Nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức quản lý tiền bạc dễ dẫn đến lâm vào cảnh nợ nần. Hãy tham khảo 10 lời khuyên tài chính hữu ích từ TOPI để học được cách quản lý tiền bạc, thu nhập để có nền tảng tài chính vững chắc.
1. Xác định được mốc độc lập tài chính của bản thân
Học cách tự chủ tài chính là tiền đề quan trọng để bắt đầu kế hoạch độc lập tài chính. Không phải ai cũng được học kỹ năng quản lý tài chính và tự chủ tiền bạc ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường. Vì thế, ngay từ hôm nay, bạn cần phải học cách tự kiểm soát chi tiêu của mình và lên kế hoạch cho độc lập tài chính vào một mốc thời gian nào đó trong tương lai.
Việc này sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý, tránh những rủi ro nợ nần như không dùng hết hạn mức của thẻ tín dụng cho việc mua về những tiêu sản, luôn có quỹ dự phòng khẩn cấp…
Đặc biệt, việc lập ra quỹ dự phòng là vô cùng quan trọng, đây là số tiền tách biệt ra khỏi các khoản chi tiêu hay đầu tư, dùng để sử dụng trong các tình huống cấp bách như khi mất việc đột ngột, ốm đau bệnh tật, dịch bệnh, thiên tai không đi làm được… Khoản quỹ này sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách mà không rơi vào cảnh nợ nần.
Tham khảo những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia tài chính
Hãy bắt đầu lập quỹ dự phòng từ hôm nay, với chiều hướng tăng dần về số lượng theo thời gian để dễ dàng cân đối chi tiêu giai đoạn đầu. Nhiều chuyên gia khuyên rằng quỹ dự phòng nên có một khoản bằng tiền mặt để bạn dễ dàng chi tiêu bởi trong một số tình huống, bạn sẽ khó có thể sử dụng được tiền trong thẻ tín dụng hay vàng, sổ tiết kiệm…
2. Xử lý những khoản nợ của bạn
Hãy nhớ đừng nên vay nợ để mua những tiêu sản như: Mua 1 chiếc điện thoại mới ra trong khi điện thoại đang dùng vẫn tốt, mua trả góp một chiếc xe mới trong khi xe cũ đang đi rất tốt… Nếu bạn đang có những khoản nợ này, hãy xử lý nó càng sớm càng tốt.
Có rất nhiều phương pháp xử lý nợ như phương pháp quả cầu tuyết, trả nợ theo lãi suất ưu tiên, trả những khoản cấp bách… Bạn có thể xem thêm những bài viết tại TOPI để biết thêm.
Nếu vì nhiều lý do khác nhau khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần như: Vay nợ để đầu tư cho dự án kinh doanh, vay nợ mua thiết bị phục vụ công việc…thì việc kiểm soát các khoản nợ cực kỳ quan trọng. Nếu bạn không kiểm soát số tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng của tất cả các khoản nợ, bạn sẽ dễ rơi vào cảnh vỡ nợ, nợ quá hạn, nợ xấu…
Hãy cân đối tài chính và có kế hoạch trả nợ cụ thể, đồng thời tuân thủ kế hoạch đã đề ra.
Luôn phải kiểm soát tốt các khoản nợ của mình
3. Tiết kiệm là nền tảng cốt lõi
Nguyên tắc quan trọng nhất là: Chi tiêu không vượt quá giới hạn thu nhập. Những người có kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc chi tiêu trong hạn mức thu nhập.
Việc chi tiêu trong khả năng của mình sẽ giúp mọi kế hoạch đặt ra đều đi đúng hướng. Bạn cần lập kế hoạch ngân sách rõ ràng như: Thu nhập hàng tháng của bạn tổng cộng là bao nhiêu, các khoản chi “cứng” bắt buộc hàng tháng, những khoản “mềm” có thể thay đổi được và ghi chép lại những chi tiêu của mình một cách trung thực nhất.
Mỗi cuối tháng, hãy đánh giá lại các khoản chi tiêu xem đã hợp lý hay chưa. Bạn có thể tham khảo Kakeibo - Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách người Nhật
Dần dần, bạn sẽ nhận ra những thay đổi nhỏ trong chi tiêu ảnh hưởng tích cực đến nguồn tài chính của bạn.
4. Chỉ tiêu tiền vào những việc quan trọng
Không tiêu tiền thiếu suy nghĩ, không vung tiền mua về các tiêu sản hoặc những thứ chưa thực sự cần thiết. Nhiều bạn trẻ thường có thói quen mua những vật dụng chỉ vì cảm thấy nó lạ mắt, “hay hay” nhưng chỉ dùng một vài lần rồi bỏ xó trong khi giá không hề rẻ.
Sự ham muốn sở hữu các món đồ không thực sự cần thiết là thói quen có hại cho nguồn tài chính của bạn. Lời khuyên ở đây là nếu bạn đang thích một món đồ nào đó, hãy bỏ nó vào giỏ hàng và để đó, nếu sau 2 tuần bạn vẫn cảm thấy việc mua nó là cần thiết thì lúc đó sẽ đặt hàng.
Chỉ nên tiêu tiền cho những thứ thực sự quan trọng và cần thiết
5. Lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với bản thân
Nếu chỉ tiết kiệm thì con đường đi đến độc lập tài chính vẫn là rất dài. Cách nhanh nhất để rút ngắn quãng đường là tìm cách tăng thu nhập, đặc biệt là thu nhập thụ động. Hãy học cách đầu tư để không lãng phí nguồn tiền của mình.
Hãy chọn kênh đầu tư phù hợp như bất động sản, trái phiếu, hàng hóa, chứng khoán... từ nguồn tiền nhàn rỗi để sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị của tài sản. Các nhà triệu phú, tỉ phú luôn để dòng tiền của họ hoạt động, và sinh sôi để tạo ra khối tài sản lớn hơn.
Đầu tư thông minh với chiến lược phù hợp sẽ giúp bạn sớm có khoản doanh thu ổn định, có nguồn vốn đủ lớn để phục vụ cho các dự án kinh doanh mà không phải phụ thuộc vào các khoản vay, khoản đầu tư từ bên ngoài.
Học hỏi những phương pháp đầu tư phù hợp với bản thân
6. Chỉ nên tin vào bản thân, phải có trách nhiệm với tiền của mình
Để tài chính vững mạnh thì việc thiết lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ tiêu những gì cần thiết là vô cùng quan trọng. Theo tâm lý của mọi người thì khi những người xung quanh đều mua xe, mua nhà, điện thoại mới… thì nhiều người sẽ bị thôi thúc buộc phải mua theo cho “bằng bạn bằng bè” mà không cần thiết.
Hãy tỉnh táo, tin vào bản thân mình, tự hỏi xem nếu không có những vật dụng đó thì có sao không? Nếu có thì thêm được những ưu thế, ích lợi gì và điều ấy có giúp cho khối tài sản của bạn tăng lên không.
7. Sức khỏe rất quan trọng
Bảo vệ sức khỏe của bản thân là rất quan trọng. Đánh đổi sức khỏe để lao vào kiếm tiền hoặc chi tiêu quá chắt bóp, ăn uống không khoa học gây hại cho sức khỏe là điều cần tránh.
Hãy tưởng tượng số tiền bạn vất vả kiếm và tích góp cả một thời gian dài lại được chi tiêu hết vào bệnh viện do vấn đề sức khỏe hay bệnh tật triền miên thì thật là công cốc phải không nào? Việc tập thể thao, ăn uống khoa học, suy nghĩ những điều tích cực không hề làm bạn tốn thêm tiền mà lại tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên mua bảo hiểm ngay từ khi còn trẻ, chọn gói dịch vụ phù hợp với khả năng tài chính của mình để hạn chế rủi ro trong tương lai.
Sức khỏe tốt là nền tảng để phấn đấu tài chính
8. Đầu tư cho bản thân - khoản đầu tư không bao giờ lỗ
Tỷ phú Warren Buffett từng nói : “Đầu tư càng nhiều vào bản thân mình càng tốt, bạn là tài sản lớn nhất của chính mình vào thời điểm này”.
Đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư thông minh. Hãy dành thời gian, tiền bạc để trau dồi kiến thức và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như: Học ngoại ngữ, tin học, học cách giao tiếp, phong thái làm việc, kỹ năng thương thảo, xử lý mọi tình huống...
Chăm chút cho ngoại hình thu hút, hấp dẫn cũng mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong công việc và cuộc sống, đồng thời cũng giúp bạn tự tin hơn khi nói chuyện với người đối diện. Không thể phủ nhận ngoại hình có ảnh hưởng đến các mối quan hệ, cũng như hiệu quả công việc trong cuộc sống hiện nay.
Đầu tư cho bản thân cũng là một phần kế hoạch tự chủ tài chính
9. Kiên trì với mục tiêu của mình
Độc lập tài chính là một con đường dài, bền bỉ, có thể sẽ mất nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ để đạt được. Để thành công cần dựa vào quyết tâm và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu. Với những người có khởi đầu không quá khác biệt thì trải qua một thời gian bạn sẽ thấy thành quả của những người kiên trì và quyết tâm có sự khác biệt rất lớn với những người còn lại.
10. Tự do tài chính là đích đến cuối cùng
Luôn ghi nhớ mục tiêu cuối cùng là tự do tài chính
Đôi khi, chúng ta rất dễ bị cuốn vào những dèm pha, so sánh và các tác động từ bên ngoài. Điều đó ảnh hưởng đến các quyết định và mục tiêu đối với tài chính cá nhân. Một số chuyên gia cho rằng chính sự phát triển của mạng xã hội khiến giới trẻ ngày nay có xu hướng “sống ảo”, cố tìm cách để cuộc sống của mình lung linh như những bức ảnh trên mạng xã hội.
Hãy luôn ghi nhớ kế hoạch và mục tiêu của bản thân, tâm niệm về cái đích mình muốn hướng đến là tự do tài chính, không nên để những thành công tạm thời níu chân.
Đừng bỏ lỡ những bài viết thú vị về quản lý tài chính cá nhân cũng như phương pháp đầu tư hữu ích được chia sẻ tại TOPI nhé.