Bạn đã bao giờ nghe đến thuật ngữ “Kim Tứ Đồ” chưa? Bạn có biết Kim Tứ Đồ cũng có thể coi là bộ kim chỉ nam hướng tới con đường tự do tài chính? Cùng tìm hiểu ngày nhé!
1. Kim Tứ Đồ là gì?
Kim Tứ Đồ (tiếng Anh: Cashflow Quadrant) hay Kim Tứ Đồ Robert Kiyosaki là một thuật ngữ do nhà đầu tư, doanh nhân, diễn giả và tác giả nổi tiếng người Mỹ - Robert Kiyosaki đặt tên cho mô hình về tiền trên thế giới và cách nó được tạo ra.
Ông thường nhắc đến Kim Tứ Đồ trong các nội dung bài giảng về đào tạo thu nhập thụ động và làm thế nào để nhận biết cơ hội đầu tư. Ông chia con người ra thành 4 nhóm: người làm thuê, người làm tự do, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Những người này giống nhau ở chỗ mong muốn kiếm được nhiều tiền nhưng họ khác nhau ở cách họ kiếm tiền.
Mô hình Kim Tứ Đồ Robert Kiyosaki được ứng dụng hiệu quả trong hành trình tự do tài chính
Robert Kiyosaki sẽ giúp bạn nhận ra:
- Bạn là ai trong nhóm 4 người;
- Bạn kiếm tiền bằng phần nào trong mô hình Kim Tứ Đồ;
- Bạn phải gia nhập vào nhóm nào mới có thể tự do tiền bạc.
2. Những yếu tố cấu tạo nên Kim Tứ Đồ
Hình: Những yếu tố cấu tạo nên Kim Tứ Đồ
Robert Kiyosaki phân chia theo tính chất công việc:
Nhóm 1 - Nhóm E (Employee) là những người làm công, làm thuê. Họ là cán bộ công nhân viên được trả tiền để làm việc cho công ty, tập đoàn, xí nghiệp, kể cả ban giám đốc, nhân viên văn phòng, công nhân, bảo vệ… thì đều là Employee, dùng sức lao động, thời gian, trí tuệ của mình để đỏi lấy tiền. Số tiền này được giới hạn bởi người làm chủ và họ có nguy cơ bị mất việc bất cứ lúc nào. Khi ấy, nguồn tiền cũng theo đó là mất đi.
Nhóm 2 - Nhóm S (Self-employed) là những người làm việc tự do hoặc tự kinh doanh, tự làm chủ, buôn bán riêng. Một số người làm thuê khi đã nắm vững quy trình làm việc, họ muốn tự quản lý công việc của chính mình, trở thành người làm tự do. Họ sẽ đích thân giao dịch những sản phẩm và dịch vụ họ tự cung cấp mà không phụ thuộc vào bất cứ ai. Thu nhập nhận về tương đương với giá trị công sức họ đã bỏ ra. Nếu công việc kinh doanh này gặp bất trắc, không thể tiếp tục hoạt động thì nguồn tiền của họ cũng mất đi.
Nhóm 3 - Nhóm B (Business Owner) là những chủ doanh nghiệp hay còn gọi là doanh nhân. Họ không trực tiếp làm việc mà đi thuê công nhân viên làm việc cho mình. Nói cách khác họ tạo ra một “hệ thống” kiếm tiền về cho mình. Nhóm này khá giống với nhóm tự làm chủ nhưng quy mô lớn hơn nên lợi nhuận thu được cũng lớn hơn rất nhiều. Họ sẵn sàng bỏ tiền tuyển những người có chuyên môn cao, điểm nhiệm tốt vị trí cần làm để có thể tạo ra hiệu suất công việc tốt nhất, giảm tải cho năng lực của bản thân họ.
Nhóm 4 - Nhóm I (Investor) là những nhà đầu tư, là người dùng tiền để tạo ra tiền. Thường thì họ mua tài sản sau đó bán chúng đi để hưởng nguồn lợi nhuận từ chênh lệch giá. Thu nhập của họ là thu nhập thụ động, họ làm việc theo tư duy và suy nghĩ của bản thân không chịu sự áp đặt nào. Một số tài sản phổ biến trong đầu tư có cổ phiếu, bất động sản, hàng hóa thành phẩm cuối cùng, dịch vụ…
3. Cách tự do tài chính bằng Kim Tứ Đồ của Robert Kiyosaki
Mỗi nhóm sẽ có phương pháp riêng áp dụng Kim Tứ Đồ của Robert Kiyosaki để đạt được tự do tài chính:
Nhóm E - người làm thuê:
Họ có thể dành một phần tiền lương của mình để tiết kiệm, lập quỹ dự phòng cho tương lai. Gửi ngân hàng để hưởng lãi suất hàng năm;
Có thể làm thêm ở nhiều nơi khác nữa để tăng thu nhập;
Hoặc có thể trích phần tiền riêng đem đi đầu tư, tức là người này nhảy từ nhóm E sang nhóm I;
Luôn trau dồi kiến thức chuyên môn để có thể nâng cao trình độ bản thân và nhận được mức lương cao hơn.
Nhóm S - người tự chủ:
Nên tìm hiểu nhu cầu của thị trường rồi đẩy mạnh bán những sản phẩm và dịch vụ mà bản thân cung cấp;
Tìm cách để giảm bớt chi phí, vì số tiền kiếm được bằng thu nhập trừ đi toàn bộ các chi phí. Khi chi phí giảm thì chắc chắn số tiền lãi còn lại sẽ nhiều hơn.
Nhóm B - doanh nhân
Vì nhóm này đã có cả một hệ thống kiếm tiền rồi nên để gia tăng thu nhập thì họ có thể chọn cách mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh số lượng bán hàng, tăng giá bán thành phẩm, dịch vụ hoặc đem đầu tư thêm vào những nơi khác (nhảy qua nhóm I).
Nhóm I - nhà đầu tư
Bằng cách gia tăng tài sản thì thu nhập của họ cũng tăng lên. Tài sản là những thứ có giá trị tăng lên theo thời gian, càng đa dạng tài sản thì mức sinh lời càng cao. Đi kèm với đó rủi ro cũng cao hơn nhưng những người thuộc nhóm này họ quan niệm rủi ro chính là nguồn gốc của lợi nhuận.
Để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, bạn cần kiên trì, kiên nhẫn, trau dồi nhiều kiến thức và bổ sung vốn, đồng thời phải có biện pháp quản trị rủi ro đề phòng nhiều trường hợp xảy ra.
Cách thức sử dụng mô hình Kim Tứ Đồ của Robert Kiyosaki
4. Những lưu ý khi áp dụng Kim Tứ Đồ
Lưu ý, sự khác nhau về quan điểm, giá trị, mối quan tâm, lối suy nghĩ, cũng như sở thích, thói quen, niềm tin… đặc biệt là cách cư xử trước nỗi sợ mất tiền, sợ thất bại đã hình thành nên 4 nhóm người ở trên.
Ví dụ, nhóm E thì luôn tìm đến chắc chắn, sự an toàn về công việc, thu nhập cùng các điều kiện phúc lợi.
Nhóm S thì tìm đến sự tự do, độc lập trong công việc, họ không tin tưởng người khác bằng chính mình, họ muốn tự quyết định tất cả và không muốn chia sẻ công việc.
Nhóm B thích được vây quanh bởi những người giỏi ở cả 4 nhóm, họ thích phân chia công việc cho người khác, thích thành lập một hệ thống sản xuất, kinh doanh, hướng đến sự tự do tài chính.
Nhóm I có khẩu vị là rủi ro, vì rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận. Họ thích đối mặt với thử thách, muốn học hỏi nhiều để có thể quản trị được các rủi ro và theo thời gian họ càng tỉnh táo và khôn ngoan hơn.
Ở cách để có thể tiến tới tự do tài chính nhờ Kim Tứ Đồ, chúng ta thấy nhóm người này có thể nhảy qua nhóm người kia để tăng thu nhập. Robert Kiyosaki đã nói “bạn không cần thay đổi những hành động mà trước hết phải thay đổi chính cách nghĩ của bạn”. Những điểm nằm sâu bên trong con người bạn sẽ quyết định cách bạn kiếm tiền.
Kinh nghiệm áp dụng mô hình Kim Tứ Đồ hiệu quả
Ông gọi đó là “giá trị gốc rễ”, muốn di cư sang một nhóm nào khác thì cần phải “tìm hiểu, làm quen rồi dần thích nghi với những giá trị gốc rễ của nhóm đó”.
Nói một cách dễ hiểu hơn là bạn cần thay đổi suy nghĩ, thói quen, thái độ, cung cách làm việc… sao cho phù hợp nhất với nhóm mà bạn muốn nhảy sang. Quan trọng nữa là trau dồi thêm kỹ năng chuyên môn và kiến thức liên quan tới nhóm đó.
Như vậy, việc “di cư” từ nhóm này qua nhóm khác là một quá trình chứ không là hành động bộc phát, Robert gọi đó là “một cuộc cách mạng” khiến con người ta “thay da đổi thịt”.
Hãy tự hỏi bản thân, bạn mong muốn trở thành ai? Hoạt động theo cách nào? Chọn con đường nào để đi? Có thể tự xây dựng cuộc sống không? Và muốn gia nhập nhóm nào theo mô hình Kim Tứ Đồ?
Tóm lại, không quan trọng bạn thuộc nhóm nào của Kim Tứ Đồ, nhóm nào cũng đóng góp giá trị cho xã hội, quan trọng là bạn có đủ năng lực kiếm nhiều tiền để đạt được mức sống, đạt được mục tiêu tự do tài chính mà mình hướng đến hay không mà thôi! TOPI chúc bạn đạt đến tự do tài chính một cách nhanh chóng và bền vững!