Tài sản đầu tư: Cổ phiếu, chứng quyền.
Thị trường: Thị trường chứng khoán Việt Nam
Em chào các anh chị, với tinh thần mong muốn được học hỏi và nhận được nhiều chia sẻ từ các anh chị đi trước, cũng như có cơ hội được giao lưu với tất cả mọi người, em xin tham gia cuộc thi ạ.
Một chút background về em ạ, em là Mai Đức Tâm, hiện nay em đang là sinh viên năm 4 Học viện Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và cũng định hướng sau này chọn chứng khoán là bến đỗ phát triển sự nghiệp. Thời điểm này em cũng đang cố gắng học hỏi thêm kiến thức nhằm phát triển tư duy tốt hơn về lĩnh vực phân tích đầu tư. Em tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2017, nhưng đầu tư một cách nghiêm túc thì vào ngày 16/10/2020.
Bài dự thi bố cục gồm 3 phần:
Phần I: Kết quả đầu tư
Phần II: Bài học
Phần III: Chiến lược 2021
Phần I. KẾT QUẢ ĐẦU TƯ
Tỉ suất sinh lời từ 16/10/2020 đến 20/1/2021 đạt 21.33% [75 – 91 (trđ)]. Kết quả đầu tư của em vô cùng khiêm tốn so với giai đoạn uptrend mạnh của thị trường chứng khoán trong giai đoạn này. Mặt khác, lợi nhuận có được không hoàn toàn là do năng lực đầu tư, phân tích của bản thân, do đó con số này không có nhiều ý nghĩa. Thành quả ở đây, em muốn nhấn mạnh đến những bài học em thu lượm được hơn là số tiền kiếm được phần lớn là do may mắn.
Phần II. BÀI HỌC
Sai lầm 1. Sở hữu một danh mục quá cồng kềnh
Khi mới bước chân vào đầu tư em luôn có một suy nghĩ “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Với suy nghĩ rập khuôn máy móc như vậy, em luôn duy trì danh mục trên 4 mã, có những thời điểm trong danh mục còn có tới 8 mã cổ phiếu. Việc có quá nhiều mã trong danh mục không những không mang lại “diversification benefits”, mà còn có rất nhiều điểm trừ:
Thứ nhất, không tối ưu được lợi nhuận danh mục, mặc dù thời điểm đó tất cả các mã đều có lãi, nhưng vốn quá dàn trải dẫn đến lợi nhuận danh mục không cao.
Thứ hai, khi thị trường rơi vào giai đoạn điều chỉnh, ví dụ như phiên ngày 19/1 và 20/1, việc nắm giữ quá nhiều mã cổ phiếu khiến nhà đầu tư kém linh hoạt và khó quản trị rủi ro cho danh mục của mình.
Với kiến thức còn hạn hẹp, hiện tại trong danh mục của em chỉ còn 2 mã cơ sở (và 2 mã chứng quyền tỉ trọng nhỏ xấp xỉ 8% NAV chủ yếu em giao dịch là để thử cho biết)
Sai lầm 2. Không hiểu rõ về doanh nghiệp mà mình đầu tư - Mua mua bán bán vì được "phím"
Thời điểm đầu tham gia đầu tư, em được add vào nhóm Zalo tư vấn, lúc đó thấy môi giới tư vấn mã nào cũng rất chuẩn, gần như chạy ngay phiên hôm sau hoặc vài phiên sau đó. Dẫn đến việc đầu tư rất bị lệ thuộc vào môi giới, mua những mã cổ phiếu thậm chí mình còn không biết đó là doanh nghiệp gì, mô hình kinh doanh như thế nào, tình hình tài chính ra sao, inputs & ouputs là gì, lí do duy nhất em mua đơn giản vì được nghe tư vấn thế.
Mua theo tin mà không hiểu rõ về doanh nghiệp sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề:
- Thứ nhất, tâm lí những nhà đầu tư kiểu F0 như em đã rất yếu, chưa trải qua cú shock lớn nào của thị trường, thêm nữa việc không hiểu về doanh nghiệp dẫn đến không định giá được doanh nghiệp, không biết giá trị của doanh nghiệp thì không có niềm tin để nắm giữ cổ phiếu trước những dao động của thị trường. Mặc dù giá trị của doanh nghiệp cũng được xác định một cách ước tính, nhưng tốt hơn rất nhiều so với việc không biết giá trị của doanh nghiệp đang nằm trong vùng nào.
- Thứ hai, trong giai đoạn sóng vừa rồi, gần như nhà đầu tư nào mua cũng thắng, cũng sẽ có lãi dù ít dù nhiều, nhưng khi thị trường dần ổn định, căn bản sẽ quay trở lại, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Cuối cùng, chỉ có những doanh nghiệp có căn bản tốt, có lợi thế cạnh tranh, tiềm năng tăng trưởng mới là những khoản đầu tư giá trị. Do đó, em càng muốn nhấn mạnh hơn đến việc luôn trau dồi kiến thức và nâng năng lực đánh giá phân tích của bản thân hơn, vì về lâu về dài, nó chính là thứ giúp chúng ta thành công.
Trong giai đoạn đầu tư em cũng đã mắc sai lầm, như mua đỉnh bán đáy (case GTN), bán cổ phiếu quá sớm đang trong nền tích lũy vì quá sốt ruột nhìn cổ phiếu khác tăng mà cổ phiếu mình không tăng (case VGI). Nguyên nhân như em đã nhấn mạnh, không hiểu về doanh nghiệp mà mua bán theo tin đồn.
Phần III. Chiến lược đầu tư năm 2021
Em xin trích một câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài rìu”
Em gọi năm 2021 và một vài năm tới là giai đoạn mài rìu, hiện tại em còn trẻ và còn nhiều thứ phải học hỏi trau dồi thêm. Đồng thời, mục tiêu chính là gia tăng thu nhập và tăng số tiền tuyệt đối tiết kiệm lên (Em cảm ơn thầy Long trong video nói về độc lập tài chính của thầy). Do đó, em sẽ phân bổ khoản tiền nhàn rỗi ra làm 2 phần.
Phần 1. Tỷ trọng 30% - Đầu tư vào bản thân
Sử dụng vào việc hoàn thành kì thi CFA và học thêm về định giá doanh nghiệp cũng như là đầu tư cho sức khỏe
Phần 2. Tỷ trọng 70% - Đầu tư trên thị trường chứng khoán
Với số vốn nhỏ thì việc đầu tư cổ phiếu vẫn là tối ưu so với em, vừa giúp em thực hành những kiến thức được học, vừa mang lại những trải nghiệm thú vị. Chính vì vậy cổ phiếu vẫn là tài sản tài chính em chọn để đầu tư
Nói về năm 2021, em sẽ quan tâm nhiều hơn đến những công ty được hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư công, hưởng lợi từ dòng vốn FDI về Việt Nam,…
Danh mục quan tâm, bao gồm:
- Ngành chứng khoán: SSI, HCM, VND
- Ngành ngân hàng: TCB, MBB, ACB, TPB
- Ngành VLXD: HPG
- Ngành BĐS KCN: KBC, SZC, DIG
- Ngành công nghệ: FPT
Trên đây là toàn bộ bài dự thi của em, cảm ơn tất cả mọi người đã đọc ạ! Chúc mọi người một năm 2021 thật nhiều sức khỏe và thành công!
Happy investing!
Tác giả: Mai Đức Tâm