Facebook Topi

26/01/2022

Nhà đầu tư F0.3

Cuộc thi “THÀNH CÔNG & THẤT BẠI 2020 - CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ 2021” nhằm giúp mọi người lan tỏa câu chuyện của bản thân, trong suốt hành trình đầu tư vào các tài sản năm 2020, những thành công hoặc kể cả thất bại hoặc chưa đạt được, từ đó nhận định và xây dựng chiến lược năm 2021 để làm động lực, nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển trong tương lai.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

Phần 1:

“Tui là thế hệ nhà đầu tư F0.3”

Thiệt sự, tui đã đắn đo trong hơn 30 phút chỉ để chuyển từ “Bài không dám Dự Thi” sang “Bài Dự Thi” vì sợ bị “Fn” ném đá trong lúc giông bão thế này. Nhưng thay kệ, dù gì la làng lên cũng là 1 dịp để sàng lọc được giữa gạch đá là những viên kim cương quý giá cho quá trình đầu tư của bản thân. Thế là tui “ra chợ” để chuẩn bị nguyên liệu làm 1 bữa lẩu thiết đãi cộng đồng.
Trước tiên, tại sao tui lại gọi mình là nhà đầu tư F0.3?
À, tui có 3 năm kinh nghiệm tham gia thị trường Chứng Vịt. Tuy nhiên, thành quả như mong đợi và kế hoạch đề ra chưa thỏa mãn nên tui vẫn nghĩ mình ở mức F0 mà thôi.
Cụ thể, tui đi vào chi tiết từng năm giao dịch như sau:

Giai đoạn 1: Tui bắt đầu thực sự bỏ tiền vào giao dịch từ trước tháng 4/2018 (thời điểm thị trường chuẩn bị đổ đèo liên tục hơn 1 năm sau đó). Thiệt sự, tui là 1 kẻ nhát cáy nên thời điểm đó tui cũng đi lệnh rất nhỏ (tầm khoảng 10cp/mã) rồi ngồi chờ xem phản ứng thế nào. Tui lấy 1 tư duy căn bản là mình cần đóng học phí để học trước chớ không nên kì vọng gì quá lớn nên liều 1 ít vốn thôi. Thời điểm đó, tui chỉ đọc mỗi mấy cuốn sách đầu tư lượm miễn phí trên mạng rồi nhìn cái đồ thị thấy “đáy sau cao hơn đáy trước” là cứ giữ chớ không hề biết thế nào là FA và TA nghiêm túc cả. Kì lạ thay, tui còn nhớ rất rõ 2 mã mình nắm (lúc ấy là ANV và VIC) cứ vững như bàn thạch mặc dù thị trường thì đa phần rớt ầm ầm (thiệt tui cũng chả biết vì sao nó không rụng nhưng thấy giá không giảm thì cứ giữ). Tuy nhiên, cái gì đến thì cũng sẽ đến. Mã ANV và VIC rớt mạnh trong đợt rung lắc tiếp theo nên tui cắt luôn cho đỡ sợ. Kết năm, tui lỗ 7% (tuân thủ đúng như mấy cuốn sách đọc được). Lúc này, tui bắt đầu hiểu được cảm giác “tàu lượn siêu tốc là như thế nào”. Sợ quá nên tui nghỉ hẳn vài tháng không nhìn tài khoản để bình tâm và định hình lại chiến lược đầu tư của mình.

Giai đoạn 2: Tui bắt đầu quan tâm lại thị trường vào tháng 8/2018 khi báo chí bắt đầu bảo là “Thị trường đã quay trở lại”. Điều bất ngờ khi tui xem lại tài khoản giao dịch của mình là cổ phiếu VIC của mình vẫn còn đó (mặc dù tui nhớ là bán hết cả rồi) và có mức lãi lên tới hơn 15% (sau đó lên tới 30% luôn). Nhìn kĩ chút, số lượng có mỗi 6 cổ phiếu mắc kẹt lại do trước đó VIC trả cổ tức bằng cổ phiếu mà tui không để ý. Một cách bất đắc dĩ, tui tự mình chứng thực được là hoàn toàn có thể nắm 1 cổ phiếu trong 1 thời gian dài (hơn 1 tháng) và đạt được mức sinh lợi đáng mong đợi. Thế là bản thân bắt đầu tìm hiểu phương pháp Đầu tư Giá trị của Warren Buffett (cuốn sách tui ấn tượng nhất lúc đó là “The Warren Buffett Way”) nhằm săn tìm những cơ hội mà nắm lâu rồi sinh lãi trên 30% trên vốn (đó là mục tiêu của tui ngay từ ban đầu luôn. Thật sự, tui không thể chấp nhận mức 15% rồi rút). Từ đó, tui biết thêm về cách đánh giá 4Ms và hiểu được tư duy tại sao những người Thành công lại có tầm nhìn dài hạn. Cũng trong giai đoạn này, tui may mắn gom được 1 mã gần như hoàn chỉnh 4Ms và gom tích cực mỗi khi thị trường giảm mạnh trong thời gian từ tháng 08/2018 tới 12/2019. Kết năm, cả danh mục của tui chuyển từ lời 40% sang thành lỗ gần 10% (thật sự thì tui cũng chả biết lúc nào nên rút nên cứ giữ vậy đó). Tui lại cắt lỗ với con tim đau nhói. Dường như còn thiếu điều gì đó trong phương pháp của mình. Tui lại tiếp tục đắn đó tìm cách cải thiện phương pháp giao dịch. Điều quý giá nhất trong giai đoạn này là tui “bắt đầu” phân biệt tư duy thế nào là Đầu tư và Đầu cơ; tuy nhiên, tui vẫn chưa “hiểu mình đang làm gì”.

Giai đoạn 3: Tui càng thận trọng hơn khi chứng kiến đợt xả lũ từ cuối năm 2019 tới tháng 03/2020. Ở đâu cũng bảo suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ diễn ra nên tui nghĩ là cả năm 2020 chả có cơ hội đầu tư nên chỉ đầu tư vào kiến thức. Ngoài ra, cả năm 2020 tui có 1 số biến cố nhất định nên gần như “lông bông” suốt 1 năm. Vừa “rỗi thời gian” vừa không thể đi du lịch mùa Cô-Vi, thế là tui lại bắt đầu dùng tiền tích góp được để học offline, online, đọc sách Giấy, Ebooks rồi coi video trên Youtube. Tui cứ ngấu nghiến tất cả mọi thứ mình tìm được liên quan tới Đầu tư tài chính. Tui không chỉ giới hạn ở Chứng khoán mà tui còn đọc cả về lịch sử tiền tệ, khủng hoảng kinh tế đến từ đâu rồi cả cách vận đồng của dòng tiền liên thị trường như thế nào. Kì diệu thay, tui bắt đầu hiểu rõ ràng những gì mình đã trải qua và liên kết lại được phần lớn những gì mình học được để rồi có những cải thiện trong việc đầu tư. Tui biết investors kì vọng điều gì, traders kì vọng điều gì, phương pháp giao dịch nào là phù hợp với bản thân, thị trường bị chi phối bởi điều gì, Risk: Reward Ratio cho ta biết gì và 1 tầm nhìn Dài hạn được phân chia thành những Chặng Ngắn hợp lý sẽ ra sao. Điển hình nhất, tui đã nhận ra tại sao thị trường tạo đáy vào tháng 03/2020 rồi mạnh dạn gom hàng từ tháng 06/2020 và thận trọng chốt lời danh mục vào tháng 12/2020 ở mức sinh lãi 25% cả danh mục với những mã tốt nhất sinh lãi khoảng 35% (đây không phải là mức sinh lãi nổi bật so với nhiều người trong năm 2020 nhưng đối với tui đó là 1 sự khả quan lớn nhất trong suốt 3 năm giao dịch). Đây chỉ là khởi đầu khả quan nho nhỏ nhưng tui tin mình thật sự đang dần “hiểu mình đang làm gì”.
Bài viết đã dài nên tui xin dừng gõ tại đây.
Mong các anh/chị/bạn trong cộng đồng “ném đá nhẹ tay” ạ!

==========
Thêm chỗ này, có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao ở giai đoạn 3 tui vỡ ra nhiều điều nhanh đến như vậy?
Thiệt ra, tui có 1 số lợi thế cá nhân nhất định trong khả năng học tập của mình. Ngoài việc tui từng là sinh viên kinh tế thì tui đã luyện đọc nhanh, xem video ở mức 2x (từ năm 2 đại học) và dùng tài liệu nước ngoài từ nhiều năm trước rồi nên kĩ năng học của tui nó nhanh lắm. Đụng trúng chỗ mà tui từng biết qua là tui liên kết thông tin lại khá nhanh. Đó là chưa kể đam mê về hiểu sâu mọi thứ tui làm (để giảm rủi ro thấp nhất) nó cũng cháy bỏng lắm.

 

Phần 2: 

Liệu có thể dùng Phân tích Kỹ thuật (TA - Technical Analysis) để phát hiện nhanh 1 cổ phiếu rơi vào vùng định giá thấp?
Đó là điều tui thắc mắc sau khi đọc qua 1 đoạn trong cuốn Security Analysis của 2 bác Benjamin Graham và David L.Dodd (xem ảnh). Cụ thể, đoạn đó tạm dịch là “Có 1 vài nhà đầu tư dùng chương trình máy tính để chạy thống kê giúp tìm ra những công ty đang bị định giá thấp”. Từ đó, tui gợi lên cảm hứng là “Liệu có thể dùng Amibroker để viết code lọc ra những mã như thế theo TA hay không?”.
Thiệt sự là, cuốn Security Analysis dành cho dân Phân tích Cơ bản (Fundamental Analysis) và phương pháp thống kê được đề cập tới có thể là 1 cách nào đó khác chớ không phải là dùng TA như tui. Tuy nhiên, đâu nhất thiết phải làm giống. Miễn sao bạn hiểu mình đang làm gì và tận dụng được thế mạnh của bản thân là được. Thế là tui bắt tay vào làm.
Trước khi đi vào nội dung chi tiết, tui xin giới thiệu sơ qua về món Technical Analysis của mình. Đối với Chứng Vịt, tui đứng dưới vai trò của 1 activist investor (nói cho sang mồm thôi chớ lúa gạo chỉ đủ làm 1 Position Trader thôi hà). Còn với những thị trường khác, tui là 1 Price Action trader chuyên đánh Swing. Để làm được điều đó, tui phải nhìn ra được những vùng giằng co (Key Level) của 2 phe Bò và Gấu. Nói 1 cách đơn giản, tui phải nhận ra được “Nơi nào phe Bán không chấp nhận bán thấp hơn nữa” hoặc “Nơi mà phe Mua không chấp nhận mua cao thêm nữa”. Nếu như vậy, ta sẽ áp dụng bên Chứng Cháo như thế nào? Từ ý tưởng đó tui bắt đầu tìm đến cách timing (định thời điểm) phổ biến của các Cá Mập. Cụ thể, các bước chi tiết như sau:

Bước 1: Tui biết (hoặc là do tui chủ quan nghĩ như vậy; có gì nhờ cộng đồng góp ý thêm nhe) các quỹ thường sẽ xem lại danh mục của mình mỗi Quý 1 lần. Tuy nhiên, target thật sự của họ là theo Năm. Nếu không có gì đột xuất làm thay đổi lộ trình, họ sẽ phải làm mọi cách để đạt được định giá của cả Năm. Cho nên, vùng định giá đó sẽ là vùng nước không chỉ thu hút mỗi Cá Mập mà có cả Cá Voi, Cá Hổ và cả cá Lòng tong như tui phải tìm mọi cách để bơi tới đó. Do vậy, “vết chân người khổng lồ” sẽ để lại. Vậy làm sao dùng TA để nhận ra điều đó?
=> Trả lời: Vì 1 năm có 52-trading weeks nên bạn có thể dùng MA52 tuần hoặc đổi ra là quanh MA200 ngày để theo dõi. Tui thì dùng Bollinger Band 52 tuần. Nếu giá rớt xuống dưới Mid Band thì khả năng cao rơi vào vùng định giá thấp. Chạy code 1 phát ra cả list liền (tuyệt vời chưa!!!).

Bước 2: Làm sao “thật sự xác nhận” được điều đó?
=> Trả lời: Tui dùng thêm định giá bên FA để làm. May mắn là tui còn biết cả về FA (Fundamental Analysis) nên tui có thể kiểm tra nhanh tình trạng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó. Về phương pháp định giá, tui dùng P/E quá khứ (cho nhanh thôi) để xác nhận xem là cái Mid Band có thật sự xoay quanh 1 vùng giá cụ thể như đã thấy trên chart hay không.

Bước 3: Vậy cứ rớt xuống dưới Mid Band là gom sao? Rồi lỡ nó rớt hoài luôn là gồng lỗ muôn kiếp thì sao?
=> Trả lời: Đây là lúc mà bạn phải thật sự hiểu về R:R ratio (tỉ lệ Risk:Reward - Rủi ro:Phần thưởng). Dựa theo bảng thống kê trên bogleheads.org (xem hình), để ý các mức Loss & Gain để huề vốn ta thấy như sau:

  • Lỗ 20% cần Tăng lại 25%.
  • Lỗ 30% cần Tăng lại 43%.
  • Lỗ 50% cần Tăng lại 100%.

Với từng mức “Tăng lại”, ta cần phải sử dụng 1 chút suy luận rất cơ bản. Giả sử thật sự công ty đó bị định giá thấp, liệu với từng mức “lệch xuống” như trên thì công ty có thể “bằng 1 cách nào đó” khiến cho Revenue (hoặc Cash Creation, tùy vào phương pháp định giá của bạn) đạt được 1 mức tăng trưởng đủ lớn trong vòng x năm (x là số năm bạn kỳ vọng) để lần lượt đạt các mốc 25%, 43% hoặc 100% hay không? Tùy vào phương pháp của bạn (có thể là soi BCTC để đo Growth Rate, tìm tin trong hẻm để chứng thực hoặc đơn giản là vẽ bùa để “tạo niềm tin cho bản thân”), ta có thể lường trước được kèo đó có thơm hay là không. Nếu thơm thì ngồi rình hoặc túi “sâu và rộng” thì vào gom luôn.
Đấy là phương pháp bắt cổ phiếu bị định giá thấp bằng TA của tui. Mời các cao thủ trong cộng đồng vào góp ý nhe. Rất mong nhận được nhiều chỉ giáo!
 

Tác giả: Phương Bùi

 


 

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/YxrKlDuu2uOQNtm78GeLH3jn2QYW8p7ZqWpWb3lN.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/VvUsgRKPmOmXWi1dQ1ti9RrFRj2PQ28Nxfu0e5fv.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger