Gửi tiết kiệm ngân hàng không đơn giản chỉ là chọn một nơi rồi bỏ tiền vào. Nếu muốn tiền sinh lời hiệu quả, bạn cần biết cách lựa chọn ngân hàng, kỳ hạn, hình thức gửi và tận dụng các ưu đãi. Khám phá ngay 10 mẹo gửi tiết kiệm ngân hàng cực kỳ hữu ích để tiền nhàn rồi sinh lời hiệu quả nhất.
Cân nhắc giữa ngân hàng uy tín và ngân hàng có lãi suất cao
Khi gửi tiết kiệm, việc đầu tiên bạn cần làm là chọn một ngân hàng "đáng tin cậy". Nhưng đừng chỉ nhìn vào lãi suất cao mà bỏ qua uy tín, vì tiền của bạn cần được an toàn trước đã. Bởi vậy, hãy cân nhắc các yếu tố như: ngân hàng có danh tiếng tốt không, lãi suất có hấp dẫn không, giao dịch có nhanh gọn và thuận tiện không, hay có nhiều ưu đãi cho khách hàng không.
10 mẹo gửi tiết kiệm ngân hàng cực hữu ích
Ví dụ, ngân hàng A lãi suất 7%/năm nhưng ít chi nhánh, ATM thưa thớt, còn ngân hàng B lãi 6,5%/năm nhưng có mặt khắp nơi, rút tiền dễ dàng – bạn sẽ chọn cái nào? Đôi khi, sự tiện lợi và an tâm còn đáng giá hơn vài phần trăm lãi suất!
Chọn thời điểm gửi tiền thông minh
Bạn có biết các ngân hàng thường tung "chiêu" khuyến mãi vào dịp đầu năm, cuối năm hay các ngày lễ lớn không? Những lúc này, họ hay tặng quà, tổ chức rút thăm trúng thưởng hoặc thậm chí kèm gói bảo hiểm miễn phí.
Chẳng hạn, một ngân hàng lớn tung chương trình: gửi 100 triệu được tặng ngay bộ bát đĩa xịn trị giá 2 triệu hay một số ngân hàng chạy chương trình "Gửi tiết kiệm - Trúng xe hơi. Nếu bạn "canh" đúng thời điểm, vừa có lãi vừa "hời" thêm quà – tội gì không thử?
Chọn thời điểm ngân hàng tung ra nhiều khuyến mãi
Nắm rõ các loại hình gửi tiết kiệm để tìm loại có lợi nhất
Hiện nay, ngân hàng cung cấp nhiều hình thức tiết kiệm như:
- Gửi tiết kiệm thông thường tại quầy (cố định kỳ hạn, lãi suất cao).
- Gửi tiết kiệm online (lãi suất cao hơn 0,5-1% so với cùng kỳ hạn gửi tại quầy).
- Tiết kiệm tích lũy (phù hợp cho người muốn gửi tiền nhỏ lẻ, linh hoạt nạp thêm tiền).
Sản phẩm "gửi tích lũy" siêu linh hoạt, thay vì phải gửi ít nhất 1 triệu mỗi lần, bạn có thể nạp thêm vài trăm nghìn vào sổ tích lũy bất cứ khi nào có một khoản tiền nhàn rỗi. Mặc dù lãi không cao bằng kỳ hạn dài, nhưng hơn hẳn kiểu không kỳ hạn (dưới 0.5%/năm), lại rút được lúc cần.
Ví dụ, bạn có 5 triệu nhưng tháng sau mới dư thêm tiền – gửi tích lũy là "chân ái", vừa tích cóp dần vừa có lãi, không cần chờ gom đủ tiền lớn.
Luôn theo dõi lãi suất để biết khi nào có lợi nhất
Lãi suất ngân hàng không cố định, có lúc lên, lúc xuống tùy thị trường. Hãy để mắt đến chúng thường xuyên để biết lúc nào "ngon" mà gửi. Nếu lãi suất đang thấp (ví dụ 5%/năm), bạn có thể chọn kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng, chờ lãi tăng lên (7-8%/năm) rồi gửi dài hạn sẽ có lợi hơn về lâu dài.
Nắm bắt tình hình lãi suất lên xuống để chọn thời điểm gửi tiết kiệm
Mở nhiều sổ tiết kiệm với nhiều kỳ hạn khác nhau
Đừng dồn hết tiền vào một sổ tiết kiệm kẻo khi bất chợt cần đến, bạn sẽ phải rút toàn bộ sổ gây thiệt hại tiền lãi. Hãy chia nhỏ ra gửi nhiều kỳ hạn để linh hoạt hơn. Ngân hàng thường có kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 năm, kỳ dài thì lãi cao, kỳ ngắn thì dễ xoay sở.
Ví dụ: Bạn có 300 triệu gửi tiết kiệm thì tùy theo số tiền dự định chi, có thể gửi 200 triệu kỳ hạn 1 năm (lãi 6.5%/năm) để dành mua nhà, còn 70 triệu gửi 6 tháng (lãi 5,5%/năm), 30 triệu gửi 3 tháng (lãi 4%/năm) phòng khi cần tiền gấp. Lỡ có việc đột xuất, bạn vẫn rút được sổ ngắn hạn mà không mất lãi sổ dài hạn.
