Thẩm định giá doanh nghiệp là một lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng mạnh mẽ. Việc định giá doanh nghiệp giúp cơ quan chức năng đưa ra chính sách hợp lý, doanh nghiệp có biện pháp cải tiến kinh doanh đồng thời là cơ sở để nhà đầu tư đưa ra quyết định mua, bán chứng khoán.
Khái niệm thẩm định giá doanh nghiệp
Định giá doanh nghiệp hay thẩm định giá trị doanh nghiệp là việc đánh giá, ước tính giá trị thị trường của doanh nghiệp và các quyền, lợi ích của nó theo một mục đích nhất định.
Việc định giá doanh nghiệp phải áp dụng các phương pháp thẩm định giá phù hợp, do thẩm định viên chuyên nghiệp, đã qua đào tạo, huấn luyện thực hiện, dựa trên nguồn dữ liệu đáng tin cậy và thông tin thực tế.
Thẩm định giá giúp ước tính giá trị của doanh nghiệp
Hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp phục vụ cho nhiều mục đích. Doanh nghiệp sẽ tiến hành định giá khi:
- Doanh nghiệp muốn mua, bán, sáp nhập, liên doanh liên kết hoặc thanh lý
- Tiến hành cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường chứng khoán
- Kêu gọi đầu tư, góp vốn
- Cần vay vốn để đầu tư phát triển kinh doanh
- Quyết toán thuế, kiểm toán
- Giải quyết, xử lý khiếu nại, tranh chấp
Vai trò của hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp
Trong bối cảnh thị trường tài chính, chứng khoán và các loại tài sản khác ngày càng phát triển, thẩm định giá doanh nghiệp trở thành một công cụ quan trọng, giúp xác định giá trị thực của một doanh nghiệp.
Dựa vào kết quả thẩm định, các bên liên quan có thể đưa ra quyết định chính xác trong nhiều tình huống quan trọng, bao gồm:
- Quản lý nhà nước: Cung cấp thông tin giúp cơ quan quản lý đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó nghiên cứu và áp dụng các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản và các nghĩa vụ tài chính khác.
- Hỗ trợ doanh nghiệp: Giúp doanh nghiệp nhận diện rõ giá trị của mình để có chiến lược cải thiện hiệu quả kinh doanh, kiểm soát lợi nhuận và tối ưu quản lý.
- Giải quyết tranh chấp: Là cơ sở pháp lý quan trọng trong các vấn đề tranh chấp giữa cổ đông, như phân chia cổ tức, góp vốn hay vi phạm hợp đồng.
- Hỗ trợ nhà đầu tư: Giúp cá nhân, tổ chức và công chúng đầu tư đưa ra quyết định mua bán chứng khoán, chuyển nhượng cổ phần, hoặc thực hiện các hoạt động sáp nhập, chia tách, giải thể và liên doanh doanh nghiệp.
Thẩm định giá doanh nghiệp không chỉ phản ánh giá trị tài sản mà còn góp phần tạo nên sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trên thị trường.
Thẩm định giá trị doanh nghiệp phải được tiến hành bởi chuyên viên
Giá trị doanh nghiệp được xác định dựa trên cơ sở nào?
Giá trị doanh nghiệp là tổng của tất cả thu nhập có khả năng mang lại trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh: Giá trị công bằng, giá trị thị trường, giá trị đầu tư, giá trị hoạt động kinh doanh và giá trị thanh lý.
Giá trị doanh nghiệp khó có thể được định giá theo sổ sách, đó chỉ là giá trị danh nghĩa, thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Ngày nay, việc định giá doanh nghiệp sẽ dựa theo giá tị thay thế (chi phí hiện tại để có được tài sản tương đương với tài sản của doanh nghiệp), giá trị chuyển đổi thành tiền, giá trị vô hình (bằng sáng chế, bí quyết sản xuất, cơ sở dữ liệu…)
Việc định giá cũng phải dựa vào các biến số tài chính như thu nhập ròng,cổ tức, dòng tiền, tỷ suất vốn hóa, tỷ suất chiết khấu.
Tìm hiểu thêm: thẩm định tín dụng doanh nghiệp
Quy trình thẩm định giá doanh nghiệp hiện nay
Quy trình thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn tại Tiêu chuẩn TĐG số 05 ban hành theo QĐ số 24/2004/QĐ-BTC ngày 07/10/2005 của Bộ Tài chính.
Theo hướng dẫn, việc thẩm định giá trị của doanh nghiệp gồm có 6 bước:
Xác định vấn đề
Tại bước đầu tiên, cần thiết lập mục đích thẩm định giá, nhận dạng sơ bộ doanh nghiệp (pháp lý, loại hình kinh doanh, quy mô hoạt động, địa điểm, chi nhánh, tài sản, sản phẩm, thương hiệu, thị trường,…), xác định cơ sở giá trị của thẩm định giá và nguồn tài liệu cần thiết cho việc thẩm định giá.
Lập kế hoạch thẩm định giá
Bước này nhằm xác định rõ những công việc phải làm và thời gian thực hiện từng công việc cũng như toàn bộ thời gian cho việc thẩm định giá.
Trong bản kế hoạch phải xác định các yếu tố cung cầu thích hợp với chức năng, các đặc tính và các quyền gắn liền với doanh nghiệp, đặc điểm thị trường; xác định các tài liệu cần thu thập về doanh nghiệp và thị trường, đảm bảo nguồn tài liệu đã được kiểm chứng, đáng tin cậy; xây dựng tiến độ nghiên cứu, trình tự thu thập và phân tích dữ liệu, thời hạn thực hiện và lập đề cương báo cáo kết quả thẩm định giá.
Thu thập tài liệu và tìm hiểu doanh nghiệp
Tiếp theo, thẩm định viên phải khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, bao gồm: Kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh thực tế.
Thẩm định viên sẽ thu thập thông tin, tư liệu về tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, kế toán, kiểm toán, công nhân viên và đội ngũ quản lý, hệ thống đơn vị sản xuất, đại lý, thị trường của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh… Cần đảm bảo nguồn dữ liệu phải đáng tin cậy để làm căn cứ cho việc thẩm định giá.
Quy trình định giá doanh nghiệp phải theo hướng dẫn của Bộ Tài chính
Đánh giá điểm mạnh - yếu của doanh nghiệp
Cần đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp trên tất cả các mặt: Hoạt động sản xuất kinh doanh, tay nghề người lao động, bộ máy quản lý và năng lực quản lý, thiết bị công nghệ, vốn nợ, các chỉ tiêu tài chính, thị trường, môi trường kinh doanh…
Xác định phương pháp định giá, phân tích tư liệu, và ước tính giá trị doanh nghiệp
Thẩm định viên tiến hành định giá cần dựa vào ý kiến, kết quả của thẩm định viên khác hay các nhà chuyên môn khác để có cái nhìn chính xác.
Ví dụ: Khi định giá bất động sản của doanh nghiệp, thẩm định viên cần căn cứ vào ý kiến, kết quả của thẩm định viên khác hoặc chuyên gia bất động sản để đảm bảo những dịch vụ đó được thực hiện hợp lý, chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
Lập báo cáo thẩm định giá
Phần báo cáo kết quả thẩm định giá doanh nghiệp phải nêu rõ mục đích, đối tượng thẩm định giá (toàn bộ doanh nghiệp hay một phần lợi ích doanh nghiệp…), cơ sở giá trị của thẩm định giá, phương pháp thẩm định và lý do áp dụng các phương pháp này, áp dụng một hay nhiều phương pháp, các biến số (tỷ lệ chiết khấu, tỷ lệ vốn hóa…) và những lập luận khi tổng hợp những kết quả thẩm định khác để có kết quả giá trị cuối cùng.
Báo cáo thẩm định cũng phải nêu rõ những giả thiết và những điều kiện hạn chế khi tiến hành thẩm định. Nếu một khía cạnh nào đó của công việc thẩm định giá cần vận dụng những tiêu chuẩn, hướng dẫn cần thiết thì phải nêu rõ nội dung và lý do cần được vận dụng trong báo cáo.
Tóm lược bảng tổng kết tài sản, báo cáo thu nhập trong một giai đoạn nhất định phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp và mục đích thẩm định giá, tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp và so sánh với các doanh nghiệp tương tự.
Cuối cùng, đưa ra kết quả thẩm định giá và phạm vi, thời hạn thẩm định. Báo cáo thẩm định phải có chữ ký và xác nhận của thẩm định viên chịu trách nhiệm với những nội dung trong báo cáo.
3 phương pháp định giá doanh nghiệp phổ biến
Theo thông lệ khu vực và quốc tế, có 3 phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp phổ biến gồm:
- Phương pháp tài sản
- Phương pháp thu nhập
- Phương pháp so sánh thị trường
Mỗi phương pháp có nhiều kỹ thuật tính toán khác nhau, tùy theo đặc điểm của từng doanh nghiệp để áp dụng phương pháp phù hợp.
Phương pháp tài sản, vốn hóa thu nhập và thị trường
Đây là cách định giá doanh nghiệp tiếp cận từ tổng giá trị tài sản doanh nghiệp tính theo giá thị trường tại thời điểm định giá, phương pháp vốn hóa thu nhập tiếp cận từ thu nhập của doanh nghiệp phát sinh trong tương lai được vốn hóa ở hiện tại; phương pháp thị trường tiếp cận từ giá thị trường so với các doanh nghiệp tương tự đã được bán trên thị trường.
Tùy theo đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp để chọn phương pháp thẩm định giá phù hợp:
Phương pháp tài sản: Tiếp cận từ tổng tài sản của doanh nghiệp
Là phương pháp định giá doanh nghiệp dựa trên giá trị thị trường của tổng tài sản do doanh nghiệp sở hữu. Phương pháp này cung cấp mức “giá sàn” để quyết định giá trị doanh nghiệp.
Nhược điểm: Không phù hợp để thẩm định giá tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả,…).
Tùy đặc điểm của doanh nghiệp để áp dụng cách định giá phù hợp
Phương pháp vốn hóa thu nhập: Tiếp cận từ thu nhập của doanh nghiệp
Phương pháp này chỉ áp dụng được đối với các doanh nghiệp được giả định là tồn tại vĩnh viễn trong tương lai (không đóng cửa, không ngừng hoạt động), nghĩa là doanh nghiệp có khả năng tạo ra một dòng thu nhập vĩnh viễn, ổn định và không tính đến yếu tố lạm phát.
Ưu điểm: Đơn giản, dễ sử dụng, có thể ước tính giá trị doanh nghiệp nhanh
Nhược điểm: Không tính đến yếu tố lạm phát, rủi ro trong quá trình doanh nghiệp hoạt động…
Do đó, phương pháp vốn hóa thu nhập không áp dụng được với doanh nghiệp có dòng thu nhập thay đổi qua các năm và có lạm phát.
Phương pháp thị trường: Tiếp cận từ thị trường
Đây là cách ước tính giá trị của doanh nghiệp bằng cách dùng một hay nhiều phương pháp, trong đó so sánh giá trị thị trường của đối tượng cần thẩm định với các doanh nghiệp khác có đặc điểm tương tự.
Phương pháp so sánh thị trường
Là phương pháp ước tính giá trị của một doanh nghiệp và so sánh với các doanh nghiệp tương tự đã được thẩm định, được bán ở thời điểm định giá.
Với cách này, giá trị của doanh nghiệp được ước tính theo giá trị của các tài sản so sánh. Các tài sản so sánh này phải được chuẩn hoá theo một biến số chung như: thu nhập, doanh thu, dòng tiền, giá trị sổ sách.
Nếu có nhiều doanh nghiệp được giao dịch trên thị trường tài chính thì cách này sẽ tương đối chính xác. Mặc dù phương pháp này khá đơn giản và dễ tiếp cận nhưng các tỉ số có thể bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích dẫn đến thiếu chính xác. Ngoài ra, Phương pháp này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ, không có chứng khoán giao dịch.
Mỗi phương pháp định giá có ưu và nhược điểm nhất định
Phương pháp định lượng lợi thế thương mại
Đây là cách ước tính giá trị doanh nghiệp có tính đến lợi thế thương mại. Giá trị doanh nghiệp được tính bằng giá trị của các tài sản thuần đánh giá theo phương pháp tài sản kết hợp với giá trị lợi thế thương mại.
Giá trị lợi thế thương mại của doanh nghiệp là giá của các khoản siêu lợi nhuận do doanh nghiệp tạo ra khi có lợi thế. Phương pháp này phản ánh sát giá trị của doanh nghiệp do có tính đến tài sản vô hình, do đó có thể bù trừ các sai sót khi xác định giá trị tài sản thuần theo phương pháp tài sản.
Tuy nhiên, cách định giá này cũng có nhược điểm là trong cơ chế thị trường, khó có doanh nghiệp nào có thể duy trì được lợi thế so sánh trong thời gian dài, do đó rất khó dự đoán chính xác thời hạn tồn tại của lợi nhuận siêu ngạch của doanh nghiệp.
Kết luận
Định giá doanh nghiệp không chỉ là một quy trình tài chính, mà còn là chìa khóa giúp chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan hiểu rõ giá trị thực sự của một công ty. Với quy trình thẩm định giá 6 bước mới nhất, doanh nghiệp có thể xác định được giá trị của mình một cách khách quan, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược như mua bán, sáp nhập, huy động vốn hay tái cấu trúc hiệu quả hơn.
Dù bạn là chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội phát triển hay nhà đầu tư muốn tối ưu danh mục đầu tư, việc nắm vững các phương pháp định giá sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện và đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất. Hãy theo dõi TOPI để cập nhật những kiến thức tài chính và đầu tư mới nhất!