Vàng đã xuất hiện trong tín ngưỡng của con người hàng nghìn năm nay, là biểu tượng của quyền lực và sự giàu có. Trong thế giới hiện đại, vàng không chỉ dùng làm trang sức mà còn làm nguyên liệu chế tạo các sản phẩm công nghệ và là phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư.
Vì sao vàng là tài sản an toàn theo thời gian?
Trải qua hàng nghìn năm, loài người vẫn tôn thờ vàng, tìm cách khai thác và chế tạo vàng. Nhu cầu sở hữu vàng của cá nhân, tổ chức, thậm chí là cả một quốc gia chưa bao giờ giảm theo thời gian. Dù ở thời đại nào thì vàng cũng được xem là tài sản an toàn.
Vàng xuất hiện trong văn hóa, tín ngưỡng loài người từ hàng nghìn năm trước
Giá trị nội tại của vàng
Vàng là kim loại quý, tuy không quá hiếm nhưng lại có giá trị sử dụng thực tế:
- Với sắc màu lấp lánh rực rỡ như ánh mặt trời, vàng được sử dụng làm trang sức, dùng trong trang trí nội thất và tác phẩm nghệ thuật.
- Ngày nay, người ta dùng vàng để chế tạo những linh kiện quan trọng trong điện thoại, máy tính do vàng dẫn điện tốt, chống ăn mòn hiệu quả, bảo vệ các bộ phận của tàu vũ trụ khỏi bức xạ mặt trời. Trong y học, vàng được dùng để làm răng giả, làm đẹp…
- Vàng cũng là một phần của dự trữ ngoại hối, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế quốc gia.
Vàng là vật ngang giá, hàng hóa truyền thống
Vàng, với lịch sử lâu dài làm tiền tệ và vật ngang giá, đã đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Đặc tính không bị ăn mòn, dễ dàng nhận biết và tính đồng nhất cao đã khiến vàng trở thành lựa chọn hàng đầu để đo lường giá trị và làm phương tiện trao đổi từ thời cổ đại.
Trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, vàng thường được xem là "bến đỗ an toàn" do giá trị của nó không phụ thuộc vào bất kỳ chính sách tiền tệ cụ thể nào và ít bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường.
Vàng luôn tăng giá trị theo thời gian
Trong lịch sử, vàng thường được coi là một kênh đầu tư an toàn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy giảm hay khủng hoảng. Dữ liệu lịch sử cho thấy giá vàng có những biến động lớn theo từng thời kỳ, nhưng xu hướng tổng thể qua nhiều thập kỷ là tăng.
Ví dụ, từ năm 2000 đến 2024, giá vàng đã tăng từ khoảng $279 mỗi ounce lên đến $2,466 mỗi ounce.
Khả năng chống lạm phát và bảo toàn giá trị tài sản
Lạm phát gia tăng khiến tiền mất giá, mọi thứ trở nên đắt đỏ. Thế nhưng sự mất giá lại không xảy ra ở vàng. Vàng thường có xu hướng tăng giá trong thời kỳ lạm phát tăng cao, do đó nhiều nhà đầu tư chọn vàng là bến đỗ an toàn trong khủng hoảng khi các tài sản khác mất giá..
Tính thanh khoản cực cao
Vàng là một trong những hàng hóa được ưa chuộng nhất trên thị trường tài chính toàn cầu, được coi là "tiền tệ vĩnh cửu". Vàng không chỉ dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt mà còn là một kênh đầu tư an toàn, giúp cân bằng và giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư.
Tính khan hiếm của vàng
Vàng là một trong những kim loại quý giá nhất, thực sự không phải là kim loại hiếm nhất trên Trái Đất, nhưng nó có tính khan hiếm do trữ lượng hạn chế và quá trình khai thác phức tạp.
Vàng là kim loại hiếm và có tính ứng dụng cao
Từ xa xưa, nhiều nhà giả kim đã nỗ lực tìm ra cách điều chế vàng nhưng đều thất bại. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, chúng ta có thể tạo ra vàng trong phòng thí nghiệm thông qua các phương pháp như sử dụng phản ứng hạt nhân, nhưng chi phí và năng lượng cần thiết cho quá trình này là rất lớn, khiến nó không khả thi về mặt kinh tế.
Vàng - Kênh đầu tư sinh lời ổn định
Với lịch sử lâu dài là một tài sản quý giá, vàng đã trở thành một kênh đầu tư ổn định và đáng tin cậy. Các phương thức đầu tư vàng phổ biến bao gồm mua vàng miếng, đầu tư vào quỹ ETF vàng, mua cổ phiếu, trái phiếu của công ty khai thác vàng, đầu tư vàng online…
Xu hướng tăng của giá vàng thế giới
Theo hãng tin Reuters, từ thập niên 1970 tới nay, giá vàng thế giới tăng từ 35 USD/oz lên 2456 USD/oz. Một số mốc thời gian quan trọng của giá vàng như sau:
Tháng 8/1971: Tổng thống Mỹ Richard Nixon xóa bỏ chế độ bản vị vàng, giá vàng từ mức cố định 35 USD/oz tăng lên 38 USD/oz
Tháng 1/1980: Lạm phát và giá dầu lên cao, Liên Xô can thiệp vào Afghanistan và cuộc cách mạng Iran khiến giới đầu tư gom vàng, đẩy giá vàng lên 850 USD/oz.