Bạn cũng đừng sợ tiền gửi ngắn hạn bị thiệt vì hầu hết các ngân hàng đều có chính sách nhập lãi vào gốc để quay vòng kỳ hạn mới trong trường hợp đến ngày đáo hạn sổ mà khách hàng không làm thủ tục tất toán.
Ví dụ: Khi sổ tiết kiệm 50 triệu kỳ hạn 3 tháng của bạn hết hạn, ngân hàng sẽ nhập tiền lãi chung với gốc 50 triệu và tiếp tục kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tính theo lãi suất 3 tháng tại thời điểm tái tục.
Chọn hình thức nhận lãi cuối kỳ để có lãi suất cao nhất
Lãi suất cao nhất luôn dành cho hình thức nhận lãi cuối kỳ thay vì nhận lãi hàng tháng hoặc hàng quý. Nếu bạn không cần tiền lãi ngay, hãy chọn phương án này để tối đa hóa lợi nhuận.
Ví dụ, gửi 100 triệu kỳ 1 năm, lãi 6%/năm nhận cuối kỳ được 6 triệu, còn nhận hàng tháng chỉ khoảng 5,8 triệu – chênh lệch nhỏ nhưng tích tiểu thành đại đấy!
Gửi tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ có lãi suất cao hơn các loại khác
Nắm rõ ngày đáo hạn và tất toán sổ tiết kiệm
Mỗi sổ tiết kiệm đều có ngày đáo hạn rõ ràng. Đến ngày đó, bạn có thể tất toán để lấy cả gốc lẫn lãi. Nhưng nếu rút trước hạn, lãi suất thường tụt thê thảm xuống mức không kỳ hạn (chỉ 0,1 - 0,5%/năm).
Nhiều người quên kiểm tra ngày đáo hạn của sổ tiết kiệm, dẫn đến tình trạng tiền tự động quay vòng với lãi suất thấp hơn hoặc lên kế hoạch dùng tiền khi chưa đến ngày đáo hạn. Hãy luôn ghi nhớ hoặc đặt nhắc nhở để tất toán đúng hạn và tái đầu tư nếu cần.
Gửi online sẽ có lãi suất cao hơn gửi trực tiếp tại quầy
Hầu hết các ngân hàng đều có chính sách ưu đãi lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm online, thường cao hơn 0,5 - 1% so với cùng kỳ hạn khi gửi tại quầy. Gửi tiết kiệm qua ứng dụng ngân hàng không chỉ tiện lợi (chỉ vài cú chạm là xong, không giới hạn giờ giấc), mà lãi suất còn cao hơn gửi trực tiếp.
Ví dụ: Lãi gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm nhưng gửi tiết kiệm online có thể lên tới 6,5%/năm. Như vậy, bạn không chỉ lời hơn mà còn tiện lợi hơn, có thể gửi và rút bất cứ lúc nào. Tài khoản gửi tiết kiệm và tài khoản thanh toán được theo dõi riêng. Khi rút sổ tiết kiệm online, tiền được chuyển về tài khoản thanh toán.
Biết cách gửi tiết kiệm thông minh để tối đa hóa lợi nhuận
So sánh chính sách gửi tiết kiệm và lãi suất của các ngân hàng
Mỗi ngân hàng có chính sách lãi suất khác nhau. Đừng vội gửi ngay tại ngân hàng bạn đang dùng, hãy dành chút thời gian so sánh để tìm ra nơi có chính sách gửi và mức lãi suất tốt nhất.
Ví dụ: Ngân hàng A có lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng ngân hàng B có thể lên đến 7% cho kỳ hạn 13 tháng, thậm chí cộng thêm % nếu khách hàng gửi tiền từ 500 triệu hoặc 1 tỉ trở lên. Nếu bạn gửi số tiền lớn, sự chênh lệch này sẽ rất đáng kể.
Hãy cân nhắc nếu cần rút sổ tiết kiệm trước hạn
Nếu bạn cần tiền đột xuất khi sổ tiết kiệm chưa đến ngày đáo hạn, có thể cân nhắc tìm giải pháp khác thay vì tất toán ngay bởi bạn sẽ thiệt lãi suất khi chỉ được hưởng mức lãi không kỳ hạn.
Bạn có thể nhờ nhân viên ngân hàng tư vấn, hướng dẫn bạn thế chấp sổ tiết kiệm để vay số tiền bạn cần rút. Đến ngày đáo hạn, bạn sẽ làm thủ tục tất toán và thanh toán khoản vay.
Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm 100 triệu trong 12 tháng nhưng mới được 10 tháng đã cần rút 70 triệu để giải quyết công việc. Thay vì tất toán sổ tiết kiệm, bạn thế chấp sổ cho chính ngân hàng đang gửi để vay 70 triệu. Lãi suất vay có thể cao hơn, nhưng bạn chỉ phải trả lãi trong 2 tháng. Khi sổ tiết kiệm đủ 12 tháng để rút, bạn sẽ rút cả gốc và lãi, trừ số tiền lãi tiết kiệm cho khoản lãi vay, bạn vẫn còn lời kha khá.
Trên đây là 10 mẹo gửi tiết kiệm ngân hàng cực hữu ích mà không phải ai cũng biết. Hy vọng chia sẻ của TOPI có thể giúp bạn biết cách quản lý tài chính và gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hiệu quả, thu lời tối đa từ tiền nhàn rỗi.