Tự do tài chính sẽ giúp bạn có một cuộc sống đúng như mong muốn mà không phải chịu áp lực về tiền bạc. 9 bước giúp bạn tiến tới tự do tài chính nhanh nhất: hiểu về tình trạng tài chính của bản thân, lập ra mục tiêu tài chính rõ ràng, theo dõi và quản lý chi tiêu hàng ngày, cân đối chi tiêu hợp lý, tiết kiệm trước, chi tiêu sau, trả những khoản nợ xấu, tạo khoản dự phòng cho tương lai, tạo thêm nguồn thu nhập và đầu tư.
I. Lợi ích của việc lập kế hoạch tự do tài chính
Tự do tài chính không đồng nghĩa với việc giàu có, sở hữu biệt thự siêu hay mà nó là sự cân đối trong thu và chi, hướng tới một cuộc sống không bị ràng buộc bởi tiền bạc. Bạn sẽ luôn có một dòng tiền đáng tin cậy, cho phép bạn sống cuộc sống bạn mong muốn, thực hiện những điều bạn muốn thực hiện mà không cần phải lo lắng về bất cứ khoản nợ, hóa đơn hay sự cố nào.
Thiết lập kế hoạch tự do tài chính cho bản thân một cách tốt nhất
Hiện nay, xu hướng nghỉ hưu sớm đang rất phổ biến trong xã hội, mọi người chọn cách tận hưởng cuộc sống, tránh xa các áp lực căng thẳng và các mối quan tâm xã hội không cần thiết. Và tự do tài chính có thể giúp bạn đạt được nguyện vọng có thể nghỉ hưu sớm này.
Nhiều người nghĩ đây có lẽ chỉ là lý thuyết chứ không thể thực hiện ngoài đời thực được. Không phải đâu, ai cũng có thể đạt được tự do tài chính, chỉ cần kiên trì thực hiện đến cùng 9 bước đạt tự do tài chính tiếp ngay sau đây.
II. 9 Bước để đạt tự do tài chính tối ưu nhất
Bước 1: Hiểu về tình trạng tài chính của bản thân
Bước đầu tiên của quá trình, trước hết bạn phải hiểu được tình trạng tài chính của bản thân đang như thế nào: thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, nợ bao nhiêu, đã tiết kiệm được gì chưa, đã tham gia đầu tư kiếm được lời gì chưa?...
Chúng ta sẽ không thể đạt tới tự do tài chính nếu không biết mình có gì trong tay, không biết mình đang ở đâu và nên làm như thế nào. Vì vậy xác định vị thế tài chính của bản thân là bước quan trọng đầu tiên. Để thực hiện được điều này, bạn phải bình tĩnh và ngồi xuống bắt tay vào tính toán.
Bạn hãy nhớ thật kĩ và tính cả những khoản nhỏ nhất, không bỏ sót bất cứ khoản nào, từ thế chấp, thẻ tín dụng, mua trả góp, vay mượn, tài khoản tiết kiệm, tiền nhờ giữ….
Sau đó, phân các số liệu theo từng nhóm và cộng lại, bạn sẽ có bức tranh tổng thể và chi tiết về tình hình tài chính của bản thân. Chuẩn bị tinh thần có khi sẽ bị shock đấy nhé.
Cuối cùng, cần phải lưu lại những con số ấy để sử dụng cho các bước tiếp theo.
Mắn được tình hình tài chính cá nhân của bản thân để có kế hoạch phù hợp nhất
Bước 2: Lập ra mục tiêu tài chính của bản thân
Trước khi thực hiện bất cứ việc gì, đặc biệt là một kế hoạch quan trọng và dài hơi như kiếm tiền để tự do tài chính thì đều cần đặt ra mục tiêu rõ ràng.
Mục tiêu tài chính ở đây chính là câu trả lời cho câu hỏi “tại sao bạn cần tiền”. Để trả nợ, đầu tư, nghỉ dưỡng hay mua nhà mua xe… hãy liệt kê ra 5 mục tiêu gần nhất mà bạn muốn đạt được. Mốc thời gian cao nhất là 20 năm.
Càng chi tiết hóa các mục tiêu càng tốt: cụ thể các bước thực hiện, thời hạn hoàn thành… càng cụ thể, đo lường được thì càng tốt. Đôi lúc bạn có thể quên cách thực hiện nhưng luôn cố gắng đạt được mục tiêu trong vô thức.
Có thể mục tiêu và kế hoạch sẽ không thể hoàn thành trong 1 tháng hay 1 năm nhưng chắc chắn sẽ có những thay đổi nếu có mục tiêu rõ ràng. Thậm chí, mục tiêu sẽ trở thành thói quen vô thức của bạn mặc dù kế hoạch có khi bạn đã lãng quên từ khi nào rồi. Biết chính xác mong muốn sẽ giúp bạn thực hiện được mục tiêu tài chính rõ ràng hơn.
Tiến hành lập mục tiêu và kế hoạch tài chính cho riêng mình
Bước 3: Theo dõi và quản lý chi tiêu hàng ngày
Theo dõi và quản lý chi tiêu là một bước vô cùng quan trọng, nó khiến bạn nhìn ra trách nhiệm của bản thân với số tiền mình đã kiếm ra. Việc này cũng giúp bạn xác định được những chi tiêu không cần thiết để có biện pháp hạn chế đi.
Hãy thống kê toàn bộ những chi tiêu của bạn bằng cách viết hết ra hoặc sử dụng những phần mềm, ứng dụng để dễ theo dõi và tính toán. Đây là việc mà ai nghe qua cũng nghĩ là rất đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ, nghĩ là dễ, song không phải ai cũng có thể thực hiện nó một cách thường xuyên và nghiêm túc.
Hãy chọn 1 phương pháp thuận tiện cho bạn nhất trong các cách sau: dùng sổ viết tay, note điện thoại, bảng tính excel hoặc ứng dụng trên điện thoại. Việc chọn hình thức ghi chép cũng quan trọng không kém quan trọng so với các bước khác bởi nó sẽ giúp bạn không mất quá nhiều thời gian và tránh bị quên những món nhỏ nhỏ.
Theo dõi sát kế hoạch mà mình đã đề ra
Bước 4: Cân đối thu chi hợp lý
Chúng ta nên đặt ra các hạn mức cho từng khoản chi làm sao để vừa vặn với số tiền thu về nhất. Tùy theo nhu cầu và thu nhập từng người mà ngân sách sẽ khác nhau. Nhưng hãy nhớ chi cho bản thân trước, nghĩa là bạn tự chuyển một khoản nhất định từ số thu nhập tại thời điểm nhận vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư, sau đó mới chi tiêu tiếp.
Tại sao phải làm như vậy? Số tiền mà bạn chuyển vào chính là số tiền đảm bảo cho tương lai, giúp bạn tránh rơi vào hoàn cảnh rỗng túi khi có trường hợp khẩn cấp, hoặc số tiền này bạn cũng có thể để dành vào đầu tư bản thân.
Bước 5: Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Tiền tiết kiệm mới thực sự là số tiền cứu cánh bạn những lúc khó khăn, ai cũng cần sở hữu một khoản bằng với chi phí thiết yếu từ 3 - 6 tháng. Có tiền tiết kiệm rồi mới nghĩ tới các món chi tiêu, bởi chúng ta có thể cắt - giảm chúng bất cứ lúc nào.
Chi tiêu ít đi không có nghĩa là phải sống trong khốn khổ, mà ta chỉ giảm những chi phí nên giảm và có thể giảm được.
Ví dụ, một số món đồ không quá cần thiết như quần áo, túi giày mũ ta có thể không mua, hình thành thói quen tốt, không mua sắm một cách bốc đồng.
Tiết kiệm trước và chi tiêu khoản còn lại
Xem thêm: Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?
Bước 6: Trả những khoản nợ xấu
Có nhiều người quan niệm rằng đầu tư tiền vào các khoản đầu tư tài chính như cổ phiếu sẽ khôn ngoan hơn thay vì trả nợ. Điều này sẽ hoàn toàn chính xác nếu như bạn là một chuyên gia đầu tư chứng khoán, còn nếu bạn chỉ là F0 vừa bước chân vào thị trường thì nguy cơ mắc nợ nhiều hơn có thể đang chờ bạn.
Càng ít nợ thì dòng tiền của bạn càng dồi dào, ở đây không có nghĩa là khuyên bạn không nên nợ, nhiều khi những món nợ ấy là động lực để bạn kiếm thêm được nhiều tiền hơn.
Những khoản nợ xấu là những khoản nợ không thể giúp bạn tăng thêm thu nhập, khiến tài chính của bạn kiệt quệ, xếp hạng tín dụng cũng từ đó giảm theo.
Vì vậy trước khi quyết định mang tiền đầu tư vào lĩnh vực nào đó, thì hãy mang lại cho bản thân mình một cảm giác nhẹ nhàng bằng cách xóa sổ các khoản nợ. Đây cũng là một trong những bước để giúp dòng tiền trong tương lai của bạn trở lên dồi dào hơn, nâng cao xếp hạng tín dụng và mục tiêu tự do tài chính sẽ thực tế hơn.
Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cách: Ưu tiên trả những khoản nợ có lãi suất cao nhất trước, rồi dần dần trả các khoản nợ lớn nợ nhỏ khác. Hãy dựa trên tình hình tài chính của bản thân và thực tế để ra quyết định phù hợp.
Bước 7: Tạo khoản dự phòng cho tương lai
Quỹ dự phòng này giúp bạn giải quyết các khó khăn nhanh chóng trong trường hợp các vấn đề xấu hơn tiếp diễn, bạn cũng có thể tự chủ kinh tế mà không cần phụ thuộc vào việc vay mượn bạn bè người thân. Nó cũng giúp bạn rèn luyện thói quen tiết kiệm trong tiêu xài.
Mỗi tháng hãy trích khoảng 2 - 5% thu nhập để dành cho khoản hưu trí, nghỉ ngơi du lịch, hoặc ít nhất bạn phải dành ra được 3 tháng tiền sinh hoạt phí. Ngoài ra có thể mua bảo hiểm nhân thọ hoặc đầu tư tài chính để khoản tiền này tiếp tục sinh lời.
Có khoản dự phòng cho tương lai
Bước 8: Tạo thêm nguồn thu nhập
Tự do tài chính sớm chưa bao giờ là con đường dễ dàng, để đạt được điều này bạn sẽ phải hy sinh nhiều thứ: mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu để làm việc theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên khi đạt tới thì quả không chỉ có vị ngọt mà còn vô cùng đáng giá.
Các chuyên gia tài chính thường khuyến khích mọi người ai cũng nên có từ 5 - 7 nguồn thu nhập khác nhau nếu muốn tự do tài chính nếu chưa có công việc ổn định. Còn ngược lại, đã có 1 công việc ổn định thì bạn nên tìm 4 – 6 nguồn thu nhập khác nữa.
Bổ sung theo hai cách: chủ động và thụ động. Chủ động là công việc phải bắt buộc đánh đổi thời gian để lấy tiền, ngoài công việc ổn định, bạn có thể làm thêm ngoài giờ. Thụ động là công việc mà bạn chỉ thực hiện 1 lần còn lại đồng tiền sẽ tự động luân chuyển (ví dụ bạn viết code bán nội dung số, khóa học, đầu tư cổ phiếu…)
Bước 9: Đầu tư
Bước triển vọng nhất trong việc đạt tự do tài chính là đầu tư, đầu tư càng sớm càng tốt. Bạn hãy tăng dần các khoản đầu tư mỗi năm với tỷ lệ cao hơn mức tăng thu nhập cá nhân.
Đầu tư một cách thông minh vào kênh tài chính phù hợp nhất với bản thân
Không phải ai bẩm sinh cũng có giác quan nhạy bén trong việc đầu tư. Bạn bắt buộc phải học nhiều, nghe nhiều, trải nghiệm nhiều.
Một số loại hình đầu tư mà bạn có thể lựa chọn là: cổ phiếu, chứng khoán, quỹ mở, tham gia vào kinh doanh, môi giới bất động sản, đầu tư vàng.
Nếu bạn vẫn mông lung về tình hình tài chính hoặc là kế hoạch tài chính của bản thân, hãy thử tham khảo tính năng lập kế hoạch tài chính của ứng dụng TOPI để có quyết định chính xác cho bản thân.
Tự do tài chính là mong muốn của rất nhiều người nhưng không phải dễ dàng mà đạt được. Cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng và đặc biệt phải tuân thủ tuyệt đối những nguyên tắc đã đặt ra. Chúc các bạn may mắn.