Facebook Topi

19/01/2024

Sinh viên mới ra trường - Nên xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân như thế nào?

Đối với sinh viên mới ra trường, lập kế hoạch tài chính cá nhân là một quá trình dài hạn và cần sự kiên nhẫn cùng kỷ luật. Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn đảm bảo tài chính cá nhân ổn định và đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai.

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Vừa mới ra trường là một ngưỡng cửa cuộc đời quan trọng và đầy khó khăn đối với mỗi sinh viên. Lúc này, các em phải tự lập hoàn toàn với sự trợ giúp ít ỏi từ người thân thậm chí với một số em sẽ không có. Vậy làm thế nào để sinh viên mới ra trường xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân cho hợp lý để đảm bảo cuộc sống trôi chảy vẫn diễn ra? Tham khảo ngay từ bài viết này nhé!

1. Vì sao sinh viên mới ra trường cần thiết có kế hoạch tài chính cá nhân cho riêng mình?

Vì sao sinh viên mới ra trường cần thiết có kế hoạch tài chính cá nhân cho riêng mình?

Kế hoạch tài chính thông minh cho sinh viên mới ra trường

Thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp sinh viên mới ra trường:

- Thành thạo trong quản lý tài chính về sau 

Kế hoạch tài chính cá nhân giúp các sinh viên dần trở nên thành thạo hơn trong việc quản lý tiền bạc.

Với những sinh viên còn chưa có việc làm, chắc chắn sẽ căng thẳng tài chính, dễ nợ nần. Việc thực hiện theo kế hoạch tài chính đã đặt ra giúp bạn cân bằng và ổn định tâm lý, kiểm soát được tình trạng nợ nần, không vượt quá khả năng trả nợ của bản thân.

Còn đối với các bạn sinh viên đã có việc làm, lương cũng sẽ không cao lắm, làm theo kế hoạch quản lý tài chính đã thiết lập sẵn giúp họ biết cách thu chi một cách có trật tự, tránh lãng phí và đảm bảo rằng bạn có đủ tiền để chi trả các khoản chi tiêu cần thiết chẳng hạn như tiền thuê nhà, ăn uống đi lại… mà vẫn có dư một khoản nhỏ để vui chơi, giải trí cùng bạn bè và đồng nghiệp.

- Tạo dựng thói quen tích luỹ và đầu tư

Tiết kiệm để tích luỹ và dự trữ được nhiều hơn. Có những bạn sinh viên dù mới ra trường với đồng lương thấp nhưng tiết kiệm trong thời gian nửa năm đến một năm đã có một khoản tiền kha khá để tham gia vào các mô hình đầu tư dài hạn và ngắn hạn.

Chỉ khi đầu tư thì cơ hội nhận về lãi suất mới cao và có khả năng đạt được những mục tiêu tài chính lớn hơn nữa trong tương lai - những mục tiêu mà cá nhân bạn không dám mơ đến nếu không thực hiện quản lý tài chính cá nhân cẩn thận.

- Phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra

Những tình huống khẩn cấp như ốm đau, bệnh tật, tai nạn… người nhà sẽ không thể có mặt kịp thời để chi trả những chi phí phát sinh đó. Hoặc các trường hợp bất ngờ như xe hỏng, điện thoại hỏng… và hàng ngàn lý do khác cần bạn tiêu tiền. Thì bắt buộc các bạn sinh viên phải có một khoản dự phòng cho những tình huống này.

Sinh viên mới ra trường là đang bước vào một giai đoạn đầy gập ghềnh và trắc trở, vì vậy, xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân là cần thiết và quan trọng cho sự trưởng thành và đảm bảo tài chính ổn định, bền vững cho tương lai.

2. Những bước để lập kế hoạch tài chính cá nhân dành cho sinh viên mới ra trường

Những bước để lập kế hoạch tài chính cá nhân dành cho sinh viên mới ra trường

Những bước giúp thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý

Bước 1, Xây dựng ngân sách dựa theo mục tiêu tài chính

Tạo một ngân sách chi tiêu hàng tháng. Ghi chép lại toàn bộ thu nhập và tất cả các chi phí hàng tháng của bạn. Điều này giúp bạn biết được bạn đang tiêu tiền như thế nào và có cơ hội để cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Những khoản tiền như tiền điện, nước có thể xài tiết kiệm hơn để cắt giảm chi phí. Khi tiền bạc chưa dư dả, tuyệt đối không nên sa đà vào chi tiêu những thứ như đồ dùng cá nhân, quần áo, giày dép… Những thứ tiêu sản chỉ khiến tiền bạc của bạn ngày càng hao hụt mà thôi.

Cần xác định rõ mục tiêu mà bạn cần đạt được khi quản lý tài chính cá nhân là gì, trong đó có thể bao gồm việc trả nợ, tiết kiệm mua nhà, tích luỹ đầu tư, học thêm lên cấp cao hơn, học thêm chứng chỉ ngoại ngữ, du lịch… Những mục tiêu này cần có thời gian hoàn thành cụ thể, có như vậy mới tạo thêm động lực, tiếp sức cho bạn thực hiện theo kế hoạch tài chính cá nhân mà mình đã đặt ra.

Bước 2, Tiến hành lập kế hoạch tài chính chi tiết

Có nhiều cách để lập kế hoạch tài chính cá nhân, sinh viên cũng có thể áp dụng một số quy tắc chi tiêu phổ biến như: quy tắc Kakeibo, quy tắc 50 20 30, quy tắc 6 chiếc lọ… tuỳ theo sở thích và khả năng tài chính của mỗi người. Nhưng cần phải đảm bảo có những khoản mục như sau:

- Chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu

Là các khoản cố định tháng nào cũng cần có để chi trả như tiền nhà trọ, tiền xăng xe đi làm, internet, tiền ăn uống cơ bản, các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Phải trích tiền cho khoản này đầu tiên khi thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân.

Những khoản không chi trả cố định hàng tháng sẽ là những khoản không thiết yếu, ví dụ chi phí phục vụ cho các cuộc vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống thêm ở ngoài… Nên hạn chế các khoản này lại, mỗi tháng chỉ nên để một ít tiền cho các khoản này, nếu chi tiêu hết rồi thì cần dừng và tiết chế không chi tiền thêm nữa.

- Cắt giảm chi phí thiết yếu nếu cần

Một số cách cắt giảm chi phí thiết yếu mà sinh viên có thể tham khảo đó là: nấu ăn tại nhà và mang cơm đi làm, tiết kiệm điện, nước khi không có nhu cầu sử dụng, thay sửa các thiết bị điện nước bị hỏng để tránh hư hao, có thể sử dụng bếp gas thay vì bếp điện, do tiền điện tại các khu trọ cao hơn hộ gia đình bình thường…

- Trả nợ

Nếu bạn có nợ học phí hoặc nợ trả góp khác, hãy tạo một kế hoạch để trả nợ dần dần. Thanh toán nợ là một ưu tiên quan trọng để giảm bớt áp lực tài chính.

- Tiết kiệm và đầu tư

Đặt mục tiêu tiết kiệm hàng tháng và đầu tư cho tương lai. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tạo một quỹ dự phòng khẩn cấp (dành cho những tình huống cấp bách và phát sinh bất ngờ) và sau đó xem xét các cơ hội đầu tư dài hạn như mở tài khoản tiết kiệm, đầu tư vào cổ phiếu hoặc quỹ đầu tư.

- Xem xét đến vấn đề bảo hiểm

Sau khi không còn là sinh viên nữa thì bạn sẽ không còn được hưởng quyền lợi bảo hiểm sinh viên. Nếu như bạn mới ra trường nhưng đã có việc làm thì khoản BHYT, BHXH sẽ do công ty đóng và trích một phần từ lương của bạn. Nhưng nếu như bạn chưa có việc làm, thì nên xem xét đóng BHYT vì chúng thực sự hỗ trợ và giúp ích rất nhiều trong trường hợp bạn có bệnh và cần phải thăm khám, điều trị.

Bước 3, Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch tài chính cá nhân thường xuyên

Do cuộc sống và tình hình tài chính luôn có sự thay đổi nhất định, buộc bạn phải thích nghi. Hãy chủ động ghi lại tất cả những khoản thu chi phát sinh để kịp thời cân đối lại tài chính của mình.

Đối với sinh viên mới ra trường, phát sinh thường xuyên nhất có thể kể đến là các chi phí để xây dựng các mối quan hệ xã hội như mối quan hệ với đồng nghiệp, mối quan hệ với đối tác.

Điều này là thực sự cần thiết, bởi vì các mối quan hệ sẽ giúp chúng ta thích nghi với môi trường làm việc nhanh đồng thời có thêm các cơ hội việc làm khác, lương hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần đề phòng và chỉ tham gia các mối quan hệ này nếu thấy đó là điều đúng đắn. Các cuộc ăn chơi vô bổ chỉ khiến bạn hư hao tiền bạc và không đem lại kết quả gì.

Một khi đã lập ra kế hoạch quản lý chi tiêu cá nhân, các sinh viên cũng cần phải đưa mình vào khuôn khổ và kỷ luật để thực hiện. Có thể thì sự mới thành!

3. Một số lưu ý khi lập kế hoạch tài chính cá nhân cho sinh viên mới ra trường

Lưu ý khi lập kế hoạch tài chính cá nhân cho sinh viên mới ra trường:

- Hiện nay, có rất nhiều bài viết hướng dẫn cách lập kế hoạch tài chính cá nhân, nhưng bạn nên lập kế hoạch dựa trên tình hình tài chính thực tế của bản thân, cách thức thực hiện dễ dàng và gần gũi với bản thân nhất. Không nên bắt chước hoàn toàn, mọi ý kiến của các chuyên gia hoặc người khác chỉ mang tính chất tham khảo, bởi không ai hiểu bạn bằng chính bạn.

- Nên theo dõi thu chi theo từng giai đoạn, theo tuần hay theo tháng đều được, để có thể kịp thời điều chỉnh tiền bạc hợp lý nếu có những sự kiện ngoài ý muốn phát sinh.

- Sử dụng các công cụ hỗ trợ việc lên kế hoạch, có gì dùng nấy, sách bút, máy tính, điện thoại… đều được. Một số công cụ tính toán sẵn như Google trang tính, excel, các ứng dụng thống kê chi tiêu, lên kế hoạch tài chính sẵn… đều có thể áp dụng.

Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch tài chính cá nhân thường xuyên

Những lưu ý giúp bạn thiết lập tài chính cá nhân hợp lý hơn

Tóm lại, khi sinh viên mới ra trường, việc phải tự lập tự kiếm tiền và chi tiêu sẽ có những áp lực nhất định. Khi bắt đầu kiếm ra tiền, họ có thể dễ sa đà vào các khoản chi như ăn uống, mua sắm, đồ dùng cá nhân, đi chơi với bạn bè đồng nghiệp.

Lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân lúc này là cực kỳ cần thiết, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang, lương cơ bản nhiều khi không đủ chi trả cho cuộc sống. Đây cũng là một cách rèn luyện kỹ năng chi tiêu để tương lai bạn có thể đạt được nhiều điều mong ước hơn nữa. Hãy cùng TOPI xây dựng cho mình kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý bạn nhé!

Xem thêm:  5 Cách tiết kiệm tiền của người Nhật giúp bạn nhanh giàu

Bài viết liên quan

logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger