Lương net và lương gross là hai khái niệm thường gây nhầm lẫn cho những người mới đi làm. Nếu không hiểu rõ và phân biệt được hai hình thức trả lương này thì các bạn sẽ không nắm được thực lương của mình cao hay thấp và bị thiệt thòi.
1. Lương net là gì?
Khái niệm lương net không được luật pháp quy định nhưng có thể hiểu lương net là tiền lương thực nhận mỗi tháng của nhân viên, trong đó không bao gồm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và thuế thu nhập cá nhân (nếu có). Hình thức lương này cũng thường được doanh nghiệp sử dụng để trả cho nhân viên.
Ví dụ, Doanh nghiệp trả lương net của bạn là 15 triệu đồng thì mỗi tháng bạn sẽ được nhận đúng con số 15 triệu đó mà không phải đóng khoản tiền gì, công ty sẽ chịu trách nhiệm đóng thay bạn.
Lương net là số tiền người lao động thực tế nhận được mỗi tháng
Hiểu một cách đơn giản thì lương net là tiền lương bạn thực lãnh sau khi doanh nghiệp đã trừ hết tất cả các khoản thuế, phí bắt buộc. Khác với lương gross, người nhận lương net sẽ được sở hữu toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp cam kết trả và bạn không phải tính toán trích đóng các khoản khác.
2. Phân biệt lương net và lương gross
Để phân biệt được hai hình thức trả lương này thì bạn cần hiểu được khái niệm về lương gross.
Lương gross là tổng thu nhập hàng tháng mà doanh nghiệp trả cho người lao động bao gồm tiền lương cơ bản cùng với các khoản chi phí khác như bảo hiểm các loại, trợ cấp, phụ cấp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thưởng (nếu có).
Lương gross bao gồm các loại thuế và bảo hiểm trong khi lương net thì không.
Lương gross bao gồm tất cả các khoản thu nhập còn lương net thì không
Lương net được tính bằng cách ấy lương gross trừ đi các khoản thuế và bảo hiểm phải nộp.
Người lao động ưa thích được nhận lương gross trong khi lương net được người sử dụng lao động thích.
Khi nhận lương gross, người lao động cần phải tính toán mới biết số tiền thực nhận của mình trong khi nếu nhận lương net thì không cần phải tính.
Mặt hạn chế của việc nhận lương gross là người lao động phải tự tính toán số tiền đóng bảo hiểm, thuế thu nhập… và phải cập nhật các quy định về việc đóng các khoản trên để không bị tính sai hay trừ sai.
Nếu bạn nhận lương net thì việc đóng bảo hiểm có thể bị thấp kéo theo các chế độ liên quan cũng bị thấp.
3. Cách tính lương net
Để tính ra lương net khá đơn giản, bạn chỉ cần áp dụng công thức sau:
Lương net = Lương gross - Thuế thu nhập cá nhân (nếu có) - Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc
- Trong đó lương gross là tổng số tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động bao gồm tiền công, trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng…
Lương net là số còn lại sau khi lấy lương gross trừ các khoản phải đóng
- Các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc tính dựa theo tiền lương của người lao động bao gồm: 1,5% đóng quỹ bảo hiểm y tế, 1% đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, 8% đóng quỹ hưu trí, tử tuất.
- Thuế thu nhập cá nhân: Trước khi tính thuế thu nhập cần biết người lao động có các khoản giảm trừ như giảm trừ gia cảnh (11 triệu đồng/tháng), giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc (4.4 triệu đồng/người/tháng), các khoản đóng từ thiện, khuyến học, nhân đạo, các khoản đóng bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí tự nguyện.
Sau khi trừ các khoản này thì số tiền còn dư sẽ được tính là tiền lương chịu thuế.
Mỗi mức tiền lương lại được tính thuế suất khác nhau theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
- Các khoản được miễn không tính vào thu nhập chịu thuế bao gồm: Tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ, tiền lương hưu; bồi thường tai nạn lao động…
4. Những lưu ý khi nhận lương net để không bị thiệt
Hầu hết chủ doanh nghiệp đều thích trả lương net để hạn chế chi phí
Nếu chọn nhận lương net, người lao động sẽ được nhận đúng số tiền mà doanh nghiệp cam kết ban đầu nhưng điều này cũng sẽ gây cho bạn một số thiệt thòi có thể kể đến như:
Các chế độ, quyền lợi mà người lao động được hưởng (trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, lương hưu, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…) sẽ thấp hơn do nhiều doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm với mức lương thấp để tiết kiệm chi phí.
Để tránh thiệt thòi, người lao động nhận lương net cần thỏa thuận rõ ràng về mức tiền lương và mức đóng các loại bảo hiểm bắt buộc.
Người lao động cần thường xuyên kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của doanh nghiệp để không bị qua mặt. Nhiều doanh nghiệp thường đóng bảo hiểm thấp hoặc nợ đóng bảo hiểm của người lao động.
Hy vọng những thông tin TOPI chia sẻ có thể giúp bạn hiểu rõ về hai hình thức trả lương này và tự tin đàm phán lương khi phỏng vấn tuyển dụng.