Tháng 8/1999: Giá vàng lao dốc về 251,7 USD/oz
Tháng 4/2006: Giá vàng vượt 600 USD/oz do đồng USD suy yếu, giá dầu cao và những lo ngại về địa chính trị.
Tháng 3/2008: Giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vượt 1.000 USD/oz trên thị trường giao sau tại Mỹ và phá đỉnh lên 1.033,9 USD/oz chỉ sau vài ngày.
Ngày 1/12/2009: Giá vàng lần đầu vượt 1.200 USD/oz trong lịch sử do đồng USD rớt giá. Hai ngày sau, 3/12/2009 vàng lập kỷ lục mới về giá với 226,1 USD/oz.
Vàng liên tục lập đỉnh giá mới qua các năm
Tháng 5 - 6/2009: Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục mới ở mức trên 1.230 USD/oz do lo ngại khủng hoảng nợ lan rộng ở Eurozone và lên 1.264,9 USD/oz khi USD tiếp tục suy yếu và nợ công tăng cao.
Tháng 9/2010: Do thị trường tài chính toàn cầu quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) xem xét nới lỏng đồng USD khiến lo ngại về lạm phát đẩy giá vàng liên tục lập đỉnh với 1.300 USD/oz.
Tháng 10/2010: Đồng USD suy yếu đẩy giá vàng lên 1.400 USD/oz. Giới đầu tư tăng mua vàng do lo ngại khủng hoảng liên quan đến ngân sách của Ireland.
Tháng 12/2010: Vàng lên 1.425 USD/oz khi phải đối mặt với nỗi lo về khủng hoảng nợ ở Eurrozone và chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ.
Từ tháng 1 - 7/2011: Bất ổn chính trị ở Trung Đông và bắc Phi, vụ từ chức của Thủ tướng Bồ Đào Nha và những lo ngại về khủng hoảng nợ ở châu Âu cùng nguy cơ vỡ nợ công của Mỹ lại đẩy giá vàng lên 1.601 USD/oz.
Cho tới nay, những xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, Iran và Israel cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh mẽ. 16/8/2024, giá vàng giao ngay từ WGC là 2.454.8 USD/oz.
Xu hướng tăng của giá vàng Việt Nam
Giá vàng Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ra những Thông tư nhằm siết chặt hoạt động của thị trường vàng thế nhưng giá vàng cũng liên tục tăng.
Nếu như khoảng năm 2000, bình quân giá vàng là 6,8 triệu đồng/lượng thì cuối năm 2011, giá vàng tăng lên 42 triệu đồng/lượng. Tháng 8/2012, giá vàng có lúc gần chạm ngưỡng 49 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến nóng của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 24 nhằm hạn chế vàng hóa nền kinh tế, thế nhưng vàng vẫn tiếp tục đà tăng theo thị trường thế giới. Năm 2012, vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng của Nhà nước với giá khoảng 46,3 triệu đồng/lượng và duy trì thị trường vàng tương đối ổn định trong khoảng 8 năm.
Vàng Việt Nam không ngừng tăng giá theo thời gian
Từ năm 2020, khi thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nền kinh tế khó khăn, xã hội bất ổn thì mọi người lại tìm đến vàng như một kênh trú ẩn bảo toàn giá trị tài sản. Giá vàng tăng nhanh lên 60.32 triệu đồng/lượng, thậm chí giá vàng SJC cao hơn giá thế giới từ 2 - 4 triệu đồng/lượng.
Năm 2022, giá vàng tăng phi mã khi Nga xung đột với Ukraine, mặc dù diễn biến giá vàng trong nước tăng cùng chiều với giá thế giới nhưng khoảng cách đã được kéo xa. Giá vàng trong nước lúc này khoảng 66 - 67 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới tới 19 triệu đồng/lượng.
Đầu năm 2024, giá vàng trở nên “điên loạn” hơn nữa. Trong khi giá vàng thế giới đi ngang thì vàng trong nước đã lên 92 triệu đồng/lượng vào ngày 11/5. Trước tình hình này, Chính phủ đã khẩn trương yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng và công bố đấu thầu vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp cho người dân thông qua 4 ngân hàng Quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank), nhờ đó giá vàng được kìm hãm ở mức 80 triệu đồng/lượng.
Xu hướng giá cho thấy tính sinh lời ổn định của vàng
Tóm lược diễn biến giá vàng trong nước và thế giới ở trên là minh chứng cho thấy vàng là loại tài sản giữ giá trị qua nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ và thể hiện sức đề kháng với lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Xu hướng giá của vàng luôn luôn là tăng. Mặc dù có một số thời điểm giá chững lại hoặc giảm nhẹ, nhưng xét theo khoảng thời gian dài vẫn là tăng.
Đầu tư vàng là bảo hiểm tài chính, tính ổn định của vàng giúp bảo vệ tài sản khỏi các rủi ro tài chính khác như suy thoái kinh tế, biến động chính trị. Vàng là “tài sản an toàn” mà các chuyên gia tài chính khuyên nên giữ trong danh mục đầu tư.
Vàng thường biến động ngược chiều với tiền tệ và chứng khoán
Lợi ích của vàng đối với nhà đầu tư cá nhân
Đối với nhà đầu tư cá nhân, vàng là một khoản đầu tư an toàn và thiết thực, điều này thể hiện ở một số điểm sau:
- Khả năng sinh lời ổn định của vàng có thể đem lại lợi nhuận dài hạn cho nhà đầu tư khi mua vào tại thời điểm thích hợp.
- Đầu tư vàng không đòi hỏi nhiều về vốn, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được. Vàng được bán từ ½ chỉ nên nhà đầu tư chỉ cần bắt đầu với số vốn nhỏ từ 3 - 4 triệu là được.
- Những thương hiệu vàng uy tín như Doji, SJC, PNJ, chi nhánh các ngân hàng… đều có hệ thống cửa hàng, chi nhánh trên toàn quốc, rất thuận tiện để khách hàng giao dịch vàng.
- Vàng giúp đa dạng hóa và cân bằng rủi ro cho danh mục đầu tư do vàng biến động ngược chiều với thị trường chứng khoán và tiền tệ.
- Vàng có khả năng bảo toàn và tăng giá trị theo thời gian, tự bảo hiểm chống lại lạm phát và biến động kinh tế.
- Hiện nay, hình thức giao dịch vàng vật chất online đang được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng do tính tiện lợi, an toàn và minh bạch. Nhà đầu tư có thể ngồi tại nhà, giao dịch vàng ngay trên một chiếc điện thoại kết nối internet.
- Vàng có tính thanh khoản cực cao, có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt dễ dàng và nhanh chóng, giúp nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các quyết định tài chính.
Có thể đầu tư vàng theo nhiều cách khác nhau
Các hình thức đầu tư vàng an toàn cho cá nhân
Tùy theo số vốn cũng như kiến thức thị trường mà nhà đầu tư cá nhân có thể lựa chọn cho mình hình thức phù hợp để gia nhập thị trường đầu tư vàng.
- Đầu tư vàng miếng, vàng thỏi: Đây là hình thức đầu tư truyền thống, phù hợp với nhà đầu tư có vốn lớn do hiện nay vàng miếng và vàng thỏi thường được đúc từ 5 chỉ đến 1 lượng trở lên.
- Vàng nhẫn trơn: Đây là sản phẩm đầu tư linh động, đa dạng, cực kỳ phù hợp với nhà đầu tư cá nhân, nghiệp dư hay ít kinh nghiệm thị trường. Vàng nhẫn 9999 được phân phối bởi nhiều công ty và ngân hàng. Nhà đầu tư có thể mua và tích lũy từ nửa chỉ trở lên. Hơn nữa, vàng nhẫn trơn thường được ép trong vỉ nhựa nên dễ dàng bảo quản, tránh làm mất giá trị khi bán lại.
- Giao dịch vàng vật chất trực tuyến: Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân có thể theo dõi thị trường và mua bán vàng Doji thông qua ứng dụng TOPI. Vàng được giao dịch là vàng thực, có thể được rút tại hệ thống 50 cửa hàng của Doji trên toàn quốc.
- Đầu tư vào những công ty khai thác và kinh doanh vàng cũng là một cách thức đầu tư khá tốt. Một số mã cổ phiếu ngành vàng nổi bật có thể kể đến như: PNJ (CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận), SJC HCM (CTCP vàng bạc đá quý Sài Gòn), NJC (CTCP thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam), BTJ (Công ty vàng bạc đá quý Bến Thành) hay GLC (CTCP Vàng Lào Cai)
- Đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETFs) cũng là một phương pháp được nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với nhà đầu tư có kiến thức, hiểu biết về thị trường tài chính.
- Đầu tư vào hợp đồng tương lai vàng cho phép bạn kiếm lời từ biến động giá vàng trong tương lai. Tuy nhiên, cần hiểu rõ về cơ chế và rủi ro của hợp đồng này.
Đối với vàng trang sức, việc đầu tư có thể không mang lại lợi nhuận như mong muốn do loại vàng này phải cộng thêm chi phí gia công, chế tác cũng như dễ hao mòn theo thời gian. Nếu mua vàng với mục đích đơn thuần là đầu tư, bạn không nên lựa chọn loại vàng này.
Trong bối cảnh kinh tế biến động, vàng vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng bởi tính an toàn và ổn định. Để đạt được thành công trong đầu tư vàng, hãy mua bán vàng ở địa điểm uy tín và theo dõi giá vàng thường xuyên để chớp thời cơ giao dịch tốt nhất. Đừng quên bảo quản vàng cẩn thận để tránh mất giá khi bán lại.