Vay thấu chi là giải pháp tiện lợi từ ngân hàng, giúp bạn chi tiêu nhiều hơn số tiền có trong tài khoản mà chỉ phải trả lãi trên số tiền thực tiêu. Cùng TOPI tìm hiểu về đặc điểm, hình thức cũng như lợi ích, quy trình đăng ký vay thấu chi tại ngân hàng.
Vay thấu chi là gì?
Vay thấu chi (Overdraft) là một “đặc quyền” mà ngân hàng dành cho những khách hàng uy tín. Khi bạn được cấp hạn mức thấu chi, điều đó có nghĩa là ngay cả khi tài khoản của bạn không còn đồng nào, bạn vẫn có thể rút tiền hoặc quẹt thẻ để chi tiêu vượt quá số dư hiện tại – miễn là không vượt quá hạn mức mà ngân hàng đã cho phép.
Tìm hiểu về khoản vay thấu chi tài khoản ngân hàng
Ví dụ: Tài khoản bạn đang có 5 triệu đồng, ngân hàng cho bạn quyền thấu chi 60 triệu. Vậy bạn hoàn toàn có thể chi đến 65 triệu đồng. Nếu bạn dùng hết 20 triệu, tức là bạn đã "mượn trước" 15 triệu từ ngân hàng. Và dĩ nhiên, phần tiền mượn đó sẽ được tính lãi suất vay cho đến khi bạn hoàn trả lại.
Thông thường, ngân hàng chỉ cho phép thấu chi với những khách hàng có thu nhập ổn định, tài chính vững vàng và giao dịch thường xuyên. Ngoài ra, bạn có thể chọn hình thức vay thấu chi có hoặc không cần tài sản đảm bảo – tùy theo khả năng và điều kiện cá nhân.
Điểm đặc trưng của khoản vay thấu chi
Vay thấu chi có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu chi tiêu gấp, vượt quá số tiền trong tài khoản của bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngân hàng sẽ tính lãi trên số tiền đã sử dụng nên thực tế, số tiền này sẽ “đắt đỏ” hơn so với tiêu tiền từ tài khoản, bởi vậy, chỉ nên tiêu tài khoản thấu chi khi cần thiết, tránh tiêu vào những mục đích không cần thiết dễ dẫn đến lãng phí.
Cho vay nặng lãi là gì? Cho vay lãi nặng bị xử phạt thế nào?
Các hình thức vay thấu chi phổ biến hiện nay
Dựa vào việc có hay không tài sản đảm bảo, vay thấu chi hiện nay được chia thành 2 hình thức chính:
Vay thấu chi thế chấp: Người vay cần có tài sản đảm bảo để ngân hàng “yên tâm” khi cho vay. Tài sản thế chấp có thể là sổ tiết kiệm, sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà đất, giấy tờ xe ô tô, tài sản có giá trị khác. Khi có tài sản đảm bảo, khách hàng sẽ được vay thấu chi với hạn mức cao, có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc hơn tùy vào giá trị tài sản. Lãi suất cũng ưu đãi hơn so với vay thấu chi tín chấp, phù hợp với người cần vay số tiền lớn để sử dụng cho công việc hoặc đầu tư.
Có tài sản thế chấp sẽ được vay thấu chi hạn mức cao
Vay thấu chi tín chấp: Bạn không cần thế chấp tài sản mà ngân hàng sẽ xét duyệt hạn mức cho vay thấu chi dựa trên thu nhập, lịch sử tín dụng mà mối quan hệ giao dịch với ngân hàng. Đối với hình thức này, hạn mức thấu chi không quá cao, thường chỉ từ 3 - 5 lần thu nhập hàng tháng và lãi suất cũng cao hơn thấu chi thế chấp, phù hợp dùng làm khoản dự phòng lúc cấp bách.
Hạn mức vay thấu chi là gì?
Hạn mức vay thấu chi chính là số tiền tối đa mà ngân hàng cho phép bạn chi tiêu vượt quá số tiền hiện có trong tài khoản. Nói cách khác, nếu tài khoản bạn trống rỗng mà vẫn muốn chi tiêu, ngân hàng sẽ cho bạn "mượn trước" một khoản tiền trong giới hạn đã duyệt – đó chính là hạn mức thấu chi.
Hạn mức này được ngân hàng xét duyệt dựa trên:
- Thu nhập hàng tháng của bạn.
- Lịch sử tín dụng (có trả nợ đúng hạn không?).
- Có hay không tài sản đảm bảo.
Lãi suất vay thấu chi là gì? Có cao không?
Lãi suất vay thấu chi là khoản tiền bạn phải trả thêm cho ngân hàng khi sử dụng số tiền vượt quá số dư trong tài khoản. Hiểu đơn giản, đây chính là "phí mượn tiền trước" từ ngân hàng.
Khác với các khoản vay thông thường, lãi suất thấu chi chỉ tính trên số tiền bạn đã tiêu vượt mức (không tính toàn bộ hạn mức) và tính theo số ngày thực tế bạn sử dụng khoản vay.
Ví dụ: Tài khoản bạn còn 2 triệu, bạn tiêu hết 10 triệu → bạn đã xài vượt 8 triệu. Ngân hàng sẽ tính lãi chỉ trên 8 triệu đó, và chỉ tính từ ngày bạn tiêu cho tới khi bạn hoàn trả lại.
Trên thực tế, lãi suất vay thấu chi thường cao hơn so với các khoản vay thông thường (như vay thế chấp hay tín chấp), vì thế, chỉ nên dùng tiền thấu chi cho những trường hợp cấp bách, cần tiền gấp trong thời gian ngắn (trả học phí, viện phí, tiền nhà…), và trả lại càng sớm càng tốt để tránh bị “đau ví” quá nhiều vì tiền lãi nhé!
Vay thấu chi cần đáp ứng điều kiện nào?
Để được ngân hàng cấp hạn mức vay thấu chi, bạn cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản sau – tùy theo hình thức vay:
Cần đáp ứng điều kiện của ngân hàng để được vay thấu chi
Điều kiện để đăng ký vay thấu chi thông thường sẽ là:
- Là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 18 (hoặc 20 tuổi) đến 65 (hoặc 70 tuổi) tại thời điểm vay, tùy theo quy định của từng ngân hàng.
- Không có nợ xấu tại bất kỳ ngân hàng hoặc công ty tài chính nào.
- Mục đích vay vốn phải phù hợp với chính sách ngân hàng, ví dụ như chi tiêu cá nhân, thanh toán hóa đơn, không dùng vào mục đích đầu cơ, cờ bạc…
Đối với vay thấu chi tín chấp, khách hàng phải có thu nhập sau thuế từ 5 triệu đồng/tháng trở lên (mức thu nhập tối thiểu có thể thay đổi theo từng ngân hàng và từng thời điểm).
Đối với vay thấu chi thế chấp, khách hàng phải có tài sản đảm bảo hợp lệ, như: bất động sản đã có sổ, ô tô, sổ tiết kiệm, trái phiếu,... tùy quy định từng ngân hàng.
Tùy vào từng ngân hàng hoặc công ty tài chính, quy định cụ thể có thể thay đổi. Vì vậy, tốt nhất bạn nên liên hệ trực tiếp nơi muốn vay để được tư vấn chi tiết, rõ ràng và phù hợp với tình hình tài chính cá nhân nhé!
Quy trình đăng ký vay thấu chi tài khoản ngân hàng
Để đăng ký vay thấu chi, bạn có thể thực hiện theo quy trình 4 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
- Trước tiên, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu, thường bao gồm:
- Đơn đề nghị vay thấu chi (mẫu đơn tại chi nhánh haowcj website của ngân hàng)
- CMND/CCCD/hộ chiếu còn hiệu lực
- Giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng (như hợp đồng lao động, sao kê lương,...)
- Tài liệu liên quan đến tài sản đảm bảo (nếu vay thấu chi thế chấp)
Bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại ngân hàng, gửi qua bưu điện hoặc thao tác qua kênh online.
Cần nắm rõ các điều khoản khi đăng ký vay thấu chi
Bước 2: Ngân hàng thẩm định hồ sơ vay
Sau khi nhận hồ sơ từ khách hàng, ngân hàng hoặc công ty tài chính sẽ tiến hành thẩm định:
- Đánh giá khả năng tài chính và lịch sử tín dụng của bạn có uy tín, đáng tin cậy không
- Cân nhắc và quyết định có cấp hạn mức thấu chi hay không
- Xác định hạn mức tối đa bạn có thể sử dụng
Việc này có thể mất từ vài giờ đến vài ngày, tuỳ từng ngân hàng và độ phức tạp của hồ sơ.
Bước 3: Ký kết hợp đồng vay
Khi được duyệt, bạn sẽ cùng ngân hàng ký hợp đồng vay thấu chi. Hợp đồng này sẽ nêu rõ các nội dung như:
- Hạn mức được cấp
- Lãi suất áp dụng
- Kỳ hạn vay và cách hoàn trả
- Các loại phí có thể phát sinh
Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký để tránh bỏ sót điều khoản quan trọng nhé!
Bước 4: Nhận tiền và bắt đầu sử dụng
Sau khi hoàn tất ký kết hợp đồng, ngân hàng sẽ giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của bạn dưới dạng “hạn mức thấu chi”, lúc này, bạn có thể chi tiêu vượt số dư tài khoản ngay lập tức.
Có nên vay thấu chi ngân hàng hay không?
Sau khi hiểu vay thấu chi là gì, hẳn nhiều bạn vẫn còn “lăn tăn” với câu hỏi: “Có nên vay thấu chi không nhỉ?” Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào thói quen chi tiêu, khả năng quản lý tài chính và mục tiêu sử dụng khoản vay của bạn.
Khi nào nên vay thấu chi?
Bạn có nhu cầu chi tiêu gấp, mang tính ngắn hạn, như thanh toán hóa đơn, mua sắm khẩn cấp hoặc ứng tiền lương tạm thời.
Bạn muốn một giải pháp linh hoạt, nhanh chóng, không mất quá nhiều thời gian chờ duyệt.
Bạn quản lý tài chính tốt, biết rõ mình chi bao nhiêu và trả lại khi nào.
Bạn chỉ cần mượn trong thời gian ngắn và có khả năng hoàn trả đúng hạn.
Cân nhắc mục đích và lãi suất khi dùng tiền vay thấu chi
Lợi ích nổi bật khi vay thấu chi
Tiện lợi cực cao: Có thể chi tiêu vượt số dư mà không cần xin vay từng lần.
Không xài – không tính lãi: Bạn chỉ bị tính lãi khi sử dụng, giúp tối ưu dòng tiền.
Tính lãi theo ngày: Dùng bao nhiêu – tính bấy nhiêu, không lãng phí.
Không áp lực trả gốc hàng tháng: Trả gốc cuối kỳ, chỉ cần thanh toán lãi hàng tháng.
Thủ tục đơn giản – giải ngân nhanh: Có thể nhận tiền ngay trong ngày nếu hồ sơ ổn.
Những điểm cần cân nhắc kỹ trước khi vay
Lãi suất cao hơn bình thường: So với các khoản vay tiêu dùng thông thường, lãi suất thấu chi thường “nhỉnh” hơn khá nhiều.
Rủi ro mất kiểm soát tài chính: Nếu bạn hay "vung tay quá trán", khoản vay nhỏ ban đầu có thể biến thành gánh nặng lớn.
Không phải giải pháp lâu dài: Thấu chi nên được dùng cho các tình huống cấp thiết, không phù hợp để xoay xở tài chính dài hạn.
Nợ thấu chi quá hạn ảnh hưởng xấu đến tín dụng: Trả chậm, trả thiếu có thể khiến bạn bị đưa vào danh sách đen tín dụng, rất khó vay lại sau này.
Kết luận: Có nên vay thấu chi không?
- CÓ, nếu bạn là người kiểm soát tài chính tốt, cần một giải pháp ngắn hạn, gọn lẹ để xử lý chi tiêu khẩn cấp.
- KHÔNG, nếu bạn hay tiêu vượt khả năng, không có kế hoạch trả nợ rõ ràng, hoặc cần một khoản vay lớn, dài hạn.
Trước khi vay, hãy luôn tự hỏi bản thân: Mình có thật sự cần không? Có thể trả đúng hạn không? Nếu câu trả lời là “có” – vay thấu chi sẽ là một công cụ đắc lực. Còn nếu là “không chắc” – hãy cân nhắc kỹ, hoặc tìm đến những giải pháp tài chính phù hợp hơn.
Qua thông tin TOPI cung cấp, chắc hẳn bạn đã hiểu vay thấu chi là gì, lợi ích và hạn chế của hình thức vay này để có thể sử dụng một cách tối ưu khoản vay.