Facebook Topi

10/04/2025

Làm thế nào để biết một cổ phiếu đắt hay rẻ

Cổ phiếu rẻ được xem là có tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Vậy thế nào là cổ phiếu rẻ và làm thế nào để biết một cổ phiếu là đắt hay rẻ?

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Cổ phiếu rẻ không chỉ đơn thuần là cổ phiếu có giá thấp mà còn phải xem xét đến giá trị nội tại và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần nắm được cách định giá cổ phiếu đắt hay rẻ để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Hiểu đúng về “cổ phiếu rẻ”, “cổ phiếu đắt”

Một cổ phiếu được xem là rẻ không chỉ dựa vào mức giá thị trường thấp mà quan trọng hơn, nó phải được định giá thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp. Điều này có thể xuất phát từ việc thị trường chưa phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng hoặc doanh nghiệp đang gặp phải những yếu tố tạm thời ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Cổ phiếu rẻ là cổ phiếu có giá trị nội tại thấp hơn giá thị trường. Một cổ phiếu bị đánh giá thấp có thể do thông tin chưa được thị trường nhận thức đầy đủ hoặc xu hướng đầu tư ngắn hạn làm giá giảm tạm thời.

Xác định cổ phiếu rẻ hay đắt rất quan trọng với nhà đầu tư

Cổ phiếu rẻ được chia thành 2 loại:

  • Cổ phiếu penny: Đây là những cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, giá thường dưới 10.000 đồng, hấp dẫn nhà đầu tư do chi phí thấp và khả năng tăng giá mạnh nếu doanh nghiệp phát triển.
  • Cổ phiếu dưới giá trị thực: Nhóm cổ phiếu này thuộc về những doanh nghiệp có nền tảng tốt nhưng đang gặp khó khăn ngắn hạn, khiến giá cổ phiếu bị giảm sâu so với giá trị thực.

Trái lại, cổ phiếu được xem là đắt khi nó đang bị thị trường định giá cao hơn giá trị nội tại, tức là giá cao và không tương xứng với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Cổ phiếu bị thổi phồng giá có thể do nhà đầu tư kỳ vọng quá cao về sự tăng trưởng của công ty hoặc các thông tin, sự kiện nổi bật khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên nhưng nếu không có cơ sở vững chắc sẽ có thể trở nên không bền vững.

Xem thêm: ESG là gì? Danh sách cổ phiếu xanh ESG tại thị trường Việt Nam

Cổ phiếu rẻ có thể mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng đi kèm với đó là rủi ro cao. Một số doanh nghiệp có giá cổ phiếu thấp không phải do bị định giá sai, mà là vì tình hình kinh doanh yếu kém, triển vọng tăng trưởng hạn chế. Trái lại, cổ phiếu đắt có thể dẫn đến rủi ro “bong bóng vỡ” nếu giá bị đẩy lên cao một cách phi lý.

Cổ phiếu rẻ chưa chắc đã thực sự có tiềm năng đầu tư

Để biết cổ phiếu đắt hay rẻ, nhà đầu tư cần biết cách định giá dựa trên phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, tức là vừa phải xem xét tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, cùng quy mô, đồng thời tính toán và xem xét các chỉ báo.

Sử dụng EPS để định giá của một cổ phiếu đắt hay rẻ

Nhiều nhà đầu tư mới thường nhầm lẫn giữa giá thị trường của một cổ phiếu với giá trị thực của nó. Điều này có thể dẫn đến những quyết định đầu tư thiếu chính xác. Để đánh giá một cổ phiếu có rẻ không, có tiềm năng không, nhà đầu tư cần sử dụng EPS (Earnings Per Share – Thu nhập trên mỗi cổ phiếu), một chỉ số đo lường lợi nhuận mà mỗi cổ phiếu mang lại. Công thức tính như sau:

EPS = (Thu nhập ròng – Cổ phiếu cổ tức ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành

Hãy thử so sánh hai cổ phiếu A có giá 10.000 đồng và cổ phiếu B có giá 2 triệu đồng. Mặc dù cổ phiếu A có giá thị trường thấp hơn nhưng không nhất thiết đó là cổ phiếu rẻ. Tuy nhiên, nếu công ty A có 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty B có 1 nghìn cổ phiếu lưu hành. Giả sử cả 2 công ty đều có lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm và không có phần cổ phiếu cổ tức ưu đãi thì cổ phiếu B sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn do có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cao hơn.

Cần kết hợp phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản

Xác định cổ phiếu rẻ hay đắt nhờ P/E

Bên cạnh đó, có thể xác định giá trị thực của cổ phiếu dựa trên các yếu tố như tài sản, doanh thu, lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng hoặc so sánh với các công ty cùng ngành.

Nhà đầu tư có thể tính chỉ số P/E - tỷ lệ giá trên lợi nhuận để biết giá thị trường đang cao hay thấp hơn với giá trị nội tại và đánh giá xu hướng tăng trưởng của cổ phiếu.

Công thức:

P/E = Giá trị thị trường của cổ phiếu / EPS.

P/E cho biết nhà đầu tư phải trả bao nhiêu tiền cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty tạo ra. Cổ phiếu rẻ có chỉ số P/E thấp hơn trung bình ngành hoặc thấp hơn lịch sử của chính nó. Tuy nhiên P/E thấp chưa hẳn có nghĩa là cổ phiếu đó rẻ mà có thể do công ty có lợi nhuận bất thường không phải đến từ hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như bán, thanh lý tài sản.

Tính chỉ số P/B để định giá cổ phiếu đắt hay rẻ

Chỉ số P/B (Price-to-Book) là một chỉ số tài chính quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá xem một cổ phiếu đang được định giá cao hay thấp so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

  • P/B thấp cho thấy cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn giá trị tài sản ròng của công ty, có thể là dấu hiệu bị định giá thấp và hấp dẫn để đầu tư.
  • P/B cao thể hiện cổ phiếu được định giá cao hơn giá trị sổ sách, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong tương lai hoặc doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững.

Công thức: P/B = Giá trị thị trường của cổ phiếu / Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu có giá thấp hơn giá trị sổ sách, có thể bị thị trường đánh giá thấp do các yếu tố ngắn hạn. Cần kiểm tra kỹ xem doanh nghiệp có đang gặp khó khăn hay không trước khi quyết định đầu tư.

Cần kết hợp nhiều yếu tố khi định giá cổ phiếu

P/B từ 1 - 3 là mức hợp lý với nhiều ngành nghề, thể hiện cổ phiếu được định giá tương đối phù hợp với giá trị tài sản doanh nghiệp.

P/B > 3 cho thấy cổ phiếu được định giá cao so với tài sản thực, có thể do doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh hoặc thị trường kỳ vọng tăng trưởng lớn. Nhà đầu tư cần kiểm tra thêm các chỉ số khác như P/E, ROE để đánh giá liệu mức giá này có hợp lý hay không.

Sử dụng PEG để đánh giá giá trị cổ phiếu

PEG (Price/Earnings to Growth ratio) là chỉ số đo lường mức độ hợp lý của định giá cổ phiếu bằng cách kết hợp giữa tỷ lệ P/E và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. PEG giúp nhà đầu tư đánh giá xem cổ phiếu đang bị định giá quá cao hay đang ở mức hấp dẫn, đặc biệt đối với các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Công thức:

PEG = P/E / Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận EPS

PEG < 1: Cổ phiếu có thể đang bị định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng. Đây là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư.

PEG = 1: Cổ phiếu được định giá hợp lý, phản ánh đúng mức tăng trưởng lợi nhuận.

PEG > 1: Cổ phiếu có thể đang bị định giá cao so với tốc độ tăng trưởng. Nhà đầu tư nên thận trọng và phân tích thêm trước khi mua.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng PEG hiệu quả nhất khi đánh giá các công ty tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng, y tế và chỉ dựa trên tốc độ tăng trưởng EPS trong tương lai, vì vậy cần đảm bảo dữ liệu dự báo chính xác.

Tìm ra cổ phiếu rẻ có tiềm năng sẽ giúp khoản đầu tư có lợi nhuận tốt

Kết hợp với phân tích cơ bản để biết cổ phiếu rẻ hay đắt

Nhà đầu tư không thể chỉ dựa vào một chỉ số đơn lẻ như P/E, P/B hay PEG để xác định một cổ phiếu đắt hay rẻ. Thay vào đó, cần áp dụng cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để có cái nhìn toàn diện hơn về doanh nghiệp cũng như diễn biến thị trường.

Phân tích cơ bản giúp nhà đầu tư xác định giá trị thực của cổ phiếu thông qua việc xem xét tình hình kinh doanh, tài chính và triển vọng của công ty. Một số yếu tố quan trọng gồm hiệu quả kinh doanh (Doanh thu, lợi nhuận, biên lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng EPS), chỉ số tài chính quan trọng (P/E, P/B, ROE, PEG), so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành: Giúp đánh giá cổ phiếu có đang bị định giá quá cao hoặc thấp hơn mặt bằng chung.

Phân tích kỹ thuật sử dụng dữ liệu giá và khối lượng giao dịch để dự báo xu hướng thị trường. Một số chỉ báo quan trọng:

  • Đường trung bình động (MA - Moving Average): Giúp xác định xu hướng giá.
  • Chỉ số RSI (Relative Strength Index): Đánh giá mức độ quá mua (overbought) hoặc quá bán (oversold) của cổ phiếu.
  • MACD (Moving Average Convergence Divergence): Tín hiệu xác nhận xu hướng đảo chiều hoặc tiếp diễn.
  • Hỗ trợ và kháng cự: Xác định vùng giá có khả năng đảo chiều để tìm điểm mua/bán hợp lý.

Việc xác định cổ phiếu đắt hay rẻ không chỉ dựa trên một chỉ số duy nhất mà cần kết hợp cả phân tích cơ bản để đánh giá giá trị thực và phân tích kỹ thuật để tìm điểm vào lệnh tối ưu. Nhà đầu tư cần có cái nhìn đa chiều, so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành và theo dõi xu hướng thị trường để đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.

icon-profile

Bài viết này được viết bởi chuyên gia

Ông: L.V.Thành - Chuyên gia tài chính TOPI

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/Av8YHXLphjFw4dAlzpX4I1l136fUSFiJ3x68bVqR.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Số ĐKKD: 0109662393

Địa chỉ liên lạc: Tầng 3, Tháp Văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Trần Hoàng Mạnh

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon