Facebook Topi

14/02/2022

Điều gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn

Đầu tư chứng khoán cũng như một trận chiến về kinh tế và tài chính cá nhân, doanh nghiệp. Mỗi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng tốt nhất

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

TĂNG BÁ DUY

17h12, 17/05/2015: “Duy ơi, cắm cho bố cái máy bơm”.

Câu nói cuối cùng mà tôi nghe được từ bố, bởi sau đó điện từ máy bơm khiến bố tôi gặp tai nạn và qua đời. Khi đó, tôi vừa tròn 20 tuổi 1 tháng.

Gia đình tôi được coi là khá giả ở một huyện của tỉnh Tuyên Quang, có Công ty nhỏ, có nhà 3 tầng, có ô tô, và chẳng có gì phải lo lắng về tài chính cả. Trong mắt người đời, tôi là cậu ấm. Nhưng không, bố tôi mất khiến mọi thứ dần hiện ra rõ nét. Trong đêm đầu tiên đưa bố về nhà, giữa những tiếng nấc của mẹ và người thân, mẹ bảo tôi rằng nhà tôi đang nợ nhiều lắm, số tiền khoảng 7 tỷ đồng Việt Nam.

Với gia đình, và với tôi, một thằng sinh viên năm 2 Đại học Luật Hà Nội thì đây là một con số không tưởng. Làm gì ra tiền để mà trả nợ? Bán công ty, bán bất động sản khéo cũng không đủ. Làm gì giàu nhanh? Kiếm tiền cách nào? Phải kiếm tiền, phải trả nợ, phải giàu… Tôi bị ám ảnh bởi con số ấy, và bị ám ảnh bởi suy nghĩ chính tôi khiến bố đi xa, chính tôi đẩy gia đình vào cảnh khó.

Tôi không ngủ được trong gần một năm sau đó, cứ nhắm mắt là những suy nghĩ ấy lại hiện ra trong đầu. Hàng ngày, mẹ vẫn gọi điện nhắc nhở tôi phải chi tiêu tiết kiệm để dành tiền trả nợ. Thi thoảng, mẹ có nói tới việc làm ăn không ổn, mẹ tính bán công ty, bán nhà xưởng. Khi ấy tôi chỉ biết nói mẹ đừng bán, cứ để đó, cố gắng làm cầm cự, bởi tôi nghĩ đơn giản rằng đó là công sức cả đời của bố và sẽ có ngày tôi về gây dựng lại. Nghĩ vậy chứ làm cách nào thì thực sự tôi cũng không biết, tôi mới đang là sinh viên năm 3, lo thân còn chưa xong. Nhưng, tôi quyết định hành động, để rồi gặp thất bại và học được những bài học kinh doanh đầu đời…

Ấy là khoảng tháng 8 năm 2016, hơn 21 tuổi, vừa kết thúc năm ba Đại học, tôi và hai đứa bạn cùng trường rủ nhau mở quán cafe. Tôi nhờ mẹ lên vay ngân hàng 200 triệu, hùn hạp với chúng bạn để mua một quán Cafe cũ trên đường Kim Mã, Hà Nội. Sắm sửa, thêm mới đồ đạc, chúng tôi khai trương vào đầu tháng 9. Vận hành được một thời gian ngắn thì một cậu bạn xin rút vốn, quán còn lại 2 cổ đông cố gắng vừa làm vừa học, vừa làm vừa xoay sở.

Đến tháng 12 năm đó, không thể cầm cự được nữa, mô hình kinh doanh không hiệu quả, doanh thu thấp, lỗ, hết tiền, nhân viên xin nghỉ, áp lực và căng thẳng…, chúng tôi quyết định bán lại quán cho người khác, tôi cầm về trả mẹ 140 triệu, lỗ mất 60 triệu. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu được vận hành một mô hình kinh doanh khó gấp hàng trăm hàng ngàn lần những gì tôi nghĩ. Sau này ngồi phân tích lại, tôi mới biết tại sao tôi thất bại, chứ lúc đó tôi cũng không hiểu gì. Chỉ thấy như chịu một cái tát mạnh, tôi thông não và lao đầu vào học…

Khoảng năm 2016, 2017 là thời điểm trào lưu Startup được cổ vũ mạnh mẽ và nở rộ ở Việt Nam. Trên khắp các diễn đàn, báo mạng, Youtube…, đâu đâu cũng nói về ý tưởng kinh doanh, quản lý và quản trị công ty, về tài chính doanh nghiệp… Những câu truyện truyền cảm hứng bắt đầu được các doanh nhân đi trước chia sẻ. Tôi như cá gặp nước, tôi ngấu nghiến các thông tin ấy như thể một người đi trên sa mạc đắm mình trong làn nước mát lạnh nơi ốc đảo mà họ đã tìm kiếm hàng tuần trời nắng gắt. Tôi lê la khắp các nhà sách, phố sách Hà Nội để tìm mua những cuốn viết về tiền, về kinh doanh, quản trị, về tiểu sử của các doanh nhân thành công ở Việt Nam và trên thế giới.

Tôi đọc và ghi nhớ. Tôi nhớ hết! Con đường khởi nghiệp và cách Jack Ma lãnh đạo Alibaba, độ điên của Elon Musk, độ quái của Bill Gates, cách Soichiro Honda và tập đoàn Toyota tư duy về làm sản phẩm, con đường lập nghiệp của các tỷ phú người Việt ở Đông Âu… Khi đã thấy “hòm hòm”, tôi bắt đầu tìm việc, ấy cũng là lúc tôi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Và tôi gặp Tony…

Có hai cuốn sách nằm trong top Best Seller nhiều năm liền trên thị trường sách Việt Nam, Cà phê cùng Tony - Trên đường băng. Thế nhưng không ai biết Tony Buổi sáng là ai? Có thật không? Làm nghề gì? Tôi cũng không biết. Tôi tìm đến với Tony Buổi sáng qua lời giới thiệu của thằng bạn Việt Anh. Dần dần, tôi xem Tony Buổi sáng như một nguồn truyền cảm hứng để tiếp lửa cho những lúc nhụt chí, chán nản, tôi đọc đi đọc lại các bài viết và hai cuốn sách cả chục lần… Trở lại với thời điểm vừa tốt nghiệp, tôi bắt đầu tìm việc trên mạng. Tình cờ tôi tìm được một Công ty ở Sài Gòn đang tuyển thực tập sinh quản lý.

Ấn tượng với cách thức tuyển dụng, tôi liền gửi hồ sơ, viết bài luận, quay clip giới thiệu bản thân để ứng tuyển. May mắn, tôi được chọn. Qua trao đổi với người phụ trách, thật bất ngờ, tôi được cho biết đây là công ty mà Tony đầu tư. Thế là tôi khăn gói vào Sài Gòn chỉ một thời gian ngắn sau đó, lúc ấy là khoảng giao giữa năm 2017 và 2018. Vô Sài Gòn, ở cùng Tony, làm việc và trao đổi cùng Tony, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để trở thành một con người mới, trưởng thành hơn cả về tư duy và kiến thức. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy có những phần tư duy khác biệt giữa mình với Tony khiến tôi không thể đi lâu dài với ông. Và hơn hết, dù đến một nơi đầy những cơ hội, tôi vẫn luôn nghĩ về gia đình ở quê, về mẹ, về em gái, và về những gì dang dở mà bố để lại khi ông ra đi. Và rồi nói lời chào Tony, tôi gọi cho mẹ để nói tới việc quyết định trở về làm tại công ty gia đình. Ba tháng đầu tiên, vị trí tôi đảm nhiệm là công nhân nhặt vỏ cây…

Tháng ba năm 2018, cặm cụi nhặt từng mẩu rác khỏi băng chuyền, ngón tay đen kịt vì nhựa cây và đầu đầy mùn cưa, bụi gỗ, trên mình là bộ đồ lao động xấu hơn hẳn sơ mi đóng thùng thường thấy nơi chúng bạn đang làm ngành Luật, tôi lặng lẽ quan sát cách mọi thứ vận hành, cách mọi người làm việc... Gọi là Công ty nhưng thực tế đó chỉ là một xưởng sản xuất gỗ nguyên liệu nhỏ với hơn 10 công nhân, tính cả tôi và mẹ. Với tôi, mọi thứ của công việc lúc này đều mới và khó. Tôi phải học từ những thứ nhỏ nhất, cách cầm cờ-lê, búa sao cho đúng, cách đưa gỗ vào máy thế nào để không bị cây bật vào mặt, cách điều khiển cho xe ô tô tải to lớn nhúc nhích từng mét, thêm dầu mỡ cho máy móc để bảo dưỡng bảo trì…

Tôi học hết! Thầy dạy tôi chính là những người đồng nghiệp, các cô chú anh chị công nhân trong xưởng. Với họ, việc viết một đoạn văn nhiều khi còn khó, thậm chí chú đội trưởng đội sản xuất còn không biết ký tên, mỗi lần cần ký là lại điểm chỉ vân tay như trong phim Trung Quốc. Nhưng với tôi lúc ấy thì họ là những chuyên gia, tôi tôn trọng và học hỏi từ họ. Dần dần, tôi nhận ra những yếu kém khiến công ty không thể phát triển lên mà ngày càng đi lùi, mặc dù tôi biết mẹ tôi đã cố gắng hết sức để giữ công ty tồn tại kể từ khi bố tôi mất. Tôi hiểu những khó khăn, đau khổ mà mẹ đã phải chịu đựng. Tôi tôn trọng những gì mẹ đã cố gắng gìn giữ. Nhưng muốn công ty phát triển, muốn trả được hết nợ, muốn cứu gia đình, tôi buộc phải cải tổ mọi thứ…

Hàng ngày tôi vẫn đi làm, trải qua tất cả mọi vị trí mà một người công nhân có thể tại xưởng sản xuất. Tối về tôi tiếp tục tìm lại số liệu quá khứ của công ty từ các năm trước bởi mọi thứ đều không được ghi chép lại, công ty hoạt động như người mù đi giữa đường mà không có gì dẫn hướng, không biết doanh thu bao nhiêu, lãi lỗ thế nào, hiệu quả ra sao. Cứ thế, ngày làm công nhân sản xuất, tối về lục lọi số liệu như một Kế toán viên, tối thứ 6 lái xe đi Hà Nội để sáng Thứ Bảy vào học lớp kế toán tại một trung tâm nhỏ trên đường Vũ Phạm Hàm rồi trở về để kịp làm ca sáng Chủ Nhật. Liên tục trong 9 tháng, đến cuối năm 2018, tôi thu lại thành quả vượt mong đợi.

Doanh thu công ty tăng gấp đôi (100%) so với hai năm trước khi tôi về. Thừa thắng xông lên, tôi tuyển và đào tạo thêm công nhân, mở rộng sản xuất. Tháng 8 năm 2019, gia đình tôi chính thức xóa hết khoản nợ, với tôi là vô cùng lớn khi bố tôi mới mất. Năm 2020, giữa bão Covid, tôi lên kế hoạch mở thêm xưởng sản xuất tại vị trí khác và đi vào hoạt động thành công. Cuối năm 2021, ở thời điểm tôi đang gõ những dòng chữ này, doanh thu năm của công ty đã gần đạt con số 30 tỷ, tăng so với doanh thu năm 2017 (khi tôi chưa về làm) khoảng 340%.

Tôi biết, con số đó là rất nhỏ so với nhiều doanh nghiệp khổng lồ và so với các anh chị, cô chú trong VWA (Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam), nhưng với tôi đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhiều lúc, tôi vẫn nói với thằng bạn Việt Anh: Tao làm việc như Elon Musk, 80 100 giờ mỗi tuần là muỗi. Tôi tự hào về điều đó. Thế nhưng tôi không hề biết mọi thứ chưa dừng lại ở đây. Khi tiền kiếm được dần dần tăng lên, số nợ được trả hết, con số thu nhập hàng tháng vượt 300 triệu VND, nghe đầy nghịch lý và mâu thuẫn nhưng ngay lúc đó, tôi rơi vào khủng hoảng nặng về tâm lý…

Tôi không biết tiếp theo mình sẽ phải làm gì. Một lần nữa tôi rơi vào hoàn cảnh của một “kẻ mù định hướng”. Tôi tự hỏi mình cứ kiếm tiền, kiếm nữa, kiếm mãi rồi sẽ ra sao? Để rồi thời gian dành cho vợ mới cưới, cho gia đình cũng không có, dành cho bản thân lại càng không, sức khỏe giảm sút, tinh thần rệu rã, stress triền miên. Có đáng không? Tự hỏi tự trả lời mà không thấy đáp án, mất vài tháng tôi lang thang trên mạng, mua sách về đọc để tìm ý nghĩa tiếp theo cho cuộc đời của mình. Một cách tình cờ đầy may mắn, tôi tìm được kênh Tài chính và Kinh doanh của hai thầy Long Phan, Minh Tuấn rồi đăng ký khóa học Wealth Intelligence của các anh (xin phép được gọi 2 thầy là “anh”).

Nói đến đây thì tôi phải xin đính chính là tôi không hề có mục đích quảng cáo hay nhận được bất cứ lợi ích gì từ AFA Group khi đề cập tới khóa học của công ty. Tôi nhắc tới bởi giá trị mà khóa học này đem lại cho tôi thực sự lớn vô cùng. Tựa Tố Hữu “bừng nắng hạ” khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng, tôi như tự giải đáp hết các câu hỏi mà mình vẫn băn khoăn bấy lâu nay khi nghe 2 anh định nghĩa Độc lập và Tự do tài chính về bản chất là “một trạng thái”, không phải một con số thuần túy bao nhiêu tiền như tôi thường nghĩ.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác muốn khóc khi nghe anh Minh Tuấn kể về thời làm Giám đốc Ngoại hối Techcombank, rằng anh đã áp lực thế nào, cống hiến ra sao, những gì anh nhận được và phải đánh đổi, cuối cùng là cách anh nhận thức và vượt qua. Tôi xúc động là bởi tôi nhận thấy rằng mình không cô đơn, ngoài kia cũng có những người giống mình, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ mình. Chính bởi thế, tôi tìm ra được mục tiêu tiếp theo của chặng đường sắp tới, ôn luyện và trau dồi kiến thức để trở thành một AFP (Associate Financial Planner). Mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu, và còn rất dài những chặng đường phía trước…

Tuổi 20 là cột mốc đáng nhớ với tất cả chúng ta, với tôi cũng vậy. Nếu ai hỏi có muốn quay lại không, tôi sẽ nói không. Nó quá khắc nghiệt và đầy đau thương mất mát. Nhưng nếu được, tôi muốn gửi tới thằng Duy đầy ngu dại ngày 20 đó một vài lời khuyên, có thể nó sẽ cứng đầu không nghe, tôi thừa biết, tôi là nó mà. Tôi sẽ xưng anh với nó, kỳ cục... Nhưng rồi qua năm tháng, CHẮC CHẮN nó sẽ thấm vài phần!

1. Điều gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn.

Trong cuộc sống này có vô vàn biến cố, nhưng chỉ cần chúng ta còn sống, còn thở, anh tin mọi thứ đều có cách giải quyết. Đừng sợ khó khăn, thất bại, bởi sau mỗi lần vượt qua chúng, em sẽ học thêm được những bài học mới, tìm ra hướng đi mới, trở thành con người mới. Chẳng phải Mạnh Tử vẫn có câu: “Ông trời muốn giao việc lớn cho ai đó, trước hết nhất định phải làm cho kẻ đó trong lòng đau khổ, cơ bắp mỏi mệt, ốm yếu, phải chịu cảnh cơ hàn, đói kém, làm việc gì cũng không thành, luôn cảm thấy không như ý. Qua những thử thách đó để họ mài dũa tinh thần, kiên định ý chí, giúp họ rèn luyện thêm những năng lực mà họ chưa có được” hay sao? Hãy đối mặt em nhé!

2. Cố gắng đọc và học thật nhiều, kể cả những thứ không liên quan tới nghề nghiệp.

Anh nhận thấy khi những vấn đề khó khăn phát sinh, chỉ có học những điều mới, đọc những cuốn sách mới, chúng ta mới có thể giải quyết những trường hợp đó. Nếu kiến thức và kỹ năng hiện tại của em là đủ thì vấn đề đã không còn là vấn đề, đúng không? Hãy luôn giữ một tư duy mở và tâm thế sẵn sàng để đón nhận mọi điều lạ lẫm.

Thế nhưng em ạ, đừng chỉ đọc và học những gì liên quan tới chuyên môn, nghề nghiệp. Hãy tiếp cận tới cả những thứ tưởng như chẳng hề có chút liên hệ gì với công việc của mình trong thực tại, bởi rất có thể nó sẽ có ích trong tương lai. Jack Ma vì thời trẻ mê truyện Kim Dung nên sau này lấy ID ở Công ty là Phong Thanh Dương, đặt tên văn phòng công ty là Đào Hoa Đảo, phòng họp là Quang Minh Đỉnh, nhà vệ sinh đặt Thính Vũ Hiên (Hiên nghe mưa) và Quan Bộc Đình (Đình ngắm thác), từ đó tạo nên văn hóa doanh nghiệp vô cùng cuốn hút và khác biệt. Hay Elon Musk vốn là một tên mọt sách, khi người ta hỏi anh rằng đã học chế tạo tên lửa như thế nào, anh trả lời nhẹ nhàng: “Tôi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết hư cấu và sách khoa học viễn tưởng”. Jack Ma đọc truyện Kim Dung, Musk đọc sách viễn tưởng, thể loại khác nhau nhưng họ gặp nhau ở việc “ĐỌC” em ạ.

3. Luôn tôn trọng và học hỏi từ mọi người xung quanh.

Những người quanh ta, dù cao sang hay thấp hèn, bằng cấp cao hay chỉ là lao động phổ thông, anh thấy họ luôn giỏi hơn mình ở một khả năng nào đó. Vậy nên hãy luôn luôn tôn trọng họ em nhé, có thể ngay ngày mai thôi, họ sẽ trở thành thầy của mình, dạy mình những thứ mà mình còn yếu kém đó.

4. Tiền bạc chỉ nên là phương tiện, không nên là mục đích. Hãy học kiến thức về tiền, về tài chính càng sớm càng tốt.

Có thể lời khuyên này sẽ khiến em hoài nghi bởi tất cả những gì em muốn lúc này là có tiền để trả nợ. Thế nhưng em ạ, lấy tiền làm mục tiêu sẽ không thể giúp em tiến xa, mặc dù kiếm tiền là hoàn toàn chính đáng và chẳng có gì phải chê trách. Anh mong em hãy cố gắng tạo ra giá trị nào đó cho những người xung quanh, người thân, bạn bè, rộng hơn là cho xã hội. Khi đó, tiền sẽ là yếu tố kéo theo, sẽ đi sau và tự động tới với em.

Bởi tiền chỉ là phương tiện, em hãy học kiến thức sử dụng phương tiện đó càng sớm càng tốt nhé. Tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp, tiết kiệm và đầu tư… hay bất cứ điều gì liên quan tới tiền mà em có thể tiếp cận được. Tin anh đi, với kiến thức đó, em sẽ tránh được một cú sốc lớn sau này.

5. Điều cuối cùng, trong các vấn đề mà em tiếp cận, hãy tìm những người dẫn đường, chỉ lối.

Kiến thức chỉ thực sự ở lại nếu sẵn sàng cho đi. Anh tin những người đi trước, các anh chị, chuyên gia, người có hiểu biết về một lĩnh vực nào đó sẽ không ngại chia sẻ nếu em tìm tới và đặt vấn đề muốn học hỏi từ họ một cách thành tâm và cầu tiến. Anh mong em tìm được những người thầy đáng kính và noi theo họ, tựa con tàu lênh đênh giữa sóng lớn nhưng luôn tìm thấy và hướng tới một ngọn hải đăng sáng rõ. Như anh đã tìm được những người mà đến thời điểm hiện tại anh luôn mong được nói lời cảm ơn trên con đường sự nghiệp nói chung và tài chính nói riêng: thằng bạn Việt Anh, Dượng Tony, các cá mập trên chương trình Shark Tank Việt Nam, anh Long Phan, anh Minh Tuấn, anh Nguyễn Toại VPS, anh Võ Đình Trí (Chàng ngốc già), anh Hiếu Nguyễn (Hieu.tv), anh Phan Lê Thanh Toàn (Nhà cố vấn già), bạn Thành Công TC… và rất nhiều anh chị, cô chú đáng mến trên cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam VWA.

Cảm ơn mọi người đã đọc tới những dòng cuối cùng trong bài viết của mình. Hy vọng mình đã đem lại giá trị tích cực nào đó để bù lại khoảng thời gian mà mọi người đã bỏ ra. 

Tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bổ ích tại Topi

Tác giả: Tăng Bá Duy

 

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/YxrKlDuu2uOQNtm78GeLH3jn2QYW8p7ZqWpWb3lN.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/VvUsgRKPmOmXWi1dQ1ti9RrFRj2PQ28Nxfu0e5fv.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger