Facebook Topi

11/10/2023

Rửa tiền là gì? Quy định và biện pháp phòng chống rửa tiền tại Việt Nam

Các hoạt động rửa tiền hiện nay vô cùng phức tạp và nhiều thủ đoạn tinh vi, công tác phát hiện và kiểm soát càng ngày càng khó khăn. 

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam trở thành “điểm đến” của những tội phạm rửa tiền. Vậy theo pháp luật Việt Nam rửa tiền là gì, cung hình phạt như thế nào và cần chủ động đấu tranh phòng ngừa tội phạm rửa tiền bằng cách nào? Cùng TOPI tìm hiểu ngay!

I. Rửa tiền là gì?

Rửa tiền (Money Laundering) là quá trình bất hợp pháp nhằm tạo ra số tiền lớn từ hoạt động tội phạm, chẳng hạn như buôn bán ma tuý hoặc tài trợ khủng bố, có vẻ như tiền đến từ một nguồn hợp pháp nhưng thực chất thì không phải thế. Tiền từ hoạt động tội phạm được coi là “tiền bẩn” và quá trình "rửa" tiền để làm cho tiền có vẻ trong sạch.

Rửa tiền là gì?

Hình thức rửa tiền hiện nay và những điều mà bạn cần biết

Định nghĩa về rửa tiền tại Việt Nam được quy định rõ tại khảo 1, 2 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền 2022, trong đó có nêu:

Rửa tiền là hành vi của tổ chức cá nhân nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Các hành vi đó có thể là: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính để che giấu nguồn gốc số tiền bất hợp pháp, sử dụng tiền và tài sản phạm tội, che giấu thông tin về nguồn gốc và bản chất thực sự, quá trình di chuyển của số tiền phạm tội mà có, trợ giúp cho những tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm thông qua việc hợp pháp hoá nguồn gốc tài sản phạm tội của họ, chiếm hữu tài sản mặc dù biết tài sản đó là tài sản phạm tội và không có nguồn gốc hợp pháp…

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các phương thức rửa tiền ngày càng trở nên tinh vi hơn. Tội phạm có thể lợi dụng tính năng tài khoản ngân hàng để phục vụ đánh bạc trực tuyến, rửa tiền và thu lợi bất chính, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng, lợi dụng dịch vụ thương mại để rửa tiền, thông qua hình thức tạm nhập tái xuất hàng hoá rồi chuyển tiền bất chính ngụy trang là thanh toán thương mại quốc tế… 

II. Mục đích của việc rửa tiền

Mục đích của việc rửa tiền

Rửa tiền là một hình thức trái phép

Việc rửa tiền chủ yếu đến từ hai nguồn chính là tội phạm tài trợ khủng bố và tội phạm buôn lậu ma tuý. Tội phạm được thúc đẩy bởi một thứ đó là lợi nhuận. Thông qua hoạt động rửa tiền, tội phạm chuyển số tiền thu được từ hoạt động phạm tội thành tiền có nguồn gốc rõ ràng là hợp pháp, như vậy tiền này có thể đường hoàng sử dụng, không vi phạm pháp luật.

Như vậy, mục đích chính của việc rửa tiền chính là hợp pháp hoá số tiền bất chính do phạm tội mà có được.

III. Rửa tiền bằng cách nào?

Rửa tiền bằng cách nào?

Các cách rửa tiền hiện nay

Rửa tiền là điều cần thiết đối với các tổ chức tội phạm muốn sử dụng tiền thu được bất hợp pháp một cách hiệu quả. Xử lý số lượng lớn tiền mặt bất hợp pháp là không hiệu quả và nguy hiểm. Tội phạm cần một cách để gửi tiền vào các tổ chức tài chính hợp pháp, tuy nhiên chúng chỉ có thể làm như vậy nếu số tiền đó “có vẻ” đến từ các nguồn hợp pháp.

Có nhiều cách để rửa tiền, từ đơn giản đến rất phức tạp. Một trong những kỹ thuật phổ biến nhất là sử dụng hoạt động kinh doanh hợp pháp, dựa trên tiền mặt thuộc sở hữu của một tổ chức tội phạm. Ví dụ: nếu tổ chức sở hữu một nhà hàng, tổ chức này có thể tăng số tiền thu được hàng ngày để chuyển tiền bất hợp pháp qua nhà hàng và vào tài khoản ngân hàng của nhà hàng. Sau đó, tiền có thể được rút khi cần thiết. Những loại hình kinh doanh này thường được gọi là “front”.

Một hình thức rửa tiền phổ biến không kém được gọi là smurfing. Trong hình thức này, tội phạm chia những khối tiền mặt lớn thành nhiều khoản tiền gửi nhỏ, thường rải chúng vào nhiều tài khoản khác nhau để tránh bị phát hiện. Rửa tiền cũng có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng trao đổi tiền tệ, chuyển khoản ngân hàng và những kẻ buôn lậu tiền mặt (mule) - những kẻ lén chuyển một lượng lớn tiền mặt qua biên giới và gửi chúng vào tài khoản nước ngoài, nơi việc thực thi rửa tiền ít nghiêm ngặt hơn.

IV. Những quy định về việc rửa tiền tại Việt Nam

Những quy định chung về việc rửa tiền

Rửa tiền và những quy định của pháp luật về việc xử phạt

Tại Việt Nam, trách nhiệm hình sự của tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) được quy định cho cá nhân và tổ chức phạm tội cụ thể như sau:

Đối với cá nhân gồm 03 khung hình phạt và hình phạt bổ sung, trong đó:

Khung 01 sẽ phạt tù từ 01 - 05 năm đối với những trường hợp hành vi như:

Trực tiếp/gián tiếp tham gia vào giao dịch tài chính ngân hàng hoặc các giao dịch khác với ý đồ che giấu nguồn gốc bất chính của tiền, tài sản do bản thân phạm tội mà có, hoặc biết nguồn gốc của tiền từ người phạm tội mà có;

Sử dụng tiền và tài sản phạm tội vào việc kinh doanh hoặc hoạt động khác;

Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật, vị trí, quá trình di chuyển tiền và tài sản, quá trình chuyển quyền sở hữu tiền và tài sản phạm tội, cản trở việc xác minh có số tiền, tài sản này.

Hoặc thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với số tiền, tài sản đã hoàn thành việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi từ hành vi phạm pháp.

Khung 02 phạt tù từ 05 - 10 năm nếu hoạt động rửa tiền có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện. Người phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên, hình thức rửa tiền có tính chất chuyên nghiệp, tinh vi xảo quyệt. Số tiền, tài sản phạm tội từ 200 triệu - 500 triệu đồng, thu lợi bất chính từ 50 triệu  - 100 triệu đồng, và hành vi tái phạm có tính chất nguy hiểm.

Khung 03 phạt tù từ 10 - 15 năm nếu tiền, tài sản phạm tội từ 500 triệu đồng trở lên, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng và hành vi rửa tiền gây ảnh hưởng xấu đến toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Người chuẩn bị phạm tội rửa tiền cũng sẽ chịu tù từ 06 tháng - 03 năm tuỳ theo tình tiết vi phạm.

Hình phạt bổ sung là phạt hành chính từ 20 triệu - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy theo tình tiết vi phạm.

Đối với tổ chức pháp nhân:

Phạt tiền từ 1 tỷ - 5 tỷ đồng nếu tội danh thuộc những trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 324 của Bộ Luật Hình sự về tội rửa tiền;

Phạt tiền từ 5 tỷ - 10 tỷ đồng nếu tội danh thuộc các trường hợp được quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h của Khoản 2 Điều 324 của Bộ Luật Hình sự về tội rửa tiền;

Phạt tiền từ 10 tỷ  - 20 tỷ hoặc bị đình chỉ hoạt động của tổ chức từ 01 - 03 năm nếu tội danh thuộc những trường hợp tại Khoản 3 Điều 324 Bộ Luật Hình sự.

Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu tội danh thuộc Điều 79 Bộ Luật Hình sự, gây thiệt hại đến tính mạng nhiều người, gây sự cố môi trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và không thể khắc phục được hậu quả.

V. Các biện pháp phòng chống rửa tiền

Các biện pháp phòng chống rửa tiền

Cách giúp hạn chế hành vi rửa tiền đang được áp dụng hiện nay

Trong thị trường tài chính, hầu hết các công ty tài chính ngày nay đều có chính sách chống rửa tiền (AML) để phát hiện và ngăn chặn hoạt động này. 

Cần triển khai các chính sách và thủ tục liên quan tới chống rửa tiền hiệu quả.Các tổ chức tài chính phải thiết lập các chính sách và thủ tục phù hợp với các yêu cầu pháp lý về hoạt động chống rửa tiền. Trong đó phải bao gồm thẩm định khách hàng, đánh giá rủi ro, giám sát giao dịch và báo cáo hoạt động đáng ngờ.

Tiến hành thẩm định khách hàng (CDD) - CDD là quá trình thu thập thông tin về khách hàng của bạn để xác minh danh tính của họ và đánh giá mọi rủi ro mà họ gây ra cho doanh nghiệp của bạn.

Tiến hành đào tạo nhân viên thường xuyên về hoạt động chống rửa tiền, thường xuyên cập nhật các kỹ thuật cũng như xu hướng rửa tiền mới nhất, chủ động lên kịch bản để nếu rơi vào trường hợp nghi vấn rửa tiền có thể phối hợp xử lý được ngay.

Phối hợp với cơ quan chức năng, báo cáo về hoạt động đáng ngờ cho cơ quan chống rửa tiền. Các doanh nghiệp cũng có thể cung cấp thông tin tình báo có giá trị về các phương pháp và xu hướng rửa tiền mới nhất, giúp cơ quan thực thi pháp luật luôn “làm chủ cuộc chơi”.

Tận dụng sức mạnh của tự động hóa, nhiều giải pháp về các thuật toán thông minh nhờ AI giúp doanh nghiệp thẩm định khách hàng, đánh giá rủi ro cũng như giám sát giao dịch đáng ngờ và báo cáo lại các hoạt động này cho doanh nghiệp.

VI. Ảnh hưởng của việc rửa tiền đối với nền tài chính chung

Ngăn chặn rửa tiền là rất quan trọng để tuân thủ các quy định và bảo vệ hệ thống tài chính khỏi những tổn hại do tội phạm gây ra. Chính xác thì “tác hại” này là như thế nào? 

Ảnh hưởng của việc rửa tiền đối với nền tài chính chung

Những ảnh hưởng chính mà việc sửa tiền mang đến

1. Ảnh hưởng đến dòng tiền nhất là cầu tiền

Rửa tiền là vấn nạn không chỉ ở những thị trường tài chính lớn của thế giới mà ở cả những thị trường tài chính mới nổi. Nó tạo ra những thay đổi khó lường về cầu tiền cũng như gây ra những biến động lớn về dòng vốn quốc tế và tỷ giá hối đoái.

Khi dòng tiền bất hợp pháp chảy vào trong dòng tiền của quốc gia mà không được kiểm soát thì sẽ thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn, đặc biệt là tiêu dùng xa xỉ. Từ đó dẫn đến sự gia tăng bất thường của cán cân xuất nhập khẩu, gây thâm hụt thanh toán nước ngoài, lạm phát, lãi suất bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng nhiều. Đồng thời, tiền bẩn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiền tệ.

Do tác động của Ngân hàng Trung Ương (NHTW) phụ thuộc vào dự đoán nhu cầu về dòng tiền, nhưng tiền bất hợp pháp chảy vào khiến họ không lường trước được, vì vậy, chính sách tiền tệ đưa ra cũng sẽ không hợp lý.

2. Làm hạn chế nguồn vốn nước ngoài chảy vào

Sự bất ổn về giá cả do rửa tiền sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nền kinh tế trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, họ phải cân nhắc rất kỹ khi rót vốn vào đầu tư cho thị trường tài chính ở quốc gia đó, bởi nếu tiền được rửa sạch, khi thoát ra chúng cũng chẳng mang lại lợi ích kinh tế nào cho họ, tăng trưởng trong dài hạn giảm, tỷ lệ đầu tư không tăng. Chính vì vậy, họ cũng không quá hứng thú với những quốc gia mà ở đó các biện pháp phòng chống rửa tiền lỏng lẻo.

3. Ảnh hưởng đến nguồn thu nhập

Tiền đen sẽ khiến một cá nhân hoặc nhóm, tổ chức nào đó càng ngày càng giàu, bỏ xa những người khác khiến cho sự thoái hoá xã hội diễn ra ngày càng nhanh. Khoảng cách giàu nghèo càng lớn thì càng tăng xu hướng phạm tội, và tiền khi đó càng có sức mạnh và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

4. Ảnh hưởng đến nguồn thu thuế

Nguồn thu từ thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn thu công. Nếu thu nhập thấp sẽ làm tăng khả năng thu ngân sách không đáp ứng được chi tiêu công, thậm chí xảy ra thâm hụt ngân sách. Thu nhập từ tiền bẩn chắc chắn sẽ không thể đánh thuế được và vì thế sẽ thất thoát nguồn thu thuế.

5. Ảnh hưởng rất lớn đến các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng

Các tổ chức tài chính và ngân hàng chứa dòng vốn trong nước và dòng vốn nước ngoài, mang lại lợi ích cho sự phát triển của nền kinh tế. Khi hoạt động rửa tiền xảy ra thường xuyên, tội phạm sẽ rút hết số tiền chúng kiếm được từ ngân hàng, gây tổn hại rất nặng cho các tổ chức này. 

Rửa tiền tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán người và ma túy, trốn thuế, khủng bố… Nó cũng có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng tham nhũng và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các tổ chức tài chính và ngân hàng. Những người gửi tiền, nhà đầu tư và khách hàng nói chung khi gửi tiền vào các ngân hàng có liên quan tới hoạt động rửa tiền cũng e dè thậm chí là không còn tin tưởng nữa.

VII. Ví dụ về những trường hợp rửa tiền nổi bật tại Việt Nam

Ví dụ về những trường hợp rửa tiền nổi bật tại Việt Nam

Những trường hợp rửa tiền điển hình tại Việt Nam

Một số trường hợp rửa tiền tại Việt Nam đã bị khởi tố trách nhiệm hình sự có thể kể đến như:

Vụ án rửa tiền của Địa ốc Alibaba: Vụ án này từng gây xôn xao dư luận vào năm 2019, theo đó, Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Alibaba ông Nguyễn Thái Lực (1999) đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện việc chuyển nhận tiền nhằm che giấu số tiền bất hợp pháp do hai anh trai của mình là Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lừa đảo chiếm đoạt từ khách hàng mà có. Hơn 6,700 khách hàng đã giao dịch mua bán những dự án “ma” của CTCP Địa ốc Alibaba mà không hề hay biết, giúp anh em Nguyễn Thái Luyện thu về hơn 2,500 tỷ đồng.

Rửa tiền thông qua hình thức thanh toán XNK: Ngày 25/09/2020, Cơ quan CSDT Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án và các bị can là Nguyễn Văn Thắng, Phạm Anh Tuấn cùng đồng phạm do có dấu hiệu rửa tiền thông qua hệ thống thương mại quốc tế. Theo đó, Nguyễn

Văn Thắng cùng đồng phạm đã lập nhiều công ty xuất nhập khẩu, làm ăn với nước ngoài, làm thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hoá nhằm che đậy cho hành vi vận chuyển trái phép khoảng 30,000 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài để che đậy nguồn gốc của số tiền này. Thủ đoạn của bọn chúng là giả mạo thanh toán hàng hoá, dịch vụ trong thương mại quốc tế, sau đó trục lợi bằng cách thu phí trên tổng số tiền chuyển đi, tiền sau đó được “rửa sạch” vì mang danh là  thanh toán quốc tế qua ngân hàng.

Rửa tiền thông qua hình thức đánh bạc: Vụ đánh bạc nghìn tỷ xảy ra vào năm 2018 do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Giám đốc - Công ty VTC online) cầm đầu và đều bị truy tố về tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền.

Sau khi nhận được số tiền bất chính từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo đồng phạm chuyển tiền góp vốn vào CTCP Đầu tư UDIC với số tiền hơn 576 tỷ đồng. Sau đó tách UDIC thành hai công ty và bán cổ phần sở hữu cho những nhà đầu tư khác. Về phần Phan Sào Nam, ông ta chuyển cho đồng bọn gửi tiền tiết kiệm và mua bất động sản, sau đó đầu tư góp vốn vào các công ty khác, cùng nhiều lần mua, đứng tên bất động sản khác nhau và gửi tiền tiết kiệm tại nhiều ngân hàng.

Các hoạt động bất hợp pháp và nguy hiểm, chẳng hạn như buôn bán ma túy, đưa người trái phép, tài trợ khủng bố, buôn lậu, tống tiền và lừa đảo, gây nguy hiểm cho hàng triệu người trên toàn cầu và gây ra tổn thất kinh tế và xã hội to lớn cho xã hội. Vì vậy, các cơ quan chống rửa tiền luôn tìm mọi cách để tước đoạt những số tiền thu được từ các hoạt động bất chính trên để có thể làm giảm hoạt động của bọn tội phạm, trả lại bản chất sạch cho tiền và lợi ích cho xã hội.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI