Facebook Topi

14/02/2022

Kinh tế gia vĩ mô

Cuộc thi “THÀNH CÔNG & THẤT BẠI 2020 - CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ 2021” nhằm giúp mọi người lan tỏa câu chuyện của bản thân, trong suốt hành trình đầu tư vào các tài sản năm 2020, những thành công hoặc kể cả thất bại hoặc chưa đạt được, từ đó nhận định và xây dựng chiến lược năm 2021 để làm động lực, nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển trong tương lai.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

Xin chào tất cả các anh chị em có mặt trên cộng đồng này, đồng thời xin kính chúc các anh chị em một năm 2021 đầu tư thành công và đạt được sự thịnh vượng.

Khi đọc được bài viết của anh Long Phan, tôi bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch tham gia cuộc thi với mong mỏi chia sẻ kiến thức, những bài học kinh nghiệm của bản thân với mọi người cũng như học hỏi và tham khảo thêm từ các bạn trong cộng đồng này.

Bài viết tôi sẽ chia ra làm nhiều phần vì khá dài và chi tiết, do vậy tôi sẽ publish từng phần để anh chị em đón đọc một cách thuận tiện và hợp lí tránh dài quá lại tốn nhiều cà phê (hihi).

Phần 1: Năm 2020, một năm đầy biến động, một năm đầy sự bất ngờ

Không cần phải nói quá nhiều thì tất cả anh chị em ở đây cũng đã biết năm 2020 là một năm đầy biến động về xã hội, cuộc sống, nền kinh tế và cả TTCK. Sau đây là một số tổng hợp các diễn biến và tổng quan các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đầu tư chứng khoán năm 2020, một số bài học kinh nghiệm giúp ích cho mọi người cũng như định hướng đầu tư 2021, cụ thể như sau:

I. NHỮNG SỰ KIỆN CHÍNH NĂM 2020

1. Ảnh hưởng đại dịch bệnh covid-19 toàn cầu, trong đó có Việt Nam chúng ta

Đây là một năm vô cùng khó khăn khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc sau đó lan rộng ra toàn thế giới, Việt Nam chúng ta cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy cuộc sống của người dân, kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng kéo theo sự sụt giảm GDP quý 2 xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

May mắn thay cho chúng ta là Việt Nam có một Chính Phủ tuyệt vời, một Chính Phủ hành động quyết liệt trong giải quyết, ngăn chặn và khắc phục hậu quả các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Do vậy mà kết thúc năm 2020 GDP tăng trưởng 2,91% và là một trong các quốc gia thành công nhất trong phòng chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng hầu hết tới các ngành nghề, trong đó:
- Các ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh xảy ra: Du lịch, hàng không, khách sạn, bán lẻ. Ví dụ một số công ty tương ứng đó là: HVN, VJC, MWG, PNJ...
- Các ngành nghề được hưởng lợi: vận tải, truyền thông, viễn thông, thiết bị y tế, thực phẩm, dược phẩm, các công ty làm việc online. Ví dụ một số công ty: DNM, FOX, VTP, VGI, CTR, VSC, DBC, IMP...

Dịch bệnh xảy ra cũng là một lần để thay máu doanh nghiệp, là thước đo đánh giá khả năng chống chịu, thích ứng với điều kiện kinh doanh thay đổi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ sống được nhờ quy tắc: MẠNH ĐƯỢC, YẾU THUA. Công ty nào còn nhiều tiền và có ban lãnh đạo tuyệt vời, áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh thì khả năng sống sót cao và ngược lại.

Nền kinh tế chỉ có thể phục hồi mạnh mẽ nếu có vắc xin. Rất nhiều nước đã nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm trực tiếp trên người đem lại kết quả tốt. Đó là một yếu tố nền tảng đảm bảo cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

2. Giá dầu giảm sâu, có thời điểm về mức âm. Một kỉ lục chưa có trong tiền lệ

Nguồn: Vietnamnet.vn

Nhu cầu sản xuất kinh doanh giảm sút và đình trệ làm ảnh hưởng tới nguồn cầu của thị trường dầu mỏ. Giá dầu giảm cũng là thước đo cho sự suy giảm của nền kinh tế. Ở đây hiểu đơn giản đó là kinh tế phát triển thì giá dầu tăng và ngược lại. Điều đó làm cho các công ty thượng nguồn là các sản xuất phân phối cung cấp dầu mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ví dụ như: PVS, PVD, BSR, PLX, GAS...

Trái lại một số ngành được hưởng lợi từ giá dầu giảm khi dầu mỏ là yếu tố đầu vào như: phân bón(DPM, DCM), hóa chất(,DGC), nhựa(BMP,NHH), nhựa đường(PLC), vận tải xăng dầu(PVT), cao su nhân tạo...

3. Yếu tố địa chính trị thế giới có sự thay đổi lớn

Sự kiện nổi bật nhất năm 2020 về chính trị đó là bầu cử tổng thống Mỹ. Tổng thống Donand Trump đã thất bại trong việc tái đắc cử và phải bàn giao quyền lực cho ông Joe Biden ở Đảng Dân chủ. Do vậy một số chính sách sẽ ưu tiên hướng về người dân hơn như đề xuất các gói cứu trợ nghìn tỉ đô la, tăng thuế doanh nghiệp...
Đây là một trong những sự kiện gây ảnh hưởng rất lớn tới TTCK sau này. Là nhà đầu tư, chúng ta cần phải chú ý tới hành động của tân tổng thống mỹ để có những nhận định và đánh giá chính xác sau khi ông lên nắm quyền điều hành.

4. Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 0 – 0,25%

Ngày 16/12/2020 Fed ra thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản biên độ 0 – 0,25% và sẽ tiếp tục giữ nguyên mức này cho tới khi nền kinh tế phục hồi.

Đây là một hành động mang lại sự tích cực cho sự hồi phục và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, đặc biệt là hỗ trợ cho TTCK mỹ nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.
 
5. Tỉ giá USD/VND ổn định, Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách Thao túng tiền tệ

Trên cơ sở 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. (nguồn: tapchitaichinh.vn)

Sự kiện trên xảy ra sẽ ảnh hưởng tới không tốt đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nếu Mỹ áp thuế 25%. Đặc biệt là các ngành: dệt may, giày da, thủy sản, gỗ... Do vậy NĐT cần đặc biệt lưu tâm và chú ý đến động thái của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết vấn đề này và hành động của Mỹ trong thời gian tới để hỗ trợ cho quá trình đầu tư của mình.

6. Việt Nam nỗ lực trong thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu COVID-19

Để khắc phục được hậu quả của covid-19, Chính Phủ của chúng ta đã áp dụng một số biện pháp tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp phục hồi kinh tế, tăng cường các chính sách và định hướng mang tính chất vĩ mô để thúc đẩy GDP, cụ thể như sau:

a. Lãi suất huy động giảm, tạo đà giảm lãi suất cho vay

Chính sách tài khóa này không những giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp mà còn khiến lượng tiền trong dân đổ tiền vào các thị trường rủi ro cao hơn gửi ngân hàng như: chứng khoán, bất động sản...
Nếu như năm 2021 tiếp tục giữ vũng được lãi suất như thế này thì có lẽ TTCK không chỉ dừng lại ở con số 1200, thanh khoản cũng không chỉ dừng lại ở con số 17,18k tỉ VND ( theo ý kiến cá nhân).

b. Tăng cường đầu tư công

Dư địa đầu tư công giai đoạn tiếp theo còn rất lớn, do vậy những ngành nghề hưởng lợi trong thời gian tới đó là: VẬT LIỆU XÂY DỰNG, XÂY DỰNG, VẬN TẢI.

Một số mã cổ phiếu cần quan tâm và đã tăng giá mạnh năm 2020 và còn rất nhiều tiềm năn trong năm 2021 và thời gian tiếp theo: HPG, PLC, KSB...

Nguồn: Đầu tư chứng khoán cùng Quang Dũng

b. Tăng cường xuất khẩu

Tăng cường kí kết các hiệp định thương mại:

Các ngành được hưởng lợi: Dệt may, thủy sản, gỗ cảng biển, vận tải, nông nghiệp (tiềm năng lớn trong tương lai khi năm vừa rồi xảy ra tình trạng bão lũ lịch sử ở Trung Quốc)

Một số mã CP cần quan tâm: TCM, STK, FMC, ANV, VHM, DVP, TDM, GMD, VSC, LTG, TAR, VCG, PTB...

c. Thúc đẩy du lịch, nối lại một số đường bay quốc tế

Cần đặc biệt chú ý tới HVN, ACV trong thời gian tới. HVN đã được chính phủ cứu trợ, ACV thì có những dự án siêu khủng: sân bay Long Thành. Ngoài ra khi dịch bệnh qua đi và khi đã có vắc xin thì việc đi lại của người dân cũng sẽ được tăng cường, đặc biệt là các hoạt động du lịch, vận tải.

d. Dòng vốn lớn FDI đổ vào Việt Nam

Với triển vọng thời gian tới là một đất nước mới nổi, giá nhân công rẻ, lực lượng lao động dồi dào và đang trong giai đoạn dân số vàng, vốn FDI đổ vào Việt Nam khá lớn trong thời gian vừa qua cũng như trong thời gian tới.

Ngành nghề được hưởn lợi tương ứng: BĐS KCN: SZC, SZL, PHR..

7. TTCK Việt Nam phục hồi ấn tượng, liên tiếp tạo ra những kỉ lục

Phục hồi ấn tượng sau giai đoạn dịch bệnh khi chạm đáy đáy vào tháng 3: 649.1 điểm VNI đã phục hồi một cách ấn tượng khi kết thúc năm 2020 VNI chạm mức 1103.87

Với dòng tiền vô cùng dồi dào của thế hệ nhà đầu tư mới cùng các đợt review của MSCI sẽ tiếp tục là động lực thu hút nguồn vốn đổ vào thị trường.

Thanh khoản liên tục lập ra những kỉ lục mới, cón những thời điểm sập sàn vì khối lượng giao dịch quá lớn. Sàn HOSE đã phải nâng lô giao dịch lên 100 thay vì 10 như trước kia để giải quyết vấn đề này.

Thị trường 2020 đi lên nhờ dòng tiền và năm 2021 có lẽ dư âm sẽ còn tiếp tục sẽ như vậy. (theo ý kiến cá nhân tôi nhé)

Năm 2020 là năm của các cổ phiếu midcap, cổ phiếu có câu chuyện riêng như tăng vốn, M&A, phát hành thêm, thoái vốn... Ngoài ra năm 2020 có lẽ là năm thành công đối với các nhà đầu tư mới, FO, nhỏ lẻ.

Tâm lí nhà đầu tư năm vừa qua: Mua là Thắng, cổ phiếu làm ăn kém cũng lên, tăng bất chấp, chỉ cần có ”câu chuyện”, chỉ cần có dòng tiền.

Các nhóm ngành tăng mạnh nhất năm 2020 là: Vật liệu xây dựng,thực phẩm, dệt may, tài chính, BĐS KCN, vận tải...

Một số cổ phiếu tiêu biểu: DNM, DBC, HSG, NKG, HPG, PLC, KSB, SZC, VSC, GMD, TCM, SSI, VND, TCB...

8. Những bài học đầu tư 2020

a. Ảnh hưởng của dịch bệnh là vô cùng to lớn, không những ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của bạn

Khi xảy ra các sự kiện như: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... hoặc một số sự kiện mang tính chất vĩ mô khác mà chúng ta chưa biết chuyện gì sẽ diễn ra thì tốt hơn hết là hãy CHẠY NGAY ĐItrước khi tài khoản đỏ liên tục mà không bán được. Điều đó có nghĩa là những yếu tố nền tảng của nền kinh tế đang bị thay đổi.

TTCK không phải phản ứng quá đà mà là phản ánh chưa hết mức những tác động của sự thay đổi trên mà thôi.

b. Giá cổ phiếu lên bằng dòng tiền, trong đó có cả TIỀN LỚN(của BBs và MMs) VÀ TIỀN NHIỀU (của dân)

Khi có dòng tiền vào thì giá CP sẽ tăng, DÒNG TIỀN là chất xúc tác quan trọng nhất để đẩy giá CP lên, do vậy phải đầu tư theo xu hướng dòng tiền là an toàn và hiệu quả cao.

c. Khi yếu tố nền tảng thay đổi theo chiều hướng có lợi thì cần phải nắm giữ lâu hơn

Một công việc tôi nghĩ là rất cần thiết cho nhà đầu tư đó là theo dõi bám nắm cập nhật thường xuyên những định hướng và hành động của Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế. Bất kì định hướng nào cũng sẽ tạo ra cơ hội cho chúng ta nếu chúng ta nghiên cứu kĩ và hành động đúng định hướng.

Ví dụ năm 2020 để thúc đẩy tăng GDP hồi phục kinh tế sau dịch thì Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, làm tốt công tác chuẩn bị chào đón làn sóng FDI đổ vào VN. Nắm được điều trên cộng với một số phân tích logic thì bạn sẽ nắm được ngay cơ hội đối với các ngành được hưởng lợi. Và định hướng này còn tiếp diễn trong thời gian sắp tới thì những ngành trên còn tiếp tục được hưởng lợi trong dài hạn. Như vậy thì không tội gì chúng ta lại sớm bán đi những cổ phiếu tốt, những cổ phiếu được quan tâm, những cổ phiếu đã đạt được những kết quả kinh doanh tốt năm 2020 và còn tiềm năng rất lớn trong tương lai.

d. Chọn cổ phiếu mạnh nhất, nhẹ nhất để tăng hiệu quả đầu tư

TT giảm, cổ phiếu giảm ít hoặc không giảm là cổ phiếu mạnh hơn thị trường (cần chú ý thêm cả xu hướng)

Cùng là ngành được hưởng lợi, Cổ phiếu của công ty có vốn hóa nhỏ hơn sẽ chạy nhanh hơn vốn hóa lớn, ví dụ HSG với HPG, TPB, VPB, STB...với VCB, GTN với VNM.

e. Phát triển bản thân trước khi phát triển kinh doanh

Thua lỗ một vài lần đủ làm bạn bay tài khoản, vật thì tại sao không chịu bỏ ra chút chi phí để học cách quản trị rủi ro, quản trị vốn, đi lệnh, kĩ năng ổn định tâm lí đầu tư, kĩ năng ra quyết định ...

Một số cuốn sách hay để tôi và bạn cùng đọc và tham khảo: Thuần hóa sư tử, tâm lí thị trường chứng khoán, Phù thủy sàn chứng khoán, Cách tư duy và đầu tư như nhà vô địch, giàu từ chứng khoán, chết vi chứng khoán, cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường...

Hãy học tập để tìm ra một phương pháp phù hợp với tính cách và con người bạn, học tập cẩn thận 1 lần bạn sẽ có cần câu cơm cả cuộc đời. Những điều này tôi sẽ nói rõ trong phần sau. Chắc chắn là vô cùng chi tiết và sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn đó.

Phần 2: chiến lược đầu tư 2021

Tiếp nối phần đầu tiên sẽ là phần chia sẻ dưới góc nhìn của cá nhân tôi về chiến lược đầu tư 2021. Như đã phân tích ở phần 1, các yếu tố nền tảng vĩ mô của thế giới và khu vực năm 2020 đang hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Bước sang năm 2021, một số sự kiện đáng chú ý sắp diễn ra:

1. Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ 25-1 đến 2-2-2021

2. Tiếp tục đẩy mạnh tăng cường giải ngân vốn đầu tư công

3. Áp dụng một số Nghị định mới về luật đất đai sẽ được thông qua: Nghị định 148/2020 có hiệu lực từ 08/02/2021

Đây là một yếu tố tuyệt vời hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS.

4. Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán

Nếu năm nay đưa TTCK Việt Nam thành thị trường mới nổi thì các quỹ tha hồ review. Dòng tiền từ khối ngoại cũng chuyển dịch đổ bộ vào Việt Nam. Giá Blue-chip của thị trường chúng ta bây giờ có lẽ chỉ tương đương penny lúc đó thôi (mơ mộng một chút nhé).

5. Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Đây là những thông tin cần phải đọc để có định hướng đầu tư 2021. Trong nghị quyết nêu rõ một số lĩnh vực cần tập trung phát triển, trong đó tập trung chuyển đổi số, tăng cường đầu tư công, đẩy nhanh cơ cấu nền nông nghiệp... Các bác đọc bài báo ở đường link sẽ rất rõ ràng và đầy đủ.

Tập trung chủ yếu và thị trường cổ phiếu, một số gợi ý dưới đây có thể hỗ trợ bạn và tôi trong hành trình đầu tư 2021:

a. Tập trung nhóm đầu tư công

Nhóm này dư địa còn vô cùng lớn. Một số mã tham khảo: PLC, HPG, KSB

b. Đừng bỏ sót nhóm được hưởng lợi từ FDI

Chú ý một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ đền bù đất, chuyển đổi đất trồng cao su thành đất công nghiệp (PHR). Các mã có thể xem xét đầu tư là các mã năm 2020 đã tăng trưởng tương ứng với làn sóng FDI như: SZC, SZL. Ngoài ra tiền về Việt Nam nhiều thì NGÂN HÀNG vẫn là ngành hưởng lợi đầu tiên. Cực kì chú ý đến ngành ngân hàng năm 2021 nhé các bác.(chú ý mấy em sau: CTG(kết quả 2020 rất ấn tượng mặc dù dịch bệnh xảy ra), SHB(nhiều game), BVB(đánh lướt sóng OK, vốn hóa nhỏ, nền vững), TPB(con này áp dụng công nghệ sớm nhất và đã được vào VN30)

c. Cơ hội vẫn còn ở nhóm được hưởng lợi từ lãi suất cho vay thấp và tỉ giá USD ổn định

Một số doanh nghiệp vay bằng đồng USD thì sẽ được hưởng lợi nếu như đồng USD tiếp tục suy yếu (HVN chẳng hạn), lãi suất thấp thì hưởng lợi nhiều nhất là ông BĐS. Trái phiếu giảm giá thì ông NGÂN HÀNG có lẽ cũng sẽ có miếng bánh to (rất nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua)

Một số mã tham khảo: NDN, VHM, KDH, QCG(nếu giải quyết được vướng mắc đất đai thì lợi nhuận siêu khủng luôn, dự án Phước Kiển)

d. Đừng quên nhóm CP đi cùng thời đại, đó là CÔNG NGHỆ

FPT luôn là đầu tầu, để phân tích em này thì cũng khá dài nhưng cơ bản thì rất tuyệt vời khi có 1 ban lãnh đạo có tâm có tầm, làm ăn tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên vốn hóa lớn, nếu đầu tư an toàn thì rất OK, còn bác nào muốn đánh lướt sóng thì nên chuyển sang VGI tốt hơn, FOX thì lại quá an toàn và cổ tức đều đặn.

e. Về quê, chúng ta lại tập trung vào nhóm NÔNG NGHIỆP

Vừa qua chúng ta đã xuất khẩu được lô gạo thơm đầu năm đạt giá 750 USD/ tấn. Giá gạo tăng đã hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Một số mã chú ý: LTG(ban lãnh đạo mới, từng là phó thủ tướng Đức); TAR

f. Hết dịch rồi thì BÁN LẺ bay cao thôi

Chưa bao giờ hết hot đó là: MWG, PNJ và năm nay còn cóFRT(doanh thu từ chuỗi nhà thuốc Long Châu). Ưu tiên hơn cả vẫn là MWGnhé các bác.

Trên đây là một số định hướng đầu tư 2021, rủi ro cao nhất đối với chúng ta là khi chúng ta không biết gì cả, không đo lường phương pháp đầu tư của mình. Hành động không mang tính chất phím hàng, chỉ là tham khảo. Chân thành cám ơn các anh đã tổ chức cuộc thi này và cả những bài học bổ ích trên kênh “Tài chính & Kinh Doanh” khi đã đưa ra những bài luận siêu hay và giúp nhà đầu tư thêm nhiều kiến thức. Một lần nữa cám ơn anh chị em đã dùng chút thời gian quý báu của mình để đọc bài viết của tôi. Phần tiếp theo sẽ là chiến lược đầu tư cá nhân. Chúc các bác đầu tư thành công!

Phần 3: chiến lược đầu tư cá nhân

Đây có lẽ là phần mang tính chất ý tưởng cá nhân nhiều hơn nhưng sẽ chắc chắn sẽ giúp ích cho các bạn (đặc biệt là các bạn mới tham gia). Hãy cùng theo dõi đến dòng cuối cùng nhé các bác, rất thú vị đấy!

Nói về đầu tư hay kinh doanh thì điều cốt lõi tạo ra thành công phải khẳng định đó là “CÓ CHIẾN LƯỢC ĐÚNG ĐẮN”.

Đầu tư chứng khoán cũng như cầm quân ra chiến trường. Muốn giành được chiến thắng thì phải thỏa mãn tốt 4 yếu tố: THẾ, LỰC, THỜI, MƯU tổng hợp lại bằng nghệ thuật dùng quân: TẠO LỰC, LẬP THẾ, TRANH THỜI VÀ DÙNG MƯU. Trong đó tạo lập thế trận là vô cùng quan trọng. Thế vững, lực mạnh không cần đánh cũng thắng.

THẾ TRẬN chính là vị thế của bạn. TẠO LẬP THẾ TRẬN cũng tương tự như phân bổ dòng tiền, cách đi lệnh, khả năng kiểm soát rủi ro và bảo toàn vốn; khả năng tạo ưu thế khi tấn công và duy trì hàng phòng thủ vững chắc khi có rủi ro.

LỰC ở đây chính là nguồn vốn, dòng tiền. Người xưa có câu: buôn tài không bằng dài vốn.

Vốn thì ở đây chủ yếu là dòng tiền tích lũy, tiết kiệm của cá nhân cộng thêm một số nguồn huy động thêm như vay mượn, margin. Tùy tình hình khả năng và mức độ tự tin trong đầu tư của bản thân để sử dụng nguồn tiền cho phù hợp. Đối với phong cách của tôi thì chủ yếu dùng vốn của cá nhân, không vay mượn tránh áp lực khi rút vốn ngắn hạn hoặc khi thị trường giảm điểm sâu. Mới đầu tư thì chưa nên dùng margin. Ví dụ như phiên 19/01/2021 mà đánh margin 3:7 thì rất dễ bay tài khoản.

THỜI ở đây chính là thời cơ, thời điểm mua vào, bán ra. Trong đầu tư, thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định bạn có lợi thế về thời gian, lợi thế về tiền mặt hay lợi thế về “hàng” có sẵn trong danh mục để sẵn sàng cơ động mỗi khi có biến hay không. Ví dụ bạn mua phiên ngày 18/01 mà đến phiên ngày 19/01 sàn hàng loạt, trắng bên mua thì có lẽ rằng chúng ta chỉ ngậm đắng, nuốt cay nhìn bảng điện đỏ lừ đến mất ăn, mất ngủ vì kẹp T3 không bán được.

MƯU ở đây chính là mưu lược, là cách đánh, lối chơi, phong cách đầu tư và kinh nghiệm của bạn để kiếm tiền trên thị trường. Đầu tư chính là DÙNG CÁI ĐẦU ĐỂ TƯ DUY. Tư duy đúng thì hành động mới đúng, mới có lợi nhuận. Tư duy sai thì chỉ có mang tiền đi biếu thị trường mà thôi.
Để có thể tạo ra chiến lược đúng đắn với đầy đủ 4 yếu tố trên để mang lại sức mạnh tổng hợp thì chúng ta cần phải có một số điều sau:

1. Phải có ĐẠO CHỨNG KHOÁN

Chứng khoán và cuộc sống có mối liên hệ cực kì mật thiết với nhau. Nếu bạn chịu để ý thì cuộc sống của bạn như thế nào, tâm tính của bạn ra sao sẽ quyết định bạn là nhà đầu tư thành công hay thất bại. Ở đây tôi chỉ rõ là TÂM VÀ TÍNH sẽ quyết định kết quả đầu tư. TÂM bất ổn, rối loạn thì sẽ làm bạn không bao giờ kiềm chế được cảm xúc. Tính xốc nổi, cái tôi cá nhân cao, lòng tự kiêu, tự đại, ngạo mạn cao ngút coi trời bằng vung, coi thúng bằng nia, thắng là khoe, thua thì một mình ôm hận thì tốt nhất không nên tham gia đầu tư vì sẽ bị trừng phạt bằng giá đắt. Công việc của bạn không trôi chảy thì bạn đầu tư cũng chẳng tốt, vợ chồng cãi nhau đầu tư cũng chẳng thành công và sẽ dẫn đến nhiều sai lầm làm bạn mất tiền, thua lỗ. Bạn hãy tưởng tượng nếu bạn thua lỗ nhiều lần thì sẽ hình thành dấu ấn không tốt trong tâm bạn. Từ đó bạn sẽ không dám tự tin khi đầu tư, không còn nhiều niềm tin vào phương pháp của mình; cầm tiền thì sợ mất cơ hội, cầm hàng thì lại sợ tụt giá. Chính vì thế tại sao người ta lại khuyên nên thiền định để hỗ trợ đắc lực cho việc đầu tư.

Thiền định sẽ giúp bạn tập trung tư tưởng, tránh bị xao nhãng và chi phối bởi tác động của ngoại cảnh. Thiền định còn giúp củng cố NIỀM TIN của bạn với phương pháp mà bạn đã lựa chọn.
Thiền định sẽ giúp bạn tái tạo NĂNG LƯỢNG mỗi ngày để bạn không còn khổ sở mỗi khi nhìn bảng điện, xanh thì vui sướng, đỏ thì đau khổ. Nếu niềm hạnh phúc là cái bảng điện màu xanh còn đau khổ là màu đỏ thì như vậy vô tình bạn đã rước thêm nợ vào thân, làm TÂM bạn rối loạn theo thị trường khiến cuộc sống của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào sự tăng giảm không biết trước đó.

Chạy bộ mỗi ngày cũng là cách kiềm chế cảm xúc rất tốt. Ngoài ra một lưu ý trong quá trình đầu tư là bạn không nên bàn tán trao đổi với người khác để ra quyết định tránh loạn phương pháp, loạn thông tin dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma”.

2. Có phong cách chơi của riêng mình

Đây là phong cách đầu tư của tôi, chia sẻ để các bạn có thể tham khảo hoặc áp dụng theo nếu thấy thực sự phù hợp và hữu ích với quá trình đầu tư của bạn nhé:

a. Căn cứ vào nguồn vốn của bạn, tính cách của bạn để có chiến lược ngắn, trung hay dài hạn

Nguồn vốn của bạn là nguồn vốn tích lũy theo hàng tháng (tiền lương chẳng hạn) hay tiền có sẵn (đã tiết kiệm từ trước) hay là vốn vay?

Nếu là tiền tích lũy hàng tháng thì nên đầu tư tăng trưởng, trung và dài hạn; hoặc đầu tư vào cổ phiếu chu kì đang trong giai đoạn đi lên, mua theo chiến lược kim tự tháp (nền trên nền đánh breakout) là hợp lí.

Nếu tiền của bạn là tiền tiết kiệm có sẵn thì nên đánh ngắn hạn lướt sóng, đầu tư theo phương pháp dòng tiền kết hợp VSA để tối ưu hóa hiệu quả. (theo ý kiến cá nhân thôi nhé).

Nếu là vốn vay thì tính cơ động cực kì cao. Bạn phải chịu thêm áp lực trả nợ bất cứ lúc nào, do vậy nếu kẹt hàng hoặc thua lỗ mà phải bán rút ra để trả nợ thì vô cùng đau khổ luôn. Lợi thế của nó là đòn bẩy lớn, bất lợi là khi giảm sàn vài phiên mà đang full tài khoản, margin cao thì nhanh bay tài khoản lắm.

Một điều đáng lưu tâm nữa đó chính là tính cách của bạn sẽ quyết định lối chơi phù hợp tương ứng. Ví dụ nếu bạn là người điềm tĩnh, khả năng chịu đựng và nhẫn nhịn cao, tính cách sâu sắc thì bạn có thể đầu tư giá trị hoặc tăng trưởng. Nhưng nếu bạn mà nóng nảy, vội vã, thích tốc độ cao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và mạo hiểm thì có thể đánh lướt sóng chứ không đầu tư theo kiểu quân bình giá xuống được.

Để hiểu hơn về vấn đề này, các bạn có thể đọc cuốn “ Chiến lược đầu tư chứng khoán” của David Brown và Kassandra Bentley.

Đối với tôi, tôi lựa chọn đầu tư tăng trưởng kết hợp lướt sóng với sự hỗ trợ của VSA, nền tảng các mẫu hình giá và khối lượng, lấy ngắn nuôi dài, trích 50% vốn vào công ty tăng trưởng; 50% vốn vào lướt sóng để ăn lãi kép.

b. Phải có mục tiêu lợi nhuận hàng tháng, quý, năm

Điều này có lẽ không mới nhưng cũng ít ai để ý. Nếu bạn không biết trong một khoảng thời gian nhất định bạn phải kiếm ra bao nhiêu tiền lợi nhuận thì bạn cũng sẽ chẳng có phương hướng cụ thể nào cả. Căn cứ vào tài khoản của bạn, cách đánh ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn và số tiền lãi tương ứng, bạn sẽ biết mình sẽ cần bao nhiêu thương vụ thắng thua để cân đối hợp lí. Ví dụ tài khoản bạn là 100 triệu đồng. Bạn đặt ra mục tiêu tháng này lãi 10 triệu, như vậy bạn sẽ cần 1 thương vụ 1 mã lãi 10%trên tổng số vốn hoặc 2 thương vụ lãi 5% với số vốn 100 triệu hoặc 2 mã mỗi mã 50 triệu lãi 10%...hoặc 2 tương vụ, 1 lãi 15%, 1 lỗ 5%...

Có rất nhiều cách tính nhưng chung quy lại theo cá nhân tôi từ 500 triệu trở xuống nên duy trì 1,2 mã thôi với ít thương vụ đi kèm với chất lượng còn hơn là mua bán liên tục.. Nhiều mã quá sẽ loãng tạo ra tỉ lệ lợi nhuận thấp và khó quản trị khi rủi ro (thường tăng thì tăng lệch các mã nhưng giảm thì giảm hết). Thời gian nắm giữ thì tùy thuộc tính cách và mục tiêu của bạn. Nếu giữ quá lâu mà không tăng giá thì có thể hạ ½ tỉ trọng và cơ cấu vào mã khác tiềm năng hơn tránh mất chi phí cơ hội.

Căn cứ vào đó, tốt hơn hết một tháng chỉ cần 1,2 thương vụ lãi là dừng chơi. (đây là lướt sóng ngắn hạn nhé).

c. Phương pháp đi lệnh, điểm mua, bán, đóng mở vị thế, quản trị vốn

Tôi là fan của bộ sách: “Giao dịch như một phù thủy chứng khoán” và “Cách tư duy và giao dịch như một nhà vô địch đầu tư chứng khoán” của Mark Minervini. Do vậy tôi áp dụng và biến hóa một số đặc điểm trong quản trị vốn để tránh rủi ro T3 ở thị trường Việt Nam, cụ thể như sau:

- Phân tích vĩ mô ngành (như đã trình bày rất kĩ ở phần trước) để tìm xu hướng của dòng tiền đang chảy về đâu, ngành nào hưởng lợi, từ đó phân tích trong ngành để tìm ra cổ phiếu tốt nhất và có khả năng CHẠY NHANH NHẤT.

- Phân tích điểm mua cụ thể, kiểm soát rủi ro T3 bằng cách không dồn hết tiền vào 1 lệnh, trong 1 ngày.

Một số bạn đánh cơ động lướt sóng sẽ mua trong nền hoặc mua khi Breakout.

Thường các bạn đầu tư theo trường phái mua breakout sẽ phải gánh chịu rủi ro T3 rất lớn nếu như thị trường xấu đột ngột như ngày 19/01/2021 vậy. Còn nếu mua trong nền thì không biết bao giờ cổ phiếu lên.

Do đó tôi chọn phương pháp kết hợp: mua cả ở nền, mua đúng điểm PIVOT với tỉ lệ 20% vốn (điểm PIVOT là điểm kháng cự yếu nhất chỉ cần 1 lượng cầu nhỏ cũng có thể vượt qua, đặc điểm là giá dao động hẹp và vol rất thấp, có thể là thấp nhất trong nền); mua Breakout (40% vốn) trên nền giá đúng(tích lũy 3 đến 15 tuần, siết chặt phía bên phải, dao động hẹp 3-5%) và mua nếu giá quay trở lại nền sau breakout và lại tiếp tục vượt lên trên đỉnh breakout 40%(LPS).

Như vậy nếu trường hợp không xảy ra breakout thì tôi chỉ nắm giữ vị thế nhỏ và có thể cắt lỗ nếu vi phạm. Còn nếu đã breakout rồi thì tôi sẵn sàng mua thêm vì đã có phần lãi khi mua trong nền tài trợ nếu lỗ khi mua breakout thất bại. Riêng đối với điểm mua LPS có thể sẽ là điểm mua với độ an toàn cao nhất và hiệu quả tốt nhất với thời gian chờ đợi ngắn. Bù lại, nếu không hiểu thì không ai dám vào điểm này vì sợ giá cao rồi.

- Sử dụng LỆNH ĐIỀU KIỆN để cắt lỗ hoặc chốt lãi theo nhóm

Lệnh điều kiện là lệnh tự động đặt nếu giá thỏa mãn điều kiện mà bạn đặt ra. Đây là một bí quyết rất hay để kiểm soát rủi ro không mong muốn nếu bạn không có thời gian thường xuyên xem bảng điện hoặc bị nghẽn lệnh mà lệnh của bạn chưa được ưu tiên.

Tôi thường đặt lệnh dừng lỗ với tỉ lệ 3%(1/3 lượng cổ phiếu có sẵn); 5%(1/3 CP) và 7%(số Cp còn lại). Như vậy hôm 19/01 vừa rồi tôi đã thoát kịp một số mã vi phạm mà không rơi vào tình trạng không thể bán được mặc dù chưa biết sắp tới thị trường sẽ đi về đâu nhưng ít nhất bảo toàn thành quả của mình là rất quan trọng.

Nếu lãi từ 15% trở lên, tôi sẽ nâng giá vốn lên 10% so với ban đầu để đặt lại lệnh dừng lỗ, để dư không gian 5% cho giá tiếp tục dao động. Như vậy nếu giá giảm về chỉ còn lãi 10% thì hệ thống sẽ tự động cắt lỗ (nhưng thực ra là chốt lãi). Chả phải lo nghĩ gì nhiều. Nếu cổ phiếu còn tăng tiếp thì tôi lại nâng tiếp, chẳng sợ mất hàng.

- Chiến lược bán đa dạng tùy vào tình hình thị trường

Nếu thị trường biến động mạnh thì khi giá tăng mạnh khối lượng lớn trong quá trình đi lên là hạ dần tỉ trọng. Thị trường càng xấu thì càng phải thắt chặt lệnh dừng lỗ và giảm mục tiêu lợi nhuận (còn hơn là lỗ trở lại).

Nếu thị trường tốt thì có thể nắm giữ chờ phân phối thì bán ra (phân phối là giai đoạn cổ phiếu biến động mạnh, giá tăng giảm mạnh bất thường hỗn độn, vol lớn, nền giá lỏng lẻo).

Nếu chạm cắt lỗ hoặc chốt lãi như tôi vừa nêu thì “chảm” thôi. Tham thì thâm.

Trên đây là toàn bộ chiến lược một cách tổng quát, cụ thể. Tôi nghĩ phương pháp này sẽ ít nhiều giúp đỡ anh chị ở đây, đặc biệt là các nhà đầu tư mới. Cám ơn các bạn đã theo dõi đọc, nếu thấy hay thì like share ủng hộ tác giả để tôi tiếp tục có thêm những động lực chia sẻ những bài viết chất lượng tiếp theo.

Một lần nữa chân thành cảm ơn các bạn và ad đã duyệt bài. Chúc các bạn đầu tư thành công! 

Tìm hiểu thêm các thông tin thú vị tại Topi.

Tác giả: Kiến Lửa

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/kG9deWAklUXwRSYbJCnYK7gNSaiHRVZyo27iWymU.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI