Facebook Topi

14/02/2022

Chuyên gia BCTC

Cuộc thi “THÀNH CÔNG & THẤT BẠI 2020 - CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ 2021” nhằm giúp mọi người lan tỏa câu chuyện của bản thân, trong suốt hành trình đầu tư vào các tài sản năm 2020, những thành công hoặc kể cả thất bại hoặc chưa đạt được, từ đó nhận định và xây dựng chiến lược năm 2021 để làm động lực, nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển trong tương lai.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

Đầu tiên cho mình gửi lời chào đến tất cả các thành viên của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam - Vietnam Wealth Advisors (VWA). Đặc biệt em cũng xin cảm ơn anh Long Phan và anh Đức Tuấn đã tạo ra một sân chơi để mọi người có thể chia sẻ, học hỏi kiến thức một cách chính thống, không bị suy nghĩ sai về một vấn đề thực tiễn nào đó, cũng cảm ơn chị Lê Ngọc Thanh Thủy đã tạo động lực cho mình viết bài này.

(Bài viết được viết dựa trên các cảm nhận cá nhân của một sinh viên năm cuối chuyên ngành Tài chính)

Do đặc thù của ngành học, và cũng để chủ động hơn trong việc tiếp cận, cập nhật các kiến thức mới thay đổi liên tục hàng ngày trên thị trường thì mình đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về giao dịch tài sản tài chính, đặc biệt là thị trường cổ phiếu. Và sau hơn 3 tháng tìm hiểu (tìm hiểu các hệ thống phân tích kỹ thuật, trading system; các kiến thức mà trường lớp sẽ không dạy), thì mình đã quyết định mở tài khoản chứng khoán vào khoảng tháng 10/2020 và thực hiện một giao dịch đầu cơ ngắn hạn, cũng như tập cho mình cách quản lý và chuyển đổi cơ cấu tỷ trọng danh mục qua từng biến động thời kỳ. Thời kỳ đầu thì NAV của mình rất thấp chỉ khoảng 3 triệu đồng. Và mình dùng tiết kiệm hàng tháng chỉ khoảng 400-500K để nâng NAV qua từng tháng, và tự hứa với lòng rằng dù có khó khăn về mặt tài chính đến mấy cũng không rút ra khoản tiền đầu tư tại tài khoản chứng khoán.

Giai đoạn năm 2020, mọi thứ diễn ra quá nhanh và bất ngờ đã khiến mình hầu như phải suy nghĩ lại và thay đổi lại toàn bộ kế hoạch trong năm của mình. Ngoài ra do mình còn là sinh viên tỉnh vào thành phố học và phải vừa đi học vừa đi làm kiếm thêm thu nhập để có thể tự trang trải các chi phí sống hằng ngày nên khi dịch đến khiến thu nhập từ công việc của mình cũng từ đó mà giảm đi, từ đó cũng mất đi các khoản tiết kiệm hàng tháng để chuyển vào tích lũy NAV. Mình nhận ra rằng trong giai đoạn này thì nên tập trung vào việc đầu tư kiến thức chuyên môn, kiến thức bổ trợ bên cạnh áp dụng thực hành những kiến thức vừa học nhiều hơn là việc quá tập trung vào đầu tư tài chính. Và sau hơn 1 năm tổng kết lại thì mình muốn chia sẻ với mọi người về một vài thành công và thất bại của mình:

THÀNH CÔNG:

1. Mình đã học được rất nhiều về kiến thức quản lý tài sản, phân bổ danh mục đầu tư sau hơn 1 năm thực nghiệm. Mình xin chia sẻ cách quản lý tài khoản của mình như sau:

  • Mình luôn chia NAV thành 2 phần: 20-25% là dành cho khoản đầu tư dài hạn, và mình sẽ dùng khoảng dư còn lại để phân bổ cho các khoảng đầu tư ngắn hạn. Lưu ý: tỷ trọng dư CASH trong từng thời kỳ phân bổ cũng rất quan trọng.
  • Đối với phần đầu cơ ngắn hạn: Mình chỉ thường phân bổ cho 2-3 mã cổ phiếu ở ít nhất là 2 nhóm ngành khác nhau theo tỷ trọng khoảng 40:30 (tùy theo cảm nhận khách quan và giá vốn cổ phiếu để có cách phân bổ phù hợp). Còn lại mình sẽ duy trì một lượng dư cash nhất định, phòng khi có các cơ hội mở vị thế ở một mã tiềm năng mới. Vì do tài khoản nhỏ nên mình buộc phải dùng thêm Margin để có thể phù hợp với những cổ phiếu có giá vốn cao, và để nâng cao hiệu suất sinh lời tài sản.
  • Về cách mở/đóng vị thế cho 1 mã cổ phiếu, hay cũng có thể nói là nâng hạ tỷ trọng cho 1 mã cổ phiếu: Khi mua cổ phiếu mình sẽ chia thành 3 lần (theo tỷ lệ 30:50:20) mua bình trong khoảng 1-2 ngày tùy theo độ biến động của tài sản, và dừng nâng tỷ trọng lên nếu như mọi thứ chuyển biến khác đi. Việc mua như vậy sẽ giúp mình giảm được các thiệt hại không mong muốn khi nếu như biến động không diễn ra như kỳ vọng (vì hiện tại TTCK VN đang giao dịch theo T+3). Đối với việc bán (hạ tỷ trọng) thì mình cũng sẽ chia làm 2 lần, lần đầu tiên mình sẽ hạ bớt 70% tỷ trọng khi cổ phiếu đó đã đạt đủ ngưỡng kỳ vọng (theo phương pháp PTKT của mình, và dữ liệu mình phân tích trên Amibroker), việc hạ tỷ trọng vừa giúp mình lợi nhuận hóa được và quan trọng hơn hết là để giảm tất toán đi khoản dư nợ Margin đang có, 30% còn lại mình sẽ tiếp tục giữ lại để tiếp tục theo dõi xu hướng cổ phiếu hoặc những cơ hội khác trước khi quyết định tất toán.
  • Điều quan trọng hơn hết là việc phân bổ tỷ trọng cổ phiếu sẽ giúp mình chủ động hơn rất nhiều trong việc quản lý lời/lỗ.
  • Với cách áp dụng này tính từ giai đoạn cuối tháng 5/2020 đến giữa cuối tháng 12/2021 (giai đoạn trước đó mình tạm ngưng giao dịch vì cảm thấy chưa đủ tự tin để giao dịch trở lại, mình đang giữ POW thời điểm đó với giá 12.x-13 đã mua ở 2019, và mức max drawdown của POW khi đó thì .... mọi người kiểm tra chart lại để biết thêm) thì tháng mình đã đạt được HPR ~ 26% (có sử dụng đòn bẩy tài chính). Trong đó mình lời nhiều lần nhất ở DGW, và điều nữa là mình chỉ thường theo dõi bảng điện vào phiên trưa hoặc cuối ngày mới xem được (mình thường dùng phương pháp break-out để mở vị thế nắm giữ)

2. Việc học tập của mình đã được cải thiện một cách đáng kể, mình đã nâng được GPA(2019): từ 2.87 lên đến mức GPA(2020): 3.11 (Dự kiến sẽ vượt 3.21 trong nữa năm 2021), nhưng với mức điểm như vầy thì mình vẫn thấy chưa được hài lòng về bản thân mình hiện tại cho lắm.

3. Ngoài ra mình cũng đã học được các kiến thức về lập trình, để có thể không bị bỏ lại phía sau trong thời đại “Công nhân tài chính 4.0”. Mình đã học được các kỹ năng về phân tích, truy vấn dữ liệu (cũng có thể xem như là một phần của mảng Business Analytics). Cụ thể ở đây mình đã học được Python, SQL ở mức độ có thể áp dụng được vào việc phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó để có thể theo dõi được thị trường và giao dịch được trên thị trường một cách chủ động hơn với chiến lược mua/bán thì mình cũng đã tò mò và học được code AFL (sử dụng trên ứng dụng Amibroker). Và đương nhiên điều tuyệt vời hơn hết là mình đều học được mọi thứ trên một cách MIỄN PHÍ và hoàn toàn có thể áp dụng một cách thực tiễn được. (Mình sẽ để phần link cuối bài để mọi người tham khảo nhé!)

4. Mình cũng đã từng đọc qua các sách Self-help, nhưng thực tế thì việc áp dụng lại không hiệu quả cho lắm, thậm chí đối với mình thì nó không thật sự là thực tế do với những gì diễn ra quá nhanh trên thị trường tài chính. Do đó mình đã quyết định là thay vì đọc các sách Self-help thì mình đã lựa chọn đọc nhiều hơn các bài báo cập nhật tình hình kinh tế - tài chính hàng ngày, đôi khi là báo cáo phân tích của công ty chứng khoán, hoặc là theo dõi các bài viết của các chuyên gia (đúng nghĩa) về kinh tế qua facebook (fb) như anh Phan Lê Thành Long (fb: Long Phan), thầy Hồ Quốc Tuấn (fb: Ho Quoc Tuan), thầy Tài Trần (fb: Tài Trần), anh Phạm Việt Anh (fb: Anh Pham), ...Nhưng điều quan trọng nữa đối với một sinh viên như mình đó chính là những thông tin trên đều là MIỄN PHÍ. (Mình thấy đối với các thuật ngữ tài chính chuyên ngành thì mọi người vẫn thích dùng các thuật ngữ nguyên bản tiếng Anh hơn là dịch nghĩa)

5. Mình không biết đây là thành công hay không khi mình đã liều lĩnh xin mẹ, và rút hết số tiền trong tài khoản tiết kiệm chưa đáo hạn để mình đầu tư vào việc học thi CFA (như mọi người đã biết thì chi phí cho việc thi CFA lần đầu tiên là rất lớn, nhất là đối với một sinh viên như mình) và dùng phần tiền thừa còn lại để đầu tư vào Vàng (đợt đó mua ở giá 45 triệu, và hiện tại vẫn còn đang nắm giữ).

6. Và điều quan trọng nhất để có được những thành công như mình đã trình bày ở trên thì mình cảm thấy bản thân mình đã rất MAY MẮN khi gặp được những người thầy, những người bạn đúng nghĩa đã đồng hành và giúp đỡ mình trong 1 năm 2020 đầy khó khăn và biến động. Xin cảm ơn mọi người rất nhiều.


THẤT BẠI:

1. Thất bại đầu tiên mình phải kể đến đó chính là trong giai đoạn đầu của dịch mình đã chủ quan và bắt đáy DGW ở mức giá 19.05 trước khi cắt lỗ T+3. Khiến mình lần đầu tiên cảm nhận được việc bắt đáy hụt là như thế nào.

2. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mình đã dùng tiền để mua thử các mã đang có xu hướng tăng và sẽ chia cổ tức trong thời gian sắp tới. Mình đã mua đua trần TCL (giá TCL chưa điều chỉnh cổ tức 30%) ở mức giá 33.x vào tiếp tục nâng tỷ trọng ở giá 34.x một cách chủ quan vào ngày hôm sau. Hậu quả là giá của TCL giảm một cách thê thảm vào những phiên sau đó, nhưng mình vẫn nhất quyết giữ lại vì sẽ được chia cổ tức, và khoảng cổ tức sẽ bù lại vào phần lỗ đó nên không đáng lo ngại. Kết quả mình bán sau chia cổ tức với tổng mức lỗ ~17% (đã bù cổ tức), xóa đi rất nhiều phần lợi nhuận trước đó của mình. Qua (1),(2) mọi người nên tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ nha.

3. Điều mình không mong muốn nhất cuối cùng cũng đã tới, tháng 12 mình đã cắn răng rút hết các khoản tiền trong tài khoản chứng khoản của mình ra ngoài để đóng học phí, và chi trả cho một số khoản chi phí cá nhân, tại vì bắt đầu từ tháng 11 mình phải bước vào giai đoạn vừa đi thực tập, vừa đi học (học trường, lẫn tự học kiến thức thêm), vừa đi làm nên áp lực tiền lên mình rất lớn (nếu mọi người đã từng trãi qua thời kỳ sinh viên này thì cũng sẽ hiểu).

4. Chưa phát triển được hoàn thiện Trading System trên Amibroker trong năm.

5. Điều mà mình có lẽ 4 năm đại học rồi vẫn chưa nói ra được và để cho mọi người trong gia đình có thể hiểu được đó chính là “Ra trường mình sẽ làm gì? vị trí? tính chất công việc?”. Hầu hết do mình cảm thấy không ai hiểu được mình và cũng chẳng hiểu gì về nghề “Công nhân tài chính” nên mình cũng chỉ trả lời đại là “Làm ngân hàng, ngồi máy lạnh”.

KINH NGHIỆM: Đây là điều quan trọng nhất mình nhận ra được sau 1 năm học hỏi được từ nhiều thứ.

1. Cổ phiếu cơ bản tốt, chưa chắc mua đã tốt. Quan trọng là giá phải tốt (theo tín hiệu PTKT của bạn), và có tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn. Cá nhân mình thấy hầu hết đa số các tin tức tốt trên thị trường đã được những “cao thủ” kỳ vọng phản ánh vào giá trước vài phiên trước khi thông tin được công bố rộng rãi.

2. Hạn chế dùng các thông tin về phân tích cơ bản để cố gắng giải thích về những biến động của phân tích kỹ thuật. Thị trường chứng khoán là thị trường của sự KỲ VỌNG, kỳ vọng của bạn có thể đúng hoặc có thể sai nhưng quan trọng là bạn phải biết cách quản lý một cách phù hợp với “khẩu vị” của mình, quan trọng vẫn là hiệu suất chứ không phải lãi/lỗ đột biến. Hãy quên đi những câu chuyện “Đi ngược thị trường”, thay vào đó là “Nước nổi, bèo nổi”.

3. Cá nhân mình có vốn nhỏ, nên có xu hướng ưa thích các khoản lợi nhuận “ăn liền” nên mình chọn đi vào PTKT sâu hơn là PTCB. Chỉ khi đối với phần NAV mình dành cho đầu tư dài hạn thì mình mới dùng các yếu tố PTCB để đánh giá và dự đoán xu hướng dài hạn sắp tới, sau đó đó sẽ dùng PTKT để lựa chọn những giá mua mà bản thân mình lấy là phù hợp. Mình thường tập trung vào các mã cổ phiếu ở VN30 nhiều hơn, và các mã thuộc khối Ngân hàng (với đặc thù thị trường Việt Nam, chính sách tiền tệ phục vụ cho chính sách tài khóa, thì ngân hàng luôn là nơi “đáng hấp dẫn” để để mắt đến).

4. Hãy coi nghề đầu tư/đầu cơ tài chính chỉ là nghề tay trái, và bên cạnh đó hãy tập trung vào nâng cao thu nhập hiện tại hơn, và nâng cao các kiến thức chuyên môn của mình và đặc biệt là kiến thức về Thế giới tài chính đầy thú vị. Nếu bạn cảm thấy mình chưa đủ năng lực để đầu tư, hoặc chưa thực sự dành được thời gian thì có thể liên hệ các dịch vụ quản lý tài sản (có thể học vừa quản lý cho mình, mình cũng học được thêm nhiều từ họ), hoặc trao đổi với các bạn môi giới công ty chứng khoán (các bạn môi giới sẽ theo dõi biến động thị trường, và có các khuyến nghị phù hợp, sau cho cùng quyết định xuống tiền vẫn là bạn).

5. Đầu tư cũng giống như hạnh phúc, nó là quá trình chứ không phải đích đến. Và điều quan trọng hơn hết đối với các “Công nhân tài chính” là hãy tỏ ra vẻ “TÔI KHÔNG THÔNG MINH HƠN HỌC SINH LỚP 5” anh Long Phan nhỉ 

CHIẾN LƯỢC TRONG NĂM 2021:

1. Hiện nay đối với mình trong năm 2021 QUAN TRỌNG NHẤT vẫn phải là pass được kỳ thi CFA level 1, và tiến đến kỳ thi level 2 trong tương lai. Đây là điều tiên quyết nhất và quan trọng nhất trong năm 2021.

2. Bản chất nội tại trong nền kinh tế nội địa đang khôi phục nhanh trở lại, đồng thời kỳ vọng sự phục hồi ở thị trường quốc tế. Qua đó nhiều cơ hội về việc làm sẽ được mở ra, trong đó đối với bản thân mình thì thấy thị trường M&A trong những năm tới sẽ rất sôi động. Ngoài ra TTCK Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có những bước đi “dài” hơn trong thời gian tới thì cơ hội làm việc tại các Quỹ đầu tư (Quản lý tài sản) hay các vị trí phân tích, nghiên cứu cũng từ đó mà nhiều hơn. Khi thị trường tài chính bùng nổ cũng là lúc mọi người bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân mình nhiều hơn do tâm lý sợ bị bỏ lỡ cơ hội. Đây như là một khoảng thời gian hiếm có để bản thân mình có thể chuẩn bị khai thác, tích lũy kiến thức về mặt chuyên môn sâu hơn vào các vị trí này để có công việc phù hợp sau khi ra trường.

3. Còn về đầu tư trên thị trường, thì mục tiêu hiện tại là backtest, kiểm định, xây dựng hoàn thiện Trading System cho riêng mình trước khi có cơ hội quay trở lại thị trường. Do thị trường hiện nay có biên độ biến động giá rất lớn (high volatility, đồng thời cũng tạo nên high risk) nên mình nghĩ đây sẽ là phương pháp phù hợp hơn so với PTCB để đưa ra các chiến lược đầu cơ trong ngắn hạn. Mình cũng đánh giá rất cao vai trò của khối NGÂN HÀNG trong thời gian tới, mình cũng kỳ vọng trong năm tới giá của khối này sẽ dẫn dắt thị trường.

4. Điều cuối cùng vẫn quan trọng không kém đối với một sinh viên như mình là ra trường loại giỏi, và có được công việc mình mong muốn để cải thiện đời sống.
Cảm ơn mọi người đã dành chút thời gian ít ỏi cũng mình để đọc những chia sẻ của mình. Hi vọng từ những chia sẻ trãi nghiệm hạn hẹp của một sinh viên năm cuối như mình có thể giúp mọi người, ít nhất là về mặt kiến thức mà mình đã vận dụng được. Và có thêm những góc nhìn mới mẻ về việc đầu tư, cũng như quản lý tài sản cá nhân của mình. Chúc mọi người có thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình . Hãy cũng nhau để lại những bình luận bên dưới để cùng nhau trao đổi thêm nhé!

Đây là các kênh mình tự học, mong là mọi người có thể tìm được những thứ mình muốn. Và đừng quên đối với những nội dung kiến thức chuyên ngành chuyên sâu nếu mọi người đọc mà vẫn không hiểu được thì có thể dùng GOOGLE nhé, hoặc hỏi vào GROUP VNA!
ĐỌC ĐƯỢC 1 NHƯNG HỌC ĐƯỢC 10, VÀ CŨNG ĐỪNG QUÊN CÙNG CHIA SẺ KIẾN THỨC CHO NHAU!

HÃY CÙNG NHAU CHIA SẺ THÀNH CÔNG – THẤT BẠI CỦA BẠN TRONG NĂM 2020 NHÉ! BẠN MẤT 1 NĂM ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH CÔNG VÀ CÓ NHỮNG THẤT BẠI NHƯNG KHI BẠN CHIA SẺ CHO MỌI NGƯỜI, THÌ MỌI NGƯỜI CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC NHIỀU THỨ TRONG THỜI GIAN RẤT NGẮN MÀ ĐÁNG LẼ RA HỌ PHẢI TRÃI QUA RẤT LÂU ĐỂ MỚI NHẬN RA ĐƯỢC.

"Có một vài quan điểm cá nhân mình chia sẻ thật lòng, dẫu biết sẽ bị ném đá. Mình thấy các bạn rất hay theo dõi, thần tượng kênh Thái Phạm, cá nhân mình cảm thấy mặc dù anh ấy là người rất giỏi (giỏi ở các kỹ năng mềm và chuyên môn Marketing) NHƯNG về mặt kiến thức chuyên môn đúng chuẩn mực TÀI CHÍNH thì có lẽ anh trình bày chưa thật sự chuẩn cho lắm (ít nhất là đối với cá nhân mình là một sinh viên học sâu vào Phân tích đầu tư, hiện tại đang thực tập sinh phân tích thực tế doanh nghiệp), dễ gây ra những suy nghĩ sai lệch và các bạn cũng cần nên suy xét lại khi sử dụng thông tin từ đây và xem nó là điều đúng. Điều mình muốn nói ở đây là các bạn nếu muốn thực sự tìm hiểu kiến thức TÀI CHÍNH một cách chính thống thì có lẽ nên theo dõi người trong ngành hơn hết, những chuyên gia đúng nghĩa trong ngành hoặc đọc thêm các đầu sách thiên hướng về mặt học thuật hơn (nếu các bạn có thể đọc được sách tiếng Anh thì tốt hơn nữa) là nghe theo những ý kiến xuất phát mang thiên hướng cá nhân và tin vào đó. Điều nữa là đọc các sách Self-help chỉ mang tính giải trí chứ giá trị mang lại so với các sách chuyên ngành thì các bạn có thể tự cảm nhận được." 

Tác giả: Nguyễn Khánh Duy

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/YxrKlDuu2uOQNtm78GeLH3jn2QYW8p7ZqWpWb3lN.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/VvUsgRKPmOmXWi1dQ1ti9RrFRj2PQ28Nxfu0e5fv.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger