Câu nói “người giàu thì mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản nhưng họ nghĩ là tài sản, người nghèo chỉ toàn chi phí” liệu có đúng? Nếu đúng thì làm cách nào mới có thể biến tiêu sản thành tài sản?
I. Tìm hiểu tiêu sản và tài sản
Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu, cha nghèo” (tựa gốc: Rich dad, poor dad) đã định nghĩa: tài sản là những gì đem tiền về cho bạn, trái với tiêu sản là những gì lấy đi tiền trong túi của bạn.
1. Tiêu sản là gì?
Tiêu sản là thứ bạn bỏ tiền ra mua sở hữu nhưng giá trị của chúng giảm dần theo thời gian, cũng không đem thêm tiền về cho bạn. Thậm chí, trong quá trình sử dụng, bạn mất thêm chi phí duy trì, cải tạo sửa chữa hoặc tân trang lại.
Ví dụ: Điện thoại, các thiết bị điện tử đắt tiền mà bạn bỏ tiền mua là đồ tiêu sản. Giá trị của chúng giảm dần theo thời gian, trong khi sử dụng, nếu rơi vỡ hoặc hỏng hóc thì bạn phải trả thêm tiền sửa chữa;
Tương tự xe máy, ô tô cũng là tiêu sản. Chỉ lăn bánh khỏi cửa hàng thì giá của chúng đã giảm đi đáng kể so với giá bán.
Tìm hiểu khái niệm tiêu sản trong tài chính
2. Tài sản là gì?
Tài sản là những thứ dùng tiền của mình để mua quyền sở hữu chúng, tương lai giá trị của chúng tăng dần, mang tiền về lại cho bạn.
Ví dụ: Bạn lấy tiền mua cổ phiếu, trái phiếu, trong tương lai bạn có thể nhận lại cổ tức chính là tiền lời;
Hoặc bạn mua nhà sau đó bạn cho thuê lại, sau một thời gian thu hồi xong vốn thì bạn bắt đầu nhận về tiền lãi.
II. Phân biệt tiêu sản và tài sản
Tiêu sản và tài sản là hai mặt trái ngược của tài chính, dù đều phải bỏ tiền ra để mua chúng nhưng tài sản giúp người sở hữu có thêm thu nhập còn tiêu sản thì ngược lại, chỉ khiến hao hụt thêm tiền của người sở hữu.
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa tài sản và tiêu sản dẫn đến hành vi tiêu tiền không giống nhau. Dù là ai trong tầng lớp xã hội này thì đều cần có tiêu sản bởi nó bao gồm những nhu cầu bức thiết của con người như ăn uống, nghỉ ngơi… Tuy vậy, xét về tư duy thì rất khác biệt.
Với người giàu, họ thường chọn mua những tài sản đem lại giá trị trong tương lai cho mình. Nhờ vậy mà khối tài sản của họ tăng lên và họ càng trở nên giàu hơn;
Với người thuộc tầng lớp trung lưu, họ tích góp và lựa chọn mua nhà mua xe, những thứ có giá trị lớn mà họ nghĩ nó sẽ trở thành tài sản của mình. Đây là một suy nghĩ sai lầm, đó là tiêu sản chứ không phải tài sản;
Còn người nghèo hay giai cấp vô sản vì điều kiện có hạn, thậm chí không đủ tiền ăn nên toàn bộ thu nhập chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vậy không có tiền dư hoặc tiền dư cũng rất ít khiến họ không đủ khả năng để chi trả cho những món tiêu sản.
Những người kinh doanh thường có tầm nhìn vĩ mô nên họ luôn muốn sở hữu càng nhiều tài sản càng tốt. Nguồn tài sản này trở thành công cụ giúp họ kiếm tiền nhiều hơn nữa. Thu nhập nhận được họ sẽ mua các tiêu sản xa xỉ.
Còn những người thích hưởng thụ, dùng toàn bộ tiền của mình để mua tiêu sản nhưng không tạo ra tài sản tương đương thì họ dần dần cạn tiền và rơi vào hoàn cảnh nghèo nàn.
Cách phân biệt tài sản và tiêu sản một cách đúng nhất
III. Có nên mua tiêu sản không?
Tiêu sản chỉ làm tăng thêm chi phí cho bạn, tuy nhiên tiêu sản là cần thiết, không thể loại bỏ khỏi cuộc sống, đôi khi chúng cũng có tác dụng trong việc cải thiện đời sống tinh thần và công việc.
Nếu chỉ có tài sản và không xảy ra tiêu sản, bạn nắm giữ rất nhiều tiền trong tay nhưng không có nhà ở, không có phương tiện đi lại, không cập nhật được tin tức quá báo, đài hay điện thoại, không có quần áo mặc, cũng chẳng tạo dựng được mối quan hệ bạn bè nào vì bạn đâu có tham dự các sự kiện với họ. Như vậy, cuộc sống có còn ý nghĩa không?
Vậy nên cần xác định nhu cầu và giá trị thực sự rồi mới quyết định mua tiêu sản hay không.
Chẳng hạn những khoản nợ vay tín dụng sử dụng cho mục đích mua sắm, giải trí (quần áo hàng hiệu, điện thoại xịn, xe sang…) chỉ để đua đòi cho bằng bạn bằng bè thì nên bỏ.
Nhưng bạn mua tiêu sản để phục vụ nhu cầu cá nhân hằng ngày, ví dụ mua xe để đi làm, đi chơi thì nên mua.
Nên mua tiêu sản hay mua sản sản là tốt nhất
IV. Cách biến tiêu sản thành tài sản hiệu quả
Để tiêu sản trở thành tài sản thì bạn phải biến chúng trở nên có giá trị và đem tiền về cho bạn, ví dụ bạn mua nhà xong thì không vào ở mà cho người khác thuê lại.
Với các vật dụng như điện thoại thông minh, xe, đồ xa xỉ phẩm, hãy tận dụng chúng tối đa cho công việc, tạo ra thêm nhiều nguồn thu nhập hơn nữa. Chẳng hạn, dùng điện thoại để livestream bán hàng, mua máy tính để làm thêm nghề viết content, marketing, làm freelancer có sử dụng máy tính, hoặc khi mua đồ xa xỉ phẩm sau đó bạn biết được nguồn nhập sau đó làm trung gian bán hàng cho họ…
Bí quyết biến tiêu sản thành tài sản một cách nhanh chóng
Nói tóm lại, tài sản và tiêu sản luôn luôn song hành với nhau, là hai mặt của một vấn đề. Tài sản đem về nguồn thu nhập lớn, nâng cao sức mạnh tài chính của chúng ta, sau đó chúng ta sẽ chuyển hóa một phần tài sản thành tiêu sản để thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một số tiêu sản còn là phương tiện, công cụ để ta đạt được tài sản. Bởi thế nên, điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để tích lũy nhiều tài sản hơn tiêu sản để vừa có thể giàu có lại cân bằng được cuộc sống.
Mong rằng, thông qua bài viết dưới đây, bạn có thể hiểu hơn về tiêu sản cũng như có cho mình kế hoạch tài chính cụ thể về tiêu sản và tài sản. TOPI chúc bạn thành công!