Facebook Topi

15/10/2024

Số lượng ngoại tệ một cá nhân được mua bán tại Việt Nam

Cá nhân có được mua bán ngoại tệ không, mua bán ở đâu và được mua/bán tối đa bao nhiêu ngoại tệ? Tìm hiểu quy định về hạn mức đổi ngoại tệ đối với cá nhân tại Việt Nam

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Việc mua bán ngoại tệ đang ngày càng phổ biến không chỉ bởi nhu cầu du lịch, du học, công tác nước ngoài, đầu tư ngoại hối, nhận kiều hối… đang ngày một tăng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết số lượng ngoại tệ mỗi cá nhân được giao dịch một ngày sẽ bị hạn chế. Cũng TOPI tìm hiểu ngay quy định về mua bán ngoại tệ đối với cá nhân tại Việt Nam.

Ngoại tệ là gì?

Ngoại tệ là thuật ngữ dùng để chỉ các đồng tiền của một quốc gia khác ngoài quốc gia mà bạn đang sinh sống hoặc sử dụng đồng tiền chính thức. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn đang ở Việt Nam, mọi đồng tiền không phải là Việt Nam Đồng (VND), ví dụ như Đô la Mỹ (USD), Euro (EUR), Bảng Anh (GBP), Yên Nhật (JPY)... đều được coi là ngoại tệ.

Số lượng ngoại tệ cá nhân được mua bán tại Việt Nam

Nhu cầu đổi ngoại tệ ở Việt Nam ngày một tăng cao

Ngoại tệ có vai trò rất quan trọng trong giao dịch thương mại quốc tế, đầu tư và du lịch. Những hoạt động này thường yêu cầu trao đổi ngoại tệ để thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ hoặc đầu tư giữa các quốc gia khác nhau. 

Ví dụ, khi một doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ, họ sẽ cần đổi tiền từ VND sang USD để thanh toán cho nhà cung cấp tại Mỹ.

Quy định mới nhất về mua bán ngoại tệ ở Việt Nam

Theo Thông tư số 20/2011/TT-NHNN, cá nhân là công dân Việt Nam, gười nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam (VND) được mua ngoại tệ (tiền mặt) tại tổ chức tín dụng được cấp phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha, mẹ, bao gồm tiền ăn, ở, đi lại, tiêu vặt ở nước ngoài liên quan đến các mục đích như đi công tác, chữa bệnh, học tập, du lịch, thăm thân ở nước ngoài.

Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép hoặc đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép và phải tuân thủ quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

Về nguyên tắc, loại ngoại tệ cá nhân đuợc mua là đồng tiền của quốc gia nơi công dân Việt Nam đến. Trường hợp tổ chức tín dụng không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến sẽ được bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.

Số lượng ngoại tệ cá nhân được mua bán tại Việt Nam

Việc mua bán ngoại tệ cần tuân thủ quy định của pháp luật

Tổ chức tín dụng được phép thực hiện nghiệp vụ mua, bán, đổi ngoại tệ tiền mặt với cá nhân phải thông báo danh sách các địa điểm, đại lý mua, bán ngoại tệ tiền mặt cho Ngân hàng Nhà nước và trên trang tin điện tử của tổ chức tín dụng đó.

Khi mua, bán ngoại tệ, cá nhân có trách nhiệm xuất trình đầy đủ các chứng từ, giấy tờ cần thiết theo quy định của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ đó, đồng thời, có trách nhiệm sử dụng ngoại tệ tiền mặt đúng mục đích và phù hợp với luật pháp.

Một người được mua/bán tối đa bao nhiêu ngoại tệ? Hạn mức mua bán ngoại tệ mới nhất

Theo quy định trước đây, hạn mức mua ngoại tệ của cá nhân là công dân Việt Nam cho các mục đích nêu trên (du lịch, thăm thân, chữa bệnh, du học…) là 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. 

Tuy nhiên, từ tháng 1/2023, pháp luật Việt Nam quy định hạn mức mua, bán, chuyển, mang ngoại tệ dựa trên nhu cầu hợp lý của cá nhân nhưng không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của quốc gia nơi đến.

Số lượng ngoại tệ cá nhân được mua bán tại Việt Nam

Hạn mức mua bán ngoại tệ tối đa đã thay đổi kể từ năm 2023

Định kỳ vào đầu năm, ngân hàng sẽ cập nhật số liệu về thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của các nước được công bố trên website của World Bank để làm cơ sở xác định hạn mức mua bán ngoại tệ của khách hàng cá nhân.

Ngoài ra, cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt khi đi du lịch cũng cần tuân thủ các quy định của cảng hàng không, hải quan của Việt Nam và nước đến, bởi vậy, trước chuyến đi, hãy hỏi rõ quy định về số tiền mặt được mang theo khi xuất cảnh để tránh những rủi ro làm chậm trễ hành trình.

Ví dụ: Cá nhân khi xuất cảnh Việt Nam chỉ được đem tối đa 5.000 USD ngoại tệ tiền mặt hoặc ngoại tệ khác tương đương. Nếu có nhu cầu đem theo số tiền lớn hơn, cá nhân cần làm thủ tục khai báo và xuất trình giấy tờ liên quan.

>> Xem ngay: 5000 USD là bao nhiêu tiền Việt Nam

Hạn mức đổi ngoại tệ cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại tệ có nghĩa vụ bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân theo hạn mức mua ngoại tệ pháp luật quy định và theo khả năng cân đối của tổ chức.

Đối với doanh nghiệp tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước không quy định một mức trần cụ thể cho việc mua bán ngoại tệ hằng ngày, tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định liên quan đến mục đích sử dụng ngoại tệ. Các giao dịch thường liên quan đến thanh toán cho các hợp đồng quốc tế, tài trợ thương mại, thanh toán hàng hóa dịch vụ, và các hoạt động đầu tư hợp pháp. Các ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp chứng từ chứng minh rõ mục đích của việc mua ngoại tệ, như hợp đồng thanh toán hoặc chứng từ xuất nhập khẩu để đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp. Ngân hàng cũng cho phép doanh nghiệp thực hiện giao dịch ngoại tệ kỳ hạn để bảo vệ rủi ro tỷ giá, với các giao dịch này không được vượt quá kỳ hạn 365 ngày, trừ khi có thỏa thuận hoán đổi được gia hạn. Ngoài ra, để thực hiện chuyển tiền quốc tế, doanh nghiệp cần có các giấy tờ phù hợp, như hợp đồng, hóa đơn hoặc tài liệu khác xác nhận giao dịch theo yêu cầu từ phía ngân hàng

Vì sao cần quy định số lượng ngoại tệ được phép mua/bán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khống chế số lượng mua bán ngoại tệ nhằm đạt được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh tài chính. Trước hết, việc này giúp ổn định tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ khác, tránh các biến động lớn có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời, kiểm soát lượng ngoại tệ giao dịch cũng góp phần ngăn chặn lạm phát nhập khẩu do sự biến động của giá cả hàng nhập khẩu, từ đó giữ cho giá hàng hóa và dịch vụ trong nước ổn định.

Ngoài ra, việc hạn chế mua bán ngoại tệ còn giúp bảo vệ dự trữ ngoại hối quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế và dự phòng cho các tình huống khẩn cấp. Không những thế, chính sách này còn ngăn chặn các hoạt động đầu cơ và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, giúp dòng tiền được sử dụng vào các mục tiêu hợp pháp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Cuối cùng, việc kiểm soát này góp phần bảo vệ giá trị của đồng nội tệ, ngăn chặn tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế, qua đó duy trì sức mua trong nước và củng cố sức mạnh của đồng Việt Nam.

Cá nhân được mua, bán, đổi ngoại tệ ở đâu?

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 20/2022/TT-NHNN, địa điểm mua bán ngoại tệ hợp pháp là các ngân hàng và chi nhánh nước ngoài của ngân hàng được Nhà nước cho phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối. 

Vì thế, khi có nhu cầu mua bán ngoại tệ, bạn cần lựa chọn ngân hàng phù hợp, uy tín và được cấp giấy phép kinh doanh ngoại tệ hợp pháp, chẳng hạn như ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Eximbank…

Số lượng ngoại tệ cá nhân được mua bán tại Việt Nam

Chỉ được mua bán ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép

Kinh nghiệm mua bán ngoại tệ tại ngân hàng

Đối với các ngoại tệ phổ biến như USD, EUR, JPY, CNY, AUD, CAD, KRW  thì hầu hết bạn sẽ không gặp phải khó khăn khi mua hoặc bán bởi hầu hết các ngân hàng đều áp dụng hình thức giao dịch cả bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản cho các đồng tiền này.

Tuy nhiên, khi đổi các ngoại tệ ít phổ biến như THB, MYR, INR, RUB, IDR, KHR, LAK… thì cần tìm hiểu và liên hệ trước bởi không phải ngân hàng nào cũng giao dịch loại tiền này hoặc chỉ áp dụng hình thức mua bán chuyển khoản mà không có tiền mặt.

Bên cạnh đó, hãy kiểm tra tỷ giá giữa các ngân hàng để tìm được nơi giao dịch có lợi nhất.

Việc mua bán ngoại tệ ở thị trường “chợ đen”, thị trường “tự do” thường tỏ ra hấp dẫn do thủ tục đơn giản, thuận tiện, không giới hạn hạn mức mua bán, tỷ giá cao hơn, tuy nhiên việc làm này là trái với quy định của pháp luật về giao dịch ngoại tệ.

Khi đến ngân hàng hoặc tổ chức được cấp phép để mua/bán ngoại tệ, bạn cần mang theo đầy đủ giấy tờ bao gồm: Thẻ căn cước, hộ chiếu, tiền VND, các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ (du lịch, du học, xuất khẩu lao động, chữa bệnh, thăm thân…).

Ví dụ: Khi đổi ngoại tệ làm sinh hoạt phí cho du học sinh, cần chuẩn bị hồ sơ chứng minh gồm hộ chiếu/visa còn hiệu lực, vé máy bay (hoặc phương tiện khác), giấy báo nhập học hoặc văn bản xác nhận đang là du học sinh tại một trường ở nước ngoài.

Để đổi ngoại tệ cho mục đích đi chữa bệnh ở nước ngoài, bạn cần chuẩn bị hồ chiếu/visa còn hiệu lực, vé máy bay hoặc phương tiện khác, giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh, giấy khám chữa bệnh…

Để đổi ngoại tệ phục vụ cho đi du lịch, công tác, bạn cần mang theo hộ chiếu/visa còn hiệu lực, vé máy bay hoặc phương tiện khác, quyết định cử đi công tác.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua bán ngoại tệ trực tuyến trên ứng dụng của ngân hàng hoặc đăng ký trực tuyến trước khi đến quầy đổi tiền mặt ngoại tệ để tiết kiệm thời gian.

Nếu thường xuyên đi nước ngoài, hãy mở thẻ tín dụng quốc tế để thuận tiện khi mua bán, thanh toán hóa đơn thay vì phải mang theo quá nhiều tiền mặt.

Số lượng ngoại tệ cá nhân được mua bán tại Việt Nam

Nắm rõ quy định đổi ngoại tệ để tránh bị xử phạt

Mức xử phạt đối với các trường hợp mua bán ngoại tệ trái pháp luật

Mức phạt đối với cá nhân mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được cấp phép cụ thể như sau:

- Xử phạt cảnh cáo nếu các cá nhân mua, bán ngoại tệ với nhau hoặc mua bán tại tổ chức không được cấp phép mà ngoại tệ giao dịch có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp các các nhân mua bán ngoại tệ với nhau hoặc mua tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, giá trị ngoại tệ giao dịch từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với trường hợp cá nhân giao dịch ngoại tệ với nhau hoặc mua của tổ chức không được phép với giá trị giao dịch từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau hoặc mua của tổ chức không được cấp phép với giá trị từ 100.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác tương đương

- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với trường hợp không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Qua thông tin TOPI chia sẻ trên đây, chắc hẳn bạn đã biết hạn mức đổi ngoại tệ - số lượng đổi ngoại tệ tối đa đối với cá nhân là bao nhiêu và biết cách tính toán hạn mức đổi ngoại tệ theo quy định mới nhất. Hãy nhớ chỉ đổi ngoại tệ ở ngân hàng hoặc tổ chức được cấp phép và luôn mang theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng để làm thủ tục và chọn nơi có tỷ giá tốt nhất để đổi.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/RTWJfyGQsWGsBp1fpuxhnWb0Ektp1zdNAX8jLLXL.png?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger