Cổ phiếu ngành bán lẻ được phát hành bởi các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ. Sản phẩm kinh doanh bán lẻ thường là nhu yếu phẩm thiết yếu, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú… Ngành bán lẻ tại Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng cao, gấp 1.5 đến 2 lần so với GDP.
Cổ phiếu ngành bán lẻ luôn là một sự lựa chọn an toàn của các nhà đầu tư nhờ tiềm năng của các loại hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Năm 2023 này, liệu có nên đầu tư hay không và đâu là những cổ phiếu ngành bán lẻ đáng đầu tư nhất?
I. Cổ phiếu ngành bán lẻ là gì?
Cổ phiếu ngành bán lẻ là những cổ phiếu được các doanh nghiệp bán lẻ phát hành và đang được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Các mã cổ phiếu ngành bán lẻ hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Bán lẻ là hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người dùng cuối, trong đó, doanh nghiệp bán lẻ đóng vai trò là trung gian, mua hàng từ các nhà sản xuất rồi bán lại cho khách hàng thông qua các kênh phân phối của họ.
Các hàng hóa bán lẻ thường là nhu yếu phẩm thiết yếu, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú… Kênh phân phối có thể là cửa hàng bách hóa, máy bán hàng tự động, bán hàng trực tuyến, hoặc thông qua các kênh thương mại điện tử.
Để chọn được cổ phiếu ngành bán lẻ tốt thì cần xem xét tình hình kinh tế chung, sau đó đến tình hình tài chính các doanh nghiệp, biên lợi nhuận gộp cao, vòng quay hàng tồn kho lớn và ưu tiên các doanh nghiệp có khả năng làm chủ chuỗi cung ứng.
II. Tiềm năng ngành bán lẻ trong tương lai
Cổ phiếu ngành bán lẻ luôn được giới phân tích kỳ vọng lớn nhờ hưởng lợi sau các biến động khó lường của kinh tế - xã hội và tiềm năng tiêu dùng của gần 100 triệu người dân trên cả nước.
Nhiều năm qua, ngành bán lẻ luôn duy trì mức tăng trưởng cao, gấp 1.5 đến 2 lần so với GDP. Cổ phiếu ngành bán lẻ hưởng lợi từ quy mô dân số, ước tính lên đến 200 tỷ USD, chiếm khoảng 50% GDP cả nước.
Sau hai năm đại dịch và giai đoạn lạm phát tăng cao, sức mua của người dân đang dần phục hồi, thị trường bán lẻ vì thế dần sôi động trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2022 ước tính đạt 567,990 tỷ đồng, tăng 19.8% svck năm 2021 (đã loại trừ yếu tố giá tăng 15.6%), tăng 15% so với năm 2019 - tức là năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tính riêng theo từng địa phương, doanh thu bán lẻ của TP.HCM tăng 264%, Hà Nội tăng 12%, Đà Nẵng tăng 14.7%, Cần Thơ tăng 14.2%, Hải Phòng tăng 10.4% svck năm 2021.
Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 22.9%, ngành may mặc tăng 19.1%, phương tiện đi lại tăng 13.8%, lương thực thực phẩm tăng 10%, đồ gia dụng tăng 7% svck năm trước.
Nhiều chuyên gia tài chính dự báo, đến năm 2030, Việt Nam có thể bước vào top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan, Anh và Đức, nhờ thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trong thập kỷ tới.
Tiềm năng của ngành bán lẻ trong tương lai
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành bán lẻ luôn thu hút một lượng lớn vốn FDI, nên tình hình tài chính tốt hơn các nhóm ngành khác, sở hữu dòng tiền mặt mạnh, tỷ lệ đòn bẩy - vay nợ thấp, vòng quay hàng tồn kho thấp nên sẽ giữ vững được sự ổn định trước biến động của nền kinh tế vĩ mô.
Những ông lớn đầu ngành như FPT, Masan, Thế giới di động không ngừng đưa ra những chiến lược mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh trong tương lai.
Dự kiến, họ sẽ tập trung khai thác thêm nhiều kênh phân phối, kinh doanh như: kênh bán trực tuyến, kênh mua sắm kết hợp cả nội dung giải trí sáng tạo số, bán hàng qua kênh marketing của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng (KOL) và người tiêu dùng chủ chốt (KOC)… Với tốc độ phát triển thời đại số hiện nay, doanh nghiệp nào để khách hàng dễ tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ hơn thì doanh thu bán hàng sẽ càng nhiều hơn.
Trở lại với thị trường chứng khoán, trong thời kỳ VN-Index giảm giá mạnh xuống mức kỷ lục, nhiều ngành liên tục chìm trong sắc đỏ, nhưng đa phần các cổ phiếu ngành bán lẻ vẫn giữ được sắc xanh, thậm chí còn nhăm nhe “vượt đỉnh”. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi đà lao dốc của thị trường, song mức tăng trưởng của cổ phiếu này khá tốt, giá trị luôn nằm trong top những mã cổ phiếu cao nhất và thu hút nhà đầu tư nhất.
III. Chỉ tiêu lựa chọn cổ phiếu ngành bán lẻ tốt nhất
Để chọn được cổ phiếu ngành bán lẻ tốt, bạn có thể xem xét một số chỉ tiêu như:
Tình hình kinh tế chung: Thực trạng nền kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu thuận lợi thì doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng, từ đó giá cổ phiếu cũng tăng.
Chẳng hạn, trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu thực phẩm, thuốc men cao vậy thì các công ty dược phẩm sẽ làm ăn tốt hơn các công ty bán xe, bán đồ điện tử, gia dụng. Ta có thể chọn cổ phiếu của FPT sẽ tốt hơn HAX. Hoặc trong dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng và cao cấp lớn, nên doanh thu từ các mặt hàng này cũng tăng, cổ phiếu theo đó cũng cao hơn, ta có thể chọn cổ phiếu MSN, MWG.
Vòng quay hàng tồn kho: Chỉ số này càng lớn có nghĩa là doanh nghiệp bán hàng càng chạy (đắt hàng). Đây là một dấu hiệu tốt, nhu cầu khách hàng của doanh nghiệp đang gia tăng. Bạn có thể tính được vòng quay hàng tồn kho bằng cách lấy giá vốn hàng bán chia cho giá trị hàng tồn kho bình quân.
Biên lợi nhuận gộp: Biên lợi nhuận gộp càng cao thì việc quản lý chi phí của doanh nghiệp càng tốt. Tỷ suất biên lợi nhuận gộp ổn định và tăng trưởng dần qua các thời kỳ là một dấu hiệu tốt. Ta có thể tính chỉ số này bằng cách lấy doanh thu trừ đi giá vốn hàng bán sau đó chia cho doanh thu.
Khả năng làm chủ chuỗi cung ứng: Việc này thể hiện doanh nghiệp luôn chủ động trong chi phí đầu vào và giá vốn hàng bán, đây cũng có thể xem là một lợi thế của doanh nghiệp. Chẳng hạn như PNJ, kiêm hết từ sản xuất trang sức sang phân phối sản phẩm, luôn chủ động trong chuỗi cung ứng, không phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ đối tác nào.
Những yếu tố giúp bạn lựa chọn được những mã cổ phiếu tốt nhất
IV. Danh sách cổ phiếu ngành bán lẻ trên sàn chứng khoán
Sàn HoSE có:
Mã CK của CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành: BTT
Mã CK của CTCP Thương nghiệp Cà Mau: CMV
Mã CK của CTCP City Auto: CTF
Mã CK của CTCP Thế giới số: DGW
Mã CK của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT: FRT
Mã CK của CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh: HAX
Mã CK của CTCP Đầu tư Thế giới Di động: MWG
Mã CK của CTCP Tập đoàn Masan: MSN
Mã CK của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận: PNJ
Những mã cổ phiếu ngành bán lẻ tiềm năng trên sàn chứng khoán HOSE
Sàn HNX có:
Mã CK của CTCP Thương mại Hóc Môn: HTC
Mã CK của CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức: TMC
Sàn UPCOM có:
Mã CK của CTCP Hàng tiêu dùng Masan: MCH
V. TOP 5 mã cổ phiếu ngành bán lẻ tiềm năng nhất 2023
1. Mã FRT - Cổ phiếu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT
Sàn: HoSE
Giá: 72,000 VND (ngày 10/03/2023);
Cao thấp 52 tuần: 112,800 VND - 57,800 VND;
EPS: 3,871 VND
PE: 18.73
Kết thúc năm 2022, FPT Retail ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ, doanh thu hợp nhất lũy kế đạt 30,166 tỷ đồng, tăng 34% svck, hoàn thành 112% kế hoạch năm đã đặt ra. Xét doanh thu theo chuỗi thì FPT Shop đạt 20,689 tỷ đồng, tăng 11% svck, chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng tăng gấp 2.4 lần svck năm 2021 khi đạt con số ấn tượng 9,596 tỷ đồng.
Long Châu tiếp tục được kỳ vọng đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2023 này khi dự kiến mở thêm 400 - 500 cửa hàng nữa, nâng tổng số cửa hàng lên đến con số 1500 trên toàn quốc. FPT cũng đang hợp tác với nhà máy để sản xuất thêm thực phẩm chức năng, tăng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nước ngoài.
FPT Shop sẽ tiếp tục mở rộng tập trung hàng gia dụng trong năm nay. Bên cạnh đó, công ty sẽ làm việc với các đối tác tài chính để đưa ra các gói ưu đãi hỗ trợ cho khách hàng (lãi suất 0%, trả chậm…) để kích cầu tiêu dùng
Bảng giá mã chứng khoán FRT trên sàn chứng khoán (tham khảo Tradingview)
2. Mã PNJ - Cổ phiếu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
Sàn: HoSE;
Giá: 79,000 VND (ngày 10/03/2023);
Cao thấp 52 tuần: 95,700 VND - 70,100 VND;
EPS: 7,526 VND;
PE: 10.62
PNJ luôn là doanh nghiệp dẫn đầu trong kinh doanh vàng bạc đá quý. Với lợi thế làm chủ chuỗi cung ứng, phân khúc khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát cho nên doanh thu của PNJ luôn duy trì ở mức tốt.
Báo cáo mới nhất của PNJ cho thấy doanh thu thuần trong tháng 1/2023 đạt 4,129 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 302 tỷ đồng, lần lượt tăng 18.8% và 11.8% svck năm ngoái. Chỉ riêng trong ngày Thần Tài 2023, công ty đã lập kỷ lục về doanh số và số lượng sản phẩm bán ra.
Tính tới nay, PNJ đã có 365 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành cả nước, các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh số từ các cửa hàng này mang lại cho PNJ trong giai đoạn 2 năm 2023 - 2024 tăng từ 5% - 9%. Ngoài ra, đơn vị này dự phóng mở thêm từ 15 - 35 cửa hàng nữa cho tới năm 2025. Biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ của
PNJ được kỳ vọng sẽ tăng 70 điểm cơ bản trong năm 2023 và 50 điểm cơ bản trong năm 2024 nhờ cơ cấu sản phẩm chất lượng hơn.
Bảng giá cổ phiếu PNJ trên sàn chứng khoán (Tham khảo Tradingview)
3. Mã MSN - Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Masan
Sàn: HoSE;
Giá: 83,900 VND (ngày 10/03/2023);
Cao thấp 52 tuần: 127,300 VND - 72,800 VND;
EPS: 2,628 VND;
PE: 30.74
Chúng ta không còn quá xa lạ với các mặt hàng thiết yếu hàng ngày mà Tập đoàn Masan đang cung cấp nữa. MSN hiện đang sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart, chuỗi cửa hàng đồ uống Phúc Long với lượng khách hàng ổn định và trung thành.
Trong năm 2023, Masan đặt mục tiêu doanh thu từ 90,000 - 100,000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% svck năm 2022. Trong đó WinCommerce (WCM) sẽ tăng 23% - 38% svck năm ngoái, dự kiến mở rộng thêm 800 - 1200 cửa hàng trong năm nay, đổi mới mô hình bán lẻ ở cả nông thôn và thành thị.
Masan Consumer Holdings (MCH) cũng dự kiến doanh thu là 30,500 - 33,500 tỷ đồng, đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống, các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Với chuỗi Phúc Long, cũng đặt mục tiêu doanh thu từ 2,500 - 3,000 tỷ đồng, tăng từ 58% - 90% so với năm 2022, nhờ mở rộng thêm 75 - 90 cửa hàng trên cả nước.
Biểu đồ giá chứng khoán MSN trên sàn chứng khoán Việt Nam (Nguồn Investing)
4. Mã MWG - Cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế giới Di động
Sàn: HoSE;
Giá: 39,750 VND (ngày 10/03/2023);
Cao thấp 52 tuần: 79,600 VND - 37,700 VND;
EPS: 3,646 VND;
PE: 10.97
Năm 2023, MWG đặt mục tiêu doanh thu là 135,000 - 150,000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng từ 4,200 - 4,700 tỷ đồng, tăng trưởng 12% và 15% svck năm 2022 (doanh thu: 103,405 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế: 4,100 tỷ đồng).
MWG kỳ vọng vào hai chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, đóng góp 80% tổng doanh thu cả công ty.
Xem thêm: Nhận định cổ phiếu MWG - Có nên mua cổ phiếu MWG trong năm 2023
5. Mã DGW - Cổ phiếu của CTCP Thế giới số
Sàn: HoSE;
Giá: 37,000 VND (ngày 10/03/2023);
Cao thấp 52 tuần: 87,000 VND - 34,900 VND;
EPS: 5,421 VND;
PE: 6.87.
Giá cổ phiếu DGW trên sàn chứng khoán (Nguồn Investing)
Digiworld đặt mục tiêu trong năm 2023, doanh thu là 25,109 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 787 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 15% svck năm 2022.
Chủ tịch HĐQT của DGW, ông Đoàn Việt Hồng dự đoán, năm 2023 này, ngành hàng tiêu dùng sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đặc biệt là mặt hàng điện thoại do chính sách phát hành và mở rộng thị phần của nhiều thương hiệu điện thoại nổi tiếng như Samsung, Apple.
Doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm mặt hàng điện thoại vào danh mục kinh doanh, đồng thời, lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực phân phối dược phẩm với mục tiêu trở thành doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm top đầu cả nước. Ngoài ra, DWG cũng tiếp tục đẩy mạnh mảng phân phối rượu, bia và bứt tốc từ hoạt động M&A trong mảng ICT, tận dụng lợi thế tài chính tốt để thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ khó khăn.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ đang dần lấy lại vị thế sau thời gian dài bị kìm hãm bởi dịch bệnh. Và cổ phiếu ngành bán lẻ ở Việt Nam chắc chắn sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ khi nền kinh tế phục hồi và phát triển trong tương lai. Bạn có thể truy cập website https://topi.vn để cập nhật thêm những thông tin mới nhất về thị trường tài chính Việt Nam.