Facebook Topi

31/10/2024

Bản cáo bạch là gì? Quy định, vai trò và nội dung chính

Bản cáo bạch là tài liệu cung cấp thông tin chính xác, trung thực và khách quan về doanh nghiệp, được công ty phát hành khi muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Dựa vào bản cáo bạch, nhà đầu tư sẽ có hiểu biết về doanh nghiệp, tình hình tài chính và kế hoạch sử dụng vốn cùng quyền lợi của nhà đầu tư, từ đó quyết định có nên mua chứng khoán của doanh nghiệp đó hay không.

Bản cáo bạch là gì?

Bản cáo bạch (bản báo cáo công khai) là tài liệu hoặc dữ liệu điện tử công khai những thông tin chính xác, trung thực, khách quan, giải thích chi tiết về sức khỏe tài chính, hoạt động kinh doanh, chiến lược trong tương lai, triển vọng tương lai và các thông tin quan trọng khác liên quan đến việc chào bán hoặc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành.

Bản cáo bạch là gì

Tìm hiểu về bản cáo bạch của một doanh nghiệp

Khái niệm bản cáo bạch được giải thích tại Khoản 23 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019. Bản cáo bạch là một phần quan trọng, đảm bảo tính minh bạch và trung thực của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp và đưa ra quyết định có nên đầu tư, mua chứng khoán do doanh nghiệp đó phát hành hay không.

Khi muốn phát hành chứng khoán, doanh nghiệp sẽ phải lập một bản cáo bạch sơ bộ, công bố thông tin để Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước xem xét. Sau khi Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước chấp thuận thì bản sơ bộ được coi là bản chính thức

Ý nghĩa và tầm quan trọng của bản cáo bạch

Bản cáo bạch là một công cụ không thể thiếu trong quản lý và vận hành doanh nghiệp. Nó cung cấp một cái nhìn toàn diện về tình hình tài chính, chiến lược kinh doanh, cũng như các rủi ro và cơ hội mà tổ chức có thể gặp phải. Thông qua việc phân tích bản cáo bạch, các nhà quản lý có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, xác định các vấn đề cần được cải thiện và lập kế hoạch phát triển bền vững. 

Đối với nhà đầu tư, bản cáo bạch là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá tiềm năng đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định chính xác và hợp lý. Cuối cùng, việc công bố bản cáo bạch minh bạch còn thể hiện sự tôn trọng và cam kết của tổ chức đối với các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội, từ đó củng cố niềm tin của cộng đồng và thị trường.

Pháp luật quy định về lập bản cáo bạch

Khi lập Bản cáo bạch, doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định như sau:

- Thông tin công bố phải rõ ràng, chính xác và trung thực, không mâu thuẫn, ngôn ngữ phải đơn giản, dễ hiểu.

- Nếu có từ viết tắt hoặc thuật ngữ chuyên ngành, thuật ngữ kỹ thuật thì phải kèm theo giải thích. Bản cáo bạch đảm bảo nêu đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.

- Các thông tin quan trọng, thông tin mang tính so sánh phải được nêu rõ nguồn tham chiếu thông tin;

- Hình thức của bản cáo bạch phải tuân thủ quy định về phông chữ, cỡ chữ, trình bày đảm bảo dễ đọc

- Nội dung bản cáo bạch phải nêu rõ thông tin về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của công ty trong 2 năm tài chính gần nhất, Nếu là công ty mẹ, phải công bố kết quả kinh doanh hợp nhất và kết quả kinh doanh của công ty mẹ.

- Nêu rõ các nhân tố rủi ro có ảnh hưởng đến lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thông tin về đợt chào bán, phát hành; giá chứng khoán; dự án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Các nhân tố rủi ro cần được phân loại theo nhóm, đặt tiêu đề phù hợp và sắp xếp theo thứ tự theo mức độ rủi ro từ cao đến thấp;

- Bản cáo bạch phải có thông tin về chủ sở hữu công ty, cổ đông lớn, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, trưởng Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng và phản ánh các thông tin về lợi ích có liên quan đến quyền lợi của cổ đông.

- Cần nêu rõ mục đích chào bán, phát hành cổ phiếu và kế hoạch sử dụng số tiền vốn thu được từ đợt chào bán. Phương án này phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;

- Trường hợp sửa đổi, bổ sung Bản cáo bạch thì công ty phát hành phải nêu rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung kèm theo lý do sửa đổi, bổ sung.

Bản cáo bạch là gì

Ví dụ về bản cáo bạch của công ty GELEX

Các thành phần trong nội dung bản cáo bạch

Mỗi công ty sẽ có một hình thức trình bày cáo bạch khác nhau, những nội dung cần phải có bao gồm:

  • Giới thiệu tổng quan về công ty: Tên công ty, địa chỉ trụ sở, lịch sử hình thành, quy mô, định hướng phát triển, mục tiêu kinh doanh, vị trí trên thị trường, các dịch vụ và sản phẩm của công ty.
  • Thông tin về hoạt động kinh doanh: Thông tin về doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, tỷ lệ tăng trưởng, thông tin về các hoạt động kinh doanh chính, chiến lược tiếp thị.
  • Thông tin về tài chính: Trình bày chi tiết về tình hình tài chính của công ty, bao gồm doanh thu, lợi nhuận, tài sản và nợ phải trả. Cần nêu rõ các chỉ số tài chính quan trọng để người đọc có thể đánh giá được tình hình tài chính của công ty.
  • Thông tin về quản lý và nhân sự: Thông tin về đội ngũ nhân viên, chính sách về nhân sự, chế độ phúc lợi và đào tạo…
  • Thông tin về quản trị: Bao gồm thông tin về ban lãnh đạo, cấp quản lý và các chính sách quản trị của công ty.
  • Thông tin về ngành và môi trường kinh doanh: Trình bày về tình hình của ngành, môi trường kinh doanh mà công ty đang hoạt động, bao gồm chính sách, cạnh tranh, các rủi ro và cơ hội trong ngành và môi trường kinh doanh.
  • Thông tin phụ: Thường ở phần cuối cùng của bản cáo bạch, bao gồm các chứng chỉ, giấy phép, bằng cấp và các thông tin khác liên quan đến công ty.

Ngoài thông tin chung, pháp luật còn có quy định cụ thể khi một công ty muốn chào bán cổ phiếu, trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ ra công chúng, cụ thể như sau:

1. Bản cáo bạch đối với việc chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng

Theo Khoản 1 Điều 19 Luật Chứng khoán 2019, bản cáo bạch đối với công ty chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng bao gồm

- Thông tin về tổ chức phát hành: Gồm mô hình tổ chức, hoạt động kinh doanh, tình hình tài sản, tài chính, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Tổng giám đốc /Giám đốc, Phó Tổng giám đốc/Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, cơ cấu cổ đông.

- Thông tin về đợt chào bán và chứng khoán chào bán: Gồm điều kiện chào bán, các yếu tố rủi ro, lợi nhuận dự kiến và kế hoạch cổ tức của năm gần nhất sau khi phát hành chứng khoán, phương án sử dụng số tiền thu được từ cổ phiếu chào bán.

- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 2 năm gần nhất.

Bản cáo bạch là gì

Thông tin cơ cấu công ty trong bản cáo bạch của CTCP Dầu khí An Pha S.G

2. Bản cáo bạch đối với việc chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng

Theo Khoản 2 Điều 19 Luật Chứng khoán 2019, bản cáo bạch đối với công ty chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng bao gồm

- Loại hình và quy mô của quỹ đầu tư chứng khoán;

- Mục tiêu và chiến lược, phương pháp và quy trình đầu tư, các yếu tố rủi ro của quỹ đầu tư chứng khoán;

- Tóm tắt nội dung cơ bản của dự thảo Điều lệ quỹ

- Phương án phát hành chứng chỉ quỹ, hướng dẫn tham gia đầu tư vào quỹ

- Thông tin tóm tắt về công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát, quy định về giao dịch với người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát;

- Thông tin khác được quy định trong mẫu Bản cáo bạch.

3. Chữ ký trong bản cáo bạch

Theo Khoản 3 Điều 19 Luật Chứng khoán 2019, đối với việc chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, Bản cáo bạch phải có đầy đủ chữ ký của những người sau:

  • Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty;
  • Tổng giám đốc/Giám đốc
  • Giám đốc tài chính hoặc Kế toán trưởng
  • Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành chính (nếu có).

Đối với việc chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, Bản cáo bạch phải có đầy đủ chữ ký của:

  • Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty
  • Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
  • Người đại diện theo pháp luật của tổ chức bảo lãnh phát hành.

Trường hợp ký thay phải có văn bản ủy quyền

Lợi ích của bản cáo bạch đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư

Đối với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, việc công bố bản cáo bạch cũng là cách để chứng minh sự tuân thủ pháp luật và cam kết với việc quản trị công ty một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, bản cáo bạch còn là công cụ để giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đối tác, qua đó tạo dựng niềm tin và sự hợp tác lâu dài. 

Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, bản cáo bạch đóng vai trò là một lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp nổi bật và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng đầu tư. Đồng thời, bản cáo bạch cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định quản trị sáng suốt, đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Cuối cùng, việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý liên quan đến bản cáo bạch còn giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có, góp phần vào việc tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Đối với nhà đầu tư

Bản cáo bạch là một tài liệu pháp lý quan trọng, cung cấp thông tin chi tiết và minh bạch về một công ty hoặc doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư có cái nhìn sâu sắc về cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp đó đang đối mặt. Thông qua bản cáo bạch, nhà đầu tư có thể hiểu rõ về lịch sử hình thành, mô hình kinh doanh, thông tin về ban lãnh đạo, sản phẩm và dịch vụ, cũng như kế hoạch và chiến lược phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Điều này giúp họ đánh giá được tiềm năng tăng trưởng, khả năng sinh lời và định giá cổ phiếu của công ty một cách chính xác hơn.

Ngoài ra, bản cáo bạch còn cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý, các rủi ro tiềm ẩn, và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư xác định được mức độ rủi ro mà họ có thể chấp nhận khi đầu tư. Thông tin về các khoản nợ, các hợp đồng quan trọng, cũng như các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và quy định của ngành cũng được trình bày một cách cặn kẽ, giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp.

Bản cáo bạch cũng là công cụ để doanh nghiệp truyền đạt niềm tin và cam kết của mình đối với việc tuân thủ các quy định pháp lý và thực hành quản trị công ty tốt. Điều này không chỉ giúp tăng cường lòng tin của nhà đầu tư mà còn góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Cuối cùng, việc sử dụng bản cáo bạch giúp tạo điều kiện cho việc giao dịch cổ phiếu diễn ra một cách minh bạch và công bằng, đảm bảo rằng tất cả các nhà đầu tư, từ cá nhân đến tổ chức, đều có quyền truy cập vào thông tin đầy đủ và chính xác về doanh nghiệp. Điều này tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh, nơi mà quyết định đầu tư được dựa trên sự hiểu biết sâu rộng và đánh giá khách quan, thay vì dựa trên tin đồn hay thông tin không chính thức. Bản cáo bạch, do đó, không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là một nguồn lực quý giá cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc xây dựng mối quan hệ đầu tư bền vững.

Xem bản cáo bạch của doanh nghiệp ở đâu?

Bản cáo bạch của doanh nghiệp được công bố trên trang thông tin điện tử của công ty (website công ty) và trang điện tử của Sở giao dịch chứng khoán (HNX, HoSE)  nơi đăng ký niêm yết cổ phiếu.

Nhà đầu tư cũng có thể xem bản cáo bạch tại văn phòng hoặc website của các công ty chứng khoán, đại lý phân phối hay các trang web chuyên về chứng khoán (như vietstock, VCFB, BVBF…)

Bản cáo bạch là gì

Nhà đầu tư có thể xem bản cáo bạch được công khai trên website của doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán

Cách đọc bản cáo bạch và khai thác thông tin tốt nhất

Đối với nhà đầu tư, việc đọc và nghiên cứu bản cáo bạch và nắm rõ tình hình công ty là vô cùng quan trọng. Ngoài việc mô tả chi tiết cấu trúc các loại cổ phiếu khác nhau và cách doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ đợt IPO, bản cáo bạch còn cung cấp những thông tin quan trọng về hoạt động của công ty cũng như chiến lược phát triển trong tương lai.

Dưới đây là các thông tin chính mà bạn cần nắm được khi đọc một bản cáo bạch của doanh nghiệp:

Chi tiết:

Trang bìa: Tên công ty, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (số ĐKKD, ngày cấp, nơi cấp, thay đổi lần thứ mấy), bản cáo bạch phục vụ mục đích gì (niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán hay phát hành thêm…), nơi cung cấp bản cáo bạch (công ty phát hành, địa chỉ, số điện thoại, website), người phụ trách công bố thông tin (tên, chức vụ, số điện thoại liên hệ). Ngoài ra, nó còn tóm tắt lịch sử và nền tảng kinh doanh của công ty, tiếp theo là những điểm mạnh cạnh tranh, cơ hội tăng trưởng, và các diễn biến phát triển gần đây của công ty.

Dựa trên những thông tin này, nhà đầu tư cần đánh giá phần tóm tắt về các yếu tố rủi ro, trong đó nêu rõ các mối đe dọa tiềm tàng có thể tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và kế hoạch tăng trưởng của họ.

Nơi niêm yết cổ phiếu, tên cổ phiếu, loại cổ phiếu, mệnh giá, số lượng niêm yết và tổng giá trị niêm yết.

Tổ chức kiểm toán và tổ chức tư vấn

Mục lục: Tại đây, người đọc có thể xem tổng quan các mục có trong bản cáo bạch để có hiểu biết một cách tổng quát.

Phần giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của công ty, vốn Điều lệ tính đến hiện tại cũng như các nhân tố rủi ro về kinh tế, luật pháp, các rủi ro đặc thù mà công ty phải đối mặt, sơ đồ tổ chức của công ty, thông tin cổ đông (số cổ phần nắm giữ, giá trị bằng tiền, tỷ lệ nắm giữ) cung cấp một cách tổng quan những thông tin về công ty.

Tiếp theo, phần hoạt động kinh doanh sẽ giúp người đọc nắm được các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và giá trị mang lại, sản lượng qua các năm, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu và tình hình nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, hoạt động marketing và các hợp đồng đã ký kết, đang thực hiện.

Tại đây, người đọc có thể hiểu về vị thế của công ty so với các doanh nghiệp trong cùng ngành và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Bản cáo bạch cũng trình bày tình hình hoạt động tài chính, tài sản hiện tại và kế hoạch sản xuất kinh doanh, lợi nhuận và kế hoạch chia cổ tức trong năm tiếp theo cũng như lịch sử chia cổ tức của các năm trước cùng những đánh giá của tổ chức tư vấn. Ngoài ra, nhà đầu tư nên sử dụng bản cáo bạch để hiểu rõ tình hình tài chính của công ty. Các doanh nghiệp lớn khi chuẩn bị niêm yết công khai phải cung cấp thông tin về hoạt động và tài chính của mình trong năm năm qua, trong khi các công ty nhỏ sắp IPO cần cung cấp dữ liệu về ba năm hoạt động gần nhất. Bằng cách xem xét các số liệu như doanh thu, thu nhập ròng, tiền mặt, nợ và các chỉ số khác, nhà đầu tư có thể đánh giá tình hình sức khỏe của công ty và hướng phát triển của doanh nghiệp.

Cuối cùng là các phục lục kèm theo và phần chữ ký của các đại diện công ty như: Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, đại diện của tổ chức tư vấn.

Các nhà đầu tư cũng có thể muốn xem xét tuyên bố về quyền sở hữu có lợi trong bản cáo bạch để xem có bao nhiêu cổ phiếu của công ty do các giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị sở hữu. Nếu một đội ngũ lãnh đạo đầu tư mạnh vào cổ phiếu của công ty, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ tự tin vào doanh nghiệp và họ có động lực lành mạnh để theo đuổi các sáng kiến ​​giúp đẩy giá cổ phiếu của công ty lên cao hơn .

Bản cáo bạch là một tài liệu quan trọng, thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với các bên liên quan. Nó không chỉ giúp tăng cường uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp mà còn là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá và quyết định đầu tư.

Trên đây, TOPI đã cung cấp đến bạn những thông tin về bản cáo bạch cũng như vai trò, lợi ích của bản cáo bạch đối với nhà đầu tư, hy vọng có thể giúp các bạn biết cách khai thác thông tin để việc đầu tư có hiệu quả.

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/MCo8WKspUmbxAq3LGGasq33gzQVv0lR3isf7Irc2.png?w=500&h=386&v=2022
logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon