Ruble Nga mất giá do nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu năng lượng giảm, trong khi nhập khẩu lại tăng do các công ty xây chuỗi cung ứng mới. Hiện tỷ giá đang khoảng 73,8 ruble một USD. Đây là mức thấp nhất kể từ 4/2022.
Thế giới đang trông chờ việc kinh tế Trung Quốc bật lại sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu và đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cảnh báo việc này có thể mang lại hiệu quả ít hơn kỳ vọng của các chính phủ và doanh nghiệp do chính nước này cũng đang ngập trong rắc rối và người dân vẫn ngại chi tiêu.
Tuần qua, giá vàng thế giới lao dốc sau khi dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố, dấy lên triển vọng rằng Fed sẽ trở lại với lập trường bảo thủ hơn để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Giá vàng thế giới đã giảm 1,3% so với tuần trước, chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.842,2 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng trong nước liên tục biến động tăng giảm. Tính chung tuần, giá vàng SJC đã giảm 150.000 - 350.000 đồng/lượng. Hiện, giá mua vào/bán ra của vàng miếng SJC đang ở mốc 66,35 - 67,17 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác ổn định trong phiên cuối tuần, đồng loạt đứng yên ở cả hai chiều giao dịch.
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch thận trọng, VN-Index tăng nhẹ 4,01 điểm so với tuần trước lên mức 1,059.31 điểm. Các quỹ mở cổ phiếu vẫn duy trì hiệu quả hoạt động so với thị trường, mức độ rủi ro của danh mục luôn được duy trì thấp hơn thị trường chung. Trong đó, chứng chỉ quỹ cổ phiếu SSISCA đang có hiệu suất hoạt động tốt nhất trong tuần qua với mức tăng 7,18%.
Trong tuần vừa qua, các quỹ mở trái phiếu vẫn duy trì mức lợi nhuận ổn định với tỷ suất sinh lời dương. Trong đó, chứng chỉ quỹ trái phiếu VCBF-FIF đang có mức hiệu suất tốt nhất với mức tăng 1,67%.