Facebook Topi

27/10/2022

Bài dự thi của Thanh Kha

icon-fb
icon-x
icon-pinterest
icon-copy

Các nội dung chính

Để hưởng ứng mini game Đầu tư tuổi 20 - #InvestAt20, mình xin chia sẻ câu chuyện của bản thân trong quá trình tìm tòi, học hỏi quản lý tài chính cá nhân, đầu tư, những sai lầm gặp phải và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ chính những sai lầm của mình. Trong câu chuyện là toàn bộ những tâm tư, mong đợi, từng giai đoạn trưởng thành tâm lý của bản thân mình trên con đường xây dựng tài chính cá nhân, có những sai lầm mình mắc phải có thể nói là “ngây ngô” nên mong mọi người trong qua trình đọc xin đừng cười. Vì mình tham gia thị trường chứng khoán chưa được lâu nên những hiểu biết mình còn hạn chế nên qua bài viết này mong mọi người góp ý thêm. Mình xin cảm ơn!

𝟏. 𝐆𝐢𝐚𝐢 đ𝐨𝐚̣𝐧 𝐤𝐡𝐮̉𝐧𝐠 𝐡𝐨𝐚̉𝐧𝐠

Mình sinh ra trong một gia đình bình thường ở nông thôn, bố mình làm thợ cơ khí, mẹ làm thợ may. Mình là con trai cả và có đứa em gái cách mình 07 tuổi. Năm 2019, mình tốt nghiệp Đại học và làm việc trong cơ quan nhà nước. Khi bản thân có thể tự lo cho mình và tự làm ra được những đồng tiền quý giá đầu tiên, mình rất vui, mỗi tháng mình gửi về nhà một khoảng để phụ giúp ba mẹ nuôi đứa em gái ăn học và dành một khoảng tiết kiệm cho bản thân.

Vì không có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và cũng như hiểu biết về các loại hình đầu tư, các loại tài sản, nên mình luôn chật vật trong vấn đề tiền bạc. Dù có nhiều dự định trong tương lai như lấy vợ, sinh con, mua nhà, nghỉ hưu thì với việc tiết kiệm mỗi tháng như mình làm hiện tại thì không bao giờ có thể đủ tiền để thực hiện được những dự định trên, đó là chưa kể đến việc mức lương công chức còn không theo kịp lạm phát hàng năm.

Nhìn những người cùng tuổi làm lương cao, mình khá là áp lực, tự hỏi làm sao mình có thể cải thiện vấn đề kinh tế hiện tại của bản thân? Mình thử đi làm thêm nhiều việc khác nhau, nhưng cái cảm giác chán ghét khiến bản thân dừng lại. Không một mục tiêu, không một kế hoạch tài chính, tiết kiệm thì không giải quyết triệt để được vấn đề của mình.

𝟐. 𝐆𝐢𝐚𝐢 đ𝐨𝐚̣𝐧 𝐦𝐚̆́𝐜 𝐬𝐚𝐢 𝐥𝐚̂̀𝐦

Chật vật với những suy nghĩ về tài chính, mình tìm đến sách để đọc. Cuốn sách mình đọc đầu tiên là Rich Dad, Poor Dad của Robert Kiyosaki, lần đầu tiên được biết đến những thuật ngữ như “tài sản”, “tiêu sản”...và mình biết được muốn thịnh vượng về tài chính, bắt buộc mình phải học đầu tư. Sau đó, mình đọc cuốn sách Phương pháp đầu tư của Warren Buffet của Robert G. Magstrom, mình dường như được khai sáng với những triết lý đầu tư của ông. Đồng thời, mình cũng nghiên cứu những video trên Youtuber của Thành Công - TC để trang bị thêm kiến thức cho mình để bước chân vào thị trường chứng khoán.

Dù chưa biết đọc “báo cáo tài chính”, “cắt lỗ”, “chốt lãi”, “phân tích kỹ thuật”, “phân tích cơ bản”,....nhưng với máu liều của một F0 và lượng kiến ít ỏi mà bản thân có được, tháng 06/2021 mình trích ra hơn 50% số tiền mình tiết kiệm được sau 02 năm đi làm để mua cổ phiếu MBB. Năm 2021 là năm của chứng khoán, người người, nhà nhà đều nhắc đến chứng khoáng, vì thấy đứa bạn mấy tuần trước mua MBB đã chốt lãi 10%, quá dễ dàng để nhanh giàu. Mình tự tin có thể dễ dàng kiếm được mức lợi nhuận 30%, 50% một năm nữa cơ. Suy nghĩ lúc đó của mình đơn giản lắm, phân tích cơ bản:”MBB là ngân hàng quân đội, quân đội thuộc nhà nước, nhà nước còn thì ngân hàng còn, mình mua MBB thì kiểu gì trả lãi, bạn mình làm được thì mình làm được”, mình mua mã MBB ngay đúng đỉnh. Đến ngày 05/7/2021, thị trường điều chỉnh, tài khoản mình đỏ rực, nhưng mình vẫn nắm giữ.

Sau đó mình đọc thông tin thì biết ngày 13/7/2021, MBB chia cổ tức với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu, mình tưởng đây là cơ hội để lấy lại số vốn để bị mất nên mình đã chi thêm tiền để mua thêm cổ phiếu MBB. Và kết quả thì chắc mọi người cũng biết, mình tiếp tục lỗ, sau ngày 13/07/2021, cổ phiếu MBB tiếp tục giảm. Mình tiếc nuối, cay cú, và chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn.

𝟑. 𝐆𝐢𝐚𝐢 đ𝐨𝐚̣𝐧 𝐨̂̉𝐧 đ𝐢̣𝐧𝐡 𝐭𝐚̂𝐦 𝐥𝐲́ 𝐯𝐚̀ 𝐭𝐫𝐨̛̉ 𝐥𝐚̣𝐢

Mình rất buồn, chán nản và thở dài liên tục trong suốt nhiều ngày liền. Nhưng sau đó, mình quyết tâm trở lại, nhưng không phải theo cách điên cuồng tham gia lại thị trường chứng khoán như con bạc bị thua bài. Mình trở lại với tâm thế thận trọng hơn, biết người biết ta hơn.

Qua kênh Youtube của Thành Công - TC, mình biết đến Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam – Vietnam Wealth Advisors (VWA), Kênh Tài chính & Kinh doanh, mình đọc và xem video từ 02 nguồn này rất nhiều, qua đó mình biết đến tháp tài sản, các loại tài sản, con đường độc lập tài chính,....mình rất vui vì có thể đọc được những bài viết chất lượng, những kiến thức thực tế được mọi người trong cộng đồng tận tình chia sẻ. Ngoài ra, mình cũng folow Chàng Ngốc Già (Tiến sĩ Võ Đình Chí) để được nghe thầy chia sẻ những kiến thức về đầu tư. Đồng thời, mình cũng mua sách về để đọc, tự nghiên cứu về thị trường chứng khoán, quản lý tài chính cá nhân, từ đó áp dụng vào thực tế đời sống của mình. Từng bước, từng bước, mình xây dựng những viên gạch vững chắc cho tháp tài sản của bản thân.

Mình bỏ qua tư tưởng làm giàu nhanh, bởi vì nó không bền vững và khả thi. Mình không còn bị fomo theo thị trường nữa, thay vào đó, mình lên kế hoạch tài chính cho bản thân 03 năm, 05 năm ,10 năm, sau đó giữ tâm lý kiên trì thực hiện. Mình xác định những cột mốc tài chính mà bản thân có thể đạt được, từ đó tính toán ra tỷ lệ tiết kiệm, mức rủi ro có thể chịu đựng, lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp và con số tăng trưởng kỳ vọng hợp lý (chứ không phải 30%, 50%/năm như ban đầu).

Hiện tại, mình đầu tư vào đều đặn vào quỹ ETF VN30 và VN Diamond trên thị trường chứng khoán, và mình cũng mua thêm chứng chỉ quỹ của công ty quản lý quỹ Dragon Capital, VinaCapital, đồng thời mình dành 5% tổng tài sản của mình để mua vàng cất trữ. Ngoài việc tập trung vào công việc chuyên môn, thì mục tiêu trong tương lai của mình là tiếp tục trao dồi kiến thức về thị trường chứng khoán để có thể tự tin chọn lọc những cổ phiếu tiềm năng để nắm giữ. Mình hiện tại chỉ mới 25 tuổi và mình biết rằng con đường phía trước của mình còn rất dài, cơ hội luôn ở phía trước, quan trọng bản thân mình có đủ khả năng để nhận ra và nắm bắt nó hay không thôi.

𝐐𝐮𝐚 𝐜𝐚̂𝐮 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̣̂𝐧 𝐜𝐮̉𝐚 𝐛𝐚̉𝐧 𝐭𝐡𝐚̂𝐧, 𝐦𝐢̀𝐧𝐡 𝐫𝐮́𝐭 𝐫𝐚 đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜 𝐧𝐡𝐮̛𝐧𝐠 𝐛𝐚̀𝐢 𝐡𝐨̣𝐜 𝐬𝐚𝐮:

1/ Trước khi tham gia vào một lĩnh vực, bản thân phải tìm hiểu thật kỹ về lĩnh vực đó, để bản thân ta biết rằng ta đang làm gì trong đó và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng mắc sai lầm.

2/ Hãy học về tiền và những kiến thức quản lý tài chính cá nhân càng sớm càng tốt

3/ Hãy tiết kiệm. Cứ tiết kiệm. Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới không lường trước được.

4/ Phải có kế hoạch, mục tiêu tài chính cụ thể cho từng giai đoạn của cuộc đời, để bản thân ta biết phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó.

5/ Hãy khao khát kiến thức, bởi vì kiến thức là sức mạnh, có kiến thức thì bản thân mới ổn định được tâm lý, kiến thức sẽ dẫn đường cho ta đến với mục tiêu của mình.

6/ Hãy học thật nhiều và đọc thật nhiều

Những cuốn sách đã mở mang rất nhiều đầu óc mình, tiêu biểu đó là:

* Làm giàu từ chứng khoán của William J.O’Neil

*Bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall của Burton G. Malkiel

* Tâm lý học về tiền của Morgan Housel

7/ Hãy đầu tư càng sớm càng tốt, để khoảng đầu tư của bản thân tận dụng được triệt để sức mạnh của lãi suất kép.

Mình cảm ơn mọi người đã đọc hết câu chuyện của mình. Qua câu chuyện trên, mình mong đã mang lại chút gì đó giá trị cho mọi người.

Chúc Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam – Vietnam Wealth Advisors (VWA) của chúng ta luôn vững mạnh. Chúc mọi người năm 2022 bình an, hạnh phúc và đạt được những mục tiêu tài chính của bản thân.

Xem bài viết tại đây

https://9746c6837f.vws.vegacdn.vn/resize/thumb_banner/0/0/0/0/MCo8WKspUmbxAq3LGGasq33gzQVv0lR3isf7Irc2.png?w=500&h=386&v=2022
logo-topi-white

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VAM

Tầng 11, Tháp văn phòng quốc tế Hòa Bình, 106 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Quét mã QR để tải ứng dụng TOPI

icon-messenger
float-icon