Theo Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, người dùng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu/lần hoặc 20 triệu/ngày trở lên. Tìm hiểu cách đăng ký thông tin sinh trắc học online qua điện thoại và trực tiếp tại ngân hàng.
Khái niệm sinh trắc học
Sinh trắc học - Biometrics - là ngành khoa học sử dụng các đặc điểm sinh học của con người (vân tay, giọng nói, khuôn mặt, chữ viết tay, mống mắt…) để nhận dạng và xác thực danh tính. Chuyên ngành này ứng dụng phân tích toán học thống kê xác suất để nghiên cứu các hiện tượng sinh học hoặc các chỉ tiêu sinh học có thể đo lường được.
Thông tin sinh trắc học của cá nhân là ổn định và duy nhất
Theo nghiên cứu, đặc điểm sinh trắc học của mỗi người là duy nhất, không ai giống ai kể cả các cặp sinh đôi, do đó, áp dụng sinh trắc học vào nhận diện và xác thực nhân thân không chỉ đảm bảo tính ổn định, độc nhất mà còn nhanh chóng và thuận tiện, không đòi hỏi ghi nhớ mật khẩu phức tạp.
Phương pháp này có nguồn gốc từ thế kỷ 19 và đã phát triển mạnh mẽ với sự tiến bộ của công nghệ, từ việc lăn tay trên mực đến quét vân tay kỹ thuật số. Sinh trắc học không chỉ giúp cải thiện an ninh và bảo mật thông tin mà còn được ứng dụng trong việc phân tích tâm lý, giúp hiểu rõ hơn về các phẩm chất và tài năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân thông qua các mô hình vân tay.
Ứng dụng phổ biến của sinh trắc học
Công nghệ sinh trắc học là một cuộc cách mạng trong việc nhận diện cá thể con người và đang ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngày nay, sinh trắc học được ứng dụng phổ biến ở nhiều lĩnh vực, điển hình như:
- Bảo mật thông tin và xác minh danh tính: Sinh trắc học đang dần thay thế hoặc bổ sung cho các phương pháp xác minh danh tính truyền thống như mã PIN, mật khẩu… Công nghệ này sử dụng các đặc điểm sinh học của con người (ví dụ: vân tay, khuôn mặt, võng mạc) để xác minh danh tính và bảo vệ dữ liệu.
- An ninh và luật pháp: Sinh trắc học vân tay thường được sử dụng để kiểm soát truy cập vào điện thoại, ứng dụng hay kiểm soát an ninh tại các sân bay… và vô cùng hữu ích trong quá trình điều tra tội phạm.
- Y tế: Sinh trắc học có thể áp dụng trong việc xác minh danh tính bệnh nhân, quản lý hồ sơ y tế và kiểm soát truy cập vào dữ liệu y tế.
- Công nghệ thông tin: Sinh trắc học được tích hợp trong các thiết bị như smartphone, máy tính, chấm công và các ứng dụng khác để đảm bảo tính bảo mật và thuận tiện cho người dùng.
Công nghệ sinh trắc học được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống
Đơn giản nhất, có thể thấy dấu vân tay, mống mắt được dùng để mở khóa điện thoại hoặc xác nhận yêu cầu chuyển tiền, mở khóa cửa, chấm công… Ứng dụng của sinh trắc học từ đơn giản đến nâng cao hiện diện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Cũng chính vì thế mà ngày nay, khi người dân làm Căn cước công dân sẽ được thu thập sinh trắc học bên cạnh những thông tin cá nhân thông thường. Theo Quy định tại Điều 7 Nghị định 59/2022/NĐ-CP về danh tính điện tử công dân Việt Nam, ngoài thông tin cá nhân, ảnh chân dung và dấu vân tay, người dân sẽ cung cấp thêm các thông tin sinh trắc học để làm định danh điện tử.
Từ 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng sinh trắc học
Thời gian qua, không ít người đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng tự xưng là người của các cơ quan chức năng như: Công an, thanh tra giao thông... và đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác (yêu cầu cập nhật thông tin CCCD, báo người dân có dính líu đến vụ án…), truy cập vào phần mềm, đường link có mã độc, sau đó, đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản hoặc điện thoại để lấy hết tiền.
Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/7/2024, mọi giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu/lần hoặc trên 20 triệu/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học với khuôn mặt, vân tay. Đối với giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu hoặc không quá 20 triệu/ngày thì chỉ cần xác thực bằng mã OTP.
Bắt buộc xác thực sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng cần bổ sung thêm phương thức xác thực OTP gửi qua tin nhắn, giọng nói hoặc Soft OTP/Token OTP. Cùng với đó, ngân hàng cần gửi email/SMS cho khách hàng (theo thông tin khách hàng đã đăng ký), thông báo về việc đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng của mình trên thiết bị mới hay khi người dùng yêu cầu cấp lại mật khẩu.
Các tổ chức tín dụng bắt buộc phải triển khai các biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trực tuyến trên Internet. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải lưu trữ thông tin về thiết bị giao dịch online và nhật ký xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng.
Vì sao phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền?
Mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chủ tài khoản đang thực hiện giao dịch. Xác thực sinh trắc học là xác thực bằng khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài sẵn trên điện thoại hay hình ảnh chụp trước. Người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào camera, thực hiện yêu cầu nhìn lên nhìn xuống theo hướng dẫn để đảm bảo đây là hình ảnh sống. Khuôn mặt của người thực hiện giao dịch chuyển tiền sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ Căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý và được lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.
Xác thực sinh trắc học giúp nâng cao an toàn cho tài khoản
Công nghệ này có tính bảo mật cao nhất và được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả. Do đó, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền. Trường hợp kẻ gian hack được tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính khi đối chiếu với thông tin sinh trắc học.
Cách xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền theo yêu cầu của ngân hàng
Để tăng cường bảo mật và tránh gián đoạn khi thực hiện giao dịch trực tuyến, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng đăng ký và cài đặt sinh trắc học trước ngày 1/7/2024.
Có 2 cách để cài đặt sinh trắc học:
- Cách 1: Mang CCCD đến các điểm giao dịch của ngân hàng
- Cách 2: Nếu có CCCD gắn chip, bạn có thể tự xác thực online tại nhà ngay trên ứng dụng của ngân hàng.
1. Quy trình xác thực sinh trắc học online trên internet Banking
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng và thao tác theo các hướng dẫn. Mỗi ngân hàng sẽ có các hướng dẫn đăng ký thông tin khác nhau, nhưng về cơ bản sẽ theo các bước sau:
Bước 1: Tùy từng ngân hàng, bạn có thể bắt đầu cài đặt sinh trắc học bằng cách vào các mục như: Cài đặt/Hồ sơ/Thông tin cá nhân/Tiện ích… Sau đó, lựa chọn >>> Sinh trắc học/Xác thực khuôn mặt/Cài đặt bảo mật giao dịch…
Chụp mặt trước, sau và QRcode trên CCCD gắn chip
Bước 3: Chụp mặt trước của CCCD gắn chip >>> Tiếp theo chụp phần QRCode ở góc bên phải của thẻ căn cước >>> Chụp mặt sau của CCCD. Lưu ý: Chọn chỗ chụp có đủ ánh sáng, không để CCCD bị bóng, mờ hoặc che góc, che số.
Bước 4: Chụp ảnh khuôn mặt (tùy từng ngân hàng, có thể yêu cầu người dùng phải thực hiện các thao tác như quay trái, quay phải, đọc to số hiện trên màn hình…)
Bước 5: Áp thẻ CCCD vào mặt sau của điện thoại để đọc chip thông qua NFC. Tùy từng dòng điện thoại mà chip NFC có thể ở phía trên điện thoại (gần cụm camera) hoặc ngay chính giữa điện thoại.
Chạm CCCD gắn chip vào sau điện thoại để quét NFC
Bước 4 và bước 5 có thể đổi chỗ cho nhau tùy theo từng ngân hàng.
Việc ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học sẽ giúp tăng cường độ phức tạp của quy trình giao dịch, ngăn chặn tài khoản bị truy cập trái phép và hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo nên mặc dù có hơi mất công một chút, nhưng chính là đang bảo vệ cho bạn và tài sản của bạn.
Đối với những bạn mở tài khoản ngân hàng online (tải app của ngân hàng và tự đăng ký tại nhà), hầu hết đã được xác thực bằng eKYC ngay khi tạo tài khoản, do đó thông tin sinh trắc học đã được lưu trữ sẵn, không cần thực hiện xác thực nữa, trừ khi bạn muốn thay đổi thông tin.
Một số người sử dụng tính năng xác thực vân tay, khuôn mặt từ lâu để đăng nhập điện thoại hoặc chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử nhưng vẫn được yêu cầu phải xác thực sinh trắc học bởi về bản chất, việc sử dụng vân tay/khuôn mặt theo cách trên là do hệ điều hành điện thoại so sánh vân tay, khuôn mặt của người dùng với dữ liệu đã đăng ký trên thiết bị và truyền kết quả xác thực cho ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, không phải thông tin sinh trắc học gắn với CCCD mà bạn đăng ký với ngân hàng.
2. Dòng smartphone nào có thể đọc chip NFC?
Để tự xác thực sinh trắc học tại nhà, ngoài việc phải có thẻ CCCD gắn chip, điện thoại của bạn cần phải có tính năng đọc chip NFC. Những dòng smartphone đời mới thường tích hợp đầu đọc chip trong phần cứng. Tùy theo hệ điều hành mà điện thoại của bạn có thể đọc chip trực tiếp hoặc phải cài đặt thêm phần mềm hỗ trợ. Các dòng điện thoại/hệ điều hành sau có thể đọc chip trực tiếp trên điện thoại:
iPhone/iOS:
- Từ iPhone XS (2018) trở đi
- Hệ điều hành iOS 14 trở lên
- iPhone 6s đến iPhone X: Cần có phần mềm hỗ trợ.
Một số app đọc NFC cho iphone, iPad trên App Store
Android:
- Thuộc phân khúc tầm Trung hoặc cao cấp sản xuất từ năm 2018 trở đi.
- Hệ điều hành Android 6.0 trở lên
NFC là viết tắt của Near Field Communication (công nghệ giao tiếp trường gần). Công nghệ NFC được phát triển từ công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - Nhận dạng tần số vô tuyến) trong nhiều thập kỷ. Hàng loạt thiết bị trong đời sống ngày nay đang ứng dụng công nghệ này, như: Tính năng thanh toán di động của Apple Pay, Samsung Pay hay Google Pay, thẻ từ đi thang máy, thẻ thu phí tự động, thẻ sinh viên, nhân viên…
Cả RFID và NFC hoạt động theo nguyên tắc ghép cảm ứng, chỉ khác nhau ở phạm vi truyền sóng. RFID có thể đọc ở khoảng cách lên đến vài chục mét nếu thẻ được trang bị nguồn điện trong khi NFC là dạng chip tĩnh, không cần nguồn điện, không dùng PIN nhưng có phạm vi hoạt động ngắn, chỉ vài cm và không tự phát tín hiệu.
Chip theo công nghệ NFC chỉ được “đánh thức” khi được tích điện từ trường. Chip cần được gắn trên đầu đọc (smartphone hoặc đầu đọc thẻ) và chỉ truyền dữ liệu khi được tiếp xúc ở khoảng cách rất gần, nhằm hạn chế bị kích hoạt ngẫu nhiên, giúp bảo mật dữ liệu nhạy cảm.
3. Xác định vị trí NFC để xác thực sinh trắc học thành công
Trước khi quét chip NFC, hãy đảm bảo rằng điện thoại của bạn đã được kết nối với Internet, để sau khi quét thành công có thể truy cập ngay được trang chứa thông tin.
Đối với hệ điều hành iOS, dòng điện thoại iPhone XS (2018) trở đi
Bước 1: Xác định vị trí đầu đọc chip NFC: Đối với điện thoại iPhone, đầu đọc NFC thường nằm ở mặt lưng, phần đầu, kế bên camera.
Bước 2: Chạm trực tiếp chip vào vị trí đầu đọc trên thiết bị sát vào ⅔ biểu tượng chip. Thiết bị cần ở trạng thái màn hình khóa và để yên tĩnh, tránh rung lắc.
Bước 3: Bấm nút nguồn hoặc chạm vào màn hình của thiết bị để hiển thị thông báo đọc chip NFC.
Bước 4: Chọn đọc chip NFC, thời gian chờ để thiết bị kích hoạt và nhận tín hiệu khoảng từ 1-2 giây.
Vị trí NFC của các dòng điện thoại hiện nay
Đối với dòng điện thoại từ iPhone 6s đến iPhone X
Bước 1: Xác định vị trí đầu đọc chip NFC (như bước trên)
Bước 2: Truy cập App Store và tải ứng dụng đọc NFC cho điện thoại. Có khá nhiều ứng dụng trên App Store để lựa chọn.
Bước 3: Mở App đọc NFC, nhấn nút “Read NFC” (hoặc tương tự) sau đó chạm phần gắn chip của CCCD vào vị trí đọc chip trên thiết bị sát vào ⅔ biểu tượng chip NFC, đợi điện thoại đọc và thông báo hoàn thành.
Đối với các dòng smartphone chạy hệ điều hành Android
Bước 1: Bật tính năng NFC trên thiết bị. Nếu NFC của bạn mặc định tắt, có thể vào “Cài đặt” >>> chọn “Tìm kiếm” >>> nhập “NFC” >>> Bật NFC
Bước 2: Xác định vị trí đầu đọc chip NFC: Vị trí đầu đọc chip NFC của các hãng điện thoại thông minh có chút khác biệt. Đối với điện thoại Samsung Galaxy S21, 22, 23, đầu đọc chip NFC có thể nằm ở giữa điện thoại. Điện thoại Samsung Galaxy các dòng A và Oppo Reno, đầu đọc NFC thường bố trí ở phần đầu điện thoại, gần cụm camera.
Bước 3: Chạm CCCD (phần gắn chip) vị trí đầu đọc chip trên thiết bị sát vào biểu tượng chip NFC và nhấn “đọc NFC”, chờ từ 1 - 2 giây cho đến khi hệ thống gửi thông báo hoàn thành.
Do điện thoại không có NFC, một số người dùng mua đầu đọc thẻ NFC trên mạng (với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng) về để thực hiện, nhưng theo chuyên gia, bản chất dữ liệu đọc từ CCCD và dữ liệu xác thực khuôn mặt sẽ xử lý bằng phần mềm của ngân hàng. Do đó, không thể tự mua đầu đọc NFC để xác thực sinh trắc học, vì phần mềm ngân hàng không thể kết nối với thiết bị đọc cắm ngoài của người dùng.
4. Vì sao điện thoại của bạn khó quét NFC trên CCCD gắn chip?
Nếu điện thoại của bạn có tính năng đọc NFC và bạn đã bật tính năng và thực hiện theo các bước trên mà vẫn không quét được thì hãy kiểm tra xem bạn có mắc các lỗi sau đây không nhé:
- Liên tục di chuyển chip qua các vị trí: Nhiều người không chắc chắn đầu đọc NFC trên điện thoại của mình ở phần nào nên liên tục đưa CCCD rà khắp các vị trí dẫn đến không đọc được. Bạn cần nắm được vị trí và đặt chip đủ gần, giữ cố định.
- Chip NFC bị che bởi lớp phủ kim loại, bị dính nước: Do NFC được kích hoạt bằng từ trường nên nếu chip bị phủ một lớp kim loại hoặc bị dính nước sẽ khiến năng lượng bị phân tán, việc quét thẻ sẽ thất bại. Tốt nhất bạn hãy tháo bỏ ốp lưng điện thoại, túi đựng thẻ… trước khi quét NFC.
- Không phải app nào cũng thực hiện quét ngay khi bạn đưa chip vào khu vực đọc thẻ. Có ngân hàng yêu cầu phải nhấn nút để đọc dữ liệu.
- Thông tin trên CCCD gắn chip không đúng với thông tin đã đăng ký với ngân hàng. Trường hợp này thường gặp khi bạn đăng ký tài khoản ngân hàng bằng số CMND dạng cũ, sau khi đổi sang CCCD gắn chip, bạn được cấp số mới nhưng chưa thông báo với ngân hàng để cập nhật. Trong trường hợp này, bạn cần cập nhật thông tin mới theo CCCD rồi mới thực hiện được hoặc đến ngân hàng để hoàn thành cả cập nhật thông tin CCCD và xác thực sinh trắc học.
Nhiều nguyên nhân khiến việc xác thực sinh trắc học thất bại
Chưa có CCCD gắn chip phải xác thực sinh trắc học thế nào?
Nếu bạn chưa có thẻ CCCD gắn chip (chỉ có CMND hoặc CCCD không gắn chip) hoặc điện thoại của bạn không hỗ trợ đọc NFC thì bắt buộc phải đến các chi nhánh của ngân hàng để xác thực trực tiếp. Bạn cần mang theo CMND hoặc CCCD (không gắn chip) của bạn, xuất trình cho ngân hàng khi làm thủ tục.
Trên đây, TOPI đã giải thích về sinh trắc học là gì, vì sao phải xác thực sinh trắc học và hướng dẫn cách xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng. Trường hợp bạn đã có CCCD gắn chip nhưng việc thực hiện quá khó khăn cũng có thể đến ngân hàng để hoàn tất việc xác minh, bảo đảm an toàn cho tài khoản của bạn.