Facebook Topi

15/05/2024

Hạn mức tín dụng là gì? Có các loại hạn mức tín dụng nào?

Hạn mức tín dụng là giới hạn tín dụng mà người cho vay đặt ra với người đi vay. Để có thể tăng hạn mức tín dụng thì cần có thu nhập tốt, tỷ lệ nợ thấp, lịch sử tín dụng đẹp và gia tăng tài sản tích luỹ. 

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Thẻ tín dụng là một công cụ tài chính hữu ích nhưng sẽ có giới hạn chi tiêu được gọi là hạn mức tín dụng. Bạn chỉ có thể chi tiêu tối đa hạn mức tín dụng của mình cho đến khi hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số dư nợ. Chi tiêu vượt quá mức này có thể bị phạt hoặc tính phí cao.  Bài viết này TOPI sẽ trình bày chi tiết về hạn mức tín dụng, cách phân loại, điều kiện được cấp hạn mức tín dụng và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chi tiêu lớn hơn hạn mức tín dụng của mình.

Hạn mức tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng (Credit limit) là số tiền tối đa mà một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cho một khách hàng hoặc một doanh nghiệp để vay hoặc sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

Theo quy định của Nhà nước, hạn mức tín dụng là công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để hạn chế tối đa dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Hạn mức tín dụng có thể áp dụng cho các loại tài khoản khác nhau như thẻ tín dụng, tín dụng cá nhân, vay vốn doanh nghiệp, và các sản phẩm tài chính khác.

Hạn mức tín dụng là gì

Khi tiến hành phát hành thẻ tín dụng, chủ thẻ và tổ chức tín dụng thoả thuận với nhau về hạn mức tín dụng gồm hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện (lịch sử tín dụng, thu nhập, tài sản đảm bảo…) của chủ thẻ và thoả mãn các quy định của pháp luật. Theo Điều 14 Thông tư 19/2016/TT-NHNN thì hạn mức thẻ tín dụng của một số loại thẻ như sau:

  • Hạn mức tín dụng rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài tối đa 30 triệu đồng/ngày;
  • Hạn mức tín dụng cho người có tài sản đảm bảo là tối đa 01 tỷ đồng;
  • Hạn mức tín dụng cho người không có tài sản đảm bảo là tối đa 500 triệu đồng.

Phân loại hạn mức tín dụng

Hạn mức tín dụng là gì

Hạn mức tín dụng sẽ được phân loại theo hình thức vay và thời điểm vay, cụ thể là:

Phân loại hạn mức tín dụng theo hình thức vay

Hạn mức khoản vay là số tiền tối đa cho một khoản vay mà ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẵn sàng cho khách hàng mượn. Số tiền này sẽ được giải ngân một lần hoặc tuỳ theo tiến độ sử dụng vốn của khách hàng.

Hạn mức thẻ tín dụng là số tiền tối đa trên thẻ tín dụng được ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cấp cho khách hàng để họ có thể chi tiêu trên các kênh thanh toán như rút tiền mặt, quẹt thẻ. Số tiền được cấp đều đặn theo tháng nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường trực của chủ thẻ.

Phân loại hạn mức tín dụng theo thời điểm vay

Nếu phân theo thời điểm vay có hạn mức tín dụng trung kỳ và hạn mức tín dụng cuối kỳ.

Hạn mức tín dụng cuối kỳ là số tiền tối đa mà khách hàng có thể nợ vào cuối chu kỳ thanh toán mà không bị phạt hoặc bị từ chối thanh toán. Đây là số tiền mà người vay có thể vay mà không vi phạm giới hạn được thiết lập trong hạn mức tín dụng của họ.

Hạn mức tín dụng trung kỳ được hiểu là hạn mức bổ sung cho hạn mức tín dụng cuối kỳ, phát sinh trong trường hợp hoạt động kinh doanh của đơn vị vay vốn bất ổn làm cho nhu cầu vay vốn vượt hạn mức tín dụng cuối kỳ. Đơn vị đi vay phải hoàn trả số vay nợ bổ sung trong kỳ để luôn đảm bảo không vi phạm quy định hạn mức tín dụng cuối kỳ.

Ngoài ra, cũng có nhiều quốc gia phân loại hạn mức tín dụng theo:

Hạn mức tín dụng quay vòng - giới hạn dành cho thẻ tín dụng và các tài sản quay vòng khác. Khách hàng có thể vay đến giới hạn tối đa và chỉ cần hoàn trả số tiền đã nợ, có thể chọn hình thức thanh toán tối thiểu mỗi tháng.

Hạn mức tín dụng trả góp - giới hạn đối với các khoản vay trả góp trong một khoảng thời gian nhất định.

Hạn mức tín dụng có bảo đảm - áp dụng với khách hàng có tài sản đảm bảo, nếu người vay không thể trả được nợ thì tài sản thế chấp sẽ bị tịch thu để trả nợ.

Hạn mức tín dụng không có bảo đảm - áp dụng với các khách hàng không có tài sản đảm bảo.

Điều kiện được cấp hạn mức tín dụng

Tuỳ từng ngân hàng và tổ chức tài chính cụ thể sẽ có các quy định và điều kiện khác nhau, nhưng chủ yếu họ dựa trên lịch sử tín dụng, thu nhập, tài sản đảm bảo… để đưa ra quyết định về hạn mức tín dụng. Độ tín nhiệm của khách hàng càng cao thì hạn mức tín dụng càng lớn.

Thu nhập là yếu tố đầu tiên xét duyệt hạn mức tín dụng của khách hàng. Đơn vị cho vay muốn đảm bảo về khả năng trả nợ của người đi vay, cho nên họ sẽ xem xét thu nhập hàng tháng và lịch sử làm việc của khách hàng. Họ sẽ yêu cầu bằng chứng về thu nhập như bản sao kê ngân hàng, phiếu lương…

Lịch sử tín dụng là yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng. Lịch sử tín dụng sẽ phản ánh hành vi vay và trả nợ trong quá khứ của khách hàng vay, dựa vào đây, đơn vị cho vay có thể đánh giá được mức độ tín nhiệm và mức độ rủi ro của khách hàng.

Hạn mức tín dụng là gì

Tài sản đảm bảo có hay không cũng là một yếu tố xét duyệt hạn mức tín dụng. Nếu có tài sản đảm bảo thì khách hàng sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Số tiền mà khách hàng yêu cầu là số tiền mà khách hàng mong muốn được vay cũng sẽ ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng của họ. Đơn vị cho vay cần bảo đảm số tiền mà khách hàng muốn vay tỷ lệ thuận với thu nhập và nghĩa vụ nợ của họ.

Tỷ lệ nợ trên thu nhập là thước đo số tiền thanh toán nợ hàng tháng của khách hàng theo phần trăm thu nhập hàng tháng. Tỷ lệ nợ trên thu nhập thấp có nghĩa là thu nhập của khách hàng đảm bảo luôn khả dụng cho việc trả nợ, đây là đặc điểm hấp dẫn để đơn vị vay có thể nâng hạn mức tín dụng cho người đi vay.

Ngoài ra điều kiện để được cấp hạn mức tín dụng có thể bao gồm:

Với các doanh nghiệp trong nước, cần có thời gian hoạt động kinh doanh liên tục từ 01 năm (12 tháng) trở lên bắt đầu tính từ thời điểm đăng ký kinh doanh;

Ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục đích vay vốn cũng như các phương án kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra;

Phương án kinh doanh của doanh nghiệp mang tính khả thi, đồng thời doanh nghiệp có thể chứng minh được năng lực tài chính và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình;

Không có nợ xấu tại các đơn vị cho vay vốn khác, có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp…

>> Xem thêm: Điểm tín dụng và cách nâng cao điểm tín dụng

Cách thay đổi hạn mức tín dụng

- Để thay đổi hạn mức tín dụng thì khách hàng cần thoả mãn điều kiện như sau:

Về thu nhập, cần phải chứng minh cho ngân hàng và tổ chức tín dụng biết nguồn thu nhập hiện tại của bạn cụ thể là bao nhiêu, cao hay thấp để có thể yêu cầu nâng hoặc hạ hạn mức tín dụng xuống.

Về tài sản đảm bảo, nếu có càng nhiều tài sản đảm bảo thì hạn mức tín dụng sẽ được nâng cao hơn. Các tài sản đảm bảo có thể là sổ tiết kiệm, nhà, xe, hợp đồng bảo hiểm…

Hạn mức tín dụng là gì

Về lịch sử tín dụng, cần xây dựng lịch sử tín dụng thật tốt bằng cách thanh toán nợ luôn đúng hạn, luôn sử dụng đúng mục đích, hạn chế hết mức có thể việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, không phát hành quá nhiều thẻ tín dụng tại nhiều đơn vị khác nhau, chi tiêu thường xuyên và luôn trong giới hạn kiểm soát…

- Thủ tục để bạn thay đổi hạn mức tín dụng như sau:

Để được xét duyệt hạn mức tín dụng mới thì khách hàng cần chuẩn bị một số giấy tờ:

Phiếu yêu cầu tăng/giảm hạn mức tín dụng, khách hàng sẽ khai vào phiếu này do đơn vị cho vay cung cấp;

Bản sao hợp đồng lao động có giá trị hiệu lực gần nhất;

Bản sao kê lương ba tháng gần nhất, với xác nhận của ngân hàng;

Tiền ký quỹ nếu sử dụng thẻ tín dụng bằng hình thức ký quỹ.

- Cách thực hiện việc thay đổi hạn mức tín dụng như sau:

Một số ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ thông báo cho khách hàng khi họ đủ điều kiện thay đổi hạn mức tín dụng, khách hàng có quyền đồng ý hoặc không. Nếu không đồng ý thì vẫn áp dụng hạn mức tín dụng cũ. Nếu đồng ý với hạn mức tín dụng mới thì bạn có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:

Cách thứ nhất, trực tiếp đến ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cấp hạn mức tín dụng cho bạn.

Bước 1, Điền vào mẫu đơn yêu cầu thay đổi hạn mức tín dụng;

Bước 2, Mang theo các giấy tờ cần thiết như đã nêu trên (bản sao hợp đồng lao động, bản sao lương, tiền ký quỹ);

Bước 3, Chờ kết quả thẩm định và thông báo xác nhận thay đổi hạn mức tín dụng từ ngân hàng.

Cách thứ hai, nâng hạn mức tín dụng online ngay tại nhà (áp dụng với ngân hàng và tổ chức tài chính có cung cấp dịch vụ nâng hạn mức tín dụng trực tuyến cho khách hàng).

Bước 1, Khách hàng đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng điện tử;

Bước 2, Tìm mục “hạn mức chi tiêu”;

Bước 3, Lựa chọn tăng hoặc giảm hạn mức chi tiêu thẻ tuỳ theo nhu cầu;

Bước 4, Điền đầy đủ và trung thực các thông tin mà ngân hàng yêu cầu rồi nhấn “Gửi”;

Bước 5, Kiểm tra lại các thông tin đã khai, nếu đã chính xác thì nhấn “Xác nhận”;

Bước 6, Nhập mật khẩu hoặc mã OTP để hoàn tất yêu cầu thay đổi hạn mức tín dụng, sau đó chờ phản hồi từ phía ngân hàng.

Lưu ý khi sử dụng hạn mức tín dụng

Điều quan trọng nhất khi sử dụng hạn mức tín dụng đó là đảm bảo việc sử dụng này đúng mục đích, có trách nhiệm và hiệu quả.

Cần hiểu rõ hạn mức tín dụng của bạn bằng cách đọc kỹ các điều khoản và điều kiện của hợp đồng tín dụng của bạn để hiểu rõ về hạn mức, lãi suất, phí và các điều kiện khác.

Đảm bảo rằng bạn có khả năng trả nợ. Sử dụng hạn mức tín dụng một cách thông minh và không vượt quá khả năng thanh toán hàng tháng.

Hãy sử dụng hạn mức tín dụng một cách thông minh, có mục đích rõ ràng, cụ thể, chẳng hạn như những chi tiêu mua sắm lớn cần chia nhỏ để giảm bớt gánh nặng tài chính, các chi phí bất ngờ phát sinh hoặc các chi phí trong tình huống khẩn cấp.

Hạn mức tín dụng là gì

Luôn giữ cho tỷ lệ nợ so với hạn mức tín dụng thấp hơn 30% để duy trì một hồ sơ tín dụng lành mạnh.

Thanh toán đầy đủ và đúng hẹn số tiền đã vay hoặc trả nợ nhiều hơn số tiền tối thiểu để tránh việc phát sinh thêm phí và lãi suất.

Luôn kiểm soát việc chi tiêu của bản thân, đảm bảo bạn không tiêu hết hạn mức tín dụng của mình và không vượt quá giới hạn đó. Nếu vượt quá hạn mức tín dụng thì bạn có thể tính phí quá mức, bị hạ hạn mức tín dụng thậm chí có thể bị đóng tài khoản.

Để tránh những rủi ro tài chính, cần bảo vệ thông tin cá nhân liên quan đến các hoạt động tín dụng. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu gặp vấn đề về thanh toán hoặc hỗ trợ, cần liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức phát hành để giải quyết kịp thời.

Tóm lại, hạn mức tín dụng có thể là một công cụ hữu ích khi sử dụng đúng cách, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý tài chính và đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân của chúng ta. Hi vọng các thông tin về hạn mức tín dụng mà TOPI đã cung cấp ở trên giúp bạn sử dụng tín dụng một cách hiệu quả và có trách nhiệm hơn.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/YxrKlDuu2uOQNtm78GeLH3jn2QYW8p7ZqWpWb3lN.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/VvUsgRKPmOmXWi1dQ1ti9RrFRj2PQ28Nxfu0e5fv.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger