng chu chuyển vốn quốc tế, gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính. Nếu chính sách thu và chi tài khoá được xây dựng bất hợp lý cũng sẽ tác động tiêu cực tới quá trình phân bổ nguồn lực, cũng như tăng cao rủi ro cho dòng vốn quốc tế.

Chính sách tiền tệ cũng có ảnh hưởng nhất định đến chính sách tài khoá. Mục tiêu trung hạn của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, giá trị của đồng tiền và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bằng cách kiểm soát lãi suất và cung tiền. Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến nhu cầu đầu tư giảm, sản xuất thu hẹp, dẫn đến nguồn thu ngân sách Chính phủ bị ảnh hưởng, giảm xuống. 

Đồng thời, việc tăng giảm lãi suất từ chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng đến giá trái phiếu Chính phủ, gây mất cân đối ngân sách, sự gia tăng tỷ giá cũng khiến nợ Chính phủ gia tăng khi quy đổi bằng đồng ngoại tệ. Như vậy, ở đây tồn tại mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, mỗi thay đổi của chính sách này cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách kia.

Trên thực tế, hai chính sách này có quyền hạn thực hiện từ hai cơ quan khác nhau. Chính sách tài khoá điều hành bởi Chính phủ còn chính sách tiền tệ được điều hành bởi Ngân hàng Trung Ương. Nhưng để có nền kinh tế phát triển bền vững thì cần có sự phối hợp hiệu quả giữa hai chính sách này. Cần bảo đảm tuân thủ ba nguyên tắc, đó là: nhất quán về mục tiêu chính sách (chẳng hạn, ổn định lạm phát hay tăng trưởng kinh tế bền vững), trong quá trình thực hiện phải đồng bộ và bổ sung lẫn nhau, đồng thời hỗ trợ và chia sẻ thông tin cho nhau.

Trong tình hình hiện nay, nền kinh tế đang gặp khó khăn, Nhà nước hiện hiệu quả các chính sách tài khóa để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. TOPI mong rằng, với những thông tin mà TOPI đưa ra, sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự tác động của chính sách này đối với việc đầu tư, từ đó lựa chọn cho mình hướng đầu tư phù hợp.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI