Lãi suất quá hạn thường cao hơn so với lãi suất thông thường của khoản vay. Người vay cần chú ý trả nợ đúng thời hạn trong hợp đồng để không bị phạt và giữ cho uy tín tín dụng luôn tích cực.
Lãi suất quá hạn là gì?
Hiện tại vẫn chưa có quy định nào giải thích cụ thể "lãi suất quá hạn" là gì. Tuy nhiên căn cứ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 446 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể hiểu khái niệm "lãi suất quá hạn" là khoản tiền lãi mà người vay phải trả thêm ngoài lãi suất gốc khi không thể hoàn trả nợ đúng hạn.
Lãi suất quá hạn được tính dựa trên khoản nợ gốc và thời gian chậm trả. Lãi suất này thường cao hơn lãi suất thông thường để phản ánh rủi ro và chi phí tăng thêm cho bên cho vay do sự chậm trễ trong việc thanh toán. Lãi phạt quá hạn không chỉ là biện pháp đảm bảo cho bên cho vay mà còn là cách để khuyến khích người vay thanh toán đúng hạn, góp phần duy trì trật tự tài chính và kỷ luật tín dụng.
Người vay chậm thanh toán nợ sẽ bị áp dụng lãi phạt quá hạn
Quy định pháp luật về lãi suất đối với nợ quá hạn
Căn cứ tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
Trường hợp cho vay có tính lãi mà khi đến hạn trả nợ, bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ tiền lãi và gốc theo thỏa thuận thì bên vay phải trả thêm khoản lãi trên số tiền nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tính theo thời gian trả nợ chậm; trường hợp chậm trả thì người vay còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Mức lãi suất quá hạn tối đa theo pháp luật quy định
Tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Các bên có thể tự thỏa thuận mức lãi suất vay nhưng không được vượt quá 20%/năm (tương đương gần 1,67%/tháng) của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác.
Theo đề xuất của Chính phủ và căn cứ theo thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất do pháp luật quy định thì mức lãi suất đó không có hiệu lực.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi vay, nhưng không xác định rõ mức lãi suất áp dụng và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn được pháp luật quy định tại thời điểm trả nợ
Như vậy, mức lãi suất nợ quá hạn tối đa được xác định theo các trường hợp sau:
- Lãi suất nợ quá hạn do các bên tự thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm tính trên khoản tiền vay.
- Nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ mức lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất nợ quá hạn tối đa là 10%/năm tính trên khoản tiền vay.
- Trường hợp các bên không có sự thỏa thuận thì lãi suất quá hạn được tính bằng 150% tương đương 1,5 lãi suất vay theo hợp đồng vay.
Các tổ chức tín dụng không áp dụng quy định của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi vậy những tổ chức này có thể áp dụng lãi suất nợ quá hạn vượt quá 20%/năm (vượt 1,67%/tháng).
Lãi suất quá hạn không được vượt quá 20%/năm
Cách tính lãi suất quá hạn, lãi chậm trả nợ
Tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến thời hạn thanh toán mà khách hàng không trả nợ theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
- Tiền lãi tính trên toàn bộ số nợ gốc theo mức lãi suất cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng mà đến hạn chưa trả;
- Trường hợp khách hàng không trả lãi đúng hạn thì phải trả thêm khoản lãi chậm trả theo mức lãi suất do bên cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không được vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
- Trường hợp khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, thì người vay phải trả lãi trên dư nợ gốc quá hạn trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 lãi suất quá hạn sẽ do bên vay và bên cho vay thỏa thuận và tuân theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì lãi suất quá hạn được tính bằng 1,5 lần lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng.
Công thức tính tiền lãi quá hạn
Lãi quá hạn = Nợ gốc quá hạn chưa trả x lãi suất vay theo hợp đồng vay x 1,5 x thời gian chậm trả (thời gian quá hạn).
Như vậy, lãi suất quá hạn là khoản tiền lãi được phát sinh khi đến thời hạn trả nợ trong hợp đồng mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ tiền gốc và lãi. Có thể hiểu mức lãi phạt quá hạn này được xem như là một sự bù đắp cho thiệt hại đối với bên cho vay khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ như thỏa thuận ban đầu.
Càng trả nợ chậm, người vay càng phải trả phí phạt và lãi cao
Phân biệt lãi chậm trả và lãi suất quá hạn
Đôi khi, bạn sẽ nhầm lẫn giữa lãi suất quá hạn và lãi chậm trả. Cả hai loại lãi này đều chưa được quy định cụ thể theo pháp luật nhưng lãi chậm trả lại phát sinh khi người vay không trả được nợ hoặc không trả đầy đủ khoản nợ theo cam kết.
Số tiền lãi chậm trả được tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi chậm trả sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất cho vay giới hạn tại thời điểm trả nợ là 20%/năm. Tương đương với mức lãi suất trả chậm là 10%/năm (tương đương 0,83%/tháng).
Trường hợp cho vay không có lãi, công thức tính lãi suất chậm trả như sau:
Lãi chậm trả = nợ gốc chưa trả x lãi chậm trả (0,83%/tháng) x thời gian chậm trả
Trường hợp cho vay có lãi, công thức tính lãi chậm trả như sau:
Lãi chậm trả = nợ gốc x lãi suất vay theo thỏa thuận trong hợp đồng x thời hạn vay x 0,83%/tháng x thời gian chậm trả.
Như vậy nếu đến thời hạn trả nợ trong hợp đồng mà bên đi vay chưa trả được nợ hoặc chưa thanh toán hết tiền gốc, lãi như cam kết, bên vay có trách nhiệm phải thanh toán toàn bộ khoản tiền gốc, lãi như cam kết trong hợp đồng và lãi phạt do trả nợ chậm.
Đặc biệt, đối với những khoản vay tín chấp, vay online, vay nợ thẻ tín dụng thì số tiền lãi phạt quá hạn, lãi trả chậm là rất cao, thậm chí có trường hợp người vay mất khả năng trả nợ. Do đó, để đảm bảo an toàn khi ký kết hợp đồng tín dụng, bên vay phải có phương án trả nợ rõ ràng, hợp lý, phù hợp với tình hình tài chính của mình, đồng thời có phương án dự phòng trong trường hợp có rủi ro tài chính dẫn đến trả nợ chậm.