Facebook Topi

06/10/2023

Lãi suất điều hành là gì? Các yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất điều hành

Lãi suất điều hành là công cụ của Ngân hàng Nhà nước dùng để điều tiết nền kinh tế. Tìm hiểu lãi suất điều hành SBV và những yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất điều hành.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Lãi suất điều hành là một trong những công cụ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) dùng để điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết lượng tiền lưu thông nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. 

1. Lãi suất điều hành là gì?

Lãi suất điều hành bao gồm một nhóm 5 loại lãi suất được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng để làm công cụ điều tiết lượng tiền tệ, các hoạt động tài chính nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thông qua đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển.

Lãi suất điều hành là gì?

Lãi suất điều hành do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và đưa ra

Ngân hàng Nhà nước là đơn vị nghiên cứu và đưa ra quyết định tăng/giảm lãi suất điều hành và định hướng cho lãi suất thị trường. Các ngân hàng thương mại sẽ dựa theo lãi suất điều hành để quyết định mức lãi suất cụ thể cho mình.

Lãi suất điều hành cũng ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn và điều chỉnh các loại lãi suất điều hành để phù hợp với mục tiêu vĩ mô.

2. Phân loại lãi suất điều hành

Hiện nay, nhóm lãi suất điều hành SBV đang sử dụng gồm có 5 loại sau:

Lãi suất chiết khấu

Lãi suất chiết khấu là lãi suất áp dụng trên khoản tiền các ngân hàng thương mại vay của Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu tiền mặt ngắn hạn hoặc bất thường. Khi tỷ lệ dự trữ tiền mặt không đủ, ngân hàng thương mại sẽ vay tiền của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo mức an toàn dự trữ tiền mặt.

Ngân hàng Trung ương là đơn vị cho vay cuối cùng khi không còn ai cung cấp dự trữ cho ngân hàng thương mại. Việc lãi suất chiết khấu tăng sẽ khiến các ngân hàng thương mại phải chủ động dự trữ tiền mặt, từ đó gián tiếp giảm cung tiền, giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. 

Ngược lại, nếu muốn tăng lượng cung tiền, SBV sẽ giảm lãi suất chiết khấu, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ vay nhiều hơn để đem cho vay ra thị trường. Lượng tiền lưu thông tăng lên kích thích người dân mua sắm và chi tiêu, các doanh nghiệp cũng có thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO)

Đây là lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong giao dịch bơm vốn cho các thành viên trên thị trường mở. Khi Ngân hàng Nhà nước muốn tăng cung tiền thì sẽ mua lại tín phiếu kho bạc từ ngân hàng thương mại và công chúng. Nghiệp vụ này làm tăng nguồn tiền dự trữ cho các ngân hàng thương mại, tăng lượng tiền cung ứng ra thị trường.

Lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO)

Có 5 công cụ trong nhóm lãi suất điều hành của SBV

Trong trường hợp thanh khoản hệ thống thiếu vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ chào mua Repo (tức là mua sau đó bán lại) giấy tờ có giá từ các ngân hàng thương mại và cung ứng thanh khoản ra hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên hành động này chỉ mang tính chất tạm thời vì ngân hàng thương mại sẽ phải mua lại số giấy tờ có giá đó sau một thời gian ngắn.

Lãi suất OMO là lãi suất linh hoạt, giúp hạn chế lạm phát hiệu quả.

Lãi suất tái cấp vốn

Khi ngân hàng thương mại đã cạn kiệt giấy tờ có giá, không thể vay chiết khấu hay vay tại thị trường mở thì chỉ còn phương án cuối cùng là vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước và lúc này sẽ áp dụng mức lãi suất tái cấp vốn.

Có thể hiểu đây là lãi suất phạt của Ngân hàng Nhà nước dành cho ngân hàng thương mại khi để xảy ra tình trạng cạn kiệt cả tiền dự trữ lẫn giấy tờ có giá. Chính vì thế mà lãi suất tái cấp vốn là mức lãi suất cao nhất trong các loại lãi suất điều hành của SBV.

Lãi suất tín phiếu

Khi thanh khoản từ hệ thống ngân hàng thương mại có dấu hiệu dư thừa, Ngân hàng Nhà nước có thể hút tiền từ hệ thống bằng cách chào bán Outright (mua đứt bán đoạn) tín phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn. Hiểu một cách đơn giản là ngân hàng Nhà nước vay vốn từ Ngân hàng thương mại và lúc này sẽ áp dụng lãi suất tín phiếu.

Lãi suất dự trữ bắt buộc

Các ngân hàng thương mại luôn phải có một lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc theo tỷ lệ quy định, số tiền này được gửi tại Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lãi suất dự trữ bắt buộc.

Theo quy định của ngành ngân hàng, để đảm bảo an toàn thanh khoản của ngân hàng: Khi khách gửi tiền vào hệ thống ngân hàng thì các ngân hàng thương mại phải trích ra một phần theo tỷ lệ để gửi lại tại Ngân hàng Nhà nước - đây gọi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Khi SBV nâng lãi suất dự trữ, các ngân hàng thương mại sẽ gửi tiền dự trữ nhiều hơn, từ đó giảm lượng tiền cung ứng ra thị trường. Ngược lại, nếu giảm lãi suất tiền gửi dự trữ, các ngân hàng thương mại sẽ đem tiền cho vay nhiều hơn, kích thích tín dụng tăng trưởng..

3. Mục đích của việc tăng, giảm lãi suất điều hành

Lãi suất điều hành được nghiên cứu và quyết định bởi Ngân hàng Nhà nước. Tùy theo thời điểm và tình hình kinh tế có thể tăng hoặc giảm theo chính sách của quốc gia.

Lãi suất điều hành giảm ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?

Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành, nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc lãi suất điều hành giảm sẽ khiến các ngân hàng thương mại giảm lãi suất theo khiến cho chi phí vay giảm, từ đó các doanh nghiệp có thể vay vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định lại nền kinh tế.

Lãi suất điều hành giảm cũng tác động đến thị trường tiền tệ, giảm áp lực lãi suất lên thị trường tài chính, làm giảm giá trị đồng tiền và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Thế nhưng giảm lãi suất điều hành lại làm tăng nguy cơ lạm phát, bởi vậy cần phải cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định.

Lãi suất điều hành giảm ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?

Lãi suất điều hành là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế

Tăng lãi suất điều hành tác động thế nào đến thị trường?

Nếu nền kinh tế có dấu hiệu phát triển quá nóng (tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững) và có nguy cơ gây ra sự suy giảm, lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành để ổn định lại tỷ giá, kiềm chế lạm phát.

Khi lạm phát đã được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó làm giảm lãi suất cho vay, kích thích tín dụng.

4. Những yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất điều hành

Mức cung - cầu tiền tệ

Lãi suất chính là giá của việc sử dụng vốn. Nếu nhu cầu về tiền (cầu) và khả năng cung ứng tiền (cung) không cùng một tỷ lệ thì sẽ gây ra sự biến động lãi suất thị trường. Mức biến động này ít hay nhiều phụ thuộc vào quy định của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

Hiểu ngắn gọn là:

Cung tiền tăng cao hơn cầu tiền >>> lãi suất giảm

Nhu cầu tiền tăng cao hơn nguồn cung tiền >>> lãi suất tăng.

Do vậy, việc tác động vào cung cầu trên thị trường vốn có thể dẫn đến thay đổi lãi suất cho phù hợp với mục tiêu, chiến lược trong từng thời kỳ như: Thay đổi cơ cấu vốn đầu tư, tập trung vốn cho các dự án trọng điểm. Nếu muốn lãi suất ổn định thì thị trường vốn phải đảm bảo ổn định và vững chắc.

Mức cung - cầu tiền tệ

Lãi suất điều hành tăng/giảm ảnh hưởng đến cung cầu tiền tệ

Tình hình lạm phát

Khi dự tính lạm phát tăng trong giai đoạn tới, có nghĩa là chi phí vay tiền giảm, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp tăng vay tiền để mở rộng kinh doanh, kéo cho nhu cầu vay vốn tăng lên. Khi đó, lãi suất thường có xu hướng tăng.

Lạm phát tăng đòi hỏi lãi suất danh nghĩa phải tăng tương ứng. Khi công chúng dự đoán lạm phát tăng, thay vì tiết kiệm tiền sẽ đổ vào dự trữ hàng hóa hoặc các dạng tài sản khác như vàng, ngoại tệ mạnh hay đầu tư ra nước ngoài. Những hành động này làm giảm nguồn cung cho vay và gây áp lực khiến lãi suất thị trường tăng lên.

Sự ổn định của nền kinh tế

Trong một nền kinh tế ổn định, lãi suất thường có xu hướng giảm. Nguyên nhân là bởi kinh tế ổn định thì cuộc sống người dân ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh đều đặn khiến của cải vật chất tăng lên. Cuộc sống người dân thịnh vượng hơn và có xu hướng dùng tiền để chi tiêu hoặc đầu tư thay vì tiết kiệm. Nguồn cung cho vay vốn cũng vì thế tăng lên khiến cho lãi suất có xu hướng giảm.

Trong một nền kinh tế phát triển mạnh, các doanh nghiệp sẽ vay vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh làm cho nhu cầu vay vốn tăng lên, lãi suất vì thế sẽ tăng theo.

Các chính sách của Nhà nước

- Chính sách tài chính

Bao gồm chi tiêu của Chính phủ và chính sách thuế khóa. Đây là hai yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất. Nếu Nhà nước tăng chi tiêu và giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến thăng bằng của thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ và tác động đến lãi suất.

Chi tiêu của Chính phủ sẽ làm làm tăng tổng cầu. Thuế giảm khiến doanh nghiệp và người dân có nhiều thu nhập hơn, sẵn sàng chi tiêu hơn. Việc giảm thuế cũng khiến các doanh nghiệp tăng đầu tư vào nhà máy, máy móc khiến cho tổng sản phẩm tiềm năng tăng lên, tăng lượng cầu tiền tệ.

- Chính sách tiền tệ

Ngân hàng Trung ương đóng vai trò chỉ huy hệ thống ngân hàng của một quốc gia. Ngân hàng Trung ương dùng các công cụ lãi suất để điều tiết hoạt động của nền kinh tế vĩ mô như: Quy định lãi suất cho thị trường; thực hiện chính sách thị trường mở, chính sách lãi suất tái chiết khấu, tăng hay giảm mức dự trữ bắt buộc.

Các chính sách của Nhà nước

Chính sách của Nhà nước ảnh hưởng đến sự tăng/giảm lãi suất

- Chính sách thu nhập

Chính sách về giá cả và tiền lương ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nếu giá cả giảm mà cung tiền không đổi thì giá trị của tiền tăng lên, với cùng một số tiền người dân có thể mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, do vậy sẽ khuyến khích chi tiêu làm lượng tiền lưu thông tăng lên, lãi suất giảm.

Ngược lại, giá cả cao hơn trong khi thu nhập người dân không đổi sẽ khiến người dân tăng tiết kiệm, giảm nguồn tiền lưu thông, từ đó lãi suất tăng lên.

Ngoài chi phí sản xuất ra thì chi phí tiền lương cũng tác động đến lãi suất. Khi tiền lương tăng làm cho chi phí sản xuất tăng, nếu giá cả sản phẩm không tăng thì doanh nghiệp sẽ bị giảm lợi nhuận, do đó sẽ giảm nhu cầu đầu tư. Cầu giảm khiến cho lãi suất giảm.

- Chính sách tỷ giá

Chính sách về tỷ giá ngoại tệ cũng gây ra biến động lãi suất do tỷ giá tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các công ty xuất khẩu, nhập khẩu. Khi tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu dẫn đến tăng chi phí đầu vào, điều này gián tiếp làm cho giá cả hàng hóa trong nước tăng theo, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Khi lợi nhuận giảm thì doanh nghiệp giảm nhu cầu vốn đầu tư, do vậy lãi suất thị trường sẽ giảm.

Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng khiến cho lượng tiền cung ứng ra thị trường để đảm bảo cân đối ngoại tệ tăng lên, lãi suất giảm. 

Thông thường, khi thấy tiền nước mình bị sụt giảm giá trị, ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm bớt cung tiền, nâng lãi suất trong nước làm cho đồng tiền vững mạnh.

Tỷ giá ngoại tệ giảm nghĩa là đồng tiền trong nước tăng giá. Điều này không kích thích xuất khẩu mà kích thích nhập khẩu. Lượng tiền tệ tăng do tỷ giá thấp, cùng một lượng vốn đầu tư sẽ được nhiều tài sản hơn, từ đó kích thích đầu tư vào sản xuất, lãi suất tăng lên. 

Như vậy khi nền công nghiệp trong nước cạnh tranh với công nghiệp nước ngoài tăng lên sẽ có thể gây ra áp lực buộc ngân hàng Trung ương phải theo đuổi tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ cao hơn nhằm hạ thấp tỷ giá.

Tóm lại, lãi suất điều hành là công cụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dùng để điều tiết và cân bằng nền kinh tế. Hy vọng rằng thông tin TOPI chia sẻ có thể khiến bạn hiểu rõ về những yếu tố tác động và gây ra sự tăng hoặc giảm lãi suất điều hành, tác động đến thị trường thế nào để có phương hướng đầu tư phù hợp.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI