Facebook Topi

26/05/2023

TOPI ACADEMY CLASS 2 - Unit 2.2: Hệ thống 6 Jars

T. Harv Eker là tác giả cuốn sách "Secrets of Millionaire Mind". Chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với quy tắc 6 chiếc lọ. Có thể bạn đã từng thử nhưng không thành công. Hoặc bạn nghĩ nó khá rắc rối nên chưa làm. Hãy để TOPI giúp bạn nhé!

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

Khi bạn nhận được bất kỳ một khoản tiền nào, có thể là lương, tiền lãi đầu tư chứng khoán, bán đồ ... Việc đầu tiên là chia số tiền nhận được thành 6 phần (mở 6 tài khoản khác nhau, 6 ngăn trong ví, 6 chiếc phong bì… tùy bạn)

Chúng ta hình tượng chúng thành " những chiếc lọ" (jars). Bao gồm:

10% FFA - Tự do tài chính

Có thể nói đây là "chiếc lọ" đầu tiên bạn cần để ra, là ưu tiên hàng đầu, và nếu hệ thống "6 jars" chỉ còn "1 jar" thì FFA là khoản đó.

Thực tế, trong cuốn sách "The richest man in Babylon" thì công thức quản lý tiền sơ khai nhất, xuyên suốt toàn bộ nội dung là 10% dành cho việc đầu tư, chi tiêu 90% còn lại.

FFA là số tiền dùng để đầu tư, bạn có thể góp vốn kinh doanh cùng người khác, mua cổ phiếu, thử mọi cách để tiền làm việc cho bạn. Hiểu đơn giản là xây dựng một hệ thống mang lại thu nhập thụ động, để bạn vẫn có tiền dù thức hay ngủ, dù làm việc hay không.

Mục đích FFA là giải phóng tâm trí bạn khỏi áp lực tiền bạc. Lúc đó, bạn tự do làm điều mình thích và tận hưởng cuộc sống.

Một yếu tố quan trọng trong đầu tư là thời gian. Bắt đầu sớm và để lãi kép hoạt động tốt hơn rất nhiều so với tỷ suất sinh lời khủng. Đó là lý do bạn cần quản lý tiền ngay.

55% NEC - Chi tiêu thiết yếu.

Tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền nhà, chợ búa, ăn uống, thanh toán hoá đơn điện/nước/internet và mọi chi phí hàng ngày khác đều nằm ở đây.

Tiền phong bì mừng cưới bạn bè người thân cũng ở đây.

Bạn bị hỏng laptop, muốn đi bảo dưỡng xe ... Số tiền bạn cần vẫn nằm ở đây.

Số tiền này dường như không thể đủ. Không sao cả! Bạn có thể theo dõi chi tiêu (chỉ đơn giản là ghi lại và theo dõi các khoản chi phí của mình hàng tháng) trong thời gian 3-6 tháng để cân đối lại các khoản chi. Cảnh báo "red flag" xuất hiện nếu NEC > 80% tổng thu nhập, lúc này bạn cần ngay lập tức tăng thu, hoặc mạnh tay cắt giảm chi phí.

10% EDU - Giáo dục

Đây là số tiền quan trọng. Tôi muốn nhắc lại: số tiền này rất quan trọng. Nếu bạn nghĩ giáo dục là tốn kém, hãy thử ngu dốt.

EDU có thể dùng cho việc mua sách, đăng ký khoá học phát triển bản thân, mời người thành công một bữa ăn/rủ họ đi cà phê để học hỏi tư duy/kinh nghiệm của họ. Có thể bạn sẽ nói: "Tại sao? Họ đã có quá nhiều tiền, họ nên tự đi ăn uống với nhau và tự thanh toán". Dĩ nhiên bạn có thể làm vậy. Nhưng bài học ở đây "Người thành công sẵn sàng trả tiền cho những thứ giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn"

Bạn cũng đừng gọi đây là "đầu tư". Trong hoạt động đầu tư, tiền (kỳ vọng) phải sinh ra tiền. EDU vẫn là chi phí, tôi gọi đó là "chi phí tốt" vì số tiền này giúp bạn đến cái đích mà bạn mong muốn: công việc thuận lợi hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn...

Hãy tích lũy EDU để mua những kiến thức thật sự chất lượng.

10% PLAY - Hưởng thụ

Làm hết sức, chơi hết mình là một phương châm sống. Nhưng phần đông lại làm như chơi, và chơi như dở hơi. PLAY là khoản tiền dành cho việc hưởng thụ, bạn có thể chi tiêu phung phí theo sở thích cá nhân và phong cách sống của mình. Đi cà phê, ăn nhà hàng, bộ quần áo mới, đồ xa xỉ... Bạn có thể "vung tay quá trán" trong hạn mức này. Bạn có thể tiêu cho bằng hết trong tháng hoặc tích lũy cho những cuộc chơi lớn. PLAY cân bằng lại mọi thứ, khiến bạn nghiêm túc với việc quản lý tiền nhưng không đẩy hành động đến giới hạn của sự nghiêm khắc.

Đôi khi mệt mỏi và nhàm chán, bạn sẽ tặc lưỡi kiểu "Kệ, tiền của tôi, tôi muốn tiêu sao thì tiêu. Bao giờ có nhiều tiền mới học cách quản lý" rồi bạn không quản lý tiền nữa. PLAY giải quyết bài toán đó.

5% GIVE - Cho đi

Cho đi định hình lối sống của bạn. Tôi sẽ nói một chút về việc cho đi:

Một. Cho đi khiến bạn cảm thấy mình giàu có, đầy đủ, dư dả, hạnh phúc hơn.

Hai. Cho đi là một kỹ năng mà nếu muốn, bạn nên học từ sớm. Tôi không tin rằng khi bạn có 10 tỷ, bạn có thể cho ai đó 1 tỷ. Nên bạn cần học dần và lặp lại thói quen khi số tiền còn đang nhỏ.

Ba. Dù bạn là ai, thử cho đi. Bạn có thể nói rằng, bạn có gia đình phải lo, bạn khó khăn, bạn nợ nần, cuộc sống bạn đầy sóng gió và bạn nên là người nhận. Thôi nào, bạn không đặc biệt đến mức cuộc sống đến thăm, vỗ vai và nói “Hey, anh bạn, tôi mang khó khăn thử thách đến cho một mình anh đây, còn lũ người ngoài kia không có đâu”. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh hết, thái độ và cách nhìn của bạn sao thôi.

Bốn. Cho người xứng đáng, không phải người cần. Tiền thì ai cũng cần hết. Người nghèo cần ít tiền. Người càng giàu càng cần nhiều tiền. Tôi chưa thấy ai không cần tiền cả. Chỉ những người thiếu tiền mới hay nói tiền không quan trọng, giống như con cáo chê chùm nho xanh trong truyện ngụ ngôn. Dù nó nói gì và nghĩ gì, nó cũng không bao giờ có chùm nho đó.

GIVE là số tiền bạn dành ra cho người bạn cảm thấy xứng đáng. Sử dụng nó hợp lý với lòng trắc ẩn.

10% LTSS - Tiết kiệm dài hạn

Điện thoại mới. Một chiếc xe. Tiết kiệm mua nhà. Những khoản tiền lớn cần tích lũy dần, tích lũy sớm đều nằm ở đây. NEC và PLAY chỉ xử lý được các chi phí nhỏ, đều đặn. Với số tiền lớn, kế hoạch dài hạn, hoặc bạn đang vay nợ, bạn cần dùng LTSS.

Nếu bạn để ý, cả 5 "chiếc lọ" ở trên đều là chi tiêu. Ngay cả FFA, dù đầu tư với kỳ vọng tiền sinh ra tiền, bạn vẫn chịu rủi ro mất tiền, có thể là một phần tiền nhưng có khi là mất trắng. Chỉ có LTSS là ở lại, là dành dụm.

Nên, dù bạn đã có nhà, có xe, bạn không có kế hoạch chi lớn, bạn vẫn nên đều đặn để ra LTSS. Trong những ngày mùa đông tài chính, khi bạn băn khoăn tự hỏi, bạn đi làm bao nhiêu năm để rồi có gì, dành ra được gì, thì LTSS sẽ an ủi bạn. Nếu bạn nhân khoản này với 10, đó là tổng tiền bạn từng kiếm ra. Điều đó sẽ cho bạn động lực.

Hệ thống "6 jars" trong thực tế: Cách giải quyết một số tình huống thường gặp

Ví dụ 1: Bạn bè hỏi vay tiền. Bạn sẽ lấy ở "chiếc lọ" nào? Tôi đánh cược bạn sẽ lấy ở NEC nếu bạn bè “vay nóng” hoặc LTSS nếu họ vay dài hạn khoảng 1 năm. Nhưng cả hai hướng xử lý này đều sai, vì bạn chưa tính trường hợp người vay chậm trả hoặc số tiền bị mất đi. Bạn cần lấy số tiền ở GIVE. Đó là khoản mục "cho đi" những người bạn cảm thấy xứng đáng. Nếu GIVE được trả lại, tốt thôi, nhưng nếu không, sẽ không có vấn đề gì quá lớn với mối quan hệ đó, vì bạn xác định trong tâm trí là đã cho rồi.

Nếu GIVE không đủ, ví dụ bạn chỉ có 5 triệu nhưng họ cần vay 10 triệu, hãy thẳng thắn rằng lúc này bạn chỉ giúp được chừng đó thôi. Học cách nói "không", rằng thời điểm này rất tiếc bạn không giúp được. Việc cả nể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của bạn.

Ví dụ 2: Bạn thu lời 120,000₫ khi bán bộ quần áo và có lãi. Số tiền này chia thế nào?

12 ngàn cho PLAY, 6 ngàn cho GIVE v.v.. Cứ theo công thức vậy hả? Lời khuyên là đừng trở thành một người quá chi li. Số phần trăm chỉ mang tính tương đối. Thói quen mới là quan trọng.

(1) Bạn có thể làm tròn con số nhỏ nhất thành 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn... Như vậy có thể chia thành 10 ngàn PLAY, 10 ngàn EDU ...

(2) Hoặc thoáng hơn nữa, bạn lấy một nửa cho FFA còn một nửa cho NEC. Bỏ qua một số "chiếc lọ" khác khi số tiền nhận được nhỏ.

Ví dụ 3: tháng "bội chi". Vì nhiều lý do, NEC của bạn hết sạch trong tháng.

Trình tự giải quyết sẽ thế này: bắt đầu với PLAY, tháng đó không chơi nữa. Rồi đến LTSS, vì đó là khoản tiết kiệm. Tiếp theo, sử dụng số tiền trong EDU. Khoản GIVE khiến bạn cảm thấy giàu có, nên khi các khoản khác đã "cháy" bạn mới xài đến. Cuối cùng là FFA, số tiền mua sự tự do của bạn. Hy vọng bạn không rơi vào hoàn cảnh tệ nhất. Nhưng bạn cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Giai đoạn khủng hoảng có thể khiến bạn cháy túi, khánh kiệt, công sức quản lý tiền thời gian qua dường như đổ sông đổ bể. Nhưng bạn cần biết là, các triệu phú tỷ phú cũng có lúc từng phá sản. Họ gây dựng lại khối tài sản bằng tư duy của mình. Từ khoá là "thói quen". Khi bạn gây dựng được thói quen quản lý tiền đúng đắn, kỷ luật, thời kỳ đen tối rồi sẽ qua, và bạn sẽ làm lại tốt hơn. Vì thế, quản lý tiền không phải là kỹ năng bạn nên học khi bắt đầu có tiền dư. Ngược lại mới đúng.

Nếu bạn chứng tỏ rằng bạn có thể quản lý được số tiền lớn hơn, bạn mới có nhiều hơn. Đừng quên theo dõi TOPI để cập nhật thêm các kiến thức khác về tài chính cá nhân nhé!

Quản lý tài chính cá nhân cùng TOPI

 

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/yb1eTdsQWerFdzUQPOGqlSs1cz5mJ8M7eu95jxJz.jpg?w=500&h=386&v=2022https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/OR1Ol8SM6qbwCOqQ7r0rUqOMd1okayi8MIFWxOEF.jpg?w=500&h=386&v=2022

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI