Facebook Topi

05/03/2024

Bán chui cổ phiếu là gì? Bán chui cổ phiếu có bị xử phạt không?

Mua bán "chui" cổ phiếu là gì? Bán chui cổ phiếu bị phạt bao nhiêu? Giao dịch cổ phiếu chui có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? 

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Bán chui cổ phiếu là hành vi phạm pháp, làm mất đi sự minh bạch của thị trường chứng khoán, gây thiệt hại đối với các nhà đầu tư. Những cá nhân, tổ chức bán chui cổ phiếu sẽ phải chịu những mức phạt khác nhau, tùy theo số cổ phiếu đã bán và số tiền lời bất chính thu về.

I. Thế nào là bán "chui" cổ phiếu?

Khái niệm bán chui cổ phiếu không được luật pháp quy định mà chỉ là từ “lóng” được các nhà đầu tư chứng khoán dùng để chỉ hành vi bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trong thời hạn cho phép theo quy định của luật pháp.

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Bán chui cổ phiếu là hành vi phạm pháp

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 33, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: Cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng theo luật Doanh nghiệp phải gửi báo cáo cho Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty đại chúng và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về việc thực hiện giao dịch.

Sau khi nhận được báo cáo liên quan đến sự thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông sáng lập, trong vòng 3 ngày làm việc, công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải công bố thông tin này trên trang thông tin điện tử của công ty.

Trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch hoặc kết thúc thời hạn giao dịch dự kiến, người nội bộ phải công bố thông tin về kết quả giao dịch, nếu giao dịch không thực hiện được thì phải giải trình nguyên nhân.

Điều 16 Luật Chứng khoán 2019 quy định: Cổ đông công ty đại chúng muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trừ trường hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần hoặc bán cổ phiếu theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc của Trọng tài hoặc do phá sản, mất khả năng thanh toán…

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Nhiều cá nhân cố tình giao dịch chứng khoán chui để vụ lợi

Như vậy, nếu cổ đông hoặc người nội bộ công ty bán cổ phiếu nhưng không thông báo và công bố thông tin, không đăng ký giao dịch với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì sẽ bị coi là hành vi bán chui cổ phiếu.

Bán chui cổ phiếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.

II. Hậu quả do hành vi bán chui cổ phiếu để lại

1. Khiến thị trường giảm tính minh bạch

Giao dịch cổ phiếu "chui" là hành vi vi phạm pháp luật và để lại nhiều hệ lụy đối với những nhà đầu tư và thị trường. Hành vi này làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mục tiêu nâng hạng từ Frontier lên Emerging

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Bán chui cổ phiếu để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng

2. Gây ra thiệt hại đối với nhà đầu tư

Việc cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo, trục lợi, làm lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư khác.

Điển hình như sau bê bối bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT FLC), hàng loạt cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC bị lao dốc và bị hủy niêm yết.

Sau vụ chủ tịch HĐQT bán chui cổ phiếu, mã LDG cũng giảm sàn nhiều phiên và mất thanh khoản gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Đây là hành vi vụ lợi cá nhân, vi phạm đạo đức kinh doanh

Có trường hợp đã công bố thông tin về ý định mua bán nhưng kết quả giao dịch được báo cáo lại bằng không với lý do không thể khớp lệnh. Vụ việc này khiến nhà đầu tư cảm thấy như bị đánh úp bởi chính các lãnh đạo mà họ đã từng gửi gắm niềm tin.

Trong hầu hết các vụ việc bị phát hiện giao dịch chui cổ phiếu, lý do phổ biến nhất thường được đưa ra để giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và xoa dịu nhà đầu tư là “tại thư ký” sơ suất trong khi Chủ tịch hoặc người có trách nhiệm thì “bận” đi công tác. 

3. Thiệt hại đối với công ty chứng khoán

Các công ty chứng khoán thường cho vay margin các cổ phiếu này. Sau khi bị công bố mức phạt, giá của các loại cổ phiếu này thường có xu hướng giảm mạnh. Do vậy các công ty chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

III. Một số vụ mua bán chui cổ phiếu nổi tiếng

1. Ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC

Cuối tháng 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC đã bị bắt vì hành vi che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán. Ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân là người trong gia đình hoặc có quan hệ thân thiết  điều hành nhân viên Công ty CK BOS cùng các công ty con dùng nhiều tài khoản chứng khoán, thông đồng mua bán với tần suất lớn, tạo ra cung cầu giả tạo, đẩy giá chứng khoán FLC tăng 64% để bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC, thu lợi bất chính 530 tỷ đồng.

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Ông Trịnh Văn Quyết thao túng và bán chui cổ phiếu FLC

2. Ông Trần Văn Bê mua chui hơn 3,36 triệu cổ phiếu VPB

Tháng 7/2021, ông Trần Văn Bê - anh rể một lãnh đạo Ngân hàng VPBank đã mua hơn 3,36 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Với hành vi này, ông Bê đã bị phạt hành chính 940,35 triệu đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

3. Thaiholdings bị phạt vì mua bán chui cổ phiếu LPB

Tháng 5/2021, CTCP Thaiholdings bị phạt vì mua bán "chui" cổ phiếu LPB. Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cũng chính là cổ đông lớn tại Thaiholdings. 

Thaiholdings đã mua 145.600 cổ phiếu và bán 719.400 cổ phiếu LPB nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Thaiholdings bị phạt 260 triệu đồng cho hành vi này.

4. Ông Nguyễn Khánh Hưng giao dịch chui 2,6 triệu cổ phiếu LDG

Tháng 8/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Long Điền đã bị phát hiện bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG mà không đăng ký, thông báo (chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường). Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã hủy giao dịch trên, đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xử phạt ông Hưng hơn 520 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 4 tháng. 

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Ông Nguyễn Khánh Hưng bị phạt vì giao dịch cổ phiếu không đăng ký

5. Kế toán trưởng Novaland bán chui cổ phiếu NVL

Tháng 7/2023, kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) - ông Huỳnh Minh Lâm đã bị xử phạt 100 triệu đồng do bán “chui” 603.790 cổ phiếu NVL khi cổ phiếu này tăng mạnh nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. . 

6. Ca sĩ Khánh Phương bị xử phạt do bán chui cổ phiếu SJC

Tháng 6/2023, ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) bị xử phạt 245 triệu đồng vì mua “chui” cổ phiếu lên đến 45% vốn của Công ty CP Sông Đà 1.01 (SJC) nhưng không đăng ký chào mua theo quy định. 

Ông Phạm Khánh Phương cũng bị cáo buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai. 

7. Vợ chồng chủ tịch HĐQT Hải Phát bán chui cổ phiếu HPX

Trong tháng 4/2023, ông Đỗ Quý Hải Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát và vợ là bà Chu Thị Lương, ông Đỗ Quý Đường (em trai ông Hải) đã bị phát hiện bán chui cổ phiếu HPX, xử phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng.

IV. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền xử phạt bán chui cổ phiếu?

Theo luật, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền phạt tiền tối đa đến 3 tỷ đồng đối với tổ chức và phạt tiền tối đa đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời có quyền đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn hoặc áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Cần có biện pháp mạnh mẽ đủ để ngăn ngừa sai phạm chứng khoán

1. Mức xử phạt cho hành vi bán chui cổ phiếu đã đủ tính răn đe?

Bán chui cổ phiếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP, hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch sẽ bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch trên thực tế. Đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ sẽ tính theo mệnh giá. Đối với chứng quyền có bảo lãnh sẽ tính theo giá phát hành gần nhất. Đối với quyền mua cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi/quyền mua chứng chỉ quỹ sẽ tính theo giá trị chuyển nhượng.

Mức phạt cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

Bán chui cổ phiếu bị xử phạt như thế nào

Giao dịch cổ phiếu chui chỉ bị xử lý hành chính

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.

Tuy nhiên, chế tài này được xem là quá nhẹ nhàng so với những thiệt hại mà nó để lại, không đủ sức răn đe. Bởi vậy vẫn có nhiều cá nhân bất chấp để bán chui cổ phiếu bởi lợi nhuận thu về lớn gấp nhiều lần mức phạt và chỉ bị phạt nếu bị phát hiện.

2. Nghiên cứu xử phạt mạnh để ngăn chặn vi phạm

Mặc dù đã có động thái cứng rắn đối với hành vi giao dịch cổ phiếu không đăng ký như phạt hành chính, đình chỉ giao dịch, hủy giao dịch trái phép, trả lại tiền cho nhà đầu tư nhưng để đảm bảo những vi phạm này không còn tái diễn, Bộ Tài chính đang giao UBCKNN nghiên cứu và đề xuất giải pháp để ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự.

Ở Mỹ và Trung Quốc, tội phạm gian lận phát hành chứng khoán, cung cấp thông tin sai lệch sẽ phải đối mặt với mức phạt hàng chục triệu USD cùng mức án từ 10 đến 15 năm tù giam.

TOPI hy vọng Việt Nam sẽ sớm có những giải pháp nghiêm khắc, đủ tính răn đe đối với hành vi mua bán chui cổ phiếu, giao dịch cổ phiếu không đăng ký, hướng tới thị trường chứng khoán Việt Nam minh bạch, trong sạch và lành mạnh.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